Nguyễn Thanh Vân: ‘Rất khó để không lặp lại chính mình’

“Thành thật với chính mình và chân thành với cuộc sống”, đạo diễn “Đời cát” và “Người đàn bà mộng du” Nguyễn Thanh Vân đã nói về mình như vậy.

– Khi được giải, người đầu tiên anh báo tin là ai?

– Là mẹ. Mẹ tôi theo dõi truyền hình trực tiếp lễ trao giải. Bà nói tôi ăn mặc chưa đẹp, nói năng còn ấp úng quá. Đúng là các bà mẹ. Luôn quan sát, chăm chút con từng ly từng tí. Còn vợ tôi (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, đang học tại Mỹ) thì mấy ngày sau về Hà Nội tôi mới báo. Giang nói: “Tại sao mọi người mail sang nồng nhiệt vậy mà chồng lại có vẻ bình thản thế”. Tôi nghĩ đó là câu chia sẻ hơn là câu trách. Vì Giang rất hiểu cảm xúc của tôi đằng sau sự bình thản ấy.

– Sao anh không tham gia cuộc hội thảo nghề nghiệp duy nhất tại LHP?

– Vì buổi sáng đó, tôi đi xem xét, ngó nghiêng, khám phá vùng đất Tây Nguyên đầy hấp dẫn. Đối với tôi, cảm giác nói trước đám đông là một điều thật khó khăn. Tôi thích trao đổi nghề nghiệp trong một nhóm nhỏ, với những người bạn hữu thân nhất. Vả lại tôi quen với sự tự day dứt, mổ xẻ về nghề nghiệp một cách lặng lẽ, âm thầm trong chính suy nghĩ của mình.

– Đạo diễn Lê Hoàng là tâm điểm của cuộc hội thảo đó. Anh nghĩ gì về những thành công của Lê Hoàng?

– Thành công ở điểm gì? Sự nổi tiếng, kiếm tiền giỏi, hay thành công trong nghề nghiệp? Với riêng tôi, Lê Hoàng thành công nhất trong nghề nghiệp chính là ở phim Lưỡi dao làm cách đây khoảng mười năm. Tôi còn nhớ mãi sau khi xem xong, tôi và nhiều đồng nghiệp đã kéo nhau ra một quán nước ngồi và cảm giác bần thần đã ám ảnh chúng tôi rất lâu, vì Lưỡi dao hay quá. Với tác phẩm ấy, chúng tôi thực sự nể trọng đồng nghiệp của mình.

– Bông sen bạc của LHP gây nhiều bàn cãi trong giới làm nghề. Nếu được là giám khảo, anh sẽ chọn phim truyện nhựa nào đoạt giải Bông sen bạc?

– Một câu hỏi thật khó vì tôi tin tưởng tuyệt đối vào năng lực và sự công tâm của Ban giám khảo. Phim Thời xa vắng tôi chưa được xem nên không có ý kiến gì. Những phim còn lại, nếu được quyền lựa chọn, ở góc độ người làm nghề và cảm nhận điện ảnh nói chung, tôi sẽ chọn Mê Thảo – thời vang bóng và Vua bãi rác. Còn Lưới trời là đương nhiên rồi. Với tôi hai phim này đều có “mùi vị” của nó, có thể chưa thật thơm nhưng rất mạnh, rất quyến rũ, làm người ta phải nhớ.

– Anh có thể kể về quá trình làm phim “Người đàn bà mộng du”?

– Năm 2001, khi tôi đang làm phó đạo diễn cho Nhuệ Giang phim Thung lũng hoang vắng ở Sa Pa thì anh Nam (Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam) lên thăm đoàn và đưa cho tôi kịch bản Người đàn bà mộng du. Tôi còn nhớ nguyên văn câu anh Nam nói: “Vân giúp hãng”. Tôi đọc kịch bản ngay lập tức. Trước tiên, tôi tin một kịch bản bắt nguồn từ Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành rất nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì đó là điểm xuất phát tốt. Đọc xong kịch bản, tôi tin tưởng chắc chắn Hồng Ánh có thể đảm nhận được vai Quỳ. Đấy chính là hai điều quan trọng nhất khiến tôi quyết định nhận lời làm phim ngay tại Sa Pa. Mặc dù Giang cũng rất ái ngại cho tôi vì biết làm phim này sẽ là “cả một trời khó khăn”.

– Điều gì anh tâm đắc nhất với bộ phim này?

– Tôi đã tìm được một nhịp điệu của phim và tôi rất hài lòng với sự tìm kiếm đó. Nhịp điệu đó thể hiện trong từng hình ảnh, từng bước đi của nhân vật, trong cả âm nhạc của phim. Và đó chính là sự khác biệt rất quan trọng giữa ngôn ngữ điện ảnh và văn học. Rất có thể nhiều người chán với nhịp điệu phim này. Có thể phim cũng kén khán giả.

– Nhiều người cho rằng kén đồng nghĩa với ít khán giả?

– Nếu mọi người biết Đời cát là một trong 4 phim Việt Nam đông khán giả nhất của các rạp năm 2003 thì sẽ không nói với tôi câu ấy.

– Nhiều người nghĩ “Người đàn bà mộng du” là sự “giẫm chân” lại của “Đời cát”?

– Giá như mọi người biết tôi đã nỗ lực, vất vả thế nào để tìm kiếm một cách thức thể hiện khác, để không lặp lại chính mình trong Đời cát. Thật khó khăn. Tôi chỉ kiểm soát được công việc mình làm chứ không kiểm soát được sự đánh giá của mọi người.

– Kỷ niệm anh nhớ nhất với “Người đàn bà mộng du”?

– Tôi đã khóc nhiều lần mỗi khi làm kịch bản phân cảnh. Nhà thì chỉ có một căn phòng nhỏ, Giang bảo “Vân vô duyên thật, chưa làm mà đã tự cảm động”.

– Chị Giang giúp đỡ trong việc làm phim như thế nào?

– Giúp nhiều chứ. Giang là người “nhặt sạn, dọn vườn” rất kỹ tính cho phim.

– Cả hai cùng là đạo diễn, như thế là thuận lợi hay bất lợi trong công việc?

– Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy tốt đẹp. Vẫn là sự hết sức tôn trọng cá tính sáng tác, cảm nhận nghệ thuật của nhau. May mắn là cho đến giờ phút này, phim của Giang vẫn là của Giang, của Vân vẫn là của Vân, chứ không có phim nào bị gọi là phim Vân-Giang hoặc Giang-Vân.

– Trong tình yêu của hai người, có 1% lý do nào yêu nhau là vì cùng nghề, dễ chia sẻ, thông cảm với nhau?

– Điện ảnh chỉ là cơ hội để chúng tôi đến với nhau. Đúng là trời định. Trước đó, ở trường Kiến trúc, Giang học trên tôi mấy khóa mà chúng tôi cũng không hề biết nhau. Năm thứ tư của Kiến trúc, tôi quyết định bỏ để chuyển sang học đạo diễn điện ảnh. Khi ấy, Giang đã tốt nghiệp Kiến trúc và cũng quyết tâm học đạo điễn. Tôi cũng không biết Giang là con gái của NSND, đạo diễn Phạm Văn Khoa. Còn Giang cũng chẳng biết tôi là con của NSND, đạo diễn Hải Ninh. Tình yêu đến khi tôi và Giang cùng đi thực tập phim Đứng trước biển của chú Trần Phương năm 1984. Đến năm 1988, tốt nghiệp ra trường chúng tôi lấy nhau ngay.

– Bóng của hai NSND gạo cội trong ngành điện ảnh có ảnh hưởng tới phong cách sáng tác của hai đạo diễn “con” như thế nào?

– Ảnh hưởng duy nhất là sự đam mê, tâm huyết với điện ảnh.

– Có cảm giác là anh luôn muốn đứng ngoài những cuộc tranh cãi về nghề nghiệp, anh nghĩ sao?

– Tôi không muốn và cũng không thích, cảm thấy không cần thiết với mình. Cái bổ ích nhất đối với tôi là sự tự thân, âm thầm tìm kiếm và vận động trong sáng tác.

(Theo Thanh Niên)

Nguồn từ vnexpress


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply