Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về Roman Karmen

Bộ phim màu “Việt Nam” vừa được trình chiếu trên VTV1 là kết quả làm việc say mê của đạo diễn người Nga Roman Karmen. Trong hồi ức cũng như trong những thước phim của mình, đạo diễn dành sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng mà theo ông, lại rất am hiểu lĩnh vực văn hóa.

R. Karmen đặt chân đến VN ngày 24/5/1954. Ông đến bằng một chuyên cơ do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh thu xếp để bay tới Bắc Kinh rồi cấp tốc theo đường bộ đến biên giới Trung – Việt. Nhưng cuộc kháng chiến đã thắng lợi mau chóng khiến khi R. Karmen vượt biên giới vào khu giải phóng thì chiến thắng Điện Biên đã được hơn nửa tháng. Cùng đi với Karmen còn hai đồng sự Xô Viết là Evghnhi Mukhin và Vladimir Echurin.

Với sự cộng tác chặt chẽ cùng các nhà điện ảnh Việt Nam cũng như khai thác những thước phim của các đồng nghiệp Việt Nam, đạo diễn R. Karmen đã miệt mài lao động, quay rất nhiều thước phim màu về thời gian cuối cùng Bác Hồ và bộ máy lãnh đạo cuộc kháng chiến còn trên Việt Bắc, ngày hội giải phóng sôi nổi ở Hà Nội và những ngày hòa bình khôi phục kinh tế đầu tiên của miền Bắc.

Ông rời Hà Nội cũng trên một chiếc chuyên cơ, cất cánh từ sân bay Gia Lâm. Ngoài bộ phim mà chúng ta đã xem, Karmen còn viết một tập hồi ức về chuyến làm phim ở VN mang tựa đề Ánh sáng trong rừng thẳm – ghi chép của một nhà quay phim được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Liên Xô in năm 1957.

Trong hồi ức, R. Karmen dành cảm tình và có ấn tượng đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông viết: “Có những cuộc gặp đã ghi lại trong ký ức suốt một đời người, để lại trong tâm thức và trong lòng một vết hằn sâu đậm không có gì sánh nổi. Đó là cuộc gặp của chúng tôi với đồng chí Hồ Chí Minh. Chúng tôi đi men theo một con đường mòn hẹp, men theo một vực thẳm, bên dưới có tiếng thác lũ vang lên. Rồi chúng tôi đi sâu vào một rừng tre, rừng cọ và chuối dại… chợt thấy có một cái lều tre. Từ trên bậc thềm, một người mặc quần áo nông dân tiến về phía chúng tôi. Nếu gặp Chủ tịch mấy ngày trước, trên đường đi, trên đồng ruộng, hẳn chúng tôi sẽ cho đây là một người dân quê bình thường”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công việc của Karmen, yêu cầu mọi người tạo điều kiện tốt nhất cho ông làm việc, kể cả việc kiên quyết không cho ông đi ôtô vào ban ngày để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn làm phim. Duy chỉ có một điều Bác đề nghị, R. Karmen hãy quay nhiều hơn hình ảnh những con người VN bình thường đã làm nên những chiến công lịch sử.

Karmen kể rằng ông ở với Bác suốt một ngày, trao đổi với nhau bằng tiếng Nga. Khi được hỏi rằng tiếng Nga có khó không, Bác trả lời: “Một người cách mạng phải nắm vững tiếng nói của Lênin”.

Nhà đạo diễn rút ra đánh giá: “Trong mọi giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đấu tranh, ngọn cờ của hàng triệu người VN là cái tên chói lọi Hồ Chí Minh, biểu trưng bằng tất cả bề ngoài khiêm tốn, là những mục tiêu vĩ đại của nhân dân đấu tranh cho tự do”.

Hồi ức của R. Karmen còn kể lại rất nhiều câu chuyện hay và cảm động trong quá trình làm bộ phim Việt Nam, mà cảnh quay ông để tâm nhiều nhất và gây ấn tượng nhất là đại cảnh hàng nghìn tù binh lũ lượt diễu qua ống kính như biểu tượng thất bại của chủ nghĩa thực dân.

Trong đoàn quân này có hai nhà báo người Pháp là Daniel Camus và Pierre Schoendoeffer. Từ trên giàn quay R. Karmen nhìn thấy hai đồng nghiệp của mình ở chiến tuyến bên kia nhưng đã biết nhau từ trước, ông vội tụt xuống đến gặp và trò chuyện, rút thuốc lá mời… Và 40 năm sau, Pierre Schoendoeffer đã trở lại VN làm bộ phim truyện Điện Biên Phủ.

Dương Trung Quốc

(Theo Tuổi Trẻ)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply