Nhân trường hợp khán giả sợ Bi…

Bi, đừng sợ ra rạp. Đúng như dự đoán, một loạt người viết tự xưng nhà báo, nhà phê bình, nhà chuyên môn phẫn nộ phê phán “phim bôi nhọ hiện thực xã hội Việt Nam’ và đủ các thể loại chê bai chụp mũ khác nhau. Nhưng lần đầu tiên tui cảm thấy rằng, điều đó không còn quá quan trọng nữa. Sự phê bình phim, cũng như những giải thưởng, không hẳn chỉ là đánh giá bộ phim đó, mà nó còn phản ánh vị trí, giá trị, địa vị, tầm nhìn của người viết phê bình. Nói đơn giản hơn, ý kiến về sự yêu thích một bộ phim nào đó của một người phản ánh chính bản thân người ấy.

1. Điều tui cảm thấy vui là trong những cuộc trò chuyện với Di, Di chẳng bao giờ tỏ ra khó chịu, bực bội về việc người ta nhận xét về phim của mình thế này thế kia. Di cũng nói rằng, họ xem phim của mình, họ có quyền yêu, ghét nó và có quyền có ý kiến về nó. Nghe để tiếp thu hay không là quyền của mình. Những ý kiến kiểu ‘phim bôi nhọ hiện thực xã hội Việt Nam’ có lẽ chẳng có ý nghĩa gì với những người đủ tỉnh táo để biết phân biệt giữa phim và đời, giữa nghệ thuật và cuộc sống. Di đã dũng cảm làm một phim mà Di cần thiết phải làm, không tự ‘kiểm duyệt bản thân’, đã cố gắng đấu tranh đến phút chót để giữ đứa con tinh thần của mình trọn vẹn. Khi không thể làm gì được bởi có những quyền lực cao hơn muốn “bảo vệ” cho một xã hội đầy rẫy những thiếu nhi có tuổi, thì Di để phim bị cắt, thế thôi. Cũng không quan trọng gì mấy, những ai cần xem thì có lẽ, bằng cách này hay cách khác, đã, đang và sẽ xem được bộ phim của Di trọn vẹn.

2. Điều tui cũng cảm thấy vui là mặc cho nhiều người tự xưng mình là nhà báo, nhà phê bình, nhà chuyên môn chê bai phim của Di, thì cũng có những người mà tui xem họ là những người am hiểu về điện ảnh và nghệ thuật lại rất tôn trọng Di và rất yêu quý bộ phim Bi, đừng sợ. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn viết hẳn một bài phân tích về phim Bi, đừng sợ dài ba trang giấy, đọc hoài chưa thấy hết (mà vẫn thấy anh Sơn ghi ‘còn tiếp’ ở dưới). Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn, lâu nay tui tưởng đã ‘đứt dây thần kinh khen’ sau mấy loạt bài chê hết phim này đến phim khác thì bỗng viết một bài về Bi, đừng sợ giản dị, tình cảm vô cùng. Những người bạn thân quen của tui, dù thích hay không thích Bi, đừng sợ, đều nhìn nhận giá trị của bộ phim. Nhưng quan trọng hơn cả, họ chẳng nhân danh ai ngoài chính bản thân họ.

3. Thích hay không thích một bộ phim tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nó tùy thuộc vào sở thích, thị hiếu, trình độ văn hóa, tâm trang khi xem phim, hoàn cảnh khi xem phim, gu thẩm mỹ… Mỗi người, ở mỗi thời điểm trong đời, sẽ có những cảm nhận khác nhau về một bộ phim. Những kinh nghiệm sống, những kiến thức tích lũy, nền văn hóa nuôi dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến cảm nhận của người xem phim. Nhiều người tưởng xem phim không cần kiến thức, nhưng thật ra là có. Một ví dụ đơn giản thôi, liệu một đứa trẻ xem phim có cảm nhận được như một người lớn xem phim hay không? Thật ra, đôi khi xem phim người ta không cần hiểu, mà chỉ cần cảm nhận nó mà thôi. Nhưng yêu thích một bộ phim cũng chỉ là cảm giác chủ quan. Đừng nhân danh khán giả, đừng nhân danh nhà phê bình, đừng nhân danh nhà chuyên môn để phán quyết.

4. Mỗi khi có một phim nghệ thuật, mà trong đó, ngôn ngữ điện ảnh được sử dụng triệt để, thì y như rằng, không ít người, đặc biệt là cánh tự xưng nhà báo, nhà phê bình, nhà chuyên môn, lại lên tiếng ‘Không hiểu’. Ngôn ngữ điện ảnh là ngôn ngữ hình ảnh ẩn dụ, mà nếu không được học, được hiểu, được trải nghiệm, người ta sẽ không biết được, không hiểu được, không cảm được. Chính vì lẽ đó, rất cần những người làm phim dũng cảm như Phan Đăng Di làm những bộ phim táo bạo như Bi, đừng sợ, nhưng cũng cần có những người làm phê bình phim có đủ trình độ chuyên môn để có thể phân tích, dẫn dắt người xem hiểu được những giá trị đích thực của bộ phim. Và đương nhiên, cũng cần thiết có những tranh cãi quanh bộ phim – nhưng giá như những tranh cãi ấy xoay quanh vấn đề chuyên môn điện ảnh, thay vì tranh cãi về các vấn đề ‘xã hôi học’, ‘đạo đức học’ cùng ‘giáo dục công dân dưới mái trường xã hội chủ nghĩa’.

5. Trong buổi trò chuyện với Phan Đăng Di ở Cafe thứ 7 TYM, một khán giả nữ hỏi Di rằng ‘Anh làm phim này cho khán giả nào, khán giả Việt Nam hay khán giả Tây?’, vì bạn cảm thấy phim tuy rất hay, rất đẹp, nhưng bạn e ngại nếu là cha mẹ bạn xem phim sẽ bị sốc và có thể không hiểu. Thế nhưng Di chưa kịp trả lời thì bạn MC đã giận đùng đùng bảo ‘Tôi nghĩ rằng nếu hỏi người làm phim có phải anh làm phim cho Tây xem không là một sự xúc phạm lớn với người làm phim’…, thế là bạn khán giả cũng giận quá đùng đùng bỏ về. Mấy hôm nay đọc tin tức trên báo, trên mạng quanh chuyện phim Bi, đừng sợ, tui thấy câu hỏi của bạn gái kia cũng có lý. Đám đông khán giả Việt Nam cùng với đám đông tự xưng nhà báo, nhà phê bình, nhà chuyên môn vốn quen được chiều chuộng, vuốt ve, phim làm ra phải giải thích rõ ràng, mạch lạc, cuối phim phải có thông điệp được nói toạc móng heo ra (kiểu Bóng ma học đường có Hoài Linh dạy cho một bài học thì lúc đó em Tiểu Quyên của báo Người Lao Đông mới thấy đó là bộ phim có ý nghĩ giáo dục, còn như Bi, đừng sợ thì em cứ ngơ ngác thắc mắc thế Bi sợ cái gì? vì trong phim chả thấy nói), nên đám đông ấy bảo ‘Bi, đừng sợ là cú tát vào mặt khán giả’. Ừa, thì đôi khi khán giả cũng cần bị ăn tát cho tỉnh người.

6. Bài tui viết cho báo Tuổi Trẻ. Bài này đã được biên tập hay hơn bài gốc nên thôi đăng bài đã biên tập…

KHÁN GIẢ, XIN ĐỪNG SỢ BI
Sau những cuộc chu du đến các LHP quốc tế với bảy giải thưởng từ LHP Cannes, Vancouver, Stockholm…, bộ phim Bi, đừng sợ! cuối cùng cũng ra mắt khán giả VN và ngay lập tức đón nhận nhiều cảm nhận khác nhau.

Không phải không có lý do khi Bi, đừng sợ! của Phan Ðăng Di liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh có uy tín của quốc tế, nhưng cũng không phải không có lý do mà nhiều khán giả VN có thể sẽ không tìm thấy sự đồng cảm với bộ phim ngột ngạt này. Bi, đừng sợ! của Phan Ðăng Di không được kể thành chuyện theo lối truyền thống kiểu phim thương mại Hollywood – dòng phim mà đại đa số khán giả VN vốn quen thuộc và thích thưởng thức. Bi, đừng sợ! như một “nhát cắt cuộc sống” quanh đời sống của một gia đình Hà Nội vào những ngày hè oi bức.

Ở đó những giá trị truyền thống của một gia đình đang trên bờ tan vỡ: một người đàn ông xa lạ với cha, lạnh lùng với vợ, gật gù trên bàn nhậu với đám bạn mặt mày đỏ gay, tìm “lạc thú” ở tiệm hớt tóc thanh nữ; một người phụ nữ khát khao chăn gối nhưng phải chịu đựng sự lạnh nhạt của chồng, vẫn nhẫn nại chăm sóc bố chồng bệnh tật; một cô giáo “ế chồng” bỗng lưu luyến tình cảm với cậu học trò đẹp trai; và cậu bé Bi hồn nhiên trước những rạn nứt trong gia đình mình.

Bằng hình ảnh ẩn dụ mạnh mẽ – những viên đá lạnh, một dạng vật thể được chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác khi không giữ được “nhiệt độ” cần thiết – Bi, đừng sợ! là câu chuyện về tình yêu và tình dục của những nhân vật mà nhìn bề ngoài tưởng chừng như bình an nhưng bên trong xáo trộn.

Không có câu chuyện cụ thể, Phan Ðăng Di kể câu chuyện trong Bi, đừng sợ! bằng một lối trình bày giản dị nhưng táo bạo. Ðề cập đến vấn đề tình dục, về sự bất lực của người đàn ông với người phụ nữ yêu mình nhưng thèm khát được thỏa mãn với người phụ nữ khác, về sự ham muốn tình dục của người phụ nữ trong một xã hội mà chỉ có đàn ông nắm quyền chủ động còn họ chỉ quẩn quanh ở nhà nhẫn nhịn đợi chờ, Phan Ðăng Di chọn lối thể hiện thẳng thắn, trực diện, với những cảnh quay khiến những người không quen nói về “chuyện ấy” dễ bị “khó xử”, thậm chí khó chịu.

Có những khán giả đã dễ dàng phản ứng khi phải đối diện với những bộ phim khác thường, đòi hỏi người xem phải suy ngẫm về những hình ảnh ẩn dụ, mở lòng mình để hiểu. Hơn nữa, công chúng của điện ảnh, cũng như công chúng của những loại hình nghệ thuật khác, cũng phong phú và đa dạng.

Mỗi người xem, ở mỗi thời điểm trong cuộc đời của họ, với mỗi kinh nghiệm sống, mỗi văn hóa mà họ tích lũy sẽ có cảm nhận khác nhau về một tác phẩm điện ảnh. Có những bộ phim dễ dàng tìm thấy sự đồng điệu, nhưng cũng có những bộ phim như Bi, đừng sợ! giống như sầu riêng, có những người rất thích và cũng có những người không thể chịu nổi. Vì lẽ đó, những tranh cãi hôm nay quanh Bi, đừng sợ! là đương nhiên.

Thế nhưng, ngay cả khi tranh cãi về “tính hiện thực” hay “giá trị thuần phong mỹ tục” của Bi, đừng sợ! thì cũng không thể chối cãi rằng Bi, đừng sợ! đã làm được điều mà đạo diễn mong muốn khán giả xem phim cảm nhận sự bức bối, ngột ngạt với những ràng buộc mong manh trong một gia đình.

Các diễn viên trong phim đã thể hiện nhân vật của họ như thể họ đang sống với nhân vật. Những khung hình được trau chuốt để nói lên nhiều điều mà không cần nhiều lời thoại để diễn tả. Nhịp phim đôi lúc lê thê đôi khi rời rạc, nhưng điều đó cũng là một phần của bộ phim – những chuyển biến về trạng thái như những viên đá lạnh tan thành nước. Chấp nhận bộ phim hay không, cảm thấy thích hay không lại tùy thuộc sở thích của mỗi khán giả.

7. Tin vui trong ngày: báo TTVH đăng phim Bi, đừng sợ cháy vé ba ngày cuối tuần… Hihi…


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply