Nhật ký xe máy: Nhật ký trưởng thành

Đây không phải là một câu chuyện về những người hùng. Đây chỉ là câu chuyện về hai cuộc đời cùng đi song song trên một chặng đường, với những đam mê chung và những giấc mơ tương tự – Ernesto Rafael Guevara de la Serna.

Ernesto là một cậu sinh viên y khoa bình thường như bao thanh niên khác. Một cậu công tử được cha mẹ bao bọc, thương yêu. Hai mươi ba tuổi, chưa từng bước chân ra khỏi đất nước Argentina, Ernesto xin phép được làm một chuyến hành trình xuyên Nam Mỹ cùng anh bạn phong trần vui tính Alberto Granado, vừa tốt nghiệp ngành sinh học. Ba Ernesto cấm, vì muốn thằng con học cho xong hết năm cuối để làm bác sĩ. Người mẹ mỉm cười. Đám em nhao nhao: “Cho em theo với”. Cả gia đình cuối cùng cũng ra tiễn hai anh chàng lên đường thực hiện cuộc hành trình trên chiếc xe máy cà tàng.

Lộ trình: 8000 km dọc theo Nam Mỹ từ Achentina, qua Chile, Brazil rồi đến Peru.
Hành khách: Ernesto Guevara 23 tuổi và Alberto Granado 29 tuổi.
Phương tiện: Chiếc xe máy cà tàng Norton 500 sản xuất năm 1939 của Alberto.
Mục tiêu: Đến Peru đúng vào sinh nhật lần thứ 30 của Alberto…

Chuyến hành trình bắt đầu với nhiều niềm vui. Có những lúc ngã nhào vì xe chạy nhanh quá mà đường trơn trợt. Có những khoảnh khắc hạnh phúc khi Ernesto gặp người yêu của mình. Có những thoáng buồn tương tư của tuổi trẻ lúc hai người chia tay nhau. Và cả cảm giác xao xuyến khi để lại sau lưng những vùng đất họ đi qua và háo hức chờ đợi chứng kiến những vùng đất mới. Kể cả những phút giây mạo hiểm và cuống cuồng khi bị hiểu lầm là tán tỉnh vợ người khác khiến cả hai bị trai làng rượt đuổi. Ernesto hiền lành, đằm tính; Alberto vô tư, sôi nổi. Họ trở thành một đôi bạn đường thú vị…

Chiếc xe máy rệu rã. Và không thể nào chạy được nữa. Chấm dứt những ngày lao xe vun vút trên những con đường cát bụi dài dằng dặc, hai bên bạt ngàn đồng lúa hoặc trập trùng núi đồi. Họ bắt đầu đi nhờ xe tải của những người nông dân. Lội bộ qua những hoang mạc. Cuộc hành trình chậm lại. Nhưng Ernesto nhìn thấy nhiều hơn. Khi đi chậm lại, cuộc sống dần hiện ra rõ nét, rồi lôi con người hoà vào nó. Chàng sinh viên y khoa trẻ tuổi bắt đầu gặp gỡ những con người, những số phận đâu đó trên đường đi, mà nếu ngồi trên yên xe cậu chẳng bao giờ nghe được lời tâm sự của họ, chẳng thấy nỗi đau của họ, không cảm được cuộc sống của họ. Trong một đêm giữa hoang mạc, Ernesto và Alberto gặp một cặp vợ chồng Cộng sản. Những con người vô sản, nghèo đói và đang đấu tranh đòi công bằng. Nét khắc khổ hằn trên mặt hai con người ấy, cùng câu chuyện về những cuộc đấu tranh chống lại sự bóc lột của giai cấp tư sản đã đánh động trái tim chàng công tử Ernesto. “Hai cậu đi tìm việc làm à?” “Không. Chúng tôi không đi tìm việc làm” “Vậy hai cậu làm gì, sao lại đi lang thang?” “Chúng tôi đi lang thang… chỉ để lang thang thế thôi…” Ernesto bỗng cảm thấy cuộc hành trình của mình sao vô nghĩa quá. Cậu tặng cho hai vợ chồng ấy món tiền bạn gái dúi vào tay cậu để mua quà tặng cô nếu có đến Mỹ, món tiền mà bao lần đói khổ, cùng quẫn Alberto đã vòi Ernesto lấy ra xài nhưng cậu luôn từ chối…

Cậu bắt đầu cảm nhận cuộc sống của những con người nhỏ bé chịu nhiều bất công. Cậu đọc sách về cách mạng và về chủ nghĩa cộng sản. Cậu thấy tiếc nuối cho một nền văn minh của người Inca bị đánh mất, dẫu đó chỉ là lần đầu tiên đặt chân đến đấy. “Làm sao ta có thể thấy tiếc thương cho một xứ sở mà ta chưa từng biết đến” – Ernesto băn khoăn… Khi đến trại phong để thực tập, cậu phá bỏ những phân biệt đối xử, hoà đồng với mọi người mặc cho các ma-sơ trừng phạt bằng cách bỏ đói. Ernesto nhận ra con sông ngăn cách giữa khu người bệnh và bác sĩ là con sông ngăn cách tình người. Cậu bơi sang sông trong đêm sinh nhật của mình vì muốn kéo gần khoảng cách ấy lại…

Cuộc hành trình chấm dứt, hai con người xuất phát điểm như nhau, và khi kết thúc, mỗi người chọn lựa cho mình một hướng đi. “Đi một vòng Nam Mỹ đã làm thay đổi con nhiều hơn con nghĩ. Con không còn là con nữa. Ít nhất, con không còn là là người mà con đã từng” – Ernesto ghi trong những dòng thư gửi về cho mẹ…

Nhật ký xe máy của đạo diễn Walter Salles (từng nổi tiếng với bộ phim Nhà ga trung tâm) giới thiệu một con người nổi tiếng khi ông chưa nổi tiếng, nhưng khắc hoạ được tinh thần và cái gốc của một con người sẽ trở thành vĩ nhân. Đó là những bước đầu tiên hình thành một con người vĩ đại. Một nhân cách lớn. Một người đấu tranh vì lý tưởng Cộng sản. Che Guevara, biểu tưởng của lý tưởng thanh niên qua bao thời đại. Không e dè, ngại ngùng, Gael Garcia Bernal đã thể hiện một Ernesto Guevara rất bình dị, đời thường, có cả những khát khao yêu đương, những bẽn lẽn của chàng trai mới lớn lần đầu bước ra đời và cả nét cương nghị của một thanh niên trưởng thành sau cuộc hành trình dài nhiều biến cố. Nó khác xa cách làm phim cố gắng mài dũa không tì vết như vị thánh mà xa lạ với người đời về những nhà lãnh tụ vì sợ… phạm huý, khiến bộ phim giả tạo, vô cảm và gượng ép.

Có những khoảnh khắc rất xúc động trong bộ phim này, cả những cảnh cuối cùng của bộ phim. Những khung hình đen trắng như những bức ảnh chụp, trong đó hiện lên những gương mặt của những người mà Ernesto đã gặp trên chuyến hành trình của mình. Những người dân bình thường, bần cùng, vô sản. Những số phận bị bỏ quên. Họ đứng đó, bất động như ghi dấu mãi trong tâm trí chàng thanh niên, như chờ đợi một sự thay đổi trong cuộc đời họ, như bày tỏ biết bao tâm sự, và như để nói, chúng tôi có hiện diện trên cuộc đời này.

The Motorcycle Diaries – Nhật ký trên yên xe. Đạo diễn: Walter Salles; Dựa theo cuốn Nhật ký trên yên xe của Ernesto Che Guevara và Cùng Che xuyên Châu Mỹ Latin của Alberto Granado; Diễn viên: Gael García Bernal (Ernesto Guevara de la Serna), Rodrigo de la Serna (Alberto Granado) và Mía Maestro (Chichina Ferreyra)

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply