Những bộ phim Việt được nhắc nhiều nhất 2007

Không khí tĩnh lặng của nền điện ảnh nước nhà bấy lâu bỗng được năm 2007 khuấy động bởi hai sự kiện, lễ trao giải Cánh Diều Vàng của Hội điện ảnh VN, và LHP quốc gia lần thứ 15. Tuy các hệ thống giải thưởng còn gây nhiều tranh cãi, tuy LHP chưa được tổ chức xứng tầm, nhưng với một nền điện ảnh còn… ốm yếu như chúng ta hiện nay thì có các hoạt động vẫn hơn không!

Tuy còn ấm ức với giải thưởng của nhà nước, nhưng năm 2007 đánh dấu sự vươn dậy mạnh mẽ của một số phim tư nhân phía Nam. Áo lụa Hà Đông, Mười (hãng phim Phước Sang), Dòng máu anh hùng, Bí ẩn ngôi nhà hoang (hãng phim Chánh Phương) đã ghi điểm giữa một thị trường bạt ngàn phim ngoại.

Màn ảnh nhỏ năm qua cũng đã có được những bộ phim dài tập gây tiếng vang, thu hút được sự chú ý của khán giả nhà, phần nào đẩy lùi cuộc xâm lăng ồ ạt của phim Trung Quốc, Hàn Quốc kéo dài suốt nhiều năm qua. Màn ảnh Việt năm 2007 đã có những nhân tố mới, đã có những hướng đi mới, và đã có những tín hiệu đáng mừng. Dân trí có sự bình chọn riêng cho những bộ phim (truyện nhựa và truyền hình) được nhắc tên nhiều nhất trong năm 2007, đó cũng chính là những nhân tố đã làm nên sự sôi nổi cho màn ảnh Việt năm qua.

"Áo lụa Hà Đông" (hãng phim Phước Sang sản xuất)

Cạnh tranh khốc liệt với Hà Nội, Hà Nội trên các hạng mục giải thưởng của Cánh Diều Vàng và trở thành một trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất tại LHP quốc gia lần thứ 15, Áo lụa Hà Đông tự tin khẳng định lại lời của “bầu” Phước Sang “Đừng nghĩ hãng phim tư nhân chúng tôi không làm được phim nghệ thuật”.

Năm 2007, Áo lụa Hà Đông chu du khắp các LHP quốc tế lớn, nhỏ và ba lần dành được giải thưởng do khán giả bình chọn tại các LHP Pusan (Hàn Quốc), LHP Kim Kê Bách Hoa (Trung Quốc), và LHP Fukuoka (Nhật Bản). Tuy trượt giải tại LHP quốc gia 15, nhưng Áo lụa Hà Đông là một trong số ít những bộ phim Việt sản xuất gần đây giành được nhiều tình cảm yêu mến của khán giả. 

Không thể phủ nhận, câu chuyện đời bi thương của đôi vợ chồng Gù-Dần trong bối cảnh biến loạn đã góp phần không nhỏ tạo nên bước tiến đáng kể của phim Việt trong lòng khán giả Việt năm 2007.

"Hà Nội, Hà Nội" (Hãng phim hội nhà văn Việt Nam và hãng phim Dân tộc Vân Nam Trung Quốc hợp tác sản xuất)

Giành ngôi vị quán quân trong cả hai hệ thống giải thưởng quan trọng bậc nhất của điện ảnh nước nhà, Cánh Diều Vàng và LHP quốc gia, lẽ ra, Hà Nội, Hà Nội phải được nhắc đến nhiều hơn thế, phải “ầm ĩ” hơn thế. Nhưng xem ra, Hà Nội, Hà Nội bị yếu thế hơn vị thế mình có, trước công luận.

Logic đơn giản rằng, một bộ phim xuất sắc phải hội tụ được những yếu tố nhà nghề xuất sắc, đơn cử như: âm nhạc, đạo diễn, diễn viên, quay phim… Hà Nội, Hà Nội là bộ phim xuất sắc nhất nhưng lại không có những yếu tố nhà nghề quan trọng được ghi nhận. Danh vị cao nhất được trao cho Hà Nội, Hà Nội tại LHP quốc gia đến giờ này vẫn gây nhiều tranh cãi… Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những bộ phim được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2007. 

"Dòng máu anh hùng" (Hãng phim Chánh Phương sản xuất)

Xem những thước phim đẹp mắt, nghe âm thanh chất lượng, thưởng thức những màn đấu võ chuyên nghiệp theo “tiêu chuẩn” Hồng Kông… Ai cũng phải thừa nhận, Dòng máu anh hùng của hãng phim Chánh Phương mới mẻ, độc đáo, khác lạ với điện ảnh Việt. Ngay khi ra mắt, Dòng máu anh hùng đã bội thu trên hệ thống rạp nhà. Giành thêm Bông sen Bạc tại LHP quốc gia, năm 2007 có thể xem là năm thành công của Dòng máu anh hùng.

“Thừa thắng xông lên”, đại diện của ê-kíp làm phim Dòng máu anh hùng, Johnny Trí Nguyễn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm phim theo hướng này. Hiện tại tôi cũng đang ấp ủ một kịch bản phim hành động võ hiệp. Cụ thể như thế nào chưa thể tiết lộ, nhưng giải thưởng sẽ là động lực để một hãng phim tư nhân như chúng tôi tiếp tục sản xuất những bộ phim hay hơn, chất lượng hơn”. Rõ ràng, đó là một tín hiệu đáng mừng. 

"Ma làng" (Trung tâm sản xuất phim truyền hình- Đài THVN sản xuất)

Năm 2007, giờ vàng dành cho phim Việt chính thức được “khai trương” trên VTV1, khung giờ vào 21h hàng ngày. Xưa nay, phim truyền hình VN vốn vẫn bị “thất sủng”. Cứ mỗi khi có ai đó phàn nàn về chất lượng phim truyền hình, các nhà làm phim lại “ca” rằng: tại kịch bản yếu và thiếu, diễn viên mỏng, đề tài nghèo nàn, cơ sở kỹ thuật kém, tài chính ít ỏi… Nhưng sau khi Ma làng (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần) lên sóng, cái nhìn về giờ vàng và chất lượng phim truyền hình đã phải thay đổi.

Ma làng với đề tài không mới, vẫn những câu chuyện phía sau luỹ tre, vẫn những mâu thuẫn chính quyền cấp xã, vẫn những mối quan hệ xóm làng, nhưng qua cách xây dựng nhân vật tinh tế, có tính điển hình- Ma làng đã làm xôn xao màn ảnh nhỏ. Bộ phim thu hút đông đảo người xem ngay từ những tập phim đầu tiên. Những ông Dỏ, cô Ló, ông trưởng thôn… được khán giả hào hứng bàn tán ngay trong những quán nước, hàng ăn. Rất lâu rồi, màn ảnh nhỏ lại có được một bộ phim được khán giả đón đợi từng tập để xem vào 21h.

Điều ấy chứng tỏ, không phải vì tiền ít, không phải vì cơ sở kỹ thuật, không phải vì đề tài cũ mòn mà phim Việt bị quay lưng. Khán giả chỉ cần một câu chuyện cuộc đời chân thật được kể bằng cái tâm, cái tài của người đạo diễn. Và chính những bộ phim chất lượng sẽ làm nên giờ vàng cho màn ảnh nhỏ! 

Hy vọng, năm 2008, với những cái tên đang được nhắc đến nhiều như Chạy án 2, Những người độc thân vui vẻ… Phim Việt sẽ có thêm nhiều giờ vàng trên màn ảnh nhỏ.

"Nhật ký Vàng Anh" (Trung tâm sản xuất phim truyền hình- Đài THVN sản xuất).

Bộ phim truyền hình mang tính tương tác Nhật ký Vàng Anh biết chọn một đề tài đã bị bỏ quên bấy lâu, đó là cuộc sống của giới trẻ, ngay từ khi lên sóng phim đã thu hút được số đông khán giả theo dõi. Với dàn diễn viên mới trẻ đẹp, với những cảnh quay chân thực đời sống học đường, với những câu chuyện gần gũi tuổi teen, với những câu thoại “hồn nhiên” chất liệu cuộc sống, Nhật ký Vàng Anh đã có những ảnh hưởng không nhỏ với khán giả teen Việt. 

Không nhắc đến “sự cố” của diễn viên Hoàng Thuỳ Linh đã khiến dự án phim bị đình sóng, thì Nhật ký Vàng Anh là một trong số ít những bộ phim thần tượng khá thành công của màn ảnh nhỏ năm 2007.

***

Năm 2008 đã bắt đầu với nhiều hứa hẹn. Những dự án phim mới đang được lên kế hoạch, những kịch bản mới đang được phân cảnh, những đề tài mới đang được triển khai… Chất lượng phim Việt nằm trong tay các nhà làm phim. Nếu các nhà làm phim có một trái tim tâm huyết, thì chắc chắn sẽ được khán giả đón nhận và sẻ chia nhiệt thành, chỉ có điều, sự tâm huyết ấy phải được chuyển thể lên màn ảnh, vậy thôi.

Theo DT 

Ảnh: Một cảnh trong phim Áo Lụa Hà Đông 


  

   


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply