Những Ký Ức Bị Cất Dấu

Nhà Laurent gặp chuyện bực mình. Thật ra cũng chẳng có gì to tát, chỉ là những cuộn băng video quay trộm nhà họ và những hình vẽ kỳ khôi. Cuộc sống trưởng giả với những bữa tối đàn đúm cùng nhóm bạn bè trí thức của Georges và Ann vì thế mà xáo trộn chút ít. Khách và chủ nhà, họ thay phiên nhau mà ngạc nhiên. Ai mà rách việc rảnh hơi thế không biết? Hay lại là một trò đùa dai của lũ bạn thằng nhóc Pierrot hoặc một kẻ hâm mộ nào đó của Georges? Thật khó chịu!
Càng ngạc nhiên hơn nữa là cảnh sát chẳng buồn động ngón tay khi được khai báo. ‘Vô hại’ là lý do. Mà ngẫm cho kỹ thì cũng đúng như vậy thật.

Nhân tiện, Georges Laurent đang dẫn một chương trình Bình luận Văn học trên TV, rất nổi tiếng. Ann, vợ anh làm việc cho Piere, một người bạn thân của hai vợ chồng trong nghành xuất bản và Pierrot, con trai họ, 12 tuổi.
Nói chung gia đình Laurent là một mẫu gia đình khá hoàn hảo với những thành công xã hội. Họ khá hòa thuận. Nói cách khác, khi không cãi nhau thì họ khá kiệm lời.

Đó là những bức hình vẽ nguệch ngoạc. Một đứa bé đang chảy máu miệng. Một cái đầu gà trống còn tươm máu ở cổ. Khốn kiếp, Majid!
Vì vậy mà Georges càng khó chịu hơn khi Ann cứ cật vấn anh suốt về những cuộn băng, về những thứ anh không chia sẻ với cô.. Họ cãi nhau, chẳng mấy kiệm lời. Chỉ vì Georges nghĩ anh biết ai là thủ phạm. Chỉ vì anh đến gặp Majid và đe rằng hắn sẽ phải trả giá cho những cuốn băng và hình vẽ ấy. Dĩ nhiên là hắn phủ nhận. Làm sao khác được.
Tại sao anh phải cho Ann biết về Majid chứ? Ích lợi gì. Những thứ mà mẹ anh gọi là ‘ký ức không vui’ ấy, anh đã quên nó đi 40 năm nay.
Phải, có gì hay ho để nhớ chứ, nước Pháp những năm cuối cuộc chiến Angiêri (mà rốt cuộc chính phủ Charles De Gaule phải bỏ cuộc) với những FLN-Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia và Maurice Papon, Chỉ huy Lực lượng Cảnh sát Paris..?
Georges đáng ra chẳng có gì để phải quên bởi anh chỉ là thằng bé 6 tuổi khi ấy, nếu như không có Majid. Cha mẹ Majid đến từ Angiêri làm công cho cha mẹ anh. Họ chết trong vụ thảm sát Paris tháng 10 năm 1961 ấy và Majid được nhận làm con nuôi. Anh thì không muốn phải chia sẻ với Majid. Bất cứ thứ gì.
Đứa bé chảy máu trong hình còn có thể là ai ngoài Majid tuy lần ấy Georges thất bại, bởi chứng ho ra máu không đủ để anh đẩy nó ra khỏi nhà. Nhưng cái đầu con gà trống bị Majid chặt phăng bằng hai nhát rìu theo kịch bản của anh sau đó thì thành công mỹ mãn trong việc thuyết phục cha mẹ về ‘mối đe dọa có tên Majid’. Thằng bé Angiêri bị gửi trả vào trại mồ côi.
Nhưng Georges có lỗi gì nếu Majid phải trưởng thành trong khốn cùng? Đàng nào thì nó cũng là trẻ mồ côi Angiêri và nếu cha mẹ anh đã không nhận nuôi nó thì trại mồ côi không phải chổ của nó sao?

Ann kết án anh không trung thực nhưng sao cô không nghĩ anh đang cố gắng bảo vệ họ khỏi những rắc rối không đáng có? Pierrot thì lạnh lùng xa cách với cha. Có Trời hiểu nó muốn gì! Khi nó không về nhà đêm ấy, anh đã lập tức yêu cầu cảnh sát khám nhà Majid để tìm nó. Dù sao thì chuyện cha con Majid phải qua đêm trong trại tạm giam cũng là điều ngoài ý muốn. Quan trọng nhất là Pierrot đã không bị bắt cóc. Với anh thế là đủ!
Phải, với Georges miễn là gia đình anh an toàn. Chứng minh thủ phạm thực sự của những cuộn băng và hình vẽ ấy là cha con Majid không chắc là điều khả thi. Nhưng với Georges, chỉ có bọn họ thôi, không cha thì con. Chỉ có nhà Majid mới biết những chuyện anh đã làm lúc 6 tuổi, vào cái năm 1961 khốn kiếp ấy.

Vài ngày sau, trong căn hộ chung cư rẻ tiền của hắn, trước sự ‘hiện diện’ của Georges, Majid bằng một nhát dao cạo mở toang cuống họng mình làm hai nửa. Máu phun như vòi, tưới lên vách tường cũ kỹ rồi chảy thành vũng quanh cái xác bất động. Anh có thể làm gì hơn là đứng lặng hồi lâu trước khi ra khỏi căn hộ một cách lặng lẽ? Rồi thì ai đó cũng sẽ báo cho cảnh sát thôi và việc điều tra cũng sẽ kết luận anh đã không làm gì sai cả.
Và dù sao thì Georges cũng không có trách nhiệm trong chuyện hắn chết. Mặc dù anh lấy làm tiếc, đương nhiên!
Cũng như trại mồ côi 40 năm trước đây đã là số phận của thằng bé Angiêri thì nay, lưỡi dao cạo sao lại không thể là số phận của lão già Angiêri?

Georges bỏ sở về nhà, hơi mệt mỏi sau khi con trai Majid đến gặp và hỏi anh về chuyện lương tâm.
Kéo tấm màn cửa dày và nặng để căn phòng chìm trong bóng tối, Georges trút áo, lên giường đắp chăn. Anh sẽ lại quên đi thêm một ‘ký ức không vui’ nữa khi thức giấc sáng mai. Hừ, lương tâm..

Mà tại sao không nhỉ? Chính phủ Pháp năm 1961 đã chấp nhận báo cáo của Lực lượng Cảnh sát Paris rằng chỉ có vài người chết trong ‘vụ lộn xộn ngày 19 tháng 10′ và Maurice Papon sau đó trở thành Bộ trưởng trong chính phủ Valéry Giscard D’ Estaing những năm 70.
Chỉ 37 năm sau, nước Pháp mới thừa nhận có khoảng 40 người Angiêri đã bị giết trong cuộc thảm sát năm 1961. Maurice Papon ra tòa năm 1999 với cáo buộc giết người nhưng án đã không thành.
Theo nhà nghiên cứu uy tín Jean-Luc Einaudi, hơn 200 người Angiêri đã bị giết trong ‘cuộc thảm sát Paris ngày 19 tháng 10 năm 1961′. Một số lớn trong họ bị cảnh sát đánh chết hoặc bị quăng xuống sông Seine trong tình trạng bất tỉnh hoặc trói tay chân theo mệnh lệnh trực tiếp của Maurice Papon như một trong những biện pháp đối phó với cuộc biểu-tình-bất-bạo-động của những người nhập cư Angiêri. Cuộc biểu tình này do FLN tổ chức để phản đối lịnh giới nghiêm áp đặt riêng cho dân gốc Angiêri, kể cả người nhập cư hợp pháp, do chính Maurice Papon ban hành.

Nếu như “La Pianiste” (The Piano Teacher) được chuyển thể từ tiểu thuyết The Piano Player của nữ văn sĩ người Áo Elfriede Jelinek, thì “Caché” (Hidden) do Micheal Haneke tự viết kịch bản.
Phim không có nhạc nền, chỉ có thoại và tiếng động. Daniel Auteuil (với biệt danh ‘lợn lòi’ trong “La Rène Margot”, 1994) trong vai Georges xem ra là chọn lựa hoàn hảo về ngoại hình. Một số khung hình bất động có đến vài phút như thử thách lòng kiên nhẫn người xem. Kết thúc phim là kiểu đánh đố đặc trưng Haneke.
“Feature film is 24 lies per second” là một câu nói khá nổi tiếng của Micheal Haneke, đạo diễn Áo sinh 1942, người được mệnh danh là ‘controversial & disturbing film maker’.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply