Nữ đạo diễn Nguyễn Hải Anh: “Tôi thích khám phá những số phận người”

Sinh năm 1968 tại Hà Nội, Nguyễn Hải Anh tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật học tại Viện Hàn lâm sân khấu – điện ảnh và âm nhạc Saint Peterburg – Liên bang Nga. Đầu năm 2000, chị về làm việc tại Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Năm 2001, phim tài liệu Thầy Nguyễn Văn Xuân của chị đoạt giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam. Năm 2003, phim tài liệu Đi biển một mình đoạt huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Chị đã hoàn thành trên 30 phim tài liệu và phóng sự.

* Là đạo diễn phim tài liệu của HTV, có hai phim chiếu trong dịp kỷ niệm 30/4, chị có thể nói gì về công việc của mình?

– Công việc của tôi phải nói là hết sức thú vị nhưng cũng thực sự vất vả đối với một phụ nữ. Thú vị vì chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc và tìm hiểu sâu sắc những vấn đề và những con người rất khác nhau. Tôi đặc biệt thích làm phim chân dung nhân vật, thích quá trình khám phá cuộc đời, số phận và những góc khuất trong tâm hồn mỗi con người. Tôi luôn hạnh phúc khi tìm thấy cái đẹp, cái độc đáo ở mỗi con người dù bình thường hay nổi tiếng. Cả hai phim tôi mới hoàn thành đều là dạng phim chân dung. Bác sĩ Trần Đông A từ một trí thức của chế độ cũ trở thành giám đốc bệnh viện – đại biểu Quốc hội, còn Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc cũng là trí thức cũ nhưng đó chỉ là vỏ bọc để ông hoạt động tình báo trong thời chiến, sau này ông là Chủ tịch Ban chỉ đạo quốc gia công nghệ thông tin. Hai con người dù trước giải phóng ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng bởi có chung lòng yêu nước nên sau 1975 họ đã đi chung đường, đã cống hiến đến tận cùng tài năng và trí tuệ cho đất nước.

* Điều gì khiến chị nhớ nhất nơi những nhân vật của mình?

– Ở bác sĩ Trần Đông A, tôi nhận ra nơi ông một thầy thuốc với tất cả y đức cao cả. Ông làm việc không tiếc công sức, không biết mệt mỏi, luôn khao khát có thêm những đóng góp lớn hơn cho y học Việt Nam, nhất là trong chữa trị bệnh trẻ em. Còn ở tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc, tôi cảm thấy ông như biểu tượng của một thế hệ trí thức sống đầy lý tưởng và không hề đòi hỏi bất cứ điều gì cho bản thân mình, dù đã có những cống hiến vô cùng to lớn. Cả hai người đều cực kỳ bận rộn với vô vàn công việc và với một thời khóa biểu khít khao không có khoảng trống, dù họ đều không còn trẻ. Khi mới tiếp xúc với tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc, tôi thấy ông có vẻ xa cách, lạnh lùng (có thể do thói quen hoạt động tình báo chăng?), nhưng khi đã chấp nhận làm việc thì ông là người hết sức tình cảm, chan hòa và luôn nhiệt tình đến mức cao nhất để giúp đỡ đoàn phim.

* Chị đã gặp những khó khăn nào trước khi hoàn tất bộ phim?

– Tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc nhất định không chịu “khai” bất cứ điều gì về mình, chỉ cho tên một vài người, không kèm địa chỉ, số điện thoại. Và tôi đã phải “bơi” từ Bắc chí Nam mất gần hai năm trời. Có những lúc tưởng đã vô vọng vì cứ gặp người này lại bị chỉ sang người nọ, mà người nào cũng chỉ biết rất sơ sài về ông. Lại còn cái khổ là sau khi làm đủ thứ thủ tục giấy tờ để tìm tới cơ quan người nào đó, đến nơi thì nghe nói họ đã nghỉ hưu và không ai biết họ đang ở đâu cả! Tôi đã tìm gặp gần bốn mươi người mà vẫn chưa thể bấm máy. Khi đã tưởng phải hoãn kế hoạch thì tôi mới “chộp” được ông, trước đó không cách nào liên lạc được với ông. Và thật may mắn khi tôi gặp được thượng cấp của ông – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phước Tân, người duy nhất biết rõ mọi hoạt động của ông trước 1975 và là người có quyền tiết lộ về người điệp báo viên đơn tuyến.

* Từng học tập và làm việc ở Nga, chị có thể nói gì về đất nước và con người Nga?

– Tôi rất yêu đất nước Nga và những người Nga thật thà, tốt bụng. Tôi đã học được nhiều điều, không chỉ là kiến thức, cách tiếp cận và giải quyết những vấn đề nghề nghiệp mà còn là cách sống, cách ứng xử giữa con người với nhau, nhất là trong hoạn nạn. Ngày đó khi chúng tôi ra chợ nông trang, có những bà cụ bán dưa hấu đã tặng chúng tôi những trái dưa to nhất khi biết chúng tôi là sinh viên Việt Nam… Khi sắp về nước thì Liên Xô tan rã, thấy cán bộ, người hưu trí sống khổ cực, tôi rất đau lòng. Nhưng tôi vẫn tin chắc rằng, nước Nga là một cường quốc có nhiều truyền thống về văn hóa – khoa học, họ sẽ đứng vững và sẽ trở lại là một cường quốc như xưa.

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2005/4/18/107541.tno


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply