One flew over the cuckoo’s nest (1975) Hai thế giới, một cuộc sống …

Bạn đang sống trong 2 thế giới tồn tại song song. 1 là của tất cả, bạn sống trong đó, cảm xúc, suy nghĩ và hành động, tất cả đều từ thế giới này mà ra. Còn 1 là của riêng bạn, thế giới bên ngoài có như thế nào cũng không ảnh hưởng gì được đến nơi “rừng thiêng nước độc” này, không 1 ai, không 1 thứ gì có thể biến đổi và mang nó đi xa khỏi bạn được.

Randle Partick McMurphy bị xếp vào thành phần bất hảo của xã hội. Bị nghi ngờ là mắc bệnh tâm thần nên cần vào viện xét nghiệm và điều trị. Ở nơi mà những con bệnh – những kẻ không còn nhận ra thế giới thứ 1 nữa, Murphy tìm ra 1 cuộc sống của những người bạn chân thành nhất, đáng tin cậy nhất, dù rằng họ luôn ngờ nghệch, mơ hồ về tất cả.

Tại sao những người ấy lại mắc bệnh điên? Mỗi người là 1 lý do, họ tìm không ra lối thoát, họ bị ám ánh bởi 1 ngõ cụt. Lâu ngày, thế giới thứ nhất của họ bị bao vây bởi những bức tường của nỗi lo sợ, ám ảnh. Cách giữ họ tồn tại lâu hơn chính là thế giới riêng thứ 2 của mỗi cá nhân. Họ tin 1 cách mơ hồ rằng: họ đã được giải thoát. Nhà thương điên bỗng nghiễm nhiên trở thành nơi che chở, bảo vệ họ khỏi mọi sự nguy hiểm. Mà nhà thương điên thì đời nào lại để cửa ra vào rộng mở, cửa sổ thông thoáng cho bệnh nhân được tự do bao giờ? Nội quy của bệnh viện chẳng ép uổng ai ở lại cả, ai thích thì cứ về, hoàn toàn tự do. Thế nhưng, đã lạc lõng như họ thì mấy ai đủ can đảm quay trở lại “trần gian trầm luân bể khổ”? Kể từ đó, thế giới của riêng họ càng trở nên khó hình dung ra để tiếp cận, vì thế khó thấu hiểu, rồi thì ai cũng công nhận là “bệnh hoạn thật!” Kết quả họ trở thành “bệnh nhân tâm thần”. Chính họ, những người điên, lại là những kẻ giữ chặt nhất, gần nhất thế giới thứ 2 ấy, hầu như không lúc nào rời khỏi nó để quay về với thực tại.

McMurphy đến, đem cái hỗn tạp, xô bồ của thế giới thực tại về lại với những con người bệnh hoạn đáng thương ấy. Cho họ lại 1 lần được cười đùa hả hê, được khao khát đam mê trong những cảm xúc “rất con người”, được biết lên tiếng đòi hỏi những thứ khác ngoài thế giới chìm đắm mê muội u tối của mình mà điên dại. Cơn điên dại không chỉ còn quẩn quanh trong tâm thức bệnh hoạn, mà là cơn điên được thoả mãn, được khám phá ra, chính xác hơn là được khám phá lại chính mình. Còn không khí nào trong lành hơn là khi bước ra khỏi 1 căn phòng ẩm mốc, âm u mà ngần ấy năm trời bị nhốt chặt trong đó? Còn hạnh phúc nào hơn khi hiểu rằng ta không đơn lẻ trong cuộc đời này, mà quanh ta bạn bè, tình yêu vẫn trỗi dậy mãnh liệt? Ta đâu có bệnh, chẳng qua thế giới của ta không có khe hở nào để cho ánh sáng bên trên lọt vào mà thôi. Murphy đến và bay lên trên, qua khỏi cái tổ cúc cu nhỏ bé, giam hãm đó để phá đi cái mái che tăm tối, cho ánh sáng toả lan vào mọi ngóc ngách tâm hồn của họ, để lại được yêu, được sống.

Ai can đảm theo chân anh, người đó sẽ phải đối diện với sự nghiệt ngã của cuộc sống, nhưng cơ may tìm thấy hạnh phúc là chân trời rộng mở thôi thúc người đó bước đi mà không còn sợ hãi. Ai không thì chí ít cũng sẽ hiểu ra bản thân họ là ai, và cũng ghi nhớ rằng xung quanh họ không phải chỉ có riêng mình họ mà thôi.

Nhưng anh bạn Murphy đáng thương ơi, anh là ai? Anh cũng chỉ là 1 con bệnh, tệ hại hơn là 1 con bệnh biết chữa bệnh. Mà việc đó đâu phải của anh, là của y tá, của các vị bác sỹ khả kính nhiều tài năng, trí tuệ uyên bác kia mới phải. Anh làm thay cho họ theo cách của riêng anh, 1 phương cách chả có ma nào cấp giấy chứng nhận khoa học cả, anh liều lĩnh thật!

Và đương nhiên, anh phải trả giá cho những gì anh đã làm. Hoá ra, những người tỉnh táo nhất lại là những tên biến thái bệnh hoạn nhất. Căn bệnh của những kẻ này là sự kiêu hãnh về trí lực đến cao ngạo, tàn nhẫn. Đem quyền lực áp đặt ngay lên cả những kẻ tay không, thậm chí mất cả khả năng kiểm soát lý trí. Còn tội ác nào ghê gớm hơn sự khủng bố tinh thần trên những con người trong trạng thái dễ bị kích động nhất, nhạy cảm nhất? Đem họ ra để thoả mãn cơn khát quyền lực của cá nhân với lớp bọc của lòng hảo tâm, của tính nhân đạo, vậy khác nào những kẻ bệnh hoạn nguy hiểm? Hình ảnh bà y tá trưởng khó đăm đăm nếu đem so sánh với các cô gái điếm lẳng lơ thì quả là 1 sự châm biếm cay nghiệt. Vậy ai dám chắc ai “bác ái nhân hậu” hơn ai?

Có 1 câu nói của nhân vật Murphy tuy hết sức tầm thường lại mang tính triết lý sâu sắc vô cùng : “Dù sao thì tôi cũng đã thử!” Phải, đã sống thì phải biết đối diện và vượt qua những trở ngại. Thành công hay thất bại, chẳng quan trọng, vì ít ra bạn đã sống đúng. Đúng cho cả 2 thế giới trong 1 cuộc sống của chính mình.

Bộ phim là 1 sự bản tố cáo tội ác ghê tởm ở nơi được xem là nhân đạo nhất. Và phải chăng sâu xa hơn, phản ánh 1 đất nước luôn nói đến “nhân đạo từ thiện thế giới” lại cũng là tên giết người tay không dấy máu khi bán vũ khí chiến tranh cho các nước tham chiến trong chiến tranh? Chúng tôi giải thoát cho con người khỏi sự đau đớn bằng 1 sự đau đớn khác không thể nào nhận thức được, đó là nhân đạo? Chúng tôi giúp con người thoát khỏi nỗi đau bằng cách liên tiếp đâm vào vết thương cũ, biết đâu “dĩ độc trị độc”, vết thương sẽ mau chóng bình phục hơn, đó là nhân đạo?

Chính vì những giá trị nhân đạo xã hội được phản ánh nghiêm túc, One flew over the cuckoo’s nest không thể không đem về 1 tượng vàng Oscar cho phim hay nhất vào năm 1975. Một phim không thể thiếu trong bộ collection “Những bộ phim hay nhất mọi thời đại” cho các fan của nghệ thuật thứ 7. (IMDB cũng xếp phim này vào hạng thứ 13/250 với điểm số chót vót: 8.7/10). Và bây giờ xin hãy cùng thưởng thức cánh chim không mỏi bay qua tổ cúc cu.

Một số link bạn có thể tham khảo thêm về phim này :

1. Thông tin về phim :

http://us.imdb.com/Title?0073486

2. Script của phim :

http://sfy.iv.ru/sfy.asp?script=one_flew

3. Các link liên quan đến phim :

http://www.google.com/search?num=100&hl=en&lr=lang_en&q=%22One+Flew+Over+The+Cuckoo%27s+Nest%22&spell=1


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply