Trong năm phim được đề cử Phim hay nhất, có một phim với câu chuyện xảy ra tại ba lục địa với năm ngôn ngữ sử dụng trong phim (Babel), một phim về hoàng gia Anh (The Queen), một phim về chiến tranh Nhật, với diễn viên Nhật nói tiếng Nhật (Letters from Iwo Jima), một phim về một gia đình đậm chất Mỹ (Little Miss SunShine) và ‘một phim Mỹ làm lại từ một phim Nhật*” (The Departed). Sự nhầm lẫn của Viện Hàn Lâm trong phần giới thiệu ban đầu về ‘quốc tịch gốc’ của The Departed (làm lại từ một phim Hồng Kông) không được nhắc đến nhiều sau đêm trao giải, bởi dường như việc trao giải cho bộ phim này còn là một sai lầm lớn hơn của Viện Hàn Lâm năm nay, trong mắt các nhà phê bình phim!
“Đây là lần Oscar quốc tế nhất từ trước tới nay”, đó là lời mở đầu chương trình trao giải Oscar lần thứ 79 của Ellen DeGeneres, người dẫn chương trình Oscar năm nay. Đó cũng là một tuyên ngôn ám chỉ: hãy xem cuộc đua giữa các nhà làm phim quốc tế và người Mỹ. Oscar lần thứ 79 là một cuộc đua, mà ngay ở hậu trường của lễ trao giải, những người tổ chức chương trình làm sơ đồ đua ngựa dành cho các phim có mặt trong bảng đề cử của năm! Giấc mơ Mỹ vẫn được nhấn mạnh trong đêm trao giải, giữa lòng Hollywood – mệnh danh là Nơi những mơ ước thành sự thật. “Hãy nhìn đây, Jennifer Hudson, American Idols đã không bỏ phiếu cho cô bé, và cô bé được đề cử Oscar” – Ellen dí dỏm giới thiệu, rồi ngay sau đó chỉ về hướng cựu phó tổng thống Mỹ, “và đây Al Gore, người Mỹ ĐÃ bỏ phiếu cho ông, và giờ đây ông cũng ngồi đây’… Ellen ngừng một chút để… khán giả bật cười và ‘thấm’ câu đùa thâm thuý của cô. Al Gore thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2000, chỉ thua kém Bush vài phiếu sau khi thùng phiếu được phía ông Bush yêu cầu kiểm lại và kết quả thay đổi cả cục diện cuộc bầu cử. Một câu đùa rất ‘Mỹ’. Al Gore cũng ‘đùa rất Mỹ’ sau đó vào khoảng giữa buổi lễ, khi ông cùng nam diễn viên Leonardo DiCaprio lên sân khấu để vận động Hollywood hãy lên tiếng bảo vệ môi trường. Leonardo đã gặng hỏi ông Gore trên sân khấu rằng ‘liệu ông có thông báo nào thật là quan trọng không”, Al Gore phát biểu ‘Dù rằng tôi thành thật là không hề có ý định làm chuyện này, nhưng tôi đoán là, với một tỉ người đang theo dõi trực tiếp thì đây đúng là thời điểm thuật lợi hơn bao giờ hết. Vì thế, hỡi người dân Mỹ, tôi sẽ nhân cơ hội này ngay tại đây, ngay lúc này, để trịnh trọng tuyên bố ý định của tôi…” Trong khi Al Gore đang chuẩn bị phát biểu về 'ý định tái tranh cử' (???) nhạc trỗi lên báo hiệu phần phát biểu của ông đã hết. Al Gore và Leonardo DiCaprio lui vào sân khấu với nụ cười ranh mãnh.
Những dự đoán về làn sóng phim Mêxico với ba đạo diễn Mexicô tài năng với ba bộ phim thành công của họ trong năm qua đã bị dập tắt khi Children of men của Afonso Cuaron trắng tay, Pan’s Labyrinth với ba giải phụ và thất bại ê chề nhất là Babel, dù được một giải cho nhạc nền xuất sắc thì vẫn thất bại trong hạng mục quan trọng nhất và được mọi người kỳ vọng nhất. Tại đề mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc, các đại diện của Anh, Nhật, Mêxicô đều thất bại trong cuộc đua với nữ diễn viên da màu Mỹ Jennifer Hudson. Chiến thắng của Jennifer Hudson còn là một ‘giấc mơ Mỹ’ khác khi đây là lần đầu tiên mà Hudson đóng phim. Giấc mơ ‘lần đầu và chiến thắng’ không chỉ xảy ra một lần mà còn loé lên hai lần khác, khi mà đạo diễn của phim The Lives of others của Đức lên nhận giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc và biên kịch của phim Little Miss Sunshine nghe tin mình được xướng lên trong đề mục Kịch bản nguyên thuỷ xuất sắc. Cả hai đều laần đầu đến với điện ảnh. Đỉnh điểm, bốn giải quan trọng hàng đầu gồm kịch bản chuyển thể, dựng phim, đạo diễn và phim hay nhất đều thuộc về The Departed. Nếu như các giải trước đó trao cho các diễn viên Mỹ, phim Mỹ như để khẳng định: trong cuộc đua toàn cầu, người Mỹ vẫn nhất; thì các giải thưởng dành cho The Departed như lời khẳng định: đã vào tay người Mỹ thì mọi thứ đều có giá trị và đẳng cấp. Đây còn là một truyền thống lịch sử của giải Oscar: giải thưởng không hẳn trao cho phim hay thực sự của năm đó, mà đôi khi trao cho người từng làm ra nhiều phim hay và chờ quá lâu.
Nhiều nhà phê bình thất vọng trước kết quả này. Dù The Departed là một phim hay, nhưng rõ ràng bộ phim không phải là phim hay nhất của Martin Scorsese. Thế nhưng, có quá nhiều lý do để The Departed đoạt giải năm nay: người Mỹ làm lại một phim Hồng Kông và phiên bản mới gặt hái nhiều thành công hơn phiên bản gốc; nếu bạn không ngừng nỗ lực (Martin Scorsese được đề cử năm lần trước đây nhưng đều thất bại), bạn sẽ được đền đáp xứng đáng! “Tôi nghĩ rằng chiến thắng của Scorsese thật sự là sự đền đáp cho một người xứng đáng với giải thưởng này vì những tác phẩm khác của ông” Richard Walter, người đứng đầu chương trình viết kịch bản của trường phim đại học UCLA, phát biểu. Xét cho cùng, Oscar vẫn là sân chơi của người Mỹ.
(*) Phần giới thiệu của giải Oscar đã nhầm lẫn phim Infernal Affairs của Hồng Kông là một phim của Nhật.
(Bài đăng trên SGTT số ra ngày 1.3.2007)
http://360.yahoo.com/phanxine
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.