Oscar Mùa đẫm máu

Máu đổ trên tuyết trắng trong Lions for Lambs (Sư tử cho cừu), máu đổ trên thảm phòng khách trong American Gangster (Băng đảng Mỹ), máu vung vãi khắp nơi trong No country for old men (Người già không đất sống), máu tung toé và chảy thành sông trong phim nhạc kịch Sweeney Todd. There will be blood (Sẽ có đổ máu), bộ phim được xem là ứng cử viên sáng giá nhất tại giải Oscar năm nay, trở thành hình ảnh đặc trưng của mùa phim cuối năm 2007.

Thử nhìn vào danh sách các phim được đề cử Quả cầu vàng Phim xuất sắc nhất trong năm nay vừa được công bố: máu đổ trong American gangster – một phim hình sự xoay quanh cuộc đời của một ông trùm buôn ma tuý Mỹ; máu đổ trong Atonement (Chuộc tội), một phim tình cảm lãng mạn trong thời chiến nhưng không thiếu những cảnh chiến tranh tàn khốc; máu đổ trong There will be blood, bộ phim về những ông trùm tư bản đi tìm kiếm dầu mỏ; máu đổ trong No country for old men, bộ phim hình sự về một cuộc thanh toán đẫm máu liên quan đến mua bán ma tuý và một vali đầy tiền; máu đổ trong Easter Promises, bộ phim hình sự về giới tội phạm Nga, có lẽ là bộ phim đẫm máu nhất năm nay; và máu đổ trong Sweeney Todd, câu chuyện về người thợ hớt tóc tàn bạo ở phố Fleet trở về quê nhà để báo thù với lưỡi dao cạo sắc bén cứa cổ người ngọt lịm. Các phim này đa phần được ra mắt vào cuối năm (Sweeney Todd và There will be blood ra mắt vào tuần lễ… Giáng Sinh), mùa phim lẽ ra phải vui tươi với không khí rộn ràng và ấm áp của Noel. Thế nhưng, không có gì quá bất ngờ và khó hiểu: năm nào cũng thế, các hãng phim tranh thủ tung các bộ phim nghệ thuật ‘chủ chốt’ vào mùa cuối năm để dễ dàng được các thành viên của Viện Hàn Lâm Điện ảnh Hoa Kỳ chú ý.

Trong nhiều năm gần đây, ‘máu’ đã trở nên quen thuộc trong các phim được đề cử Oscar. Năm ngoái, bộ phim hình sự The Departed của đạo diễn Martin Scorsese thắng đậm tại giải Oscar cũng là một phim đẫm máu bởi dày đặc những cảnh bắn giết thanh toán giữa cảnh sáng và tội phạm. Năm nay, tính chất bạo lực còn tăng cao hơn. Trong Easter Promises (ra mắt hồi mùa thu) của đạo diễn David Cronenberg, những cuộc thanh toán không chỉ có súng ống mà còn có cả dao găm, khiến máu đổ vung vãi khắp nơi. Viggo Mortensen, trong vai một ông trùm tội phạm Nga ở London, be bét máu trong nhà tắm công cộng khi anh trần truồng đánh vật với hai tên tội phạm dùng dao. Trong Rendition, một bộ phim cũng hứa hẹn tại Oscar bởi dàn diễn viên khá hùng hậu như Reese Witherspoon, Jake Gyllenhaal và Meryl Streep, xoay quanh câu chuyện tìm kiếm người chồng bị mất tích của một phụ nữ trong một vụ liên quan đến cuộc chiến tranh Iraq, khán giả lạnh gáy khi phải xem cảnh người chồng bị bọn khủng bố tra tấn đến không thể nhận ra được anh.

Bạo lực được sử dụng trong các phim này hoàn toàn mang ý nghĩa quan trọng, là một phần của câu chuyện phim. Các nhà làm phim hoàn toàn có lý do để đẩy tính bạo lực trong phim lên cao. Trong American Gangster của Ridley Scott, những cảnh bắn giết đẫm máu của Frank Lucas (do Denzel Washington thủ diễn), ông trùm buôn ma tuý, được sử dụng để khắc hoạ nên chân dung của một con người phức tạp: hiền lành và chuẩn mực trong gia đình, nhưng tàn bạo và lạnh lùng trong ‘công việc’. Cả hai ‘khuôn mặt’ này của Frank cùng hiện rõ lên trong cảnh máu đổ trong một bữa tiệc ở nhà Frank, và ông ta chỉ lo lắng việc máu đổ làm hỏng tấm thảm quý của mình hơn là lo cho con người đang bị đổ máu nằm gục trên thảm.

Anh em nhà Coen, vốn nổi tiếng với những phim hài mỉa đầy tính bạo lực, mà tiêu biểu là bộ phim thành công tại giải Oscar nhiều năm trước Fargo, nay quay lại với đề tài bạo lực đẫm máu với No country for old men. Josh Brolin thủ vai một người đàn ông vô tình lượm được một túi tiền của những kẻ buôn ma tuý đã chết sau một vụ thanh toán không rõ nguyên do, Javier Bardem trong vai một tên giết người man rợ dùng khẩu súng bắn gia cầm để bắn vào trán nạn nhân. Cuộc truy đuổi vali tiền khiến người xem hồi hộp nín thở và kinh hoàng bởi sự lạnh lùng tàn bạo của kẻ giết người tâm thần.

Cũng đẫm máu, nhưng đậm phong cách độc đáo là Sweeney Todd của đạo diễn Tim Burton, với diễn xuất của Johnny Depp trong vai một thợ hớt tóc ra tù và trở về quê nhà để trả thù những kẻ huỷ hoại cuộc đời của anh và gia đình anh. Ngay cảnh mở đầu phim, máu để chảy thành dòng báo hiệu một phim đẫm máu. Khác với kiểu đổ máu bởi dao chém trong Eastern Promises, máu đổ trong Sweeney Todd có phần ‘sân khấu hoá’ hơn theo đúng phong cách nhạc kịch của phim, nhưng vẫn khiến người xem phải rùng mình với những cảnh cắt cổ bằng dao cạo râu.

Khán giả hẳn nhiên sẽ khó mà ‘nuốt nổi’ hết những bộ phim này trong mùa phim cuối năm. Nhiều nhà phân tích thị trường lo ngại Sweeney Todd sẽ lặp lại thất bại của Children of men hồi năm ngoái. Children of men, một bộ phim viễn tưởng xoay quanh hành trình bảo vệ một đứa trẻ sắp ra đời sau khi loài người không còn khả năng sinh nở trong suốt 18 năm trời khiến thế giới bị đẩy vào thế chiến thứ ba, ra mắt trong dịp Giáng sinh năm ngoái đã thất bại nặng nề tại phòng vé. Không chỉ vậy, bộ phim dù được đề cử khá nhiều giải Oscar nhưng không gặt hái được kết quả khả quan. Những phim hài vui vẻ (như Night at Museum hay Happy Feet thắng lớn trong mùa giáng sinh năm trước) dễ dàng lôi kéo sự chú ý của khán giả hơn. Giáng sinh năm nay, máu nhuộm đỏ màn ảnh: ngoài những phim tiềm năng Oscar kể trên, còn có thêm Aliens vs Predators 2 cũng bổ sung thêm vào danh sách phim máu me!

Thế nhưng, ngay cả với các nhà bỏ phiếu cho giải Oscar hẳn cũng sẽ ‘đau đầu’ với một loạt phim đẫm máu này. Khó ai có thể ‘nuốt nổi’ một loạt phim đầy rẫy bạo lực, cho dù là những bộ phim hay, cùng một lúc. Vì lẽ đó, rất nhiều khả năng những phim hài như Juno (bộ phim kể về một cô bé mười sáu tuổi đối mặt với hàng loạt khó khăn trong cuộc sống khi lỡ mang thai), Charlie Wilson’s war (với dàn diễn viên hùng hậu như Tom Hanks, Julia Roberts, Phillip Seymour Hoffman) và Lars and the real girl (một phim độc lập với diễn xuất rất cá tính của Ryan Gosling) có nhiều cơ hội vượt lên trong cuộc đua nước rút tại giải Oscar sắp tới. Xét cho cùng, phim ảnh cũng cần phải đem đến cho người xem, dù là thành viên của Viện hàn lâm, những phút giây thư giãn!

(Bài đăng trên TTVH – Đàn Ông số tháng 12)


Posted

in

by

Comments

2 responses to “Oscar Mùa đẫm máu”

  1. nemo Avatar
    nemo

    bài này của anh ne-o hông phải nemo 😛

  2. bunthang Avatar
    bunthang

    súng bắn gia cầm là súng gì nemo???
    (No country for old man)
    thấy cái món đó hay ,đi phá khoá,1 cái bụp ,xong xuôi 🙂
    coi film mới biết shotgun cũng có hãm thanh .Mới đầu cứ tưởng cha này chế loại “phá khoá” cầm tay :))

Leave a Reply