Pháp muốn đưa cuộc đời Nguyễn Đình Thi lên phim

Mới đây, nhà văn Nguyễn Đình Chính đã được một hãng phim của Pháp đề nghị tham gia làm phim tài liệu nghệ thuật có liên quan đến cha ông – nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi. Trong đó, dự kiến có sử dụng nhiều di cảo ông để lại sau khi qua đời năm ngoái.

– Hai năm trước khi mất, nhà văn Nguyễn Đình Thi có trao cho anh nhiều bản thảo của ông?

– Rất nhiều tài liệu, nhét đầy trong va-ly cũ. Đó là những bản viết tay tất cả các sáng tác nghệ thuật mà ông đã cho in và phát hành.

– Vì sao ông lại trao cho anh mà không phải ai khác?

– Tôi cũng có hỏi ông cụ như vậy, ông nói: “Chính là nhà văn, gửi Chính thì hợp nhẽ hơn. Nhưng tôi biết đó chỉ là cái cớ nhỏ. Còn có cái cớ khác là ông cụ tôi có mấy căn hộ được nhà nước cấp cho và ông lần lượt chia cho các con đẻ và hai bà vợ. Riêng tôi thì chưa có phần vì đã có nhà rồi. Nhưng nếu không cho tôi thì ông băn khoăn (vì ông chỉ có một cháu nội đích tôn nối dõi duy nhất là cháu Nghĩa, con trai tôi). Theo ông, cái đó chắc là quý và có giá hơn một căn hộ.

– Khi được trao quyền sở hữu và sử dụng bản thảo của nhà văn Nguyễn Đình Thi, anh nghĩ gì?

– Tôi tự thấy điều đó không được hợp nhẽ lắm. Và tôi đã từ chối vì anh trai tôi – kiến trúc sư Nguyễn Đình Lễ mới là trưởng nam. Anh Lễ là người rất cẩn thận, chu đáo, anh giữ thì hợp nhẽ hơn. Vì vậy, sau khi thuê người sắp xếp lại đống bản thảo, tôi đã trao lại va-ly đó cho anh Lễ.

– Cha anh đã thể hiện thái độ như thế nào?

– Ông chỉ ngồi im. Cũng cần nói thêm, càng về già, ông cụ tôi đâm ra ít nói và hay ngồi im lắng nghe, nghĩ ngợi. Nhưng khi sắp mất, ông mời luật sư và công chứng viên tới, để lại di chúc làm đúng như lời của anh Lễ là chia đều số bản thảo cho các con, gọi là kỷ niệm tinh thần của ông.

– Nhưng lý do gì mà hiện nay anh lại đang giữ tất cả thư từ cũng như nhiều ghi chép, di cảo của ông?

– Vài ngày trước khi đổ bệnh phải vào viện, có lẽ do linh cảm đưa dắt, cha có đến nhà và đưa cho tôi cái cặp rách, chằng dây gai. Tôi hỏi: “Thưa bố, lại bản thảo ạ?” Ông cụ tôi lắc đầu: “Đấy là thư từ, ghi chép, di cảo của bố cho Chính. Một ngày nào khi bố không còn nữa, Chính có thể đọc để hiểu bố hơn. 49 ngày sau khi ông cụ tôi mất, tôi đã mở cái cặp ra và có đọc tất cả những gì để lại trong đó. Tôi cũng biết ý ông cụ, sinh thời, biết tôi là người ít học, tính nết lỗ mãng nông cạn, không thể hiểu hết ông cụ là ai nên ông đã đưa cho tôi cái cặp này và dặn như vậy”.

– Và bây giờ, sau khi đọc xong các tài liệu và di cảo, anh đã hiểu thêm những gì về cha mình?

– Có lẽ cũng không nhiều, vì tiếng Pháp của tôi hạng bét. Tôi đọc, cứ chữ tác thì lại hiểu ra chữ tộ vì tất cả các thứ trong cặp đều ghi bằng tiếng Pháp.

– Là một nhà văn, anh có định viết một quyển sách tiểu sử và sự nghiệp cha mình?

– Đã có một vài nhà xuất bản trong nước và vài người bạn Pháp bàn với tôi về chuyện này. Nhưng tôi từ chối. Tôi nghĩ đây là công việc của các nhà nghiên cứu văn học, hoặc của những độc giả hâm mộ, yêu thích, quý trọng nhà văn Nguyễn Đình Thi.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply