Phim Giải phóng Sài Gòn ra mắt

Sau 13 năm, Giải phóng Sài Gòn – bộ phim ôm nhiều kỷ lục: thời gian thực hiện lâu nhất (qua 3 đời giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam), kinh phí vào hàng lớn nhất (12,5 tỷ đồng) – sẽ đồng loạt được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 27/4.

Bắt đầu bằng trận đánh mở màn Buôn Mê Thuột, Giải phóng Sài Gòn đưa khán giả đến với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kéo dài trong 55 ngày đêm với các quyết định quan trọng của Bộ chính trị, Bộ tổng tham mưu, cùng những diễn biến thần tốc, quyết liệt và kết thúc bằng thắng lợi vào trưa ngày 30/4/1975. Trên cái nền ấy, gần 20 nhân vật lịch sử: tổng bí thư Lê Duẩn, đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng Văn Tiến Dũng… cũng như tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống Dương Văn Minh… được tái hiện.

Đạo diễn Long Vân – từng làm phim Biệt động Sài Gòn, Người không mang họ… – cho biết qua tác phẩm điện ảnh này, khán giả sẽ hiểu rõ thêm “đêm trước” các quyết định quan trọng, diễn biến những trận đánh nổi tiếng: Buôn Mê Thuột, Xuân Lộc, nội thành Sài Gòn… cùng nhiều diễn biến khác. “Chúng ta không thể làm phim chiến tranh hoành tráng như Mỹ, mà phải tìm cách thể hiện khác. Sẽ không có quá nhiều cảnh máu chảy đầu rơi nơi chiến tuyến mà chúng tôi muốn để khán giả tự cảm nhận”, ông nói. Sự khốc liệt của trận Xuân Lộc sẽ được thể hiện qua hình ảnh hàng chục máy bay, xe tăng, hàng nghìn binh lính của chính quyền Sài Gòn được huy động tái chiếm cũng như sự đau buồn của bộ tổng tham mưu quân đội giải phóng khi nhận được báo cáo.

Sẽ có rất nhiều gương mặt xuất hiện, nhưng Giải phóng Sài Gòn lại không có nhân vật chính. Thay vào đó, đạo diễn Long Vân hy vọng phim sẽ cuốn hút bởi sự hiển hiện bằng xương bằng thịt của những nhân vật lịch sử quan trọng. Nhà làm phim tự đặt ra yêu cầu là vẫn phải trình bày lịch sử một cách trung thực – như khán giả từng biết qua sách báo, nhưng lại phải tạo nên sự hấp dẫn hơn những thước phim tư liệu đang được chiếu rộng khắp trên truyền hình. Vì vậy, trong phim được lồng vào câu chuyện của một gia đình chồng Nam, vợ Bắc bị chia cắt bởi chiến tranh. Họ ngỡ sẽ gặp lại nhau tại Sài Gòn trưa 30/4 khi người vợ – nữ chiến sĩ biệt động – dẫn đường cho xe tăng vào nội thành, còn chồng và con trai có mặt trong đoàn quân tiến vào thành phố… “Tôi nghĩ rằng, đây là cuộc chiến tranh toàn dân, nên mất mát của cả hai miền Nam Bắc là điều không tránh khỏi” – ông Long Vân nói.

“Có lúc chúng tôi tưởng phải bỏ cuộc…”

Đạo diễn Long Vân tâm sự như vậy. Ông cho biết, đoàn làm phim đặc biệt nản lòng sau khi khảo sát chiến trường xưa. “Tất cả đã đổi thay, tôi cảm thấy ngợp không làm được”… Kể từ khi duyệt kịch bản tới lúc phim ra mắt là gần 13 năm trời, có thời điểm Giải phóng Sài Gòn phải tạm dừng… chờ cấp kinh phí. Bắt đầu từ năm 1991-1992, nhà báo Hoàng Hà đã phối hợp với đạo diễn Long Vân viết kịch bản phim Sài Gòn vần thắng vút cao – theo gợi ý của đồng chí Trần Trọng Tân, Phó chính ủy TP HCM. Phim đã được dự kiến hoàn thành vào năm 2000 – kỷ niệm 25 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng không kịp.

Thông qua hội đồng duyệt kịch bản quốc gia, kịch bản được chỉnh sửa hoàn thiện hơn với nhóm tác giả: Hoàng Hà, Long Vân, Nguyễn Trần Thiết, Lê Đăng Thực, Vũ Văn Nha. Đến tận năm 1999 phim mới được khởi quay. NSƯT Long Vân cho biết, đây là phim sử thi, dựng nhiều đại cảnh, huy động hàng nghìn quần chúng, phải xin hàng chục, hàng trăm giấy phép cho những sự kiện bất thường: xe tăng vào TP HCM, thực hiện cảnh khói nổ trong nội ô… nên thời gian làm phim cũng kéo dài hơn. Gần 30 năm qua, bối cảnh đã thay đổi nhiều, nên tốn nhiều kinh phí để dựng lại cảnh chiến trường. Tháng 9/2004, phim mới quay xong và chuyển sang làm hậu kỳ tại Thái Lan.

Ngoài 12,5 tỷ đồng tiền của nhà nước, phim còn nhận được sự trợ giúp rất lớn của Bộ Quốc phòng. “Không thể tính ra tiền được. Nếu không có sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng, đặc biệt là quân khu 7, quân đoàn 1… thì chúng tôi khó có thể thực hiện. Đơn vị nào cũng trợ giúp hết sức như thời chúng tôi làm Biệt động Sài Gòn, nhưng bây giờ là cơ chế thị trường nên cũng có một số khác biệt. Chẳng hạn, chi phí bảo dưỡng, đi lại, ăn ở cho hàng nghìn binh lính quần chúng cũng là một vấn đề” – đạo diễn Long Vân nói.

“Làm phim sử thi rất khó, nhất là để vừa lòng khán giả trẻ tuổi” – ông Long Vân thừa nhận. “Tôi hy vọng rằng, sự thật lịch sử cùng nhiều điều chưa biết về bản chất sự kiện sẽ hấp dẫn khán giả. Chẳng hạn, người xem chỉ biết tổng bí thư Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng chúng tôi phải cho họ thấy hành động của các vị lãnh đạo ấy như thế nào”.

Ảnh: Cảnh họp Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thịnh Phúc

Nguồn: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2005/04/3B9DD8EB/


Posted

in

by

Comments

2 responses to “Phim Giải phóng Sài Gòn ra mắt”

  1. forgetme Avatar
    forgetme

    Nemo nói như vậy là không đúng rồi. Đúng là đất nước còn nhiều khó khăn, vấn đề phải giải quyết nhưng không thể nào có sự thiên lệch trong đầu tư và phát triển được. Nếu nói như Nemo thì Nhà nước mình nên tập trung tiền để giúp đỡ người nghèo , còn sự phát triển của giáo dục, nghệ thuật hay các vấn đề khác thì sao? Thật là một sự khập khễnh nếu nói rằng không nên đầu tư tiền cho ngệ thuật (điện ảnh) mà nên dùng tiền đó cho vấn đề xã hội vì mục đích, ý nghĩa của hai việc đầu tư là khác nhau.

    Những vấn đế xã hội(người nghèo, thất nghiệp) thì đã có kế hoạch , định hướng của chính quyền thành phố, tổ chức xã hội. Không thể nào tính toán lời hay lỗ với mỗt bộ phim lịch sử Giải phóng Sài Gòn vì hiệu quả của bộ phim không thể tính bằng tiền ( có ý nghĩa giáo dục, tái hiện lịch sử). Mình nghĩ một bộ phim như vậy còn được chiếu dài dài (trên truyền hình) chứ không chỉ chiếu vài ngày ở rạp đâu.

  2. nemo Avatar
    nemo

    ặc ặc lại 1 bộ fin lịch sử . Wow 12,5 tỉ đầu tư chỉ để công chiếu 1 vài ngày rùi lại cất kho, liệu có đáng ko?

    Với số tiền tỉ ấy chúng ta có thể giúp đỡ rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, thế mà…

Leave a Reply