Phim ma Việt Nam: đúng là phim ‘ma’

Bỗng nhiên đầu năm, báo chí rộ lên ‘năm 2007 là năm của phim kinh dị Việt Nam’, để đến giữa năm thì lại rộ lên chuyện kiểm duyệt cấm phim ma, và đến giờ thì vẫn chưa thấy tăm hơi phim ma Việt Nam nào ngoài rạp!

ĐỊNH NGHĨA PHIM MA

Thật khó để định nghĩa phim ma bởi thể loại này… không có trong từ điển phim thế giới. Thể loại phim ma của thế giới hẳn sẽ được xếp vào hàng phim horror (tạm dịch: kinh dị), thriller (rùng rợn), mystery (bí ẩn), fantasy (tưởng tượng) và kể cả drama (tâm lý) romance (tình cảm) hoặc comedy (hài). Ở Việt Nam, phim ma nghĩa là… phim có ma, nhưng với cách nghĩ của nhiều người, phim ma ám chỉ đến phim kinh dị. Chẳng hạn, công văn của Cục Điện ảnh nhắc đến việc ‘hạn chế tối đa phim ma, phim kinh dị’, nên có thể xem phim ma ở đây là… phim kinh dị!

Nhưng, như đã nói ở trên, phim (có) ma cũng có thể là phim tình cảm hoặc phim hài. Chẳng hạn phim Ghost (Oan hồn) là một phim tình cảm hài tâm lý xã hội pha trộn rùng rợn với câu chuyện về một chàng trai phát hiện ra mình bị chết oan ức và oan hồn của anh, thông qua một bà đồng bóng, quay trở lại để bảo vệ người yêu và nói lời chia tay với cô; phim Just like heaven (Như ở thiên đường) là một phim tình cảm hài về một chàng trai dọn đến ngôi nhà mới và bị oan hồn một cô gái trẻ phá đám khiến anh phải cố tìm hiểu sự thật về số phận cô gái ấy; hay phim Truly Madly Deeply (Chân thành cuồng loạn sâu sắc) là một tình cảm tâm lý xã hội nói về một đôi tình nhân yêu nhau thắm thiết, chàng trai bị chết và hồn chàng quay trở lại với người yêu nhưng sự khác biệt âm dương khiến tình cảm của họ dần trở nên xung đột…

Phim (có) ma cũng có thể chẳng có liên quan gì đến ma, chẳng hạn như xem Harry Potter có thể thấy những con ma ở trường Hogwarts bay lượn lờ khắp nơi; xem Stardust (Bụi sao) mới đây của Hollywood (với Claire Danes, Michelle Pfeiffer và Robert DeNiro) thấy cả một bầy ma ‘hoàng tử’ như những gã hề; hay phim hoạt hình Ratatouille dành cho thiếu nhi cũng có… hồn ma của ông đầu bếp trưởng Gusteau!

Kể cả những phim… không có ma cũng bị lôi vào thể loại phim ma, chẳng hạn như The phantom of the opera (Bóng ma nhà hát lớn) vì con ma trong phim thực chất là một người đàn ông đeo mặt nạ!

Cũng chính vì lẽ đó, nếu dựa theo định nghĩa phim ma là phim có ma mà cấm các phim trên thì quả thật là oan ức! Các nhà làm phim, cũng như báo chí, cứ dựa vào cớ này để ỉ ôi ‘phim ma chưa chắc đã là… phim ma, xin đừng cấm’ và lôi hết các phim Ghost lẫn Harry Potter để chứng minh rằng phim ma không có kinh dị!

PHIM MA KINH DỊ CÓ… KINH DỊ?

Nếu loại bỏ các phim (có) ma mà không phải ‘phim ma’ thì liệu những phim ma kinh dị có thật sự kinh dị? Lấy ví dụ một trong những phim ma nổi tiếng thế giới là Sixth Sense (Giác quan thứ sáu). Đây thật sự là một phim rùng rợn với những khoảnh khắc khiến người xem phải giật bắn mình. Thế nhưng, Sixth sense không chỉ là một phim kinh dị cốt yếu để hù khán giả mà thông điệp của bộ phim mới thực sự khiến người xem phải suy gẫm và nhớ về bộ phim. Đây là câu chuyện về niềm tin, về lòng bác ái và sự chia sẻ giữa con người với con người, thông qua câu chuyện của một cậu bé nhìn thấy người chết và ma chỉ là cái cớ để đạo diễn truyền đạt thông điệp của ông. Tương tự, bộ phim The Others (Những người khác) là câu chuyện về ba mẹ con sống trong một ngôi nhà u tối và những đứa trẻ tin rằng trong nhà của chúng có ma, khán giả phần lớn thời gian hoảng sợ vì ‘những bóng ma’ trong ngôi nhà cho đến cuối cùng họ nhận ra rằng họ không sợ khi nhìn thấy ‘ma’ mà họ sợ bởi họ thấy… con người, ‘những người khác’, bởi các nhân vật chính của bộ phim thực chất là những hồn ma trong ngôi nhà! Ngay cả những phim ma như Sixth Sense hay The Others làm khán giả nổi hết gai ốc, lạnh toát mồ hôi thì việc cấm chiếu những bộ phim này cũng quá oan uổng cho khán giả trong nước. Trên thực tế, Sixth Sense từng được nhập và phát hành tại Việt Nam nhưng đã bị kiểm duyệt cắt đi đoạn kết để biến bộ phim thành… không phải phim ma – tức khán giả chưa xem bộ phim này bằng băng đĩa lậu và ra rạp Việt Nam để xem sẽ không hề hay biết rằng nhân vật mà Bruce Willis đóng thực chất là một oan hồn không biết mình đã chết, một chi tiết đắt giá và độc đáo khiến bộ phim này gây ấn tượng mạnh với khán giả trên toàn thế giới!

VÀ PHIM MA KHÔNG CÓ MA!

Trong khi đó, khá nhiều phim ma cũng chẳng có ma nhưng vẫn kinh dị như thường! Chẳng hạn như Final Destination, loạt phim kể về một nhân vật có thể mơ thấy trước một tai nạn thảm khốc và thoát chết trong gang tấc, nhưng sau đó thì những người may mắn thoát chết đều chết trong những tình huống kỳ lạ. Không một hồn ma nào xuất hiện trong phim, nhưng bộ phim vẫn đủ làm người xem thót tim sợ hãi và tin vào các thế lực siêu nhiên tồn tại. Một ví dụ khác là bộ phim The Blair Witch Project (Dự án phù thuỷ rừng Blair) xoay quanh ba sinh viên Mỹ vào rừng để làm phim tài liệu về phù thuỷ rừng Blair và họ không bao giờ quay trở ra. Tất cả những gì còn sót lại là những cuốn băng của họ mà nhờ đó, người xem mới hiểu họ đã làm gì và gặp chuyện gì. Không một bóng ma nào xuất hiện dù lẩn khuất đâu đó là những chuyện kỳ lạ xảy ra. Nếu Final Destination và The Blair Witch Project vẫn còn mang yếu tố ‘siêu nhiên’, cũng có thể xem là một dạng ma, thì The 4th Floor (Lầu bốn) với diễn xuất của Juliet Lewis lại là một phim hoàn toàn chẳng có ma cho dù gần hết cả bộ phim người xem có thể giật thót mình và hồi hộp đoán già đoán non liệu có ma trong căn phòng ở lầu bốn hay không!

Giải thích dông dài để đi đến một kết luận rằng nếu gọi phim ma theo nghĩa là phim kinh dị, xin hãy bỏ ra các phim như Oan hồn hay Bóng ma nhà hát lớn, bởi đó hoàn toàn không phải là phim ma, cho dù tựa phim có ma hay trong phim có ma đi chăng nữa. Cũng vì lẽ đó, Nụ hôn tử thần của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang làm hẳn cũng chẳng liên quan gì đến chuyện phim ma cho dù trong phim mà rất nhiều con ma!

Dĩ nhiên, công văn của Cục Điện ảnh có lẽ cũng chỉ cần yêu cầu ‘hạn chế tối đa phim kinh dị, phim rùng rợn’, nếu Cục Điện ảnh muốn bảo vệ cho khán giả khỏi phải giật thót mình khi ra rạp xem phim (dù xem các phim cúng cụ cũng không kém phần ‘kinh dị’ vì khán giả có thể ‘giật thót mình’ vì phim dở mà tốn tiền tỉ và rạp thì vắng hoe!!!).

CHUYỆN PHIM MA VIỆT NAM

Vậy thật sự Việt Nam đã có ‘cơn sốt phim ma’ hay chưa? Hẳn là có, nếu định nghĩa phim ‘ma’ là phim mà… ai cũng nghe nói nhưng chưa ai thấy bao giờ!

Điều nực cười nhất trong câu chuyện về phim ma Việt Nam chính là phim chưa thấy đâu nhưng mọi người đã hốt hoảng. Cho đến nay, chỉ duy nhất hai dự án đã hoàn chỉnh là bộ phim Mười của hãng Phước Sang (thực chất là phim Hàn Quốc hợp tác sản xuất) với diễn xuất của Hồng Anh, Anh Thư, Bình Minh và loạt phim dài tập của hãng Chánh Phương với hai tập đầu mang tên Suối oan hồn và Ngôi nhà bí ẩn. Cả hai phim này đều lên lịch chiếu trong hè trước khi công văn của Cục Điện ảnh công bố, nhưng đến ngày chiếu thì… vẫn không thấy tăm hơi đâu cả! Hãng Phước Sang dự kiến lùi lịch phát hành phim Mười vào dịp phim Tết – và bi kịch thay, đĩa lậu phim Mười nay đã tràn lan khắp nơi, còn hãng Chánh Phương thì chỉ vừa công chiếu hai bộ phim này mới đây.

Còn lại, các dự án phim ma ‘xôm tụ’ mà báo chí lẫn các nhà làm phim vẫn bơm thổi vẫn là những bộ phim… không hình ảnh: Khách sạn không đèn, Tiếng thở giữa đêm khuya, Ngủ với hồn ma (đều là ‘phim’ của đạo diễn Bá Vũ), Con ma nhà họ hứa trở lại (của đạo diễn Lê Hoàng Hoa)… Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng sau bộ phim Những cô gái chân dài có tiêt lộ sẽ làm một bộ phim kinh dị, và dù anh cũng đã ngừng phát triển dự án này đã gần ba năm, thì báo chí vẫn cố sức lôi nó vào ‘cơn sốt phim ma’! Bộ phim Nụ hôn thần chết của Nguyễn Quang Dũng thực chất là một phim tình cảm lãng mạn, ma chỉ là cái cớ, cũng được ‘quơ’ vào dòng phim ma, kinh dị.

Chỉ mới hai ba phim được bấm máy, còn đa phần là ‘dự án không biết bao giờ mới làm’, nhưng nhờ tài nghệ của các phóng viên văn hoá văn nghệ, phim ma bỗng trở thành một đề tài cực kỳ nóng bỏng, như thể một cơn sốt sắp nổi lên, một xu hướng sắp bùng nổ làm khuynh đảo cả nền điện ảnh! Những sự ồn ào giả tạo do báo chí tạo ra này lại khiến cho những nhà quản lý cũng giật mình mà ra hẳn cả một công văn ‘hạn chế nhập khẩu’ và ‘sản xuất phim ma, kinh dị’…

Đây không phải là lần đầu tiên những ‘cơn sốt ảo’ của điện ảnh Việt Nam ‘được’ giới phóng viên tâng bốc và thổi phồng. Từ cơn sốt ‘phim gái’ (chỉ lèo tèo hai phim Gái nhảy và Lọ lem hè phố), ‘phim thế giới người mẫu’ (chỉ mới ra đời Những cô gái chân dài), đến ‘phim đồng tính’ (được dăm ba phim có nhân vật đồng tính, chứ cũng không hẳn chủ đề về đồng tính), tất cả đều bị bơm phồng lên quá mức.

Và với phim ma, chưa kịp ra đời chào ai để mà ‘tạo ra cơn sốt’ hay ‘xu hướng’ thì nay đã xẹp, phim ma hoá ra cũng toàn là… “phim ma” cả!!


Posted

in

by

Comments

4 responses to “Phim ma Việt Nam: đúng là phim ‘ma’”

  1. hoangdungmkt Avatar
    hoangdungmkt

    Coi Muoi xong thi thay diem 10 danh cho phim kinh di do te la xung dang.

  2. Lenore Avatar
    Lenore

    Mình thấy mấy ông này đúng là nhảm, báo chí thời nay cũng vậy, chỉ có mấy vụ là bày đặt đem lên thành “cơn sốt”, sốt đâu không thấy ‘__’

  3. chorungdoi Avatar
    chorungdoi

    Nếu ai đã từng coi rạp nhiều lần thì biết, coi rạp có cái thú của coi rạp: Âm thanh sống động, mát mẻ, hình ảnh to rõ nét, dịch sát nghĩa… Còn xem Băng đĩa lậu thì chao ôi…
    Cũng chính vì lý do đó mà tui ko xem Mười để dành ra rạp coi ai dè bị dời lại.
    Các bác cục điện ảnh có thể hạn chế phim kinh dị nhưng đừng hạn chế theo những cách nêu trên ( cắt bỏ Phim, ko công chiếu…) Mà hãy hạn chế bằng khuyến cáo những ng` yếu tim hay dưới 16t ko nên xem. Chứ cái kiểu này nền Điện Ảnh VN chừng nào mới phát triển nổi

  4. nemo Avatar
    nemo

    CHưa coi DVD fim 10 để chờ ra rạp coi luôn mặc dù fim này bà con chửi cũng nhiều, còn phim của bác Chánh Tín thì mới liếc sơ qua cái trailers cũng đã thấy mức độ kinh dị tới đâu òi.

    Vậy mà bác Chánh đang rất là đắc ý vì cái thành công bước đầu đó và sẽ còn cho ra series fim kinh dị theo phong cách đó nữa, pó chiếu 🙁