Phim ‘Thái tổ Lý Công Uẩn’ mời nhiều chuyên gia ngoại

Bộ phim đề tài lịch sử có quy mô lớn nhất VN, chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, sẽ được khởi quay tháng 11/2008.

Ngày 7/12, Hãng phim truyện VN đã họp báo giới thiệu bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn". Sau 5 năm tuyển chọn kịch bản, tháng 11, hội đồng tư vấn duyệt kịch bản làm phim kỷ niệm nghìn năm Thăng Long đã họp thẩm định kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn và khẳng định đây là kịch bản tốt nhất từ trước đến nay về đề tài này. Hãng phim truyện VN làm phim theo đơn đặt hàng của UBND TP Hà Nội.

Theo ông Lê Đức Tiến – Giám đốc hãng, đây là bộ phim lịch sử có quy mô lớn nhất VN từ trước đến nay. Trong kế hoạch sơ bộ, phim sẽ có nhiều bối cảnh quay ở Hoành Điếm, Côn Minh (Trung Quốc) và các cảnh quay chính ở VN như Sơn Tây, Cổ Loa, Đà Nẵng, Đà Lạt…

Ngoài ra, hãng dự định mời các chuyên gia nước ngoài tham gia vào phim: nhạc sĩ Kitaro (Nhật Bản), quay phim Đỗ Khả Phong (Trung Quốc), đạo diễn võ thuật Quốc Kiến Dũng (Hong Kong), nhà hóa trang, tạo hình số một của Trung Quốc là Mao Tiên Đình, cố vấn thiết kế mỹ thuật Tống Hồng Vinh (Chủ tịch Hiệp hội điện ảnh Trung Quốc). Các phần quay kỹ xảo được thực hiện ở VN, Mỹ. Ông Lê Đức Tiến dự kiến, nếu mời các chuyên gia nước ngoài, mức lương phải trả là khoảng 600 triệu đồng mỗi tháng.

Đơn vị sản xuất đã chọn giai đoạn Lý Thái Tổ 36 tuổi, mở kỷ nguyên xây dựng kinh đô Thăng Long làm tiêu điểm chính cho phim. Giáo sư sử học Lê Văn Lan, thành viên Ban biên tập phim, phát biểu: "Lý Thái Tổ là người có công khai sáng văn minh Đại Việt, khai sinh ra kinh đô Thăng Long. Vì vậy, phim phải thể hiện rõ nét hình ảnh vị vua tài đức này".

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng góp ý, mỹ thuật của phim không thể cứng nhắc bám theo các cứ liệu lịch sử. Về kiến trúc phim có thể dùng vài phần trong trường quay Thiên Long Bát Bộ ở Đại Lý (Trung Quốc) chủ yếu phần thấp (từ mái hiên đỏ xuống) và nội thất với sắc màu kiến trúc là xanh, đen, trắng, xám. Nhà dân chỉ thuần một tầng tre, nứa, lá. Trang phục diễn viên trong phim, thời đó, vua mặc triều phục màu đỏ. Tuy nhiên, lúc đó còn phổ biến lối ăn mặc chiến binh từ văn minh Đồng Sơn, tức là đóng khố đen, đeo hộ tâm kính ở ngực, đeo bao tay, bao chân, vòng đồng; các vũ nữ đeo trang sức che ngực, bụng chứ không mặc quần áo.

Về vũ khí, theo truyền thống Đông Sơn và quân sự VN, chủ yếu là binh khí ngắn như kiếm, mã tấu, búa, rìu, côn nhị khúc, dao găm, cung, nỏ. Các đồ dùng thường bằng gốm. Phương tiện giao thông là xe ngựa, tứ mã cho vua, song mã cho quan, tướng và thị vệ cưỡi ngựa. Trong lễ đăng quang của vua có thuyền rồng, mỗi bên có tám bơi chèo của vua.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh: "Đây là bộ phim lịch sử được làm thời nay, không nên phụ thuộc vào sử sách đến mức trở thành bộ phim vua chúa như của Trung Quốc".

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng xác định: "Trung Quốc làm phim về lịch sử không chê vào đâu được. Vì thế, chúng tôi phải làm sao thoát khỏi lối mòn của đồng nghiệp, không bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nhưng vẫn lột tả chân thực hình ảnh của vị vua đại diện cho VN". 

Phim có bốn đạo diễn Việt Nam tham gia gồm: Vương Đức, Lưu Trọng Ninh, Đỗ Minh Tuấn, Vũ Xuân Hưng, ngoài ra có một số đạo diễn nước ngoài hỗ trợ làm phim. Hiện vẫn chưa chọn đạo diễn chính thức. Dự kiến Thái tổ Lý Công Uẩn sẽ hoàn thành vào 1/5/2010.

Huyền Lê

Theo vnexpress 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply