Phim Troy – một tác phẩm lãng mạn hiện đại

Lịch sử Hi Lạp là một sự hoà quyện của thần thoại và anh hùng ca. Thần thánh trở nên rất người với những xúc cảm, những toan tính, những giằng xé, còn con người trở thành thần thánh vì những chiến công lẫm liệt của mình. Troy của Petersen chỉ chụp lấy một khoảnh khắc trong dòng thời gian triền miên của sử thi Hi Lạp, nhưng đó là khoảnh khắc “phong thần” bất tử của con người, khoảnh khắc khi dấu ấn của các vị thần bị ống kính máy quay làm cho nhoà nhạt đi, để con người xương thịt làm nên lịch sử.

Phim không lan man dài dòng về bữa đại tiệc định mệnh đó, khi một mụ nữ thần vì căm chuyện mình không được mời mà đang tiệc vui, quẳng vào trái táo khắc chữ “Dành cho người đẹp nhất”. Phim cũng không kể lể chuyện các vị nữ thần tranh nhau quả táo thế nào, phải nhờ Paris- hoàng tử thành Troy, chàng trai đẹp nhất phương Đông- làm giám khảo ra sao; chuyện Athena thần trí khôn hứa hẹn quà hối lộ là một sự thông minh tuyệt đỉnh; hoặc Aphrodite- thần tình yêu đánh trúng trái tim đa tình của Paris bằng quà tặnglà một cô nàng đẹp nhất trong thế giới loài người : nàng Helen thành Sparta, vợ vua Menelaus.

Phim cũng không hề nhắc nhở đến điển tích “gót chân Achilles”- điểm yếu duy nhất của Achilles- chiến binh kiêu hãnh bất bại của toàn bộ đế quốc Hi Lạp- bởi thuở nhỏ chàng được cầm gót chân nhúng vào dòng sông bất tử , khiến đao kiếm không xâm phạm được, ngoại trừ cái gót chân!

Phim chỉ bắt đầu từ lúc hoàng tử Paris cuỗm vợ của vua Menelaus thành Sparta, lúc anh hùng Achilles đã thành Lữ Bố của vua Agamemnon- anh trai Menelaus. Menolaus cầu cứu anh trai mình để giành lại nàng Helen, người đàn bà bị ngàn đời kết tội là gây nên cuộc chiến thành Troy đẫm máu, trong khi thực ra nàng chỉ là một con chốt trong ván bài chính trị của Agamemnon.

Được trường ca Illiad của văn hào Homer tạo cảm hứng, phim Troy nói đúng hơn là một tuyên ngôn vô thần của chủ nghĩa hiện đại. Khác với thần thoại, những mâu thuẫn, những âm mưu, những trận đánh trong Troy đều được lí giải bằng cơ mưu của con người. Sự hiện diện của thần thánh có chăng cũng chỉ là trên miệng lưỡi của những người mượn chuyện trên trời mà biện hộ điều tiếng dưới đất. Con người trong phim Troy làm chủ lịch sử.

Đó là một Achilles (Brad Pitt) ngông cuồng, kiêu bạc, một người cô độc, một kẻ ăn mày tiếng tăm. Chàng là chiến binh bất khả chiến bại dưới trướng Amagemnon, nhưng chàng cũng là kẻ mập mờ nhất về ý thức hệ, về ý nghĩa của những chiến thắng quân sự mà chàng liên tiếp gặt hái cho Hi Lạp. Tôn giáo của chàng chỉ là chủ nghĩa tôn thờ bản thân. Tất cả những gì Achilles làm chỉ là để nâng chàng lên tầm bất tử của những chiến binh quả cảm được sùng bái như những vị thần. Chàng đánh trận khôn ranh như cáo nhưng cũng dũng mãnh như sư tử, chàng yêu cuồng sống vội cứ như mình sẽ gục chết ngay ngày mai trên chiến địa, chàng hoang dã và đầy những ám ảnh, chàng là kẻ phủ định đến báng bổ thần thánh chính vì chủ nghĩa sống ngông nghênh nhưng cuồng nhiệt của mình.

Nếu như Achilles là người anh hùng phản diện của Troy, thì nhân vật chính diện là hoàng tử Hector (Eric Bana), anh của Paris. Hector là tựu trung của những gì bình ổn nhất của văn minh loài người, chàng gánh vác hết trách nhiệm của một chiến binh cao thượng, quả cảm, một người đàn ông đầy trách nhiệm với gia đình. Thương em, chàng chấp nhận phá vỡ nền hòa bình mong manh giữa người Troy và người Hi Lạp, một tay chỉ huy quân đội Troy tử thủ trước sức công phá khốc liệt của quân Agamemnon.

Đó là một Paris (Orlando Bloom) quyến rũ nhưng nhu nhược, đầy cảm tính, người trực tiếp gây ra cuộc chiến thành Troy bởi cuộc bắt cóc người đẹp ngoạn mục.

Đó là Helen (Diane Kruger) nạn nhân của tình yêu và của quyền lực, một sắc đẹp khuynh quốc khuynh thành theo đúng nghĩa đen của thành ngữ.

Đó là một vua Priam thành Troy (Peter O’Toole) già nua, mà dường như phần tình cảm đã lấn át phần lí trí, nuông chiều cách sống cảm tính vô trách nhiệm của đứa con yêu Paris mà đỉnh điểm là cách ông chào nàng dâu bất hợp pháp của Paris bằng danh hiệu “Helen thành Troy” chứ không phải là “Helen thành Sparta”.

Đó là một vua Agamemnon tham vọng quyền lực, đầy thủ đoạn và nghi kị, ghen ghét Achilles tướng tài nhưng bất kham.

Đó là những bức chân dung sắc sảo khác mà bộ phim hoành tráng này khắc họa trong suốt gần 3 tiếng đồng hồ choáng ngợp những cảnh tượng hùng vĩ của các trận đánh. Gọi đó là một phim phản chiến, một phim lịch sử, một phim giải trí, với diễn viên đẹp như thần và đạo diễn điêu luyện, gọi sao cũng được; nhưng tôi thích gọi đó là một tác phẩm lãng mạn hiện đại, khi đấng cứu thế không phải là thần thánh mà chính là con người, khi nhân vật phản diện theo kiểu truyền thống lại là người được tôn vinh. Và tình yêu, dù đó là thứ tình nam nữ cuồng nhiệt vô trách nhiệm, tình cha con mù quáng hay tình huynh đệ sắt son, tình yêu dành cho quyền lực chính trị hay cho chủ nghĩa anh hùng cá nhân, dù đó là tình yêu gì đi chăng nữa, thì đó cũng là chất liệu làm nên sự bi tráng diễm lệ của những con người đã trở nên thần thánh, trở nên bất tử với muôn đời, những Achilles, Hector hay Helen, Paris.

Khanh Nguyen

Athospk@moviesboom.com


Posted

in

by

Comments

7 responses to “Phim Troy – một tác phẩm lãng mạn hiện đại”

  1. julyjune Avatar
    julyjune

    Phim đang chuẩn bị trình chiếu vào tháng 11 tới đây. Nhân vật trong phim đã được tác giả bài viết điểm qua rất đầy đủ và chính xác. Chỉ có điều theo JJ, dường như nhân vật chính của phim là Achilles chứ không phải Hector, nên phim đã dành khá nhiều đất diễn cho nhân vật này. Và cũng thật tiếc khi Achilles đã không ngã xuống vì cái gót chân của mình, theo như điển tích nổi tiếng mà ai cũng biết.

    Xem phim, không thấy Achilles là nhân vật phản diện mà thấy ghét Paris quá. Achilles và Hector đều xứng mặt anh hùng.

    Thôi thì đợi đến khi phim trình chiếu, có nhiều boomers xem phim hơn, sẽ có tranh luận sôi nổi và hay hơn

    JJ mong như vậy

  2. leungbond Avatar
    leungbond

    Thật tình mà nói, tôi đã từng chờ đợi Troy có tại Việt Nam để xem, nhưng khi xem xong thì cảm thấy không như mình trông đợi.

  3. psyko Avatar
    psyko

    Phim này coi cũng tạm được. Hơi thất vọng 1 chút tại vì phim này được coi là big hit của năm nay nhưng có nhiều chỗ cũng không xuất sắc lắm.

  4. pomelog Avatar
    pomelog

    Phim dở ẹc, có nhiều phần xuyên tạc lịch sử. Nói chung là để thu hút nhứng người thích Brad Pitt! TUi lại ghét Brad Pitt nên chỉ đợi đến lúc Achille bị giết!

  5. athospk Avatar
    athospk

    thích nhất là câu của Achilles Brad Pitt: the gods envy us because we are mortal

    “phim có nhiều đoạn hơi bị sex” vì cách xây dựng tình huống đẩy xúc cảm của người xem lên cực điểm (khiến mình tưởng tượng thêm): ví dụ Brad Pitt mồ hôi nhễ nhại chui vào lều CỦA MÌNH rửa mặt sau trận chiến thì gặp 1 tù binh nữ bị trói góc nhà, hoặc cảnh Brad tự vệ trước con dao của cô này

    chứ không phải là cảnh quay sex, xin đừng nói vậy- kẻo thiên hạ kéo nhau đi coi chỉ vì “phim có nhiều đoạn hơi sex”

  6. coolgirl Avatar
    coolgirl

    film nay có nhiều đoạn hơi bị sex

  7. tulip Avatar
    tulip

    Huyền thoại Hy Lạp đã hấp dẫn bao thế hệ con người. Dù vẫn những điển tích ấy, nhưng mỗi khi nhắc tới nó luôn sống động và tạo cho người ta nguồn cảm hứng lãng mạn lạ kỳ. Tôi chưa đựơc xem phim này nhưng vô cùng hâm mộ những câu chuyện về Hy Lạp cổ

    Một bài review quá tuyệt vời!

Leave a Reply