Phim truyền hình chạy đua thể nghiệm

Thời gian gần đây cùng với sự bùng phát của phim truyền hình nhiều tập, các nhà làm phim còn hướng tới thử nghiệm thêm nhiều thể loại phim truyền hình khác như sitcom (hài tình huống), tương tác và sắp tới đây là télé viola (tiểu thuyết truyền hình) nhằm làm phong phú hơn khẩu vị thưởng thức của người xem.

Ngày càng đa dạng thể loại

Lâu nay ở nước ta phim truyền hình hầu như chỉ phổ biến ở một thể loại được gọi chung là TV series nghĩa là phim dài tập, có quay ngoại cảnh. Cách đây 3 năm, hãng phim tư nhân Vifa đã tiên phong trong việc đưa vào thể nghiệm thể loại phim sitcom với tác phẩm Lẵng hoa tình yêu (năm 2004). Hai năm sau, Hãng phim Truyền hình TPHCM – TFS cũng nhập cuộc bằng 20 tập phim sitcom Người mẹ nhí phối hợp sản xuất với hãng phim BHD. Kịch bản nguyên tác của Người mẹ nhí được mua từ Tây Ban Nha. Sau sitcom Người mẹ nhí, hãng BHD chuẩn bị đưa vào thử nghiệm thể loại mới: télé viola – một thể loại phim truyền hình khá phổ biến ở các nước khu vực châu Mỹ Latinh với bộ phim Cô gái xấu xí.

Dự kiến đầu tháng 7 tới, 169 tập phim Cô gái xấu xí sẽ được đạo diễn Nguyễn Minh Chung bấm máy và nếu không có gì thay đổi phim sẽ được phát sóng vào tháng 9-2007. Bộ phim Cô gái xấu xí được mua bản quyền từ phim Betty La Fea của Colombia. Nội dung phim nói về một cô gái có học thức, thông minh, có óc sáng tạo nhưng gương mặt vô cùng xấu xí. Cô làm việc trong một tập đoàn thời trang nổi tiếng và đem lòng yêu ông chủ của mình. Vì thuộc dạng “tiểu thuyết truyền hình” cho nên các tình tiết trong Cô gái xấu xí được tập trung khai thác để nhắm đến việc “lấy nước mắt người xem” là chính.

Không chỉ có các hãng phim phía Nam mới năng động trong cuộc chơi này, Hãng phim Truyền hình VN (VFC) cũng nhanh chóng nhập cuộc. Hiện VFC đang triển khai “thiên” truyền hình Chung cư vui vẻ (500 tập) mua bản quyền của Trung Quốc. Phim sẽ ra mắt khán giả vào tháng 7 tới. Để chuẩn bị cho dự án dài hơi này, trước đó VFC đã “tập dượt” bằng loạt phim truyền hình tương tác Nhật ký Vàng Anh mua bản quyền từ chương trình Sofia’s Diary của Tây Ban Nha.

Kéo người xem vào cuộc

Tất nhiên không phải cái mới nào cũng nhanh chóng được người xem chấp nhận. 24 tập đầu tiên của Lẵng hoa tình yêu khi ra mắt đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái ngược nhau, trong đó hầu như rất ít lời khen. Không ít người khi lần đầu tiên xem phim dạng này đã thấy khó chịu vì những tiếng cười nền lồng trong suốt bộ phim, thêm vào đó bối cảnh chỉ quanh quẩn trong nhà, chẳng khác gì chương trình Trong nhà ngoài phố. Thế nhưng sang đến Người mẹ nhí, khi phát sóng vào đầu năm 2007, bộ phim mang màu sắc khá là Harry Potter này đã dần được người xem chấp nhận và không còn cảm thấy “dị ứng” với thể loại sitcom nữa. Hãng Vifa cũng đã có kế hoạch sản xuất phần 2 Lẵng hoa tình yêu.

Đến thể loại truyền hình tương tác, phần 1 Nhật ký Vàng Anh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người xem. Các khán giả tuổi teen hào hứng tham gia giải quyết các tình huống khó xử của nhân vật Vàng Anh. Hiện phim đang tiếp tục thực hiện phần 2 với diễn viên chính là Hoàng Thùy Linh, 19 tuổi. Có thể nói với những thể loại phim mới này, người xem không còn thưởng thức bộ phim một cách thụ động như trước nữa. Trong phim Cô gái xấu xí sắp bấm máy, dự kiến cũng sẽ có nhiều trò chơi hấp dẫn dành cho khán giả như dự đoán ai là nhân vật chính của phim, vai chính do ai đóng…

Bên cạnh hiệu ứng từ phía người xem, sự mạnh dạn thể nghiệm những thể loại phim truyền hình mới cũng mang đến cho chính người trong cuộc những hiệu quả tích cực. Thể loại sitcom ra đời giúp các nhà làm phim làm quen với kỹ thuật quay 3-4 máy cùng lúc, thu thanh đồng bộ, dựng phim tại hiện trường. Nhờ vậy rút ngắn được thời gian hậu kỳ, đẩy tiến độ làm phim lên chỉ còn 2 ngày/tập. Các diễn viên có cơ hội đóng nhiều phim hơn, nhờ đó thu nhập cũng tăng theo. Ngoài ra, việc thu âm trực tiếp cũng là động lực buộc họ phải cố gắng trau dồi đài từ cho tốt hơn thay vì cứ ỷ vào việc lồng tiếng như trước nay.

Theo HƯƠNG NHU – Người Lao Động


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply