Phim truyền hình Việt… quá tệ?

Sóng gió cuộc đời của hãng Lasta được phát sóng vào giờ “đẹp” nhất là 21 giờ bốn tối trong tuần, còn Hoa dã quỳ của hãng M&T Pictures thị được “đóng ni” vào giờ cơm chiều (18 giờ – 19 giờ) ba ngày thứ tư, năm, sáu mỗi tuần. Đây là giờ giấc quây quần của mỗi gia đình, vừa ăn uống sinh hoạt vừa mở tivi xem. Thế nhưng, món ăn tinh thần mà khán giả được thưởng thức thì thật đáng thất vọng!

 

Nhân vật trong Sóng gió cuộc đời cứ rề rà một cách vụng về. Ông chồng giả khùng giả điên cứ ngồi cười vu vơ hay nói những câu vô nghĩa để tránh những cảnh chướng tai gai mắt trong nhà mình. Ông thương con nhưng chẳng làm gì mà hàng ngày cứ sang nhà má vợ lánh nạn, bỏ mặc bà vợ ở nhà sa vào con đường buôn bán phụ nữ với tình nhân. Nhà có hai cô con gái, cô chị tên Thanh là vàng là ngọc của mẹ, còn cô út Lan là điều xui xẻo luôn bị mẹ hắt hủi, nên ông bố chỉ biết thương cô út.

 

Sóng gió cuộc đời nhàn nhạt, quanh quẩn chỉ là chuyện của một xóm nghèo với mấy bà nhiều chuyện, cảnh ép uổng các cô gái quê bán trinh tiết cho mấy tên hám gái người Đài Loan… Xem phim mà chẳng biết phim muốn chuyển tải thông điệp gì tới người xem. Cộng với hình ảnh hai chị em Lan và Thanh lúc nào cũng ủ rũ, khóc cười gì cũng héo úa như nhau… khiến bộ phim càng thêm sự “sóng gió”.

 

Còn trong Hoa dã quỳ thì lại dựng lên trước mắt khán giả một thế giới của những nhân vật có vấn đề… về thần kinh (!). Sống trong môi trường rất bình thường nhưng cách cư xử của Sét, Ánh Nguyệt, Hoàng Long, Mây Trắng… lắm lúc làm khán giả kinh ngạc.

 

Phim có ý xây dựng nhân vật Ánh Nguyệt là cô gái tính tình ngổ ngáo nhưng ngây ngô, đáng yêu. Nhưng xem phim, tìm mỏi mắt cũng không thấy được nét đáng yêu nào của Nguyệt mà chỉ toàn những cảnh tượng, lối ứng xử không mấy hay ho. Đọng lại trong ký ức khán giả chỉ là một Ánh Nguyệt nói năng xấc xược, đụng đến là đá, đấm, đi đứng nghênh ngang, ăn mặc thì ngắn đến độ không thể ngắn hơn được.

 

Chưa kể, ngôn ngữ và nhiều tình tiết trong Hoa dã quỳ khá thô thiển. Cảnh ông chủ nhà trọ nhìn Nguyệt đờ đẫn, rồi những cảnh âu yếm khác người giữa Sét và Ánh Nguyệt cũng khiến khán giả phải kinh ngạc. “Cao điểm” chính là cảnh Sét vừa đè Ánh Nguyệt xuống giường vừa gầm lên với tên đàn em đang lấp ló rình xem: “Mày chưa thấy cảnh làm tình bao giờ hả cái thằng kia?”.

 

Một cặp đôi khác trong Hoa dã quỳ là Long và Mây Trắng. Chủ ý của tác giả kịch bản là xây dựng một tình yêu kiểu Hàn Quốc giữa một cô học trò tinh nghịch và một ông thầy giáo. Tuy nhiên, kiểu yêu của phim Hàn nhẹ nhàng, lãng mạn bao nhiêu thì Hoa dã quỳ lại vô lý và phô diễn bấy nhiêu. Xem phim mà nhân vật trong phim khóc, còn khán giả bên ngoài lại cười, thỉnh thoảng là kêu trời.

 


Gần đây, phim truyền hình Việt bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh nhỏ, điều này khiến khán giả trong nước mừng thầm, hi vọng, điện ảnh nước nhà sẽ dần đánh bại các tác phẩm truyền hình của Trung Quốc, Hàn Quốc đang “thống lĩnh” màn ảnh nhỏ trong nước.

 

Tuy nhiên, một loạt những bộ phim truyền hình quy tụ dàn diễn viên đẹp như mộng, những câu chuyện tình yêu éo le, “đậm” chất Hàn Quốc như Mùi ngò gai, Hoa dã quỳ hay Sóng gió cuộc đời… lại khiến khán giả thất vọng và ngao ngán bởi những câu chuyện nhạt nhẽo, không tính giáo dục, cũng không mang tính giải trí.

 

Do vậy, bất chấp việc báo đài kêu gọi khán giả truyền hình không nên quay lưng với điện ảnh nước nhà, và đang nỗ lực tăng thời lượng phát sóng của phim Việt lên 30%, những bộ phim truyền hình Việt Nam vẫn nếm mùi “thất bại” ngay trên sân nhà. Bởi các nhà làm phim trong nước nhiều khi vẫn làm người xem tức anh ách vì những kịch bản vô lý và ngớ ngẩn như thế này. 

 

Theo Thanh Phúc

VTC News


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply