Phim và phi thực

Bản chất của film là phi thực, là sự diễn tả ảo giác qua sự phiêu lưu của hình và tiếng. Trong quan hệ với hiện thực và với chúng ta, những chiếc bẫy được nhân lên qua sự xử lý việc mô phỏng về tiếng động và xảo thuật trong film ảnh. Tai và mắt khi đó vô cảm và tê liệt. Những gì mà chúng ta tin rằng mình thấy và nghe chỉ là sự xâm nhập của ký sinh trùng, sự quyến rũ của kẻ đột nhập và sự cưỡng đoạt của việc thiếu tường minh. Người ta trở nên thụ động trước màn hình, sự tỉnh táo suy giảm qua sự nhượng bộ với việc tự hài lòng tham dự vào cuộc phiêu lưu không kiểm soát do cảm xúc và cảm tính dẫn dắt. Hình ảnh vẫn thường bị cắt bỏ, chỉnh sửa, đổi thay lúc dựng film, bởi lời bình hay âm nhạc. Hiện thực khi ấy bị giả trang toàn diện trong khuôn hình.

Film ảnh dựa dẫm nhiều vào kinh nghiệm và thói quen quá khứ nơi người xem để giải quyết những khiếm khuyết kỹ thuật như sự thiếu vắng mùi vị. Film ảnh làm dịu đi lịch sử, tẩy trắng, vô trùng đi nhiều thực tế bởi những tác nhân kỹ thuật hay tư duy. Rồi nó phát tán những nhận định vô chừng theo sự bay bổng của trí tưởng tượng. Và nó cũng chuyển dời ít nhiều nhận thức của người xem.

Bên ngoài mãnh lực của hình ảnh, thì trạng thái của một buổi xem film cũng góp phần vào việc thuyết phục khán giả tin vào những gì mà người ta thấy trên màn ảnh. Khi tách biệt với thế giới bên ngoài, cô lập trong một thời khắc và quên đi thời gian qua để chú tâm vào màn hình và ngồi im lặng. Sự phân cách này đã củng cố thêm sức mạnh hiện thực của hình ảnh.

Bản thân film là một sự phân ly lớn. Màn ảnh được giới hạn bởi những đường viền sắt nét và lạnh lùng. Xung quanh chỉ toàn là bóng tối. Chỉ có những gì hiển hiện trên màn ảnh và những gì không mà thôi, sự mơ hồ, màn đen vô hình bao phủ những khoảng không gian và thời gian ngoài màn ảnh. Ngay cả trong cái khoảng không lấp lánh vô hạn kia, trên màn ảnh, thì cũng chỉ những điểm ảnh rõ nét mới thấy được, còn lại thì tất cả chìm khuất trong lãnh giới của mơ hồ. Vậy đó, ngay bên trong khu vực dành riêng ấy, kỹ thuật vẫn có thể thiết lập sự chia cách phụ trợ bằng trò chơi giữa bóng tối và ánh sáng, giữa ảo hư và tường minh. Tất cả chỉ cho một mục đích : khả năng thể hiện và thu hút của hình ảnh. Đương nhiên vẫn còn những hình ảnh mà chúng ta không thấy khác, chúng trở nên vô hình bởi sự thừa thải, tầm thường và nhàm chán của chính chúng.

Sự phi thực của film là nơi mà uy lực của hình ảnh còn được tăng cường qua quan hệ giữa khán giả và diễn viên. Tình cảm đóng vai trò chính yếu để biến đổi ý thức của khán giả, thúc ép họ tin tưởng vô điều kiện vào cái hiện thực giả tạo của hình ảnh. Khó có thể đề cập đến hiện thực một khi bạn đã trượt sâu vào bên trong một hình ảnh, một thân thể không phải của chính mình, một khung cảnh mà ta không thực sống.

Trên nguyên tắc thì film ảnh xây dựng trên căn bản một sự thể hiện hiện thực như người ta vẫn hằng tin là trong film ảnh người ta phải chỉ ra mọi lẽ. Trong thực tế thì điều này chỉ đúng ở vài khía cạnh bởi những gì film ảnh thực sự muốn diễn đạt phải vượt qua rào cản cốt tử tuy đây cũng là vũ khí chủ chốt của nó: tính hiện thực của hình ảnh. Nó có thể vất bỏ hiện thực này hay cũng có khi tỏ vẻ tôn trọng nó để che dấu đi ít nhiều bằng những dịu dàng dễ chịu. Sự mô phỏng điện ảnh thể hiện qua hình ảnh đã đem lại lòng tin cho khán giả nhiều hơn những cách thức diễn đạt khác nhưng cũng từ đó mà film ảnh đã che dấu hiện thực thường xuyên và khéo léo hơn. Nghịch lý này giải thích tại sao tồn tại những cư xử không rành mạch mà chúng ta vẫn cho là đúng. Và hơn thế nữa, chúng ta có khá nhiều những ví dụ về sự thực đã xảy ra trong đời hay chúng ta biết đến với ít nhiều xác quyết, tất cả những thứ ấy ít khi thấy trên film.

Khi đọc thread “Bạn đã xem phim như thế nào ?” của zie và “Bạn sẽ yêu nàng thật chứ ?!” của untouchable, be free nhớ đến một quyển sách mình đọc khá lâu rồi, có mấy ý ngồ ngộ nên viết vài dòng cảm nhận gọi là góp vào vài tiếng với mọi người. Chúc MB một sinh nhật với nhiều hơn những niềm vui.


Posted

in

by

Comments

One response to “Phim và phi thực

  1. pixeleyes Avatar
    pixeleyes

    from *bee*

    “nếu như be free nói thì khi xem phim, như có ma lực lôi cuốn người ta, tách người ta ra khỏi thế giới thực tại và bị trôi dạt vào thế giới của phim đến mức “tai và mắt khi đó vô cảm và tê liệt” ? thật ra bee cũng chẳng định phản bác lại ý kiến của be free nhưng vì tự dưng nhớ lại lời của thầy giáo dạy văn. thầy cũng đã hỏi cả lớp “các em đã đọc như thế nào”. hic hic đứa nào cũng nói nào là em đọc và em thấy mình là nhân vật, nào là em đọc mà tưởng chừng như mình đang trong hoàn cảnh đó rất thực… văn học thì khác phim ảnh ở hai yếu tố mà be free nói: hình ảnh và âm thanh. nhưng mà nếu nói như lớp tôi ( cả tôi nữa ) và nếu nói như be free thì xem phim hay đọc văn thì mình đều bị lôi cuốn dữ dội và mãnh liệt như thế. thầy tôi bảo rằng nếu các em muốn đọc tốt thì các em đừng đặt mình vào nhân vật hay hoàn cảnh mà chỉ đứng bên cạnh nhân vật và xem hoàn cảnh mà cốt truyện đang diễn tả là một bức tranh và ta đang chỉ đứng ngắm nhìn bức tranh đó. vì sao? nó giúp cho chúng ta có đuợc một lối suy nghĩ khách quan và óc nhận xét không bị chi phối… và nếu như liên hệ với bài của be free thì sự chi phối đó là: hình ảnh, âm thanh, không khí xem phim… tách mình ra một chút để có cảm nhận khách quan. hmm… khó lòng mà làm thế được? thực tế thì tôi vẵn chưa làm thế được! mỗi lần coi phim ma là sợ dựng tóc gáy! nhưng nếu nhận xét khách quan, đôi khi người xem phim bị cuốn hút như vậy vẫn có được một nhận xét khách quan… đôi khi con nít lại giỏi phần này hơn, thí dụ như tôi đã thua em tôi khi cãi về phim Follow that bird ”

    đưa thread thành artical không kèm reply theo được nên đành phải copy qua vậy!

    be happy! always

Leave a Reply