Phim Việt: gian nan tìm chỗ đứng!

TT – Tinh thần ủng hộ phim Việt sôi nổi ngay khi vấn đề chiếu phim nội được luật hóa bằng nghị định 96.

Tham gia diễn đàn, nhiều bạn đọc tin tưởng đây là hướng mở để phim nội có một “góc đứng” trong rạp chiếu và trên sóng truyền hình. Nhưng để phim nội thật sự có chỗ đứng trong lòng khán giả là cả một hành trình gian nan.

Xung quanh nghị định 96, nhiều câu hỏi đặt ra về việc làm sao đảm bảo tỉ lệ 20% các buổi chiếu, khi số lượng phim nội hiện chiếm không đến 10% so với lượng phim nhập vào? Ai sẽ bù lỗ cho chủ rạp nếu 20% số buổi chiếu không có doanh thu? Cách tính thuế giữa các buổi chiếu phim nội và chiếu phim ngoại có khác nhau không? 

Bảo hộ phim Việt là điều cần thiết nhưng bảo hộ cái gì, bảo hộ như thế nào cho hợp lý khi ta chưa có đủ sản phẩm? Nhà quản lý xem buổi chiếu là thước đo sự hiện diện của phim hay số người có mặt trong buổi chiếu đó?

Thậm chí, có ý kiến còn nêu một vấn đề khá thực tế: Khi lượng rạp chiếu tăng nhanh, số lượng phim nhập về đạt đến 830 phim/ năm như năm 1959 (theo thống kê của Ban Khoa học xã hội Thành ủy TP.HCM năm 1991), nhà quản lý điện ảnh nào ở VN sẽ vạch ra được con đường để đạt con số 160 bộ phim nội/ năm?

Cho nên, để các bước bảo hộ phim Việt trở nên khả thi, vấn đề căn cơ nhất mọi khán giả đặt ra vẫn là nâng chất lượng phim, đầu tư tích cực hơn nữa cho điện ảnh.

Hàng loạt ý kiến bạn đọc gửi về qua email và bưu điện phân tích những yếu kém tồn tại bấy lâu trong phim Việt: sự cẩu thả của đạo diễn khiến phim luôn vấp “sạn”, dàn diễn viên ít kiến thức và thiếu tinh tế trong diễn xuất, tính logic trong kịch bản chưa đủ để tạo độ chân thực cần thiết cho phim…

Từ những yếu kém đó, “những việc cần làm ngay” của điện ảnh Việt mà các nhà làm điện ảnh và các bạn đọc đặt ra trở thành những “tiếng kêu” bất tận, từ đào tạo lại đội ngũ, chuyên nghiệp hóa bộ máy, mở rộng hệ thống rạp chiếu, khai thác đề tài lịch sử trước sự nghèo nàn kịch bản hay, nhà phát hành tham gia làm phim… cho đến tiếp thị đúng cách, định hướng lại thẩm mỹ của khán giả, mạnh dạn tài trợ cho những đạo diễn có nghề, những hãng phim từng làm ra sản phẩm chất lượng cao thay vì vắt tiếp bầu sữa bao cấp cho các phim lễ lạt vốn không hiệu quả…

Tất cả những điều này đòi hỏi những sách lược ngắn hạn và dài hạn thiết thực. “Làm ngay” được những sách lược đó thì mới có được thị trường điện ảnh đúng nghĩa để mà bảo hộ. Chỉ khi phim Việt có được chỗ đứng đúng nghĩa, ta mới có thể mong các văn bản luật không tréo ngoe mà trở thành một trong những đòn bẩy quan trọng cho bước tiến của điện ảnh Việt. 

Diễn đàn tạm khép lại nhưng “những việc cần làm ngay” vẫn còn đợi đó…

Ban VHVN

Hình: Dòng máu anh hùng – một bộ phim đã tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả

 http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=207607&ChannelID=406


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply