Phim Việt kiều gian nan đường về quê

Phim nói tiếng Việt, bối cảnh Việt Nam, của những đạo diễn trẻ lớn lên ở hải ngoại vẫn nặng lòng với quê hương, thì không lý do gì không để công chúng trong nước chia sẻ với tấm lòng ấy. Nhưng…

Phim "Sài Gòn tình ca": làm năm 2004, chiếu năm 2008

Trong những ngày đầu năm 2008 này, người ta thấy ông David Le – giám đốc hãng Celluloid Dragon Pictures, xuất hiện tại TP.HCM để xúc tiến cho việc công chiếu bộ phim Sài Gòn tình ca của con trai mình – đạo diễn Ringo Le.

Theo lịch chiếu đã xếp tại Công ty cổ phần truyền thông điện ảnh Sài Gòn, phim Sài Gòn tình ca sẽ ra rạp từ ngày 22/2/2008. Chưa nói đến chuyện không thể chen chân vào hai tuần cao điểm tết, việc Sài Gòn tình ca trở lại thị trường trong nước sau một thời gian đã bị khán giả… lãng quên, là một điều mạo hiểm.

Sài Gòn tình ca đóng máy cuối năm 2004 và một cuộc họp báo giới thiệu phim đầu năm 2005 đã đóng luôn con đường ra rạp vì ngay sau đó phim bị báo giới phê phán tơi bời. Gia đình Ringo Le đành ôm phim về Mỹ và đưa đi dự các liên hoan phim.

Chẳng bao lâu sau, nữ diễn viên thứ chính Yến Vy đóng vai Xuân trong Sài Gòn tình ca vướng vào scandal phim sex bị tung lên mạng, con đường trở lại rạp của bộ phim này càng thêm mịt mờ.

Những mốc thời gian của hành trình có một không hai đối với một tác phẩm điện ảnh được liệt kê lại, để thấy quyết tâm của những người thực hiện bộ phim này trong việc đưa đứa con tinh thần đến với khán giả ở quê nhà dù gặp nhiều khó khăn.

Ringo Le tâm sự: "Trong Sài Gòn tình ca, tôi nhìn thấy hình ảnh cha mẹ mình và cả chính tôi. Thế nên tôi cũng hy vọng người xem thấy được một phần của họ trong đó".

Phim "Linh hồn": Chiếu chui

Tuy không thực hiện tại Việt Nam, với diễn viên trong nước như Sài Gòn tình ca, nhưng bộ phim Spirits (Linh hồn) của đạo diễn Việt kiều Mỹ Victor Vũ, cũng đã từng có mong muốn được chiếu ở quê hương song không thành.

Thực tế, Linh hồn đã được… chiếu chui bằng đĩa DVD mang về từ Mỹ cho một số phóng viên xem. Linh hồn là bộ phim kinh dị, do một đạo diễn trẻ sinh trưởng, học tập, hành nghề tại Mỹ thực hiện, nhưng lại đậm chất tâm linh Á đông.

Không đi đường chính thức, song phim của Victor Vũ cũng như một số đạo diễn Việt kiều khác cũng có mặt tại thị trường trong nước qua con đường đĩa DVD.

Phim "Cú và chim se sẻ": 20 liên hoan phim không bằng một quê nhà
Một phim khác của đạo diễn Việt kiều Stephane Gauger, Owl and the sparrow (Cú và chim se sẻ), cũng đã có dự định chiếu tại Việt Nam sau mùa phim tết này.

Cú và chim se sẻ được thực hiện vào năm 2006 tại TP.HCM, Stephane Gauger kiêm nhiệm hết các vai trò viết kịch bản, đạo diễn lẫn quay phim.

Do là phim độc lập nên đầu ra cho tác phẩm của đạo diễn gốc Việt này tại thị trường nước ngoài, ở đây là thị trường Mỹ, khá khó khăn. Phim được mang đi dự hết liên hoan phim này đến hội chợ phim khác ở nhiều nơi trên thế giới.

Stephane Gauger nhận thấy rằng Cú và chim se sẻ với câu chuyện về cuộc gặp gỡ tình cờ của ba con người xa lạ trên đường phố Sài Gòn, thì không thể chiếu ở đâu tốt hơn tại Việt Nam.

Nhờ sự trợ giúp của hãng Chánh Phương film (Stephane Gauger có cơ duyên trở về Việt Nam làm phim cũng nhờ lần anh tham gia trong thành phần một đoàn phim của hãng này), Cú và chim se sẻ nhiều hy vọng sẽ đến được với khán giả trong nước.

Bao giờ có thành công mới?

Không kể Linh hồn đã không có cơ hội, từ phim độc lập kinh phí thấp Cú và chim se sẻ với nhiều thể nghiệm cá nhân, đến phim Sài Gòn tình ca mang chút sắc màu phim nhạc kịch không có sáng tạo nào đáng kể, thì thời gian trụ rạp lâu dài của những phim này khó có cơ sở để hy vọng nhiều.

Sự chờ đợi của khán giả, nếu có, đối với những bộ phim Việt, cụ thể trong đợt phim sắp tới đây, sẽ là những Thủ tướng (hãng Giải phóng và Thanh Niên) Phát tài (Phước Sang), Nụ hôn thần chết (Thiên Ngân). Chỗ cho những bộ phim cũ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như Sài Gòn tình ca hay phim hầu như chẳng ai biết đến như Cú và chim se sẻ, là rất nhỏ.

Nhưng phim nói tiếng Việt, bối cảnh Việt Nam, của những đạo diễn trẻ lớn lên ở hải ngoại vẫn nặng lòng với quê hương, thì không lý do gì không để công chúng trong nước chia sẻ với tấm lòng ấy.

Còn để thành công cỡ Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông, cũng của những đạo diễn Việt kiều, thì chỉ có tấm lòng thôi chưa đủ.

Theo VietNamNet


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply