PULP FICTION (1994) – Cách nhìn kiểu mới về tội ác và bạo lực

Những ai thường bị các báo, các tạp chí lá cải tiêm nhiễm những thông tin “thuộc hãng thông tấn xã con vịt” ắt hẳn chẳng mấy khó hiểu với những câu chuyện hỗn tạp, linh tinh đan xen vào nhau một cách bòng bong, chằng chịt và thậm chí … vớ vẩn trong bộ phim Pulp Fiction của đạo diễn Quentin Tarantino. Nhưng thật sự để phân tích tư tưởng cốt lõi của bộ phim được xếp hạng 9/10 phim hay nhất thập kỷ 90 này quả là cả 1 vấn đề không đơn giản chút nào. Cũng có thể vì trước khi thưởng thức, chính khản giả cũng bị 1 áp lực lớn về tiếng tăm vang dội của bộ phim mà khó tận dụng hết những cảm tưởng chủ quan để đánh giá giá trị đích thực của nó. Đừng kỳ vọng nhiều là phim sẽ đem đến những pha gay cấn, những tình huống kịch tính hay 1 kết thúc đầy bất ngờ. Vì tất cả chỉ là những câu chuyện cực kỳ… tầm phào và mang tính bạo lực cao.

7 nhân vật. 3 chuyện chính và 1 chuyện nhỏ để mở đầu và cũng để kết phim. 3 câu chuyện nằm chồng chéo lên nhau ở những then chốt quan trọng được kết nối bằng những tình tiết rời rạc và những lời nói…thừa thải (chính những chỗ thừa thải này lại là điểm nhấn quan trọng cho thành công của bộ phim!)

Ringo – Pumpkin (Tim Roth) và cô tình nhân nhút nhát Yolanda – Honey Bunny (Amanda Plummer) lên kế hoạch cướp cửa hàng ăn uống nơi họ đang dùng điểm tâm.

“Vincent Vega and Marsellus Wallace’s Wife” Vincent (John Travolta), 1 tên đàn em của “tên trùm” có thế lực Marcellus, được nhờ đưa cô vợ “bé bỏng” Mia (Uma Thurman) của “đại ca” đi chơi đêm. Khi nỗi đam mê bắt đầu nhen nhúm trong tâm trí cũng là lúc sự phản bội mon men xuất hiện để lòng trung thành có dịp được thử thách. Chưa kịp chứng tỏ bản lĩnh, Vincent phải vắt giò lên cổ chạy để cứu cô nàng thoát khỏi cái chết vì sốc á phiện quá liều.

“The Bonnie Situation” Vincent được “hân hạnh” cùng đồng nghiệp Jules (Samuel L.Jackson), 1 tên du thủ du thực toàn nói chuyện kinh thánh khi giết người, đi thanh toán bọn đàn em to gan lớn mật Brett dám “chơi” đại ca. Do bất cẩn, Vincent nã đạn giết chết tên cuối cùng trong băng Brett và lại ba chân bốn cẳng tìm cách phi tang cái xác không đầu be bét máu trong xe. Bonnie là tên cô vợ của anh bạn mà 2 gã này nhờ giúp đỡ.

“The Gold Watch” Trong khi đó, Butch (Bruce Willis), 1 tay đấm box chuyên nghiệp có tiếng, nhận tiền bắt độ của đại ca Marcellus (Ving Rhames) để chịu thua cuộc trong 1 trận đấu quyết liệt. Nhưng Butch đã vẫn quyết đấu hết sức mình và… thắng. Thế là phải trốn chạy. Trên đường tẩu thoát, Butch đụng ngay “đại ca” đang đi săn lùng mình. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, nhưng lần này chính Butch lại là ân nhân cứu “đại ca” thoát khỏi 2 tên “biến thái” hiếp dâm. Có 1 chuyện khác được lồng vào đây, mà ý nghĩa của nó sẽ là dấu chấm hỏi cho tất cả, câu chuyện về chiếc đồng hồ vàng gia bảo của Butch.

Vincent và Jules đã giải quyết mọi vấn đề rắc rối. Họ đi dùng điểm tâm nơi mà Ringo – Pumpkin và cô tình nhân nhút nhát Yolanda – Honey Bunny lên kế hoạch chuẩn bị đánh cướp. Jules đảo lộn tình huống khi chĩa súng vào Ringo rồi móc tiền của mình cho tên cướp và cô bạn gái được ung dung đi ra. Vincent và Jules cũng lặng lẽ đi ra khỏi quán ăn. Hết phim.

Và có lẽ sẽ không có bộ phim “hay nhất” nào lại có được cốt chuyện “tàm xàm bà láp” như vậy. Thế tại sao phim lại được đánh giá rất cao về nội dung và giá trị nghệ thuật?

Trước tiên, đó là tội ác và bạo lực. Pulp fiction có đủ tất cả những dung tục nơi thế giới “ngầm” của thành phố Los Angeles phồn hoa. Những lời văng tục không ngớt (mother-fucker language), những hành động bạo tàn thú tính, giết người, ma tuý, khoả thân và cả hiếp dâm đồng giới nữa. Thế nhưng những nỗi ám ảnh ấy lại được Quentin Tarantino biến thành … trò cười. Khán giả không thể nào không phá lên cười trước cảnh Vincent bắn võ sọ anh chàng xấu số thay vì thấy khiếp sợ. Rồi cả Jules và Vincent – những tên sát thủ giết người không chút run tay, thế mà lại lúng ta lúng túng chẳng biết giấu cái xác ở đâu vì… vợ bạn đi làm sắp về. Camera lia máy từ phía sau gáy 1 gã da đen như hộ pháp, giọng nói ồm ồm kiểu “godfather” để tạo ấn tượng oai phong, dữ dằn của 1 “đại ca” tầm cỡ, châm biếm là ở chỗ, “đại ca” chính là nạn nhân bị … cưỡng dâm mà không hề kháng cự lại được tiếng nào cho đến khi có người giải vây.

Kế đến là tác dụng của những cảnh bạo lực, dung tục như thế thì có tính giáo dục nào chăng cho khán giả? 1 số nhà tâm lý vẫn cho rằng các chương trình TV cũng như phim ảnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. Tarantino hầu như không phủ định điều đó trong tiểu thuyết của mình, nhưng những vấn đề ông đưa ra không để mọi người làm theo, mà là để suy ngẫm. Hãy thử nghĩ lại xem nếu bạn là con nghiện? Hậu quả cuối cùng không thể khá hơn hình ảnh tệ hại, bệ rạc của cô nàng Mia xinh đẹp. Kiểu cách nói năng thô lỗ chỉ đem lại những hiềm khích, mâu thuẫn không đáng có mà Jules và Vincent vẫn thường thế. Và cuối cùng, nếu “bặm trợn”, dữ dằn thí chắc chắn cũng sẽ có kẻ khác dữ dằn, “bặm trợn” hơn, dù bạn có là “trùm” đi chăng nữa; theo cách “vỏ quít dày có móng tay nhọn” mà thôi. Vậy các bậc phụ huynh có nên cấm cản con cái đến với loại phim như thế này? Thật ngạc nhiên theo số liệu thống kê của tạp chí Rolling Stone (1994) (sau khi Pulp Fiction được công chiếu) thì có đến 62,8% thanh thiếu niên xem phim bạo lực đều không thích thể loại này tí nào. Quá trình tự chọn lọc dễ làm tư tưởng phát triển chững chạc và vững vàng hơn là có sự can thiệp từ bên ngoài.

Pulp Fiction – lấy cảm hứng từ những tạp chí lá cải ở Mỹ vào những năm 30 – 50 như “Thrilling Wonder Stories” (Những câu chuyện ly kỳ hồi hộp) hay “Official Detective” (Thám tử chính hiệu), là 1 bộ phim mang tính xã hội, có sức công phá mạnh và cũng hóm hỉnh về 1 thế giới ngầm ở L.A (gọi là giới giang hồ hay xã hội đen chắc nghe có vẻ … quen tai hơn). 1 thế giới không có những con người bình thường cũng như những ngày bình thường. Thế nhưng vì phim lấy tính châm biếm làm tư tưởng chủ đạo nên các nhân vật giải quyết được những tình huống khó khăn nhờ rơi vào 1 tình huống khác ít nguy hiểm hơn, dễ dàng hơn, mà cũng … buồn cười hơn. Butch và “đại ca” đã chẳng phải nhờ thế mà đều cùng thoát nạn. Cặp cướp “tài tử” Ringo – Pumpkin và Yolanda – Honey Bunny rõ ràng là ra đi dễ dàng hơn sau khi chạm trán “nẩy lửa” với Jules và Vincent. Lời thoại của phim thật độc nhất vô nhị. Họ không dùng những ngôn từ có mục đích gì cả, tất cả đều chẳng theo 1 hướng nào cả, nhưng lại rất buồn cười. Kịch bản cũng như cách chỉ đạo của Quentin Tarantino và dàn diễn viên thật tuyệt vời.

Cuối cùng, Pulp Fiction chỉ là 1 bộ phim, không phải là đời thực. 1 bộ phim đưa khán giả đi 1 vòng du ngoạn qua những hình ảnh khủng khiếp được những tin tức “giật gân” lăng-xê để hòng đánh lừa trực quan sinh động của đối tượng bị tác động lên – những khán giả và đọc giả hôm nay. Quentin Tarantino làm phim để phục vụ khán giả, và khán giả là người lựa chọn cuối cùng. Và Pulp Fiction được xem như là một masterpiece (kiệt tác) của thập niên 90. Nhưng vẫn xin nhớ rằng: đừng mong phim sẽ đem đến cho bạn những pha gay cấn, những tình huống kịch tính hay 1 kết thúc đầy bất ngờ. Vì tất cả chỉ là những câu chuyện cực kỳ… tầm phào và mang tính bạo lực mà thôi.


Posted

in

by

Comments

2 responses to “PULP FICTION (1994) – Cách nhìn kiểu mới về tội ác và bạo lực”

  1. yuna_admirer Avatar
    yuna_admirer

    Có vẻ như siêu phẩm Điện Ảnh này không được mọi người quan tâm lắm… Lời thoại của film đỉnh,

    “ENGLISH !!!MOTHERFUCKER DO YOU SPEAK ENGLISH ?”

    Tất cả là về lời thoại. Xem vài lại vài lần đi nhé….

    Người Mỹ muốn gì ?

  2. computer_angel Avatar
    computer_angel

    Uma Thurman trông rất lạ và có nét gì đó giống mấy nàng nhảy Twist …

Leave a Reply