Quả Cầu Vàng đổ bể: Thiệt hại khôn lường!

Quả Cầu Vàng bị huỷ bỏ, chẳng biết đó là quyết định đúng hay sai, nhưng gần như mọi người đều bị thiệt, tính từ nhà sản xuất, những người kinh doanh ăn theo đến các ngôi sao được đề cử.

Về mặt kinh tế, sự thiệt hại to lớn đến mức khó tin. Theo ước tính của Liên đoàn phát triển Kinh tế Los Angeles, thành phố này sẽ mất đi một khoản thu 80 triệu USD từ việc đăng cai tổ chức giải Quả Cầu Vàng. Trong đó 1/3 khoản thất thu này lẽ ra thuộc về ban tổ chức giải thưởng do mất doanh thu từ phí dịch vụ và lợi nhuận sự kiện mang lại. 50 triệu còn lại (chiếm 2/3 thiệt hại) là của ngành công nghiệp thời trang, nơi đảm nhiệm công việc làm đẹp cho các sao từ phục trang tới giày dép, túi, kính, mũ. Một khi không có lễ trao giải Quả Cầu Vàng, các nhà thiết kế phong cách thời trang (stylist) đành chấp nhận thất nghiệp, trong khi các năm trước họ tất bật làm không hết việc. Thông thường các sao Hollywood đến dự các giải thưởng lớn thường thuê các stylist thiết kế và định hình phong cách phục trang cho mình, bất kể họ là các ngôi sao hạng A như Angelina Jolie, Julia Roberts hay những tân binh của làng giải trí…

"Giá cho một hợp đồng làm việc với stylist dao động từ 1 nghìn đến 10 nghìn USD", stylist được nhiều ngôi sao ưa chuộng Rebecca Resnick cho biết. Với một giải thưởng tầm cỡ như Quả Cầu Vàng ít nhất đội ngũ stylist cũng ký được hợp đồng làm việc với khoảng 1.300 ngôi sao, những người sẽ có mặt tại lễ trao giải ở các vị trí từ người được đề cử đến khách mời hay người xướng giải thưởng… Chưa kể đội ngũ các nhà tổ chức, MC, ca sĩ biểu diễn, tất cả đều muốn được đẹp nhất trên thảm đỏ nên đều "qua tay" stylist. Cứ nhẩm tính đơn giản cũng đủ biết các stylist đã thiệt hại bao nhiêu tiền do "ăn không ngồi rồi".

Thiết kế trang phục Resnick thừa nhận: "Tôi đã mất việc khi các giải thưởng lớn không được tổ chức", ít nhất có ba khách 'sộp' của ông đã rút lui vì lo sợ đình công khiến các giải thưởng lớn ở Hollywood không thể diễn ra.

Các nghệ sĩ trang điểm cũng chịu chung số phận với các stylist. Bình thường một giờ làm việc của họ có giá từ 300 đến 400 USD hoặc 3 nghìn USD cho một ngày. Nhưng khi không có người thuê đến một xu họ cũng chẳng có. Chuyên gia trang điểm của nhà Dior, Pati Dubroff nói: "Tôi sẽ chẳng được một đồng xu nào cả nếu như không một ứng cử viên hay một người xướng giải Quả Cầu Vàng thuê làm việc."

Nhưng Dubroff vẫn nuôi hy vọng: "Tôi vẫn đang chờ xem có ngôi sao được đề cử nào thuê không hay tất cả họ đều hứng thú với đình công hơn dự giải". "Một anh bạn làm nghề tài xế của tôi cũng vậy, công ty của anh ta cho nhân viên nghỉ vào ngày Chủ nhật (13/1, ngày giải Quả Cầu Vàng đáng ra được tổ chức), trong khi các năm trước, có mà tối mặt với việc đưa đón các ngôi sao dự giải. Đó cũng là những ngày bận rộn nhất trong năm của anh ta."

Các nhà thời trang lớn còn méo mặt vì khoản chi khoảng 2 triệu USD mỗi nhà cho phí nhân công và thuê phòng khách sạn. "Các nhà mốt lớn đã phải đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để thuê phòng khách sạn nhằm chuẩn bị cho các giải lớn như Quả Cầu Vàng hay Oscar", Erica Salmon đến từ Hiệp hội Thời trang Fantasy cho biết.

Tiền bạc đã đành, cái mất lớn nhất của các nhà mốt lớn là cơ hội quảng bá tên tuổi. Đến với các giải thưởng tầm cỡ như Oscar hay Quả Cầu Vàng, các nhà tạo mẫu mong muốn hình ảnh và thương hiệu của mình được nhiều người biết đến hơn là những hợp đồng thiết kế hàng triệu USD cho một mẫu váy. Nhiều trường hợp họ còn biếu không váy để các sao diện trên thảm đỏ, chỉ cần công chúng biết rằng mẫu thiết kế đó đến từ nhà Dior chứ không phải của Versace hay một nhà nào khác.

Nhà thiết kế Tom Kolovos, đến từ nhà Dior nói: "Những sự kiện lớn như thế này quan trọng hơn nhiều so với các hợp đồng thông thường, bởi vì sẽ có hàng trăm triệu người trên toàn cầu biết đến hình ảnh của chúng tôi".

"Nó cũng giống như chúng ta được quảng cáo không mất tiền trong cả tháng. Nếu phải bỏ tiền ra để giới thiệu mình trên các báo và tạp chí, chúng tôi phải mất đến hàng trăm triệu đô la."

Việc một chiếc váy của Elie Saab được Halle Berry diện hay thiết kế của Nina Ricci, Guy Laroche 'lọt vào tầm ngắm' của Reese Witherspoon và Hilary Swank sẽ quyết định sự ăn nên làm ra của nhãn hiệu đó trong những năm tiếp theo.

Thời trang không chỉ dừng lại ở trang điểm và váy áo, mà bên cạnh đó là đồ trang sức đắt tiền như kim cương và đá quý cũng rất được các sao ưa chuộng. Ngành kinh doanh vàng bạc đá quý cũng một phen thất thu khi Quả Cầu Vàng bị hủy vào những tuần cuối.

Quả Cầu Vàng không được tổ chức NBC còn mất đi hàng chục triệu đô tiền quảng cáo. Chẳng hạn, với lễ trao giải thu hút khoảng 20 triệu khán giả hàng năm, cứ 30 giây quảng cáo đã thu về cả triệu USD. Thường chỉ các "đại gia" như AT&T, Coca-Cola và MasterCard mới chịu được "nhiệt" của mức giá "cắt cổ" này.

Ngoài các nhà tổ chức, các ngành dịch vụ ăn theo thất thu, các ngôi sao cũng là những người thiệt nhiều nhất khi Quả Cầu Vàng không được tổ chức. Đặc biệt là những ngôi sao lần đầu được đề cử như Nikki Blonsky (Hairspray), Saoirse Ronan (Atonement),… đã mất đi một cơ hội sải bước trên thảm đỏ Quả Cầu Vàng bên cạnh các gương mặt gạo cội của làng điện ảnh. Đối với bất kỳ diễn viên nào ở Hollywood, không riêng gì các diễn viên mới vào nghề, được đề cử những giải thưởng như Quả Cầu Vàng hay Oscar đã là một vinh dự lớn lao.

Theo VnMedia


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply