Review: Alice in Wonderland 3D (2010)

Kể từ khi xem trailer của bộ phim này ở Super Bowl, tui đã có một linh cảm không hay… Những hình ảnh quá sức kỳ quái, bộ mặt màu mè với bộ dạng bệnh hoạn của Johnny Depp và con mèo Cheshire với nụ cười ma mãnh ác độc. Thế nhưng, vì niềm tin vào Tim Burton, tui vẫn mò đi coi… Vẫn màu mè hoa lá sặc sỡ u tối rùng rợn theo đúng phong cách hình ảnh của Tim Burton, cộng thêm phần công nghệ 3-D đang rất thời thượng, Alice in Wonderland 3-D lại hoàn toàn thiếu vắng đi cảm xúc rất ‘con người’ thường thấy trong phim của Tim. Nói một cách khác, đây là bộ phim dở xuất sắc của Tim kể từ Planet of Apes…

1. Trước hết cần làm rõ điều này: Alice in Wonderland của Tim Burton không phải là bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của Lewiss Carroll. Câu chuyện trong bộ phim này được lấy cảm hứng từ hai cuốn truyện của Lewis Carroll, Alice in Wonderland và Through the looking-glass. Tác phẩm gốc kể về cuộc phiêu lưu của bé gái 12 tuổi Alice trong một lần ngồi nghe chị gái đọc sách bỗng nhìn thấy một chú thỏ trắng hớt hải chạy ngang với chiếc đồng hồ trên tay, để rồi khi rượt theo chú thỏ thì rơi xuống dưới cái hố. Kể từ đây, cô bé bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu kỳ lạ, biến hình lớn nhỏ liên hồi nhờ ăn bánh và uống nước. Cô gặp những người bạn kỳ dị, từ con thỏ trắng sợ trễ giờ đến con mèo ranh mãnh đến gã làm nón điên khùng với buổi tiệc trà bất tận, hay bà nữ hoàng đỏ hung tàn với đội quân bài. Rất nhiều trò chơi chữ trong cuốn truyện thiếu nhi này… Alice sau đó có quay trở lại thế giới này lần nữa trong cuốn Through the looking Glass, lần này cô đến vương quốc của Hoàng Hậu Trắng có đội quân cờ vua…
Bộ phim Alice in Wonderland của Tim Burton lấy bối cảnh và thời điểm sau cả hai cuốn truyện trên. Alice nay đã lớn. Chị cô nay đã có chồng. Và cô đang chuẩn bị được một chàng trai trẻ ngỏ lời cầu hôn. Thế nhưng, Alice vẫn còn mơ mộng chưa sẵn sàng để nhận lời cầu hôn ấy. Cô muốn từ chối. Cô chạy theo con thỏ trắng… và rơi xuống hang, và vẫn uống nước khiến người nhỏ lại mà để quên chiếc chìa khóa trên bàn, nên phải ăn cái bánh để lớn lên và trở nên quá khổ, và lại phải uống nước để nhỏ lại mà chui qua cánh cửa tí hon. Bạn hẳn đã nhớ đến cảnh này từ trong truyện và phiên bản phim hoạt hình của Disney.
Điều đó có nghĩa rằng, cô bé Alice của chúng ta không nhớ gì đến thế giới thần tiên năm xưa….
Và bộ phim xoay quanh câu chuyện làm sao Alice nhớ được mình là ai, cô có phải là Alice năm xưa đã từng lạc đến xứ thần tiên không, cô có phải là Alice mà theo như lời tiên đoán trong cuốn giấy tiên tri đã nói sẽ cứu thế giới thần tiên thoát khỏi tay mụ hoàng hậu đỏ độc ác, giết chết con rồng hung tợn hay không? Mặc dù Alice nói cô không phải và mọi người cũng đều nhận định cô không phải, nhưng khán giả vẫn phải ngồi xem để chờ cho tới lúc cô bé này nhận ra mình chính là Alice thì mới được đi về, nếu không muốn bỏ về giữa chừng (nhưng không dám vì tiếc tiền vé rất đắt).

2. Một bộ phim hay thường bởi chúng ta quan tâm đến số phận của nhân vật. Một bộ phim hay là khi chúng ta thấy được hành trình của nhân vật vượt qua mọi gian khổ để đạt được điều mình muốn nhưng cuối cùng nhận ra điều mình muốn chưa chắc là điều mình cần, và vì thế họ thay đổi. Và chúng ta yêu thích những nhân vật thay đổi, bởi chúng ta biết rằng chúng ta không dám thay đổi mình và chỉ còn ngồi nhìn người khác trên màn ảnh làm chuyện mà chúng ta muốn mà không dám làm. Bạn có thể chỉ ra bất kỳ bộ phim nào trong danh sách 10 phim hay nhất của năm nay tại bảng Oscar để thấy điều đó. The Hurt Locker: Chiến tranh khiến cho William ngày càng thu mình lại để không bị tổn thương. Avatar: Sullivan chống lại đồng đội của mình để bảo vệ người Navi. District 9: Wikus không còn kỳ thị người hành tinh… Sự thay đổi của nhân vật trong phim cũng là điều mà chúng ta quan tâm đến họ.
Với cô bé Alice, sự thay đổi của Alice chẳng khiến chúng ta quan tâm. Alice không tin mình là cô bé Alice mà mọi người đều nhắc đến, nhưng cuối cùng cô bé cũng phải tin. Nhưng chúng ta chẳng quan tâm đến điều đó. Tin hay không, cũng không quan trọng.
Sợ mọi người không hiểu, Alice liên tục nhắc đi nhắc lại, tôi không phải là Alice đó, đây chỉ là mơ thôi, lát tôi thức dậy là mọi thứ đều biến đi hết mà…
Nhưng Alice, về bản chất, cũng không hề thay đổi. Ngay từ đầu, Alice đã là cô bé mộng mơ, dù đã lớn mà vẫn tin vào những chuyện thần tiên con nít nhí nhảnh 9X như thưở vẫn còn là cô bé 12. Ngay từ đầu, Alice đã chẳng muốn lấy chồng…Cho đến cuối cùng, Alice vẫn là Alice của thưở ban đầu ấy…
và cô bé sẽ còn tặng cho khán giả những bài học về cuộc sống với bài diễn văn không kém phần ly kỳ với cô Hạnh trong Gái nhảy!

3. Thật kỳ lạ khi một ý tưởng phim gần như hoàn hảo với phong cách của Tim Burton – kỳ quái, mông mơ, đầy chất thơ và đầy tình người – lại có thể là một thất bại. (Nói về thất bại thì có lẽ cũng cần định nghĩa ở đây về mặt chất lượng nghệ thuật cũng như về mặt yếu tố giải trí. Chứ nói về doanh thu thì bộ phim thành công rực rỡ vì chỉ một tuần đã thu về hơn 200 triệu đôla trên toàn cầu).
Tui có xem qua cái game McGee’s Alice… máu me thấy ớn. Tim Burton hoàn toàn có thể theo phong cách đó mà làm ra một Alice độc đáo. Thế nhưng, vì Alice in Wonderland là tác phẩm của Disney nên dĩ nhiên chuyện đó sẽ không thể nào xảy ra.
Không phải vì thế mà Alice của Tim Burton không kém phần kỳ quái và rùng rợn. Những quái thú trong phim, những nhân vật như bà nữ hoàng đầu to đít teo, bà nữ hoàng tóc trắng môi trầm, anh làm nón điên Mad Hatter tóc cam do bị nhiễm chất độc màu da cám mắt xanh do đeo contact lense xanh và má hồng môi tím đều rất ‘Tim Burton’. Khán giả trẻ em lẫn người lớn sẽ có dịp giật thót mình, đứng tim vẫn những màn rùng rợn như lấy kim đâm vô mắt sọt sọt – đừng lo không có máu tung tóe ra vì đây là phim thiếu nhi, và cùng đừng lo là mắt bị đâm thì sẽ bị mù vì đây là xứ sở thần tiên (cảnh báo trẻ em đi xem đừng học theo mà về nhà lấy kim đâm mắt chó mèo của mình bắt chước theo trong phim nhé).
Thế nhưng, vì mải chạy theo những thứ kỳ quái, rùng rợn, bộ phim lại thiếu đi tình cảm, tình người. Alice nói chuyện được với Mad Hatter năm phút thì bỗng quyết tâm đi cứu anh này bất chấp hiểm nguy. sau đó, cô đứng về phe Hoàng hậu trắng vì cô này vừa sến vừa cải lương lượn lờ qua lượn lờ lại với cái môi thâm to bằng nửa cái mặt. Thế nhưng, chúng ta chẳng có chút thời gian nào để dành yêu thương cho Alice hay bất kỳ nhân vật nào trong câu chuyện này…

4. Johnny Depp vẫn là Johnny Depp, vẫn quái đản khó hiểu. Mad Hatter của Johnny Depp làm tui nhớ đến anh Thành Lộc. Dù rất quý Thành Lộc và khâm phục tài năng của anh, nhưng đôi khi tôi thấy nhiều vai diễn của anh quá màu mè hoa lá hẹ và đi quá xa. Mad Hatter của Johnny Depp là một trường hợp như vậy. Nhạt nhẽo, không có tính cách, đơn điệu một chiều, Mad Hatter trong truyện hài hước, khùng điên nhưng cũng rất thông minh, thì Mad Hatter này chỉ là một gã điên thuần túy. May thay, con mèo Cheshire trong phim này cũng không đến nỗi thất vọng như tui lo lắng. Vẫn ranh mãnh, kiêu kỳ và bí ẩn, Cheshire thoát ẩn thoát hiện trong những tình huống bất ngờ nhất.

5. Helena Bonham Carter có lẽ là diễn viên đóng hay nhất của phim, trong vai bà hoàng hậu đỏ đầu to đít teo. Vừa chảnh vừa hư như thể được nuông chiều quá đáng đã tạo nên một nữ hoàng vừa hung dữ nhưng lại rất… hồn nhiên. Tui thích nhất là khi bà nữ hoàng này ngồi lên ngai vàng và có con heo chạy ra nằm sải lai cho bả gác chân, còn mấy con khỉ thì bưng bê bàn ghế cho bả uống trà! Yêu thích bà này bao nhiêu thì tui mệt bà Hoàng hậu trắng sến rện của Anne Hathway bấy nhiêu – Anne có lẽ có qua Việt Nam học một khóa diễn với Trinh Trinh, Tú Sương, Thanh Kim Huệ, Ngọc Huyền hay sao đó mà tay chân múa may hệt mấy đào cải lương nhà mình. Thế nhưng chỉ một đoạn ngắn Anne bỗng đi đứng bình thường bỗng khiến tui tưởng con mụ nữ hoàng này giả bộ sến lộ để âm mưu lấy lòng người xung quanh, rồi hết phim mới nghĩ lại chắc đoạn đó Anne thấy đi đứng sến sến chậm mà mệt quá nên đi đứng lại bình thường thôi chứ không liên quan gì đến nhân vật hết!
Mọi nhân vật trong phim đều một chiều, người tốt rất tốt, kẻ xấu rất xấu, thằng điên rất điên… Và mọi người đều như thế từ đầu tới cuối!

6. Avatar được quay với máy quay 3D – tức máy quay có 2 ống kính để sát nhau – mà vì thế nó tạo ra được hình ảnh 3-D thật sự. Khuôn mặt của diễn viên được hiện ra hình khối 3D rất rõ nét. Trong khi đó, Alice in Wonderland được quay bình thường và dùng phần mềm để chuyển thành hình ảnh 3-D, vì thế hình ảnh 3-D của nó là hình ảnh 3-D giả tập với các lớp hình ảnh xếp chồng lên nhau. Nói để bạn dễ hình dung hơn – bạn có biết các kiểu sách pop up, mà khi mở cuốn sách ra, ta thấy các lớp hình được bật lên cái trước cái sau? Alice Wonderland là kiểu 3-D giả lập tương tự như vậy. Bạn sẽ thấy những mặt phẳng 2D xếp chồng thành từng lớp, thay vì không gian 3-D thật sự.
Nếu hình ảnh Avatar thật đến mức bạn quên đi rằng những người Na’vi hoàn toàn không có thật và tin rằng trên đời có giống người như thế, thì hình ảnh của Alice lại giả đến mức bạn thấy khó chịu. Điển hình là tay Hiệp Sĩ Trái Tim, với những chuyển động cơ thể rất kỳ cục, bất thường.
Avatar dù đạt đến đỉnh cao của 3-D, nhưng không hề tận dụng những trò tiêu khiển rẻ tiền của 3-D như quăng đồ vật bay vào mặt khán giả. Alice in Wonderland thì ngược lại – tin chắc khán giả sẽ la hết khoái chí với những trò đâm giáo mác, quăng hũ lọ về phía ống kinh sẽ khiến người xem né qua né lại, Tim Burton quăng đầy những chiêu này trong phim…

7. Xét cho cùng, Alice in Wonderland là một phim thiếu nhi. Một phim thiếu nhi nhưng nhân vật chính là một cô bé đến tuổi lấy chồng. Một phim thiếu nhi với đôi ba màn rùng rợn. Alice on Wonderland là một phim thiếu nhi, mà thiếu nhi thì cần sự đơn giản và dễ hiểu. Vì thế, sẽ thật không công bằng khi dùng lăng kính của một người trưởng thành để đánh giá bộ phim này. Vì vậy, đừng vì review này mà không đi xem, để 10 năm sau vô tình bạn xem và thấy hay lại trách tại tui…

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply