Review: Đừng đốt (2009)/ Ôi Sài Gòn (2009)

(từ trái sang): Đoan Hoàng (đạo diễn phim ôi Sài Gòn), Gianni (phiên dịch cho đạo diễn Đặng Nhật Minh), đạo diễn Đặng Nhật Minh, giáo sư David James, trưởng bộ môn Phê bìh lý luận phim ở trường USC

Trường tui USC tổ chức chiếu hai bộ phim Việt Nam, một phim truyện của đạo diễn người Việt Nam: Đừng đốt của Đặng Nhật Minh, một phim tài liệu của đạo diễn Việt Kiều: Ôi Sài Gòn của Đoan Hoàng. Cả hai phim, theo nhiều review tui đọc, đều khiến người xem rơi nước mắt. Bài viết này không hẳn là review hai bộ phim này, mà có lẽ nó gần với tản mạn sau khi xem hai phim hơn…

1. Khi bay qua Missouri để đi roadtrip hồi cuối năm ngoái, tui cầm theo một cuốn sách đã mua từ lâu mà chưa bao giờ đọc: Bí mật cuộc đời người lính Mỹ làm “sống lại” Đặng Thùy Trâm và cuộc đi tìm Nguyễn Trung Hiếu trên đất Mỹ. Đó là cuộc đời của Fred Whitehurst, và những ghi chép của ông, những câu chuyện về hành trình trao trả lại cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm cho gia đình, và hành trình tìm người phiên dịch viên đã nói câu nói ‘Đừng đốt, trong đó đã có lửa’.
Thật thú vị khi đọc những câu chuyện nhỏ mà Fred kể về thời thơ ấu, thời niên thiếu và gia đình của mình trước khi ông sang Việt Nam tham chiến. Đặc biệt là những câu chuyện về mẹ ông và cách bà dạy những đứa con trai của mình. “Cô có biết chim mẹ đẩy chim con ra khỏi tổ để tập bay không? Đôi khi những đứa trẻ tự gây tổn hại cho chúng, và tôi phải sống với sự thực đó, bởi vì tôi không muốn chúng phải dựa vào tôi (…) Chúng tôi yêu thương nhau, quan tâm tới nhau. Khi chúng tôi đau buồn hay khó khăn, chúng tôi đến với nhau, nhưng thời gian còn lại, chúng tôi cho nhau những khoảng tự do”…
Cũng thấy thú vị khi đọc cuốn sách này trên máy bay đi Missouri, tui đã nghĩ đến cảm xúc của người lính Mỹ đã gìn giữ cuốn nhật ký, nghĩ đến những trăn trở của ông, hay về số phận của người phiên dịch viên, hay về khoảnh khắc mà mẹ của Đặng Thùy Trâm nhận được cuốn nhật ký của con mình, và tui đã vài lần chảy nước mắt.
Tui chưa bao giờ đọc hết nổi của nhật ký Đặng Thùy Trâm, vì sự thật, với tui, nó được viết bằng một giọng văn đều đều, và tui không đủ kiên nhẫn để đọc hết. Thật buồn khi nghĩ, ở chừng mực nào đó, tui lại chia sẻ nhiều hơn với một người lính Mỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa tui không xúc động khi đọc cuốn nhật ký. Trong những phần tui đọc, chủ yếu là những trang đầu của nhật ký, tui thấy cuộc sống, lý tưởng của chị Trâm trong sáng và thánh thiện. Có nhiều đoạn tui đọc và thấy buồn vô cùng, nhất là đoạn về M., người tình đã đi theo tiếng gọi của lý tưởng và bỏ rơi lại tình yêu của mình, người mà vì anh, chị Trâm đã vào rừng chiến đấu… Đâu đó có cả những nỗi buồn của chị Trâm mà tui nghĩ rằng, những người như tui cũng chia sẻ và đồng cảm, nhất là trong giai đoạn xã hội này. Như khi chị Trâm nói về việc bị xem là tiểu tư sản vì vẫn còn yêu hoa và trân trọng cái đẹp. Chị thà bị xem là tiểu tư sản để được sống thật, còn hơn trở nên khô cứng chai sạn. Ôi, chị Trâm không biết rằng, cách đây 10 năm thôi, người ta vẫn nghĩ như thế. Có lần đi làm công tác xã hội với Thành Đoàn cùng báo Mực Tím, đám Thông Tín Viên tụ tập ngồi chơi đã bị một bạn cán bộ Đoàn chê trách ‘các bạn thật tiểu tư sản’… Nỗi buồn của chị Trâm đâu chỉ có thời ấy mà vẫn còn lan đến ngày sau…

Chẳng hiểu vì sao, tui có ý nghĩ thật khập khiễng, từ “tiểu tư sản” trong thời chiến giống từ “phản động” trong thời bình… Chị Trâm yêu hoa, còn hôm nay người ta yêu dân chủ, và họ đều sẽ bị xem là chưa thật sự sống hết mình vì lý tưởng…

2. Câu chuyện về hành trình trả lại cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm là một câu chuyện thú vị – đó là lý do mà tui mua cuốn sách trên, thay vì mua cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm (thật ra thì mẹ tui hình như mua mấy cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm rồi nên tui cũng chẳng mua làm gì), và tui nghĩ, làm một bộ phim về hành trình này thú vị biết mấy. Hay đúng hơn, làm phim về Fred Whitehurst sẽ rất hay, nhất là về phần đời gắn bó với cuốn nhật ký. Đó là khi tui chưa biết đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng làm điều đó. Tui cứ nghĩ là ông sẽ làm phim về cuộc đời Đặng Thùy Trâm mà thôi.
Dĩ nhiên, đạo diễn Đặng Nhật Minh làm bộ phim Đừng đốt về Đặng Thùy Trâm chứ không phải về Fred Whitehurst. Có thể sau này, tui sẽ làm bộ phim về Whitehurst, vì tui rất xúc động khi đọc cuốn sách về ông.
Trong hành trình này, có rất nhiều điều kỳ lạ xảy ra, như thể linh hồn chị Đặng Thùy Trâm đã dẫn lối Fred. Thật nhân ái làm sao, khi mà hai gia đình của Fred và của Trâm trở thành một đại gia đình, Fred trở thành đứa con nuôi của gia đình họ Đặng… Nó mở ra một cái nhìn về con người Việt Nam rất khác những dân tộc khác trên thế giới. Khi tui kể câu chuyện này cho bạn bè quốc tế của tui nghe, họ ngạc nhiên. Họ hỏi, làm sao một bà mẹ Việt Nam lại có thể tha thứ cho những người lính Mỹ đã bắn chết con bà, và còn nhận đó là con nuôi? Tui bảo, vì người Việt Nam đã move on, họ tiếp tuc sống và bỏ qua quá khứ, dù có thể họ sẽ không bao giờ quên quá khứ.

3. Đừng đốt cũng kể một phần về hành trình trao trả lại cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm của Fred. Đó là một sự lựa chọn khôn ngoan. Tiếc thay, bộ phim không đem đến cho tui cảm xúc mà tui từng có khi đọc hai cuốn sách. Có nhiều điều làm tui thất vọng về bộ phim. May mắn là đã được nghe mọi người ở nhà khen chê nên tui không có một chút kỳ vọng gì vào bộ phim – nói đúng hơn là tui nghĩ nó sẽ rất là dở luôn đó, nhất là sau khi nó đoạt giải Bông Sen Vàng thì tui nghĩ chắc nó phải thuộc hàng dở kinh điển chứ không phải hạng thường =)) – nên khi thấy thiệt ra phim cũng không có đến nổi dở lắm mà sao mọi người chê nó dữ vậy bay!!! Các bạn đừng đùa, có mấy đoạn tui cũng thấy xúc động nha, và có bạn H bảo là bạn ấy còn rơi nước mắt nữa cơ…

Có điều tui tiếc và thất vọng vì thật ra Đặng Nhật Minh làm Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê hay hơn thế này nhiều lắm… Mà tui nghĩ phim lẽ ra phải hay hơn, có thể làm hay hơn….

Mathew M.  trong vai Fred thời trẻ

4. Có 4 điều tui thấy phim này dở: diễn xuất, thoại, dựng phim và âm nhạc.

a. Nói về âm nhạc – bản thân những bài nhạc trong phim khá hay nếu nó chỉ đứng một mình nó. Nhưng nhạc phim đòi hỏi phải ăn khớp với bộ phim – cũng như Những nụ hôn rực rỡ nghe nhạc không thì thấy không hay nhưng xem phim rồi thấy nhạc hay hơn gấp bội (tui nghe bản Em là ai từ hồi tháng 7 rùi tui nghĩ, trời, nhạc nghe gì dở vậy hehehe, nhưng coi phim xong thấy nó hay ghê). Trong khi đó, nhạc trong phim Đừng đốt được sử dụng rất tùy tiện. Đáng nói nhất là âm nhạc cố gắng dẫn dắt ép uổng cảm xúc người xem – nhiều đoạn chẳng có gì nhưng nhạc thì vô cùng melodrama lâm ly bi đát để tạo hiệu quả khiến người ta mủi lòng, đôi khi trở nên sống sượng và hài hước.

b. Dựng phim không làm câu chuyện vốn khá phức tạp về mặt tổ chức thời gian/ không gian (quá khứ vs hiện tại/ Mỹ vs Việt Nam) đơn giản hơn mà lại làm mọi thứ rối rắm. Chẳng biết chị Trâm chết trong trận nào – trận đầu tiên khi bom thả vào ngôi làng ở đầu phim có phải là trận sau đó chị Trâm bị bắn trong rừng không?; Fred có mặt trong trận càn giết chết chị Trâm hay không, nếu không tại sao trong bệnh xá mà Fred đến lại có cuốn nhật ký của chị Trâm và cả cây đèn dầu?; Tại sao đoạn trước chị Trâm mới khóc ‘mình sống ở đây có một mình’ mà ngay cảnh sau thấy bom đạn thả xuống, dân chúng trong làng chạy ra túa lúa và người chết như rơm ngay cạnh cái bệnh xá của chị ấy?

c. Lời thoại thì khá là ‘on the note’ – tức là nghĩ sao nói vậy, một kiểu thoại diễn giải hơn là thoại của phim. Vì phim trích nhiều đoạn nhật ký – một kiểu bày tỏ nội tâm bằng lời nói – nên thoại phim lẽ ra càng cần phải mang nhiều subtext hơn. Khi nghe đoạn bà mẹ của Fred lúc ăn tối hỏi ‘Thế con đi chiến trường về có mang quà gì về không? Đi ba năm mà không mang quà gì về ư?’ xong anh Fred nói ‘Có, con có mang một cuốn nhật ký của một cô gái, một kẻ thù của chúng ta’, xong anh cúi xuống lấy cuốn nhật ký lên, trong rạp khúc khích tiếng cười… Khá nhiều tiếng cười khúc khích như thế vang lên trong suốt phim bởi những câu thoại ngô nghê và tẻ nhạt như thế… Một trong những cảnh khán giả cười nhiều nhất lại chính là cảnh quan trọng của phim – khi anh phiên dịch ngăn Fred lại mà bảo ‘Đừng đốt, trong đó đã có lửa’…

d. Có lẽ vì bất đồng ngôn ngữ nên các diễn viên nước ngoài đóng rất dở so với các diễn viên Việt Nam đóng cũng đơ đơ… Được một điểm Minh Hương trong vai Đặng Thùy Trâm có nét hồn nhiên trong sáng, đóng những cảnh chị chạy tung tăng cũng khá ổn. Còn lại thì diễn viên đóng khá mờ nhạt và yếu…

5. Nói thêm là khán giả Mỹ, rất lịch sự khi lên đặt câu hỏi với đạo diễn với những lời ngợi khen, đều cảm thấy đoạn phim về gia đình Fred ở Mỹ ‘rất là Việt Nam”. Bà J., giáo sư đứng ra tổ chức chương trình, nói với tui là bà nghĩ cảnh đó do đạo diễn tự viết ra theo trí tưởng tượng của người Việt Nam về gia đình Mỹ, chứ thiệt ra ở Mỹ không có như vậy. Hai chú bạn người Mỹ của tui cũng nói thế. Cũng nói thêm là phim này quay ở Việt Nam khá đẹp mà quay cảnh ở Mỹ thì khá xấu. Không chỉ quay xấu mà các đoạn ở Mỹ là những đoạn khán giả Mỹ cười rúc rích nhiều nhất – có lẽ vì họ thấy khiên cưỡng, giả tạo và không thật. Không trách được đạo diễn vì thật ra Mỹ làm phim về Việt Nam thì mấy cảnh Việt Nam nó cũng làm gớm thế thôi. Tuy nhiên, phải nói là những đoạn anh em nhà Fred lôi cuốn nhật ký ra mọi lúc mọi nơi quá sức hài hước. Đi ăn tối cũng kè kè cuốn nhật ký bên cạnh, chờ mẹ hỏi là lôi ra ngay. Đi câu cá cũng kè kè bên cạnh, chờ em hỏi là lôi ra ngay. Rất là tiện lợi!!!

6. Không lẽ chê hết cái phim đoạt giải Bông Sen Vàng?

Thật ra trong phim có vài cảnh quay đẹp mắt, vài cảnh quay lãng mạn. Chẳng hạn như cảnh chị Trâm chạy về thăm mẹ. Cảnh chị Trâm hiện hồn về lấy cuốn nhật ký từ túi của Fred. Cảnh xe đạp chạy trên đường phố Hà Nội.

Có vài khoảnh khắc xúc động.

Nhưng mọi thứ quá rời rạc, chắp vá và mờ nhạt…

7. Hài hước là phần phụ đề tiếng Anh của phim. Khá nhiều từ dịch sai trong phim này, khiến khán giả Mỹ hoang mang tột độ. Cao điểm là đoạn cuối phim, khi giọng chị Trâm đọc ‘Mẹ ơi, trong ngày khải hoàn, sẽ không có con gái của mẹ’, thì phụ đề dịch thành ‘In the apocalypse, your daughter will be missed’… (ngày khải hoàn không biết sao dịch thành apocalypse, tức là ngày tận thế!!!). Chưa kể đến đoạn ending credit, có đoạn cảm ơn bộ tư lệnh trung ương, quân đội nhân dân Việt Nam và chính phủ đã giúp đỡ hỗ trợ bộ phim, thì tự nhiên không thèm dịch, trong khi các lời cảm ơn trước đó đều được dịch hết, khiến cho khán giả Mỹ hết sức tò mò ngơ ngác!!!

8. Phần giao lưu khá thú vị, tiếc là có mấy đoạn chị phiên dịch dịch sót lời của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Đạo diễn cũng có sự hài hước, mỉa mai châm biếm. Khi được hỏi, phim này chiếu ở VN có ăn khách không, đạo diễn ĐNM trả lời rằng, phim so với các phim giải trí Hollywood thì không bằng. Phim của tui ra mắt hồi hè, đụng độ với Transformers 2, nên bị đè bẹp. Cũng may là nó ra hồi hè, chứ mà ra mắt vào cuối năm thì còn chết nữa vì đụng Avatar! Hỏi, kinh phí làm phim có được hãng phim Mỹ nào tài trợ không? Đáp: Phim của tui được Pháp, Nhật tài trợ, nhưng không có tài trợ nào từ Mỹ hết, chắc vì làm phim nói về chiến tranh với Mỹ. Hỏi: tôi nghe nói phim We were soldiers bị cấm chiếu ở Việt Nam và một diễn viên Việt Nam đóng phim đó bị cấm đóng phim và bị làm khó dễ. Đáp: thật ra thì phim đó nói xấu Việt Nam nên không ai nhập về chiếu cả, vì chiếu thì khán giả Việt Nam cũng không có thích, chứ đâu có bị cấm! Hỏi: Vậy các phim Mỹ làm về chiến tranh Việt Nam có được chiếu ở Việt Nam không? Đáp: chỉ có một phim duy nhất được chiếu là phim Trung Đội, mà là chiếu trên TV, còn lại không có phim Mỹ nào về chiến tranh Việt Nam chiếu ở Việt Nam cả. (thông tin này khá sai lệch vì phim Người Mỹ trầm lặng mà ĐNM làm phó đạo diễn thật ra có chiếu ở ngoài rạp, ngoài ra Sinh ngày 4 tháng 7, Trời và đất đều có chiếu trên truyền hình Việt Nam).

Gia đình Đoan Hoàng khi vừa sang Mỹ (www.ohsaigon.com)

9. Phim thứ hai là phim tài liệu Ôi Sài Gòn, kể về câu chuyện của gia đình Đoan Hoàng, một cô gái Việt Kiều cùng cha mẹ di tản sang Mỹ ngay trước khi cuộc chiến tranh kết thúc. Ba của Đoan làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình cô lên được chuyến may bay cuối cùng của Mỹ rời khỏi Việt Nam. Họ định cư ở Kentucky, và là gia đình Việt Nam duy nhất ở đó. Họ bỏ lại phía sau Vân, đứa con riêng của mẹ Đoan. Năm đó Đoan ba tuổi. Chị Vân của Đoan vượt biên và đoàn tụ với gia đình vài năm sau đó. Rồi chị ra riêng sau một năm chung sống.

Đoạn muốn hiểu hơn về gia đình của mình. Cô bắt đầu phỏng vấn ba, mẹ, anh, chị của mình, về tâm sự của họ. Ở Mỹ, cô hiểu hơn về ba mình với những cuộc trò chuyện. Ông vốn ít nói. Ông đi làm về, rồi ngồi chơi solitari (trò đánh bài trên máy tính) một mình. ‘Cuộc đời ba đã chết rồi. Ở đây cái gì cũng khác. Khác biệt ngon ngữ, khác biệt văn hóa. Không người thân, không bạn bè’… Vì lẽ đó, ba của Đoan càng hận cộng sản, bởi với ông, họ đã cướp mất đất nước của ông, mà quan trọng hơn, đã cướp đi cuộc đời của ông. Ở Mỹ, ông chẳng là ai. Ông đâu muốn đi, nhưng vì ở lại thì chết, gia đình sẽ hoạn nạn, nên đành phải đi, phải bỏ quê hương, bỏ gia đình mà ra đi. “Có ai mà muốn từ bỏ quê hương của mình đâu con”

Khi về Việt Nam lần đầu tiên, ba của cô không về cùng vì ông thề không bao giờ về khi ‘nước còn mất’, Đoan bất ngờ khi biết rằng mình không chỉ có một người chú cũng đi lính miền Nam công hòa, đã tự chặt ngón tay để không thể bóp cò súng, mà còn có cả một ông bác mà ba của cô chưa từng nhắc đến – một người bác bên kia chiến tuyến, một người bác cộng sản.

Khi trở về Mỹ, cô còn khám phá ra nỗi lòng của chị Vân, người con riêng của mẹ, về nỗi mặc cảm tủi phận con riêng của chị mình. “Chị không bao giờ bỏ con của chị. Mẹ nào mà bỏ con mình chứ’, Vân nói. Cô dằn vặt bởi cô đã bị bỏ lại năm xưa. Cô ôm trong lòng một mối hận mẹ của mình đã bỏ mặc mình, không bao giờ dám nhận mình là con gái vì ‘ổng (ba của Đoan) không có ưa chị. Ổng không có thích quá khứ của mẹ, mà chị là quá khứ của mẹ”…

Gia đình Đoan cùng nhau trở về Việt Nam lần nữa. Lần này, cả ba Đoan, cả chị Vân đều đi…Thế giới nội tâm và những xung đột trong gia đình của cô dần hé mở. Đó cũng là xung đột tiêu biểu cho cả một thế hệ người Việt Nam. Hành trình hàn gắn lại gia đình của Đoan bắt đầu từ đây. Có những lúc, tưởng chừng như những vết thương sẽ không thể nào hàn gắn…

Đoan Hoàng, chị Vân và mẹ

10. Tui khá xúc động khi xem bộ phim tài liệu này, bởi sự chân thật của nó. Điều khá mỉa mai là trong khi bộ phim truyện Đừng Đốt lại được kể với giọng kể đều đều không kịch tính, như thể một phóng sự tài liệu (chứ không phải phim tài liệu) về hành trình trao trả cuốn nhật ký với những dữ kiện a b c, thì Ôi Sài Gòn lại gay cấn xung đột kịch tính như một phim tâm lý xã hội, mà đỉnh điểm là khi hai mẹ con cuối cùng đã đối mặt nhau để nói ra hết những uất ức trong lòng của họ. Nếu như xem đây là một đoạn phim truyện, thì thoại của đoạn này thể hiện tiêu biểu cho một đoạn phim hay. Khi mà đứa con gái nói với mẹ của mình ‘Tại sao mẹ bỏ con?’, thì câu hỏi đó không phải là câu hỏi cần tìm câu trả lời, mà ý nghĩa thực sự của nó, là con cần sự quan tâm của mẹ. Người mẹ đau đớn quay lại, nói ‘phải, tao bỏ mày đó, bởi vì tao còn cả một gia đình để chăm lo, tao còn phải đi làm để kiếm miếng ăn cho cả cái nhà này’, dù ngoài miệng nói rằng mình bỏ con, nhưng điều trong lòng bà muốn nói là tại sao con không hiểu cho mẹ. Không ai trong số họ nói ra điều họ thật sự nghĩ… Những ý nghĩa phía đằng sau bề mặt của câu nói mới thực sự đem đến sự hấp dẫn cho một đoạn đối thoại trong một bộ phim. Ngay cả với phim tài liệu.

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply