Review: Monte Carlo (2011), Long Ruồi (2011) và nghi án đạo phim

Long Ruồi kể về một anh nhà quê lên chốn đô thị phồn hoa bị lầm tưởng là đại ca giang hồ gây ra bao chuyện dở cười dở khóc. Monte Carlo kể về một cô em nhà quê đi lên chốn đô thị phồn hoa bị lầm tưởng là công chúa xa hoa gây ra bao chuyện dở cười dở khóc. Hẳn là có nghi án đạo phim.

1. Theo thói thường của đám dân tiểu nhược, không phải tất cả người Việt Nam ai cũng thể, thì Long Ruồi hẳn phải đạo phim rồi. Bọn này thì trong đầu lúc nào cũng chăm chăm “đạo phim đạo nhạc”. Cớ như cái music video của em Văn Mai Hương chỉ có một cái chuyện em đó lên hát thôi mà cũng cả đám lao nhao “Đạo music video của Selena Gomez”. Haizz…, trùng hợp ngẫu nhiên thay, em Selena này cũng là ngôi sao của phim Monte Carlo. May là Long Ruồi chiếu ở Việt Nam trước khi Monte Carlo ra rạp nên né được vụ án “đạo phim”. Mặc dù tình hình có khi cả hai phim cùng đạo một phim nào đó.

2. Long Ruồi thì chưa biết sao, để đó lát nói sau, chớ Monte Carlo thì đích thị là một phim “đạo ý tưởng”. Hồi xửa hồi xưa chừng đâu tám năm về trước, Disney – cái hãng phim từng sản xuất ra một đám con gái ngoan hiền mà về sau kéo nhau ăn chơi đàn đúm, không nhậu nhẹt say xỉn thì cũng cưới ba bốn chồng, không cởi áo cởi quần lên music video thì cũng hun hít một số đàn bà con gái khác cho nó tung toé cả lên – đã làm một phim mang tên The Lizzie McGuire Movie ăn theo show truyền hình Lizzie McGuire của cô bé Hilary Duff – một cô nàng hiếm hoi không scandal như các cô bạn cùng lò nhưng rồi cũng chìm lỉm không ai nhớ tới. Nội dung của The Lizzie McGuire Movie như sau: một cô bé người Mỹ dễ thương Lizzie sau khi tốt nghiệp (phổ thông) đã ăn mừng cùng đám bạn bằng một chuyến du lịch sang châu Âu, để rồi cả đám phát hiện ra Lizzie giống hệt cô ca sĩ nổi tiếng Isabella. Isabella chảnh choẹ khó chịu bỏ chuyến lưu diễn của mình ngang xương, và cơ hội để Lizzie “thế chỗ” cho cô nàng này mở ra….

Nếu bạn quên đoạn giới thiệu tui nói về phim Monte Carlo ở trên thì đây, tui xin được kể lại: Monte Carlo là bộ phim kể về một cô bé người Mỹ dễ thương Grace sau khi tốt nghiệp (trung học) đã ăn mừng cùng cô bạn thân và cô chị ghẻ bằng một chuyến du lịch sang châu Âu, để rồi cả ba nàng nhận ra Grace giống hệt công nương Scott. Scott chảnh choẹ khó chịu bỏ chuyến vi hành đến dự buổi đấu giá từ thiện ngang xương, và cơ hội để Graxe “thế chỗ” cho cô nàng này mở ra…

Mà cái hay ho nhất là ban đầu, kịch bản phim được chuyển thể từ một cuốn truyện có vẻ như không liên quan mấy tới Lizzie McGuire, với diễn viên chính ban đầu dự kiến là Nicole Kidman hoặc Julia Roberts, thế nhưng nay đã được phù phép thành phiên bản nhái mới của Lizze McGuire.

May cho Selena Gomez, cô nàng vốn là người Mỹ nên giới tiểu nhược sính ngoại Việt Nam sẽ không lên án nghi án đạo phim của cô nàng (dĩ nhiên Selena không có làm phim này, nhưng xem ra music video của nàng cũng giống giống một số music video khác, và phim cũng giống giống phim của mấy cô teenager một thời của Disney).

3. Tui cũng chả lên án chuyện “đạo phim” của Monte Carlo. Chuyện “người giống người” đã được điện ảnh khai thác nát bét từ thời tám hoánh nào rồi. Trên thế giới chỉ có vài ba motip câu chuyện, chả có câu chuyện nào là mới mẻ cả. Chuyện hai đứa yêu nhau mà gia đình ngăn cấm, không gia đình ngăn cấm thì cũng có đứa thứ ba nhảy vào, không có đứa thứ ba thì cũng hoàn cảnh đẩy đưa chia lìa đôi lứa. Hay là chuyện hai đứa ghét nhau xong rồi sau bao sóng gió thì cuối cùng yêu nhau. Hay là chuyện đôi bạn thân ngày nào để rồi dòng đời đưa đẩy trở thành kẻ thù của nhau…

Tui chỉ phát bệnh với cái thói sính ngoại của một đám tiểu nhược, cứ hễ Việt Nam là lao vô chê dở. tui cũng phát bệnh cái thói săm soi đụng cái gì cũng bảo “đạo này đạo kia” dù thiệt ra cái thứ mà bọn nó tưởng là nguyên gốc có khi cũng đạo thứ gì đó.

Nếu Monte Carlo là phim Việt Nam, cũng sẽ có một đám tiểu nhược nhao nhao lên bảo, phim quảng cáo nhiều quá. Hết nhãn hàng này đến nhãn hàng khác đập vào mặt người xem… Nhưng vì là phim Mỹ nên có khi còn được ca tụng. Nói như bạn tui nói, có khi C*t Mỹ bọn này cũng bảo thơm hơn c*t Việt Nam…

4. Nghệ thuật là sự vay mượn. Picasso nói là, “Bad artists copy. Good artists steal”. Dĩ nhiên, sự copy đáng bị lên án, nhưng nếu một tác phẩm có đời sống riêng của nó, có tính cách riêng của nó, thì ngay cả khi nó có vẻ giống một tác phẩm nào trước đó cũng không còn mang ý nghĩa gì lớn.

Dĩ nhiên phim Việt Nam có thể không hay bằng phim Mỹ. Nhưng ở Việt Nam chúng ta, ngoài chỉ số lạm phát và nạn tham nhũng thì chúng ta có gì hơn nước Mỹ?

5. Tui không khó chịu gì với việc Monte Carlo giống Lizzie McGuire. Trái lại, Monte Carlo vẫn là một phim dễ thương, dễ chịu, và xem ra, cũng khá hơn Lizzie McGuire (theo tui thấy). Được làm theo đúng công thức một cách chỉnh chu, gọn gàng, sạch sẽ, với cảnh quay tuyệt đẹp, quần áo lụa là tuyệt đẹp, gái xinh mơn mởn trai đẹp cởi trần, và đặc biệt cuối phim còn có bài học đạo đức “Nói dối là xấu” cho các quý vị khán giả thích được giáo dục, Monte Carlo là lựa chọn an toàn cho mùa lễ Quốc Khánh… Bài học mà rút ra trong phim dành cho các bạn trai: phải đi xa và đi nhiều mới kiếm được “hàng hiếm” =))

Thật ra, nói một cách nghiêm túc, Monte Carlo có những khoảnh khắc xúc động về gia đình, bạn bè, và nhất là thông điệp về giai cấp. Hai trong số ba cô gái này làm bồi bàn, và Emma – nhân vật tui thích nhất trong phim – muốn đi Paris, rời khỏi Texas, với ước mơ tìm kiếm một hạnh phúc lớn hơn. Có lẽ Emma là nhân vật gần nhất với nhân vật trong tiểu thuyết gốc (tui chưa được đọc, chỉ đoán mò), vì cuốn tiểu thuyết gốc kể về bốn phụ nữ tầng lớp lao động ở Texas rủ nhau đi Paris để tìm kiếm “đại gia” với giấc mơ đổi đời, để rồi ở Paris, họ gặp bốn anh “đại gia” xỏ lá. Đoạn Emma đi ăn tiệc với hoàng tử Domirico là một trong những đoạn phim giúp cho Monte Carlo vượt qua giá trị của một bộ phim tuổi mới lớn đáng yêu dễ thương để có một thông điệp mạnh mẽ hơn về sự tôn trọng giá trị bản thân của mỗi con người trong một xã hội có nhiều tầng lớp giai cấp.

6. Long Ruồi thì sao? Doanh thu 9,5 tỷ trong ba ngày đầu công chiếu hẳn cũng mang một ý nghĩa nhất định nào đó. Phim rất hài hước nhưng rất tiếc, không có bài học đạo đức được nói huỵch toẹt ra cho các khán giả thích được nghe giảng giáo dục công dân trong rạp cine. Vì thế quý vị thích được xem phim để được nghe giáo huấn đạo đức có thể sẽ thất vọng. Còn phim có thông điệp gì hay không ư? Tui tin là hầu hết phim nào cũng có thông điệp, chỉ là người xem có nhận ra hay không mà thôi.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply