Review: The Imaginarium of Doctor Parnassus (2009)

Bài review này tặng em Untouch.

The Imaginarium of Doctor Parnassus (Tạm dịch: Ảo viện của thầy pháp Parnassus – viết tắt IDP) là một phim tuyệt đẹp và kỳ lạ. Cũng như hầu hết các bộ phim khác của Terry Gilliam, IDP giống như một giấc mơ hoang đường, mông lung không rõ ràng.

Heath Ledger bất ngờ qua đời trong khi anh đang tham gia bộ phim này. Vai diễn cuối cùng của cuộc đời anh còn dang dở. Dự án phim tưởng chừng sẽ bị đổ vỡ – không ai muốn cho tiền Terry Gilliam quay lại những thước phim đã làm bởi bản thân bộ phim thôi đã tốn kém và nắm chắc phần thất bại về doanh thu. Terry Gilliam nổi tiếng với những bộ phim ế khách nhưng đều thuộc hàng phim kinh điển, có thể kể đến Monty Python and the Holy Grail, Twelve Monkeys, The Adventures of Baron Munchausen, Brother Grimms, mà nổi tiếng nhất có thể kể đến Brazil, một bộ phim gây tranh cãi bởi chủ đề tư tưởng táo bạo cũng như cách kể chuyện phá quy tắc và sự độc đáo về mặt hình ảnh. Sau cái chết của Heath, Gilliam định bỏ cuộc. “Tất cả đã hết, chúng ta cùng về nhà thôi” – Terry nhớ lại suy nghĩ của mình khi vừa nghe tin về cái chết của Heath Ledger. Ban đầu ông còn nghĩ đó là trò P.R của hãng Warner Bros để quảng bá cho vai Joker của Heath. Đoàn phim phản đối. Họ muốn hoàn thành bộ phim. Terry quyết định kêu gọi sự giúp đỡ từ bạn bè của Heath. Johnny Depp là chọn lựa đầu tiên, vì ‘Johnny là bạn tôi và là một thiên tài. Depp yêu quý Heath và nhận lời ngay tức thì. Ngay khi bộ phim Public Enemies của Michael Mann bị trì hoãn, Johnny Depp tranh thủ ‘trốn’ ra để tham gia cùng chúng tôi”. Jude Law, một trong những chọn lựa của Gilliam trước khi quyết định chọn Heath Ledger, là người thứ hai nhận lời. Đạo diễn casting của Terry gợi ý Colin Farrell sau khi cô nhìn thấy Colin ở lễ tang. Tất cả mọi diễn viên của phim đều phải thay đổi lịch quay vì phụ thuộc vào các ngôi sao mới. Mọi người đều đồng ý không đắn đo, bởi họ đều muốn tưởng niệm Heath Ledger. “Bộ phim như một lá thư tình cho Heath Ledger từ tất cả mọi người. Ai cũng yêu cậu ấy” Terry nói.
Thú vị thay, sự tiếp nối này đem đến cho bộ phim nét độc đáo riêng, và mọi thứ trở nên hợp lý nhờ tấm gương thần kỳ! Ngay chính Gilliam cũng tiết lộ rằng, những người làm âm thanh hậu kỳ đã ngờ rằng kịch bản ban đầu đã được viết ra như thế.

Heath Ledger trong vai Tony

Như đã nói, thật khó để mà kể lể giải thích một bộ phim của Terry Gilliam. Có thể tóm tắt như thế này: chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, xưa thiệt là xưa, có khi mấy trăm năm trước, thầy pháp Parnassus (do Christopher Plummer, ông bố đẹp trai ngày nào của Sound of music) là một đạo sĩ tu luyện trên núi cao. Một ngày kia khi ông đang truyền đạt những suy nghĩ cao siêu thâm sâu của mình cùng tăng sư thì một ác nhân có tên gọi ông Nick (Tom Waits đóng) mò đến. Ác nhân này thể hiện sức mạnh vô song của hắn, bịt hết miệng của tăng sư, và Parnassus cùng ác nhân Nick (hiện thân của Satan) đã có một canh bạc: liệu con người còn tin vào những mơ mộng, ước mơ bay bổng, hay con người chỉ còn biết đến thèm khát bản năng tầm thường. Mỗi con người bước vào tấm gương của Parnassus sẽ nhìn thấy những giấc mơ tuyệt vời của đời họ, nhưng phút cuối cùng họ sẽ phải chọn lựa họ sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình hay bỏ rơi mọi thứ để ngã theo những thèm muốn trước mắt…
Nếu Parnassus thua cuộc, đứa con gái của ông sẽ thuộc về Nick vào năm cô bé 16 tuổi.

Câu chuyện của chúng ta bắt đầu ba ngày trước khi con gái của Parnassus, Valentina (Lily Cole) bước sang tuổi 16. Ở một góc tối của London, thời hiện đại, khi một gánh hát xuất hiện. (tui gọi là gánh hát không có nghĩa là cái gánh này đi hát, mà gánh hát trong ý nghĩa một đoàn văn nghệ trình diễn kịch, ảo thuật tạp kỹ). Toàn bộ sân khấu của gánh hát được thiết kế trên chiếc xe tải. Đèn rực rỡ, sặc sỡ với tấm biển chào đón đầy những hoa văn kỳ lạ. Gánh hát mang tên The Imaginarium of D. Parnassus (xin lỗi không biết dịch từ Imaginarium này ra sao, chỉ hiểu được ý nghĩa mà không nghĩ ra từ tương đương trong tiếng Việt. Tạm gọi là Ảo viện vậy). ‘Ngôi sao’ của gánh hát rong là thầy pháp Parnassus, một ông già râu tóc bạc phơ với khuôn mặt đánh phấn trắng dày trông kỳ quái. Phụ giúp ông là cậu thanh niên trẻ Anton, cô con gái Valentina và gã lùn cáu kỉnh Percy. Họ chào mời khán giả bước lên sân khấu, bước qua tấm gương… Một khi người khách bước vào tấm gương, một thế giới kỳ ảo như chính nhưng ham muốn thầm kín nhất của họ hiện ra trước mắt. Kẻ say thấy rừng sâu nước độc, người tỉnh đồi xanh mây trắng, kẻ mộng mơ thấy mây bay và nắng ấm, người thực dụng thấy tiền bạc và châu báu… Thế nhưng, khi họ phải quyết định chọn đích đến của mình: tiếp tục đeo đuổi giấc mơ hay chạy theo những thèm muốn tầm thường, cũng chính là trò cá cược của Parnassus và Nick – linh hồn của người đó sẽ thuộc về ai?

Vị khách đầu tiên mà chúng ta được biết đã không còn theo đuổi những giấc mơ đẹp. Cậu chọn quán nhậu xập xình tiếng nhạc. Parnassus thua mất một linh hồn nữa về tay quỷ dữ…
Nick xuất hiện để nhắc nhở Parnassus về lời hẹn ước…
Cô con gái không hề biết gì về lời giao hẹn của cha.

Valentina với diễn xuất của Lily Cole trong sáng, mong manh dễ vỡ. Xuất thân từ một người mẫu thời trang, Lily Cole trong Ảo viện như một nàng tiên thật sự. 

Gánh hát vô tình cứu sống một thanh niên bị treo cổ tòng teng trên cầu, Tony, do Heath Ledger thủ vai. Cảm xúc khi thấy Heath bị treo cổ rất kỳ lạ, bởi ta biết anh đã chết, và chứng kiến cảnh ấy có cái gì đó rất đau lòng.
Tony tham gia đoàn hát, gợi ý những ý tưởng táo bạo, và đem đến cả một bộ mặt mới, một tinh thần mới, một sức sống mới cho gánh hát. Anh lôi kéo được đám đông khán giả, khiến họ hạnh phúc chen chân nhau bước lên sân khấu và trải nghiệm thế giới phía sau tấm gương. Thế giới kỳ ảo của những con người tràn đầy tình yêu và sức sống ấy vô cùng tươi sáng, rực rỡ, với những ấn tượng mạnh mẽ về thị giác mà bậc thầy về hình ảnh như Terry Gilliam khiến người xem ước ao được một lần bước vào trong gương ấy. Nếu bạn đã từng xem các phim trước đây của Terry Gilliam, bạn sẽ vẫn bất ngờ về sự phong phú và ấn tượng thị giác của Ảo viện.

Khi người ta bước vào Ảo viện, không chỉ thế giới quanh họ thay đổi, ngay cả bản thân của họ cũng thay đổi. Họ xuất hiện trong bộ dạng mà họ ao ước, hay ít ra, nó phản ánh ‘bộ mặt thật’ của họ. Hay đôi khi, đó là hình ảnh mà người khác muốn được nhìn thấy. Kỹ xảo trong phim mang đậm nét hoạt hình, như lạc vào thế giới thần tiên, biết rằng mọi thứ đều là giả tạo nhưng vẫn không thể cưỡng lại được trước sự bay bổng. Gã say thấy mình trong cánh rừng với đầm lầy đầy những vỏ bia rỗng. Bà già giàu có thấy trang sức khổng lồ, giày lộng lẫy bao quanh. Gã phong lưu thấy mình đang dạo trên hồ với người con gái xinh đẹp của lòng mình, nhưng nước lạch đầy xác người và thú…

Mỗi khi Tony mang gương mặt của Heath Ledger bước vào Ảo viện, anh trở thành Tony Johnny Depp hào hoa phong nhã, thành Tony Jude Law láu cá khôn ngoan, thành Tony Colin Farrell lưu manh hợm hĩnh. Trong số ba gương mặt khác của Tony, tui đặc biệt yêu thích vẻ lưu manh của Colin Farrell. Có lẽ bởi nó lột tả rõ nét nhất con người của Tony, đồng thời nó thể hiện cả sự thay đổi của nhân vật này, với những diễn biến nội tâm phức tạp.

Ảo viện của thầy pháp Parnassus có thể được ghi vào danh sách những bộ phim bị nguyền rủa, bởi không chỉ Heath Ledger bất ngờ qua đời mà nhà sản xuất phim William Vince cũng chết sau heath vài tháng, rồi tiếp đến là chính đạo diễn Terry Gilliam cũng bị xe hơi tông gãy lưng. “Họ muốn lấy mạng cả ba. Lẽ ra kết cục đã ‘gọn ghẽ’ luôn rồi. Nhưng họ không giết tôi chết. Tôi mắc kẹt lại để kể nốt câu chuyện này”

Điều hài hước là cũng như Dr. Parnassus tuyệt vọng khi tìm kiếm ‘khán giả” muốn bay bổng theo trí tưởng tượng của họ qua những câu chuyện mà ông kể, Terry Gilliam dường như cũng tuyệt vọng khi tìm kiếm khán giả của mình…
Thế nhưng, cũng như những người khách dám theo đuổi những giấc mơ của họ đều rời khỏi ảo viện trong sung sướng hạnh phúc, tui rời khỏi rạp với sự hưng phấn bởi được xem những khung cảnh kỳ ảo tuyệt vời…

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply