Review: The King’s Speech (2011)

The King’s Speech (Diễn văn của nhà vua) được trình chiếu tại Việt Nam khá trễ*, nhưng bộ phim đoạt giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất này khi ra mắt công chúng Việt Nam ở thời điểm này lại mang một ý nghĩa khác, một giá trị khác. Nói cách khác, The King’s Speech ra mắt lúc này “đúng thời điểm”

1. Về bề mặt, The King’s Speech là câu chuyện của hoàng tử Albert, Quận công xứ York, con trai của vua George V của nước Anh tìm cách chữa căn bệnh nói lắp của mình. Về ẩn dụ, đó là câu chuyện của một người đàn ông, một vị vua, một người lãnh đạo tìm kiếm “tiếng nói” của mình. “I have my voice – Ta có tiếng nói của ta” – Albert, trước ngày tuyên thệ nhận chức làm vua, đã thốt lên. Và người chữa trị cho ông, Lionel Logue, một người chữa bệnh nói lắp bằng kinh nghiệm, chưa hề qua trường lớp, không hề có bằng cấp nào, đã nghiêng mình “Yes, you have your voice – Vâng, bệ hạ có tiếng nói của mình”.

2. Người xem chứng kiến một tình bạn được nảy sinh giữa một người thân thế hoàng gia con trai của đấng quyền lực cao nhất với một người bình thường con trai một kẻ buôn rượu. Bằng sự hài hước duyên dáng nhã nhặn nhưng bộc trực thẳng thắn, Lionel Logue đã gọi hoàng tử Albert bằng tên thân mật, Bertie, mặc cho Albert tức giận, phản đối, bởi “khi ở trong phòng tôi, thì chơi theo luật của tôi, và ở đây, chúng ta bình đẳng”. Bỏ qua sự khác biệt về giai cấp, sự bình đẳng đó đã biến họ trở thành đôi bạn, để Albert có thể chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của ông với Lionel, những tâm sự thầm kín mà ngay cả với vợ ông Elizabeth ông cũng không hề tâm sự.

3. The King’s Speech không chỉ đơn giản là câu chuyện của nhà vua đi tìm tiếng nói của mình. Đó còn là câu chuyện của một nhà vua – một người cầm quyền – tìm cách đối thoại với nhân dân của mình. Trước mỗi sự kiện trọng đại, mỗi khó khăn, Albert lại nói lắp, không thể cất nên lời. Chỉ cho đến khi Albert bộc bạch với Lionel – hình ảnh của một người dân – ông mới bắt đầu tìm thấy tiếng nói của mình. Ngay cả một nhà vua cũng cần có một người ở bên cạnh mình để lắng nghe.

4. The King’s Speech là một phim hài của Anh – sự hài hước tưng tửng, cười đó mà cũng khóc đó. Như khi Albert kể câu chuyện về bà vú của mình, sự ám ảnh của một tuổi thơ buồn tủi cô đơn khiến ông không thể cất nên lời nói, buộc phải cất tiếng hát, khán giả có thể cười vì sự kỳ khôi ấy, nhưng lại khiến tui thấy nhói lòng. Colin Firth khiến cho người ta tin vào một nhà vua nói lắp với những giằng xé nội tâm không thể cất thành lời, khiến người ta thương cảm ngay từ phút đầu tiên cho đến giây phút cuối cùng.

5. Bài diễn văn của nhà vua, là bài diễn văn cuối cùng trong phim khi mà nước Anh đối mặt với kẻ thù – Hitler và nước Đức. Không hề nao núng và sợ hãi trước sự hung hăng hốc hách của chủ nghĩa phát xít, vua George VI, vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua bệnh nói lắp, đã cất lên tiếng nói của mình, với sự chậm rãi nhưng quyết liệt, rằng “Trong thời khắc đen tối định mệnh của lịch sử của chúng ta lúc này, tôi gửi đến mỗi mái nhà của người dân tôi, đang ở quê nhà hay ở nước ngoài, tin nhắn này với cảm xúc chân thành như thể tôi có thể nói trực tiếp với từng người. (…) Hết lần này đến lần khác, chúng ta đã cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho sự khác biệt giữa chúng ta với những kẻ nay đã là kẻ thù của chúng ta. Nhưng tất cả đều vô ích. Chúng ta bị đẩy vào sự xung đột này. (…) Tôi mong người dân hãy bình tĩnh và cùng đoàn kết trong giai đoạn thử thách này. Nhiệm vụ sẽ khó khăn. Những ngày đen tối đang ở phía trước, và chiến tranh sẽ không chỉ xảy ra ở chiến trường. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm theo chính nghĩa như chính nghĩa mà chúng ta đã thề trước Chúa”.

Nghe diễn văn của một vị vua của Anh từ cách đây hơn sáu thập kỷ, mà nghe xúc động và ước ao được nghe một diễn văn như thế vào lúc này, ở trên đất nước này.

“Chúng ta phải làm theo chính nghĩa”

Không được nghe “vua” của chính mình lên tiếng, nên đành lắng nghe vua nước khác nói hộ lòng mình

* The King’s Speech (Diễn văn của nhà vua). Đạo diễn: Tom Hooper. Diễn viên: Colin Firth, George Rush, Helena Bonham Carter. Đoạt giải Oscar Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Diễn viên nam chính xuất sắc nhất cho Colin Firth và Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Phim do Megastar phát hành tại Việt Nam từ 10.6.2011.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply