Review: The wolfman (2010)

Tui biết ngoài kia có rất nhiều bạn là fan trung thành của bộ Twilight mê như điếu đổ chú “trai sáu múi” Taylor Lautner trong New Moon. Tuy nhiên, đừng vì thế mà các bạn sỉ vả The Wolfman (2010) đã bôi nhọ hình tượng người sói đẹp trai hào hoa phong nhã đô con vạm vỡ tương tự Jacob Black. Nói chung phim này dở bởi vì nó dở thôi
1. Năm 1941, thế giới kinh hoàng khi lần đầu tiên họ được xem bộ phim The Wofman (Người Sói), bộ phim xoay quanh câu chuyện về người đàn ông hóa sói vào đêm trăng tròn. The Wolfman (1941) là một trong những tác phẩm kinh điển giúp hãng Universal được mệnh danh là hãng phim của dòng phim kinh dị. The Wolfman (2010) là phiên bản làm lại đầu tiên trong kế hoạch làm lại những tác phẩm phim kinh dị kinh điển của Universal. Có khá nhiều thay đổi về mặt câu chuyện giữa hai phiên bản, mà thay đổi lớn nhất là mối quan hệ giữa hai cha con nhà Talbot và chuyện tình cảm của Lawrence Talbot. Vẫn dựa theo ý tưởng chính của phiên bản gốc, câu chuyện mới xoay quanh cuộc trở về quê hương từ nước Mỹ của Lawrence Talbot (Benicio del Toro) khi nhận được bức thư của vị hôn thê của em trai mình báo tin anh trai của anh đã bị mất tích. Về nhà quê nhà ở Blackmoor, Anh Quốc, gặp lại cha (Anthony Hopkins thủ vai), một quý tộc người Anh giàu có và trọng vọng, Lawrence cũng được tin dữ: anh trai của anh đã bị sát hại dã man. Dù xa lạ với chính gia đình mình kể từ sau cái chết của mẹ, Talbot vẫn quyết định ở lại để điều tra về cái chết của người anh trai. Khi dấn thân vào cuộc điều tra, những ký ức đau buồn của tuổi thơ trở lại với anh, và Talbot đối mặt với một quái thú đáng sợ: người sói – kẻ suýt giết chết được Talbot trong một cuộc tấn công rùng rợn giữa rừng vào đêm trăng tròn. Khác với phiên bản cũ, tình yêu của Lawrence Talbot trong phiên bản mới lại dành cho người chị dâu “hụt” (ở phiên bản cũ là chuyện tình của anh với một cô gái xa lạ). Thay đổi lớn hơn của phiên bản mới là mối quan hệ giữa anh và cha, bắt đầu từ việc đào sâu quá khứ của Talbot, khởi nguồn của sự xa cách giữa anh và cha, cho đến những bí mật rùng rợn trong gia đình của anh.

2. The Wolfman được dàn dựng bởi bàn tay đạo diễn không mấy tự hào với những phim ông đã làm – trừ khi bạn là fan hâm mộ của Cưng ơi anh đã thu nhỏ cả con, Công viên khủng long 3 hay Hildago. Lời đồn ở Hollywood, Joe Johnston là ‘đồ đệ’ của Steven Spielberg và George Lucas chuyên về làm kỹ xảo, và mỗi khi Steven Spielberg không muốn làm đạo diễn dự án người ta chào mời ông, ông… đưa sang cho Joe!

The Wolfman không thuộc vào trường hợp đó, nhưng cũng khá tương tự: Mark Romanek, đạo diễn ban đầu của dự án phim “bỏ chạy” trước ngày bấm máy, và Joe Johnston được mời vào trám chỗ vào phút chót sau khi hãng Universal thương lượng bất thành với một số đạo diễn khác như Bret Ratner (X-men 3, Rush Hour). Chính vì lẽ đó, ban đầu bộ phim dự kiến ra mắt vào năm 2007, nhưng phải lùi ngày chiếu lại tháng 2.2009, rồi sau đó là tháng 11.2009 và cuối cùng, bộ phim cũng ra mắt khán giả vào tháng 2.2010. Vốn yêu thích kỹ xảo, Joe tập trung sức lực của mình vào phần biến hình của Người Sói cũng như những màn chiến đấu nổi gai ốc. Là lần đầu tiên làm một phim nhãn R (hạn chế trẻ em dưới 17 tuổi), Joe Johnston đã cho bộ phim… tung tóe máu me với những cảnh bạo lực điếng người, chẳng hạn như những cú tát của người sói làm bay đầu kẻ xấu số, hay khi nạn nhân bị moi ruột bởi những móng sắc nhọn của quái thú hung tàn…

Cũng chính vì lẽ đó, Joe Johnston không quan tâm mấy đến kịch bản. Trong khi trong bộ phim gốc, Người Sói là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi sợ bọn phát xít Đức (mỗi nạn nhân của Người Sói đều thấy trên tay mình có ngôi sao năm cánh, tương tự như những người Do Thái bị đeo lên mình ngôi sao sáu cánh), thì trong phiên bản mới, Người Sói không là hình ảnh ẩn dụ nào ngoài… hình ảnh của một cậu con trai trái tính trái nết muốn chống lại cha mình. Khá nhiều lỗ hổng cả về đường dây câu chuyện lẫn đường dây tình cảm nhân vật, The Wolfman phiên bản mới đơn thuần là một phim kinh dị với những màn hù dọa khiến người ta giật bắn mình và phá lên cười bởi những trò nhát ma dễ dãi của người làm phim, ngay cả khi dàn diễn viên bộ phim quy tụ những tên tuổi nổi tiếng như Benicio Del Toro, Anthony Hopkins, Emily Blunt và Hugo Weaving. Thoại phim là một trong những thảm hoạ kinh hoàng nhất. Chẳng hạn đoạn cha của Talbot tiết lộ bí mật về quá khứ, hay đoạn Talbot tâm sự với người chị dâu hụt của mình.

3. Mặc dù từng thích Belcio del Toro trong Traffic, nhưng phải nói rằng, anh là diễn viên đóng dở nhất trong bộ phim này – dở đến bàng hoàng, từ vẻ mặt mệt mỏi từ đầu đến cuối phim (có lẽ vì quá mệt mỏi trong việc kiêm nhiệm cả vai trò sản xuất phim) cho đến lối diễn xuất lờ đờ, giọng nói đều đều không cảm xúc. Những diễn viên còn lại cũng vẫy vùng trong tuyệt vọng trong việc cố gắng thể hiện nhân vật của mình trong một cốt truyện phim nhạt nhẽo. Anthony Hopkins, vẫn với kiểu nhân vật quen thuộc, có lẽ cũng không buồn lòng sáng tạo nên cũng như cố gắng mấy để thể hiện nhân vật người cha.

Điều đáng chán nữa là lối diễn xuất, cộng với lối kể chuyện của phim gần như tiết lộ luôn cái kết lẽ ra phải là “bất ngờ”, khi mà Anthony Hopkins với vẻ mặt đầy mờ ám bỗng xuất hiện dưới hầm mộ. Sự thay đổi lớn về mặt kịch bản của phiên bản phim này so với phiên bản gốc thật ra được “chôm” từ ý tưởng của một phim thất bại ê chề hồi mấy năm trước – The Hulk của Lý An, trong đó chàng khoa học gia Bruce bị hoá thành người khổng lồ xanh vì một tai nạn, nhưng thực tế cũng một phần do di truyền từ cha của cậu và cuối cùng phảichiến đấu với cha của mình. Thay vì Bruce biến thành người khổng lồ xanh thì Talbot biến thành sói, bởi thừa hưởng gen di truyền từ cha của cậu, và cuối cùng hai cha con phải chiến đấu với nhau. Vì từ đầu đến cuối phim, người xem đều biết hai cha con chẳng hề yêu thương nhau gì, nên ngay cả khi họ sống chết lao vào nhau quyết đấu trận sinh tử, ta cũng chẳng quan tâm, lo lắng hay tội nghiệp, bởi thực tế họ giống như hai người xa lạ. Đoạn thoại “ta là người giết mẹ con”, rồi sau đó chàng người sói đi méc lại với người yêu “cha tui giết mẹ tui” thật sự là những đoạn thoại dở kinh điển…

Đoạn kết thúc còn tệ hơn, khi mà chàng người sói đụng độ với người yêu. Tui tự hỏi, không biết cô gái ấy bỗng nhiên cưỡi ngựa chạy về cho thật nhanh để làm gì – cứ ngỡ nàng đã có phương thuốc hoá giải cứu người yêu của mình, hoá ra nàng chạy về cho lẹ để… giết trùm! Emily Blunt khá xinh đẹp và hợp với vẻ đẹp cổ điển, nhưng cô cũng như nhân vật của mình, không thể nào đỡ nổi, cứu vãn nổi cho người sói.

4. Từng đoạt 6 giải Oscar về hóa trang với những phim nổi tiếng như Man in Black, American Werewolf, Baker có niềm đam mê mãnh liệt trong việc tham gia tạo hình hóa trang cho những… quái nhân, đặc biệt là The Wolfman. Là một trong những chuyên gia hóa trang hàng đầu ở Hollywood, Rick Baker, 57 tuổi, không có người đại diện như hầu hết những người làm việc ở Hollywood nhưng có được thứ “quyền lực” mà nhiều người mong ước: chỉ làm những phim mà ông thích. “Tôi không muốn làm phim mà tôi không muốn. Tôi chỉ nhận lời những phim mà có gì đó thu hút tôi mãnh liệt. Nhưng cũng khá buồn cười, vì dù tôi rất thành công nhưng lại không có người đại diện – tôi không thực sự tìm việc mà việc tìm đến tôi. Tôi cũng không biết làm sao họ tìm thấy tôi. The Wolfman là một trường hợp khác”. Khi nghe tin Universal lên dự án làm lại The Wolfman từ phiên bản phim năm 1941, Rick Baker đã nhanh chóng liên lạc với hãng phim. “Tôi tìm đến người quen ở hãng phim và nói chuyện với họ “Anh biết sao không? Tôi PHẢI làm phim The Wolfman. Các anh phải để tôi làm phim này. Tôi sẽ làm nhiều thứ rất hay ho”. Với Rick Baker, The Wolfman và Frankenstein là hai bộ phim quan trọng nhất trong thời thơ ấu, giúp ông có ước mơ trở thành họa sĩ hóa trang cho phim. Thế rồi người đại diện của Universal gọi điện cho Rick “Anh biết sao không? Chúng tôi từ đầu đã có ý định muốn mời anh, và anh là lựa chọn duy nhất của chúng tôi, nhưng chúng tôi chả biết tìm anh ở đâu”… Không chỉ tham gia bộ phim với vai trò hóa trang, Rick Baker còn tham gia trong vai trò… diễn viên quần chúng: gã gypsy tóc dài huýt sáo báo động khi người sói tấn công trại của người digan.

Rick Baker bao phủ bộ mặt của nam diễn viên Benicio với chiếc mặt nạ rất phức tạp làm từ bọt biển, nhựa tổng hợp và vải siêu mỏng khiến chúng như “ăn” vào da mặt của Benicio. Bên cạnh bộ tóc giả lông lá và bộ răng giả đủ sáu nanh như răng chó (“bạn có biết người chỉ có bốn răng nanh và chó có đến sáu răng nanh không?” – Rick tiết lộ), Rick còn bỏ công sức ngồi làm … lông mặt cho Benicio, được dán thủ công một cách rất tỉ mỉ bằng keo! “Đó cũng là cách họ đã từng hóa trang cho Người Sói nguyên bản 1941” – Rick chia sẻ. “Nhưng rất may mắn là việc hóa trang cho Benicio dễ dàng hơn nhờ bản thân anh ấy cũng đã… nhiều lông sẵn. Thế nhưng, vì Benicio nhìn cũng giống… người sói ngay cả khi chưa hóa trang, với lông đầy mình và răng thì to, làm cho anh ta thành người sói khác lúc là người thật ra cũng… khó!”. Công việc hóa trang cho Benicio Del Toro mất khoảng ba tiếng và để tẩy trang cũng mất khoảng một tiếng. Mỗi ngày Rick lại phải dùng “da mặt” mới, lông mới cho Benicio. Riêng tóc giả và răng thì vẫn chỉ dùng một bộ – nhưng Rick cũng làm vài bộ tóc và răng giả trong trường hợp chúng bị hư.

Đáng tiếc, những nỗ lực của Rick Baker để đem đến hình ảnh rất thật cho người sói lại bị phá hoại phần nào bởi chính những chuyên viên kỹ xảo máy tính, vốn không nghiên cứu và có kiến thức về cấu tạo sinh học của người sói cũng như quá kiêu ngạo để hợp tác với Rick. Nhiều cảnh ‘người sói CGI’ trông khá giả tạo, đặc biệt là các pha chuyển động của Người sói, như thể nhân vật này không có trọng lượng nào…

Cũng như các phim có nhân vật biến hình khác, người sói khi biến từ người thành sói đã cởi hết quần áo, hoặc xé tan nát áo quần, nhưng khi trở lại thành người thì các bạn đừng vội hí hửng: quần áo của chàng vẫn còn nguyên vẹn như thường!

5. Không thể phủ nhận vẻ đẹp u ám lạnh lẽo của bộ phim đã được họa sĩ thiết kế và quay phim đem đến. Tòa lâu đài cổ của thế kỷ 19, với những hành lang tối tăm được thắp sáng bởi đèn cầy – chập chờn và le lói, trở nên kỳ bí hơn dưới ánh trăng xanh. Những cảnh trăng tròn, bầu trời đây mây trôi khiến người xem cảm nhận được không khí rùng rợn hiu quạnh của thế giới mà Lawrence Talbot đang sống. Cộng thêm vào đó là phần âm nhạc của bậc thầy nhạc phim Danny Elfman, người nổi tiếng với những bản nhạc trong các phim kỳ quái của đạo diễn Tim Burton.

Dù Danny Elfman là chọn lựa đầu tiên của Universal, nhưng Joe Johnston cũng từng chuyển sang một nhà soạn nhạc khác, Paul Haslinger, vì ông cho rằng những bản nhạc của Danny quá tối tăm, thống thiết cũng như quá đậm đặc so với bản cắt dài 100 phút. Thế nhưng, nhà sản xuất của The Wolfman không chấp nhận dòng nhạc điện tử của Haslinger, vốn không ăn nhập gì với khung cảnh thế kỷ 18 của bộ phim, đã yêu cầu đưa Danny Elfman trở lại. Thế nhưng, âm nhạc của Danny Elfman trong phim này cũng không cứu vãn nổi bộ phim – hay nói đúng hơn, nó là một phần đóng góp vào sự thất bại của bộ phim này.

Điều đáng tiếc nhất là trong không khí lạnh lẽo bao trùm ấy, thay vì tạo ra những cảnh phim khiến người xem nín thở hồi hộp, Joe Johnston quyết định chọn cách khiến người xem sợ hãi bằng các pha hù dọa cũ kỹ: một con mèo nhảy xổ ra trong bóng đêm, rồi con quái vật nhảy xổ ra từ bóng tối, với tiếng động thật to bất ngờ khiến người ta giật bắn mình. Sau vài lần bị “hù”, mọi pha rùng rợn trở nên hài hước hơn. Hay nói cách khác, khán giả dễ tìm thấy niềm vui khi xem The Wolfman, cho dù đó là niềm vui vì sợ hãi hay niềm vui vì những trò hù ngớ ngẩn.

The Wolfman không phải là một phim tình cảm tuổi teen dành cho các bé gái tuổi 12 như Twilight – đó là một phim kinh dị hạn chế khán giả dưới 17 tuổi khi được trình chiếu tại Mỹ. Thất bại về doanh thu của The Wolfman tại thị trường Mỹ cũng có lẽ một phần do cách tiếp thị và kế hoạch phát hành dở hơi: ai đời lại chiếu phim kinh dị máu me vào ngày lễ tình nhân, chưa kể đến phim còn đối đầu với một phim tình cảm lãng mạn có cậu ‘người sói’ Taylor, Valentine’s day!!!!

(tui nhắc tới chú Taylor Lautner vì nghe đâu fan của New Moon gửi thư đòi kiện hãng Universal là ăn cắp ý tưởng Người Sói của Twilight mà còn làm hư hình tượng người sói, trong khi người sói của người ta đẹp trai tốt bụng dễ thương thế kia mà làm ra Người sói gì xấu hoắc thấy gớm. Hahahaha)

(bài này viết cho báo nhưng ở đây có chỉnh sửa lại hehe)

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply