Review: Winter’s Bone (2010)

Winter’s Bone – ngoài rạp dịch là Xương Trắng, tui dịch là Phúc lành mùa đông, còn tựa đúng thiệt ra là Người nghèo cũng khổ.

1. Thiệt, bây giờ mình lấy kịch bản của Winter’s Bone xong làm lại thành phim Việt Nam thì nó ra đúng một phim Việt Nam luôn. Vô cùng khổ sở, mệt mỏi. Dĩ nhiên sẽ có một số bạn gào lên rằng “phim xa rời hiện thực xã hội Việt Nam, người Việt Nam làm gì có người nào mà sống lạnh lùng như thế, làm gì có người nghèo như thế, làm gì có chuyện người thân họ hàng lại đối xử tàn nhẫn với nhau như thế” dù thỉnh thoảng lên mạng đọc báo tui thấy mình chắc sống ở bên đế quốc Mỹ độc ác bạo tàn khi xem các clip nữ sinh đánh nhau lột đồ, vợ giận chồng treo cổ con, cha mẹ xích con lại, dì dượng tra tấn cháu gái mười ba năm không một ai trong địa phương biết hay dám lên tiếng…. Mấy chuyện đó nói chung không phải là hiện thực ở đất nước giàu đẹp văn minh của chúng ta, mà chắc chỉ xảy ra ở các nước đế quốc thực dân mà thôi.

2. Mà đi lạc đề xa quá nên xin phép vòng trở lại với Winter’s Bone. Winter’s Bone – dịch thoát ý là ‘Phúc lành mùa đông’, dựa trên thành ngữ “to throw someone a bone” thì bone có nghĩa là món quà, hay sự ban phước, và nó mang cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen trong phim này. Cũng có thể dịch Winter’s bone thành… Lạnh Thấu Xương vì mùa đông thì dĩ nhiên là lạnh, mà cái lạnh trong phim này thì đúng là … thấu xương! Dịch Xương Trắng nói chung cũng chả sai vì trong phim cũng có… xương!

3. Winter’s Bone xoay quanh câu chuyện của cô bé Ree, 17 tuổi, sống ở vùng đèo heo hút gió đâu đâu ở vùng núi Ozark bang Missouri, chăm lo cho hai đứa em một thằng nhỏ 12 tuổi một con bé 6 tuổi bởi mẹ thì bệnh tâm thần ngơ ngơ ngẩn ngẩn, còn cha đi bỏ đi đâu mất tích. Cảnh sát đến nhà bảo, nếu ba của mày không ra trình diện trước tòa thì người ta sẽ đến tịch thu nhà. Ree phải đi tìm cha. “Tôi sẽ đi tìm ổng” – em nói chắc nịch. Mà tìm ở đâu bây giờ. Không ai biết cha em ở đâu. Kể cả nếu họ biết, họ cũng không nói. Cha em, và những người thân, và những người bạn của ông, đều liên quan đến điều chế ma túy. Ree lặn lội tìm đến những người họ hàng gần xa, nhưng họ đều bảo em, đi về nhà đi. người hiền thì bảo đi đi, người dữ thì bóp cổ đe dọa, người bạo tàn thì cảnh cáo rồi đánh đập.
Nhưng Ree Dolly không sợ. Em không còn lựa chọn nào khác. “Thì cùng lắm thì các người giết tôi thôi”, em nói. “Nhưng nếu không tìm được cha, dù sống hay chết, thì họ sẽ tịch thu nhà. Và tôi không thể nào chăm lo cho hai đứa em chưa biết tư lo cho bản thân, và người mẹ bệnh tật, nếu không có căn nhà đó”. Winter’s Bone được mở đầu như thế. Buồn rã rời. Cô đơn, lạnh lùng, không chỉ bởi tông màu xám xịt xanh lạnh ngắt của những cánh rừng thưa khô lá, không chỉ bởi khung cảnh hoang tàn của những ngôi nhà le que lạc lõng giữa vùng đất rộng mệnh mông, mà còn bởi sự xa cách giữa con người với con người, kể cả là người máu mủ.

3. Thế nhưng, Winter’s Bone là ‘phúc lành mùa đông’, nghĩa rằng trên đời này vẫn còn phúc lành giữa mùa đông. Hai đứa em Ree hồn nhiên ngây thơ, chơi nhún thú giữa trời đông vô tư lự. Chúng như mọi đứa trẻ khác, luôn đầy sức sống tươi cười và ham chơi. Để có thể tồn tại, Ree dạy em mình cách dùng súng để tự vệ, để săn bắn. Phải học cách lột da sóc, làm thịt sóc… Ree có một ước mơ: được gia nhập quân ngũ. Ước mơ ấy em đã gác lại. Rồi ước mơ đó sống dậy, nhưng không còn là ước mơ giản dị, mà là sự sống còn. Em cần tiền, và em biết gia nhập quân ngũ sẽ được 40.000 USD. Đoạn Ree xin nhập ngũ, không hiểu vì sao, chẳng éo le, chẳng gay cấn, mà làm tui thấy thương Ree vô cùng.

Người chú của Ree, Teardrop, với bề ngoài hung tợn, lạnh lùng, nhưng phía sau đó là một người đàn ông đầy những nỗi niềm. “Nếu cháu biết ai giết cha cháu, cũng đừng cho chú biết”… Ông nói. Có gì đó xót xa, bế tắc trong cuộc sống của những con người ở nơi đây. Thế nhưng họ vẫn sống, và bằng cách này hay cách khác, họ bảo vệ cho những người họ yêu thương. Sự “đối đầu” chuyển sang “đối thoại” của Ree và Teardrop được diễn tả tinh tế để thấy sự phức tạp của hai nhân vật này.

Và bằng sự tinh tế và nhạy cảm, nữ đạo diễn Debra Granik khiến cho tui có một niềm tin kỳ lạ, rằng ngay cả ở những nơi đèo heo hút gió, ngay cả ở những nơi lạnh lùng và khắc nghiệt, thì vẫn còn đó vài người tốt…

4. Tại giải Oscar 2011, Natalie Portman đã đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, bởi những cuộc lobby hoành tráng rằng cô đã khổ sở luyện tập để có cơ thể chuẩn mực như vũ công ballet ra sao, để múa điêu luyện thế nào. Nhưng không một mảy may nào trong bộ phim ấy diễn xuất của Natalie Portman khiến tui xúc động. Trên màn ảnh, tui luôn thấy một Natalie Portman đã cố gắng hết sức để diễn. Những đối thủ còn lại của cô trong cuộc cạnh tranh ở đề mục này có Jennifer Lawrence trong vai Ree, một gương mặt trẻ không tên tuổi, nhưng khiến người xem như tui tin rằng ở vùng núi ấy, có một cô bé đôi chiếc mũ len ấy đang đi tìm cha để bảo vệ cho gia đình mình. Jennifer, cũng như Annette Bening trong The Kids are All Right, đã sống với nhân vật, đã trở thành nhân vật, đã hóa thân thành những con người giản dị, đời thường mà ta có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống và khiến ta đôi khi quên mất rằng đây là một diễn viên đang đóng phim. Jennifer không chỉ khiến tui tin em chính là Ree, mà cô còn đem cho Ree một tâm hồn, một tinh thần khiến tui cảm thông, tin yêu vào nhân vật ấy, thấy được sự cương nghị và lạc quan của một cô gái 17 tuổi.

Winter’s Bone (tựa ở rạp: Xương Trắng) đang được chiếu tại rạo Megastar trong chương trình Megastar picks. Phim được 4 đề cử Oscar dành cho Phim hay nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (John Hawkes) và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Jennifer Lawrence)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply