Runaway Jury- Khi bồi thẩm đoàn chạy trốn công lý.

Truyện của John Grisham ai đọc cũng chê xạo. Nhưng đó là những lần vội vã buông một câu bình luận cho xong chuyện khi có người bắt gặp mình đang ngấu nghiến một cuốn Grisham, “chê đãi bôi” thế thôi để rồi lại vục mặt vào mớ chữ best-seller của tay nhà văn chuyên viết truyện hình sự trinh thám này. Mà lão xạo hay, xạo có căn, xạo sao mà thiên hạ cầm lên cái kịch bản chuyển thể của lão là hồ hởi xung phong vào vai ngay bất kể tiền thù lao thế nào. Thiên hạ như cái gã ngọc diện công tử Tom Cruise vào phim The Firm (Công Ty) nói về tay luật sư bị gài bẫy, thiên hạ như chàng điệp viên 007 đào hoa Pierce Bosnan vào phim The Pelican Brief (Điệp Vụ Bồ Nông) nói về chuyện tội phạm tình báo. Thiên hạ cũng gồm cả một loạt 4 “sao” ham dzui, sao nào cũng thuộc loại “em xinh em đứng một mình cũng xinh” của Hollywood, thế mà vẫn chịu cảnh một rừng quá trời hổ, chen chúc nhau trong cái phần credit giới thiệu diễn viên của phim Runaway Jury (Bồi thẩm đoàn chạy trốn), một phim chuyển thể nữa của Grisham.

Các sao ấy là Gene Hackman, một nhân vật quen thuộc của màn ảnh, với phim gần đây nhất là Behind the Enemy’s Line, Dustin Hoffman, một quái kiệt ẩn dật và khá kén cá chọn canh của Hollywood, cũng từng đóng các phim đoạt giải Oscar như Rainman (Người trong mưa) với Tom Cruise. Cô Rachel Weisz là cái cô “xác ướp Ai Cập”, còn cậu John Cusack là anh chàng mặt còn măng sữa nhưng bề dày đóng phim cũng ngang ngửahai bậc đàn anh Hackman và Hoffman, gần đây nhất cậu xuất hiện trong Identity, một phim về tâm thần tội phạm.



Lần này chuyện kể về một phiên toà, bà goá đi kiện công ty súng bán buôn bừa bãi để thằng đồng nghiệp điên vác súng bắn chồng bà. Tư pháp Mỹ thì có quá trời thứ để ca cẩm. Phim không đi theo lối mòn luật sư—thân chủ nữa mà chuyển hẳn sang một dãy ghế khác của phòng xử án: ghế của bồi thẩm đoàn. Như ta đã biết bồi thẩm đoàn chính là những người được thầy cãi của hai bên nguyên—bị chọn ra từ mọi tầng lớp trong khu vực để phán xét vụ án, coi như một dạng buông rèm chấp chính, ông toà chỉ cầm trịch ngồi đó nghe hai bên phân bua. Vì thế chuyện chọn bồi thẩm đoàn cũng chiến lược như chuyện đưa ra lý lẽ gì, bằng chứng nào hay chọn ai làm nhân chứng. Cho nên mười mấy phút đầu cứ tưởng mình xem nhầm phim James Bond. Tay luật sư bào chữa xách vào cái cặp táp là hệ thống camera truyền trực tiếp về đại bản doanh gần đấy, nơi hình ảnh được các chuyên gia dùng để điều tra lý lịch và phân tích tâm lý rồi phản hồi ngay lại với luật sư xem coi có nên chọn ông A bà B hay không. Còn bên nguyên cứ người trần mắt thịt mà bốc bồi thẩm theo tính toán cũng của người phàm.

Nhân vật Lý Thông của phim là rankin Fitch (Gene Hackman), xếp của đại bản doanh, tay buôn thần bán thánh không biết xấu hổ ở cửa công lý. Y đang chứng minh rằng thần Công Lý thì mắt bị che lại để cân đo cho công tâm, nhưng tai cũng cần phải trang bị thêmbộ dò sóng vô tuyến của đồng bọn y thì mới công tâm hết mực được.

Lẽ dĩ nhiên có ác thì phải có thiện cho đúng bài bản. Thạch Sanh của phim là ông già Wendell Rohr (Dustin Hoffman), một ông công tố viên tài ba mẫn cán và rất lý tưởng chủ nghĩa. Oâng phấn đấu cho một mục đích cao cả: cãi thắng vụ kiện các công ty làm súng này để tạo tiền lệ cho luật hạn chế việc sử dụng súng bừa bãi trong các vụ kiện về súng sau đó. Nhưng hỡi ôi con kiến đang kiện củ khoai vừa béo vừa thơm của các tay trùm sản xuất súng thừa tiền thiếu lương tâm, người sẵn sàng chi hàng triệu đô-la cho những gã cò mồi công lý như Fitch để được kiện.



Nhưng phim Hollywood thì khác truyện cổ tích ở chỗ ngoài thiện và ác, nó còn có cả một nhân vật rất …tà. Nhân vật tà này hành tung bí hiểm, không rõ thuộc ban phái nào, hay xen vào chuyện xích mích của hai bên thiện ác mà làm cho cả hai một phen kinh thần tán phách. Nicholas Easter (John Cusack) và Marlee (Rachel Weisz) là cặp nhân vật tà đạo này. Chàng ở bên trong bồi thẩm đoàn lung lạc quyết định của cả hội tuỳ thích, nàng ở bên ngoài kì kèo cả hai bên nguyên bị, bên nào “được giᔠthì gả bán cái phán quyết của bồi thẩm cho bên nấy. Một phiên toà, như công tố viên Rohr chua chát nhận xét, đã trở thành “một cuộc bán đấu giá.” Đến đây khán giả than trời về tính mỉa mai xiên xỏ của câu chuyện. Nhưng mạch phim từ từ hé mở cho thấy kẻ cần cảm thấy chua chát nhất, may thay không phải là người xem, mà chính là người trong cuộc, kẻ một tay che trời như Fitch.

Phim lời thoại khá trau chuốt, nói rất nhiều nhưng nhờ đạo diễn khéo quay nên lại lôi cuốn hấp dẫn như phim hành động thuần tuý. Sẽ có người hỏi phim coi thế nào, sẽ có ngườiõ trả lời là “xạo”, nhưng tôi chắc chẳng ai dám dừng phim nửa chừng, đơn giản vì theo dõi John Cusack và Rachel Weisz “lật phé” hồi hộp quá làm người ta quên mất tiêu cái nút stop ở đâu rồi.

Phim dài 127 phút, xếp loại PG-13

Đạo diễn: Gary Fleder

Diễn viên: Gene Hackman, Dustin Hoffman, John Cusack, Rachel Weisz

-Khanh Nguyen

athospk@moviesboom


Posted

in

by

Comments

3 responses to “Runaway Jury- Khi bồi thẩm đoàn chạy trốn công lý.”

  1. athospk Avatar
    athospk

    đúng òi, hòi trước cha Fitch này cũng là người cãi thắng cho bên bị, khiến cho Nich và Mar thua kiện

  2. doc_co_cau_bai Avatar
    doc_co_cau_bai

    mới xem xong phim này..hixhix…dốt tiếng Anh quá nên không hiểu gì nhiều, nhưng phim hay, khá lôi cuốn…vui nhất là lúc cả bồi thẩm đoàn ngồi ăn chung với chánh án…Rohr nói một câu gì đó đại loại là hơn 30 năm trời trong nghề mới thấy cái hình ảnh này (hổng nhớ chính xác hay không??), cho docco hỏi là khúc cuối có cái ông nào đó điều tra về Nich và Mar phát hiện cái chết gì đó của em gái Mar thì phải, có liên quan đến Fitch phải không??

  3. ltp Avatar
    ltp

    Bài viết của bạn thật sự rất chuyên nghiệp,phân tích sâu sắc nhưng hơi khó nuốt.Dù vậy,hy vọng sẽ được đọc bài của bạn thường xuyên.

Leave a Reply