Sách giúp thế hệ trẻ đi nhanh hơn

TT – “Có còn hơn không, bước ngắn còn hơn không khởi bước”. Và cái sự “mở hàng khiêm tốn” đó – như lời của đạo diễn Việt Linh – cho ước mơ ấp ủ về một Tủ sách điện ảnh đã đi xa hơn sự mong đợi của nhiều người. Sau ba ấn phẩm đầu tiên, ba cuốn sách mới của tủ sách này tiếp tục ra mắt bạn đọc từ ngày mai, 23-6-2007.

Nhân dịp này, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với đạo diễn Việt Linh – người khởi xướng và chủ biên bộ sách.

* Hướng đi của tủ sách ban đầu nhắm đến đối tượng bao gồm công chúng rộng rãi và dần dần đi vào chuyên môn, còn đối tượng của đợt sách này, thưa bà?

– Ban đầu là dành cho công chúng rộng rãi, rồi chuyên môn dần dần, nhưng công chúng đọc vẫn được, vẫn thú vị. Kỳ này cũng chưa đi vào chuyên môn đâu, ví dụ như quyển Làm sao viết kịch bản phim? cũng là dành cho công chúng. Có nhiều người thích viết kịch bản, có câu chuyện hay nhưng không biết cách viết. Hoặc 20 bài học điện ảnh cũng rất dễ hiểu đối với công chúng nói chung. Còn cuốn Từ vựng điện ảnh Anh – Pháp – Việt là dành cho mọi người, đặc biệt bổ ích với phóng viên viết điện ảnh.

Tôi nghĩ những quyển sách này dù thế nào cũng phải có giá trị lưu trữ, giá trị nghiên cứu, mà đừng “hàn lâm” quá. Phải dễ đọc, văn chương trong sáng. Chúng tôi cũng muốn tạo dấu ấn ở bìa sách và khổ sách, làm sao để cảm giác nó dễ thương, có thể làm một món quà để tặng nhau.

 * Bà có lo rằng càng đi vào chuyên môn thì doanh số phát hành càng gặp khó khăn?

– Phải chấp nhận thôi. Ngay từ đầu chúng tôi đã khẳng định với nhau việc làm này lấy giá trị tinh thần là chủ yếu, vì đây là một loại thức ăn người ta chưa quen mà lại đắt tiền.

Nhưng theo kinh nghiệm của tôi ở Pháp, tôi thấy dần dần công chúng đọc sách chuyên môn nhiều lắm. Bên Pháp có nhiều nhà sách chuyên bán sách điện ảnh, không bán sách gì khác, và đâu phải người làm điện ảnh vào mua mà toàn công chúng yêu điện ảnh.

* Bà có nghĩ rằng nhiều quan niệm về điện ảnh cũng như lòng yêu nghề sẽ được tiếp lửa từ những quyển sách như thế?

– Tôi nghĩ nếu tiếp xúc sách điện ảnh sớm hơn, tôi đã làm phim hay hơn. Tôi tiếc về điều đó mà do vậy tôi muốn lớp trẻ tiếp xúc được sách sớm hơn. Tôi thấy buồn vì tôi chỉ tiếp xúc được với sách điện ảnh trong thời gian ở Nga, về quê nhà là đứt đoạn luôn, đến khi tôi bắt đầu qua Pháp thì mới tiếp xúc lại được với sách. Thành ra tôi nghĩ bắt buộc mình phải có tủ sách để giúp thế hệ trẻ đi gần hơn mình, nhanh hơn mình, còn mình đi vòng quá nên đi chậm.

* Theo bà, sự có mặt của một tủ sách như thế này sẽ tác động ít nhiều đến trình độ thưởng thức của khán giả yêu điện ảnh?

– Tôi nghĩ ít nhất nó tạo nên một không khí. Qua những người tiếp xúc với mình, tôi biết người ta đã quen với một cái từ gọi là “tủ sách điện ảnh”, đã lưu ý đến nó. Ít nhất vô một nhà sách mà thấy được một ô sách điện ảnh – sân khấu thì cũng đỡ tủi thân trước hàng loạt sách nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật nấu ăn chẳng hạn.

Băn khoăn của tôi là không biết tôi kéo dài công việc cho tủ sách này được bao lâu, bây giờ bước đầu tôi đã muốn bàn giao cho người khác để còn có thể làm phim nhưng hầu như không ai nhận, ai cũng nói sẽ giúp tôi nhưng mà đứng chủ biên thì mọi người đều sợ hết, vì nhiêu khê nhiều chuyện.

* Bà có dự định làm một quyển sách tập hợp những bài báo bà viết về điện ảnh cho tủ sách này không?

– Tôi sẽ ra một tuyển tập riêng không nằm trong tủ sách này, tên là Chuyện mình – chuyện người; trong đó có hai chương, một chương Chuyện đời và một chương Chuyện nghề. Chương Chuyện nghề sẽ tập hợp những bài viết của tôi về điện ảnh.

——–

 Ba ấn phẩm mới của Tủ sách điện ảnh do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn ấn hành gồm: Từ vựng điện ảnh Anh – Pháp – Việt (biên soạn của Minh Tùng, Phương Lan và thành viên website Moviesboom.com), Làm sao viết kịch bản phim? (biên kịch Phạm Thùy Nhân), 20 bài học điện ảnh (Hải Linh và Việt Linh dịch từ quyển Những bài học điện ảnh của NXB Nouveau Monde).

——– 

LINH THOẠI thực hiện

 http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=206878&ChannelID=10


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply