Sẽ có nhiều film

Một loạt hãng phim tư nhân vào cuộc

Mặc dù điện ảnh nước nhà đang thua lỗ triền miên, các hãng phim sống bằng tiền tài trợ nhà nước cũng chỉ tồn tại cầm chừng, thì Thiên Ngân, một công ty tư nhân, vẫn “liều mạng” nhảy vào làm phim.

Nhưng thật bất ngờ là ngay trong “thương vụ” đầu tiên tại lĩnh vực kinh doanh đầy rủi ro này, họ đã “thắng đậm”! Cho đến nay, bộ phim Những cô gái chân dài của Thiên Ngân – được làm với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng cộng thêm 500 triệu tiền quảng cáo – đã sống ở rạp hơn một tháng, doanh thu đạt hơn 5 tỷ. Con số này chắn chắn còn tăng, vì Thiên Ngân sẽ phát hành bộ phim ở 40 tỉnh, thành trong cả nước. Sự thành công đó khích lệ một loạt hãng phim tư nhân khác nhập cuộc: Chỉ riêng trong tháng 8/2004, có 4 bộ phim tư nhân sẽ được khởi quay với nhiều chiêu thức thu hút khách khác nhau.

Hãng phim Á Châu: Thuê diễn viên Hàn Quốc!

Sau thất bại về doanh thu của phim Công nghệ lăng xê, Hãng phim Á Châu đang xúc tiến chuẩn bị khởi quay bộ phim Tình yêu và truyền thuyết (đạo diễn Bảo Chung) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4-5 tỷ đồng. Để có thể mở rộng thị trường phát hành ra nước ngoài, tiếp cận và khai thác tư duy làm phim hiện đại của các nhà làm phim quốc tế, đồng thời cũng muốn tạo “chiêu độc”, Á Châu đã kết hợp với một đối tác Hàn Quốc thực hiện bộ phim này. Hai diễn viên chính (1 nam, 1 nữ) sẽ được đưa từ Hàn Quốc sang. Đây sẽ là 2 ngôi sao của điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc đã quen thuộc với khán giả Việt Nam qua một số phim truyền hình. Cát-sê cho 2 diễn viên này là 95.000 USD.

Ông Trần Quang Lâm, biên tập phim của Hãng Á Châu cho biết: “Do không có máy chiếu DVD tốt nên phạm vi phát hành bị hạn chế, nhưng cũng có đến 20.000 lượt khán giả đến rạp xem Công nghệ lăng xê. Tính về doanh thu, bộ phim này tuy không thành công, nhưng nó đã giúp Á Châu tích luỹ được kinh nghiệm, khuyếch trương tên tuổi hãng và khẳng định được vị trí của mình ở thị trường vốn đang bị đóng băng với phim nội địa”.

Sau Tình yêu và truyền thuyết, Á Châu có 2 kịch bản gối cho năm sau và dự định sẽ kết hợp với những đối tác Hong Kong để đưa vào sản xuất.

Hãng phim Phước Sang: Đưa thật nhiều gương mặt đang đắt khách vào phim

Người mẫu Trương Ngọc Ánh, diễn viên chính trong phim ”Khi đàn ông có bầu”.

Với phương châm: “Đã làm là phải thắng”, Hãng phim Phước Sang dựng phim Đàn ông có bầu dựa theo một vở diễn sân khấu rất ăn khách thời gian qua. Nghệ sĩ Phước Sang, người thường xuyên đối mặt với bài toán kinh doanh lỗ lãi ngoài thị trường, cho biết: “Kịch bản Đàn ông có bầu được Sân khấu kịch Sài Gòn dựng từ năm 1999 đã thu hút được hơn 300.000 lượt khán giả đến xem, hầu hết là khán giả TP HCM. Việt Nam có khoảng 81 triệu dân, nếu Đàn ông có bầu dựng thành phim, làm hấp dẫn, phát hành tốt, chỉ cần có 0,1 dân số VN xem phim này, chúng tôi đã có khoảng 810.000 khán giả. Khả năng thắng ở phim này là chắc chắn, vì kịch bản điện ảnh do tác giả Phạm Thuỳ Ngân viết khác rất nhiều so với kịch bản sân khấu, các mảng miếng được bổ sung, kịch tính phong phú, không gian mở rộng”.

Một chiêu thu hút khách khác là dàn diễn viên của phim khá hùng hậu. Nghệ sĩ Phước Sang cho biết: “Hầu hết những gương mặt đang đắt khách đều có mặt trong phim: ca sĩ Phi Hùng, ca sĩ Phương Thanh, người mẫu Trương Ngọc Ánh, diễn viên Quyền Linh, Phước Sang, Kim Thư… và các danh hài: Hồng Vân, Ngọc Giàu, Bảo Chung, Tấn Beo, Hữu Nghĩa… Chúng tôi cũng đã tính rất kỹ khi chọn Phạm Hoài Nam làm đạo diễn. Anh ấy là một quay phim giỏi, một đạo diễn ca nhạc đang rất ăn khách. Điện ảnh cần phải mới, phải trẻ nên việc chọn một người có tư duy làm phim năng động, mới mẻ sẽ tạo ra được một “thực đơn” mới cho người xem”.

Sau Đàn ông có bầu, Hãng phim Phước Sang dự kiến sẽ triển khai sản xuất phim 1/2 hồn thương đau do Lưu Huỳnh làm đạo diễn.

Hãng Thiên Ngân: Chuyển sang làm phim tình cảm pha… hành động

Có tiềm lực về kinh tế hơn các hãng phim khác, lại đang có đà nhờ bộ phim Những cô gái chân dài, Hãng phim Thiên Ngân chuẩn bị khởi quay Nữ tướng cướp (kịch bản và đạo diễn Lê Hoàng). Kinh phí đầu tư cho Nữ tướng cướp dự kiến khoảng trên dưới 3 tỷ đồng. Lựa chọn con đường phát triển bền vững, việc đầu tư sản xuất phim của Thiên Ngân phụ thuộc vào chất lượng và mức độ ăn khách của kịch bản. Nếu có nhiều kịch bản tốt, một năm Thiên Ngân có thể sản xuất 3-4, thậm chí 5 phim. Còn nếu không gặp được kịch bản hay thì sự lựa chọn chỉ là một chứ không chịu bỏ cuộc.

Nét riêng của Thiên Ngân trong chiến lược cạnh tranh là đầu tư vào hình ảnh, kỹ thuật để tạo ra những khuôn hình đẹp, âm thanh chuẩn. Vì thế, việc in tráng ở nước ngoài là một “mục” trong bảng chi tiêu bắt buộc của phim, và Thiên Ngân đang rất nỗ lực tìm kiếm những tay máy có máu mặt cộng tác với hãng, kể cả những nhà quay phim nước ngoài có đẳng cấp.

Rục rịch những gương mặt mới

Thuộc hàng “em út” vì mới nhập làng điện ảnh, Hãng Việt Phim chọn con đường “chông gai” khi sản xuất Bẫy tình trên chất liệu video (rất dễ bị ăn cắp bản quyền, không tạo được hiệu quả về sự hoành tráng, hoặc phát huy thế mạnh của các phương tiện kỹ thuật hiện đại). Bẫy tình được xây dựng trên cơ sở hai tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng với nhiều mảng miếng hứa hẹn hấp dẫn người xem, Việt Phim hy vọng sẽ bán được phim cho truyền hình, đổi quảng cáo để đầu tư cho những dự án tiếp theo.

Lặng lẽ với sự tồn tại mới mẻ của mình, Hãng phim Đông A của đạo diễn Trần Lực không chịu “khoe” tên tuổi và cũng chưa có ý định bước ra thị trường cạnh tranh bằng những bộ phim truyện nhựa hay video. Trước mắt, Đông A đang thực hiện những hợp đồng làm phim tài liệu, phóng sự, quảng cáo cho các đơn vị kinh doanh trong nước.

Theo Thể thao & Văn hoá


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply