Stephane Gauger & tinh thần độc lập

TTCT – Một đạo diễn người Mỹ mang nửa dòng máu Việt, một bộ phim truyện đầu tay được quay chỉ trong 15 ngày chủ yếu trên đường phố Sài Gòn đông đúc và tấp nập, kết nối ba nhân vật cô đơn và lạc lõng lại với nhau.

Đó là Stephane Gauger và bộ phim Owl and the Sparrow (Cú và chim se sẻ).

Bộ phim được thực hiện với kinh phí cực kỳ khiêm tốn, ngay cả với phim Việt chứ chưa nói tới phim Mỹ – khoảng 50.000 USD (800 triệu đồng), nhưng đã gặt hái được những thành tích đáng tự hào: tham dự khoảng 25 liên hoan phim (LHP) quốc tế và đoạt khoảng 9 giải thưởng cùng một vài đề cử của điện ảnh Mỹ cuối năm 2007.

1. Mẹ của Stephane Gauger là người Việt, còn bố là một người Mỹ gốc Đức. Sinh năm 1970 ở Sài Gòn, đến 5 tuổi anh mới theo gia đình sang Orange County (Mỹ) sinh sống. Stephane theo học văn chương Pháp và kịch nghệ tại Trường State University, Fullerton (California), khởi nghiệp bằng nghề đặt ánh sáng, phụ quay cho một số đạo diễn Việt kiều. Năm 1994, anh về VN đặt ánh sáng cho bộ phim Bông sen vàng và sau đó là Ba mùa của đạo diễn Tony Bùi. Stephane còn trở về VN nhiều lần để chơi và học tiếng Việt…  ở hè phố.

Thật ra Cú và chim se sẻ (trước đó anh đã thực hiện hai bộ phim ngắn) được thực hiện vào năm 2006 khi Stephane Gauger về VN đóng một vai phụ trong phim Dòng máu anh hùng của Charlie Trực Nguyễn. Vai diễn của anh – viên đại tá Pháp Durue – chỉ xuất hiện trong khoảng 5, 6 phân cảnh của bộ phim nên khi đoàn phim tiếp tục rong ruổi ra quay ở phía Bắc, Stephane ở lại Sài Gòn lê la phố xá. Kịch bản của Cú và chim se sẻ ra đời trong thời điểm này.

Stephane cho biết anh chịu ảnh hưởng phong cách làm phim của điện ảnh châu Âu, đặc biệt là những bộ phim thời đầu của trào lưu “Làn sóng mới” tại Pháp, nơi các đạo diễn lớn như Jean Luc Goddard, Franc5ois Truffaut thực hiện các bộ phim của họ chủ yếu trên đường phố và không bao giờ set-up trong các trường quay, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và diễn xuất chân thật của các diễn viên. Về sau này còn có một số đạo diễn đi theo trường phái này và gặt hái những thành công lớn như anh em đạo diễn người Bỉ Dardenne, từng hai lần đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes (Rossetta năm 1997 và The Child năm 2004).

Tự viết kịch bản, đạo diễn và thậm chí cả cầm máy quay phim, Stephane Gauger đã thực hiện bộ phim đầu tay của mình đúng với tinh thần độc lập mà anh học hỏi từ các đạo diễn lớn. Cú và chim se sẻ là câu chuyện về ba con người xa lạ, cô đơn và lạc lõng trên đường phố Sài Gòn đông đúc và tấp nập. Thủy (Phạm Thị Hân) – một cô bé 10 tuổi bỏ quê lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề bán hoa dạo, Lan (Cát Ly) – một nữ tiếp viên hàng không lận đận trong tình yêu và Hải (Lê Thế Lữ) – một người trông coi sở thú ít tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài sau một lần đổ vỡ tình duyên. Và rồi tình cờ, cô bé Thủy trở thành bà mối của Lan – Hải và họ trở thành nơi che chở cho cô bé. Kịch bản khá đơn giản, lời thoại đôi khi còn lên gân, gượng ép nhưng bộ phim đem đến một không khí thật sự tự nhiên, trong trẻo và hồn hậu.

Do hai hãng phim Annam và Chánh Phương phối hợp sản xuất với kinh phí eo hẹp, Stephane phải kiêm một lúc ba chức danh, chọn đường phố làm trường quay để lấy ánh sáng tự nhiên. Một vài cảnh nội thì anh chọn nơi có đủ ánh sáng. Sử dụng hai máy quay cầm tay mini hiệu Panasonic DVX 100, Stephane gần như một nhà tường thuật lại câu chuyện nhỏ của ba nhân vật chính theo phong cách của một bộ phim tài liệu.

Bộ phim được quay trong đúng 15 ngày với khoảng 30 địa điểm ở Sài Gòn, thu tiếng trực tiếp. Nhiều cảnh quay Stephane vác máy quay cầm tay đuổi theo bước chân nhân vật nên hình ảnh bị rung, chao đảo liên tục, gây chóng mặt, nhưng lại đem đến một cảm giác như khán giả là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện diễn ra trước mắt họ.

2. Sau khi mang về Mỹ thực hiện hậu kỳ trong khoảng bốn tháng, Stephane Gauger bắt đầu đưa bộ phim đi quảng bá ở các LHP để tìm đầu ra. Với những bộ phim độc lập, đầu ra dường như là vấn đề quan trọng nhất. Ngay cả điện ảnh Mỹ, 95% phim độc lập không có cơ hội ra rạp chiếu. Cú và chim se sẻ được gửi dự thi lần đầu tại LHP Rotterdam, Hà Lan – một trong năm LHP quốc tế lớn nhất ở châu Âu. Mặc dù không đoạt giải nhưng bộ phim nhận được nhiều phản hồi khá tích cực của giới phê bình. Đây là động lực để Stephane tiếp tục mang đứa con tinh thần của mình đi chào đón ở các LHP khác.

Trong một năm trời, anh mang bộ phim rong ruổi qua 25 LHP ở khắp Âu, Á, nhiều nhất là Mỹ và LHP Toronto ở Canada. Cú và chim se sẻ cũng đã gặt hái được khá nhiều thành tích, trong đó đáng kể nhất là giải “Phim truyện đầu tay xuất sắc nhất” của LHP quốc tế Hawaii và LHP Los Angeles (Mỹ), giải thưởng BGK dành cho phim hay nhất tại LHP châu Á ở San Diego và LHP San Francisco.

Dịp cuối năm vừa rồi, bộ phim lọt vào danh sách đề cử của một vài giải thưởng điện ảnh dành cho phim độc lập như đề cử giải “Đạo diễn đột phá của năm” tại giải Gotham (New York) và đề cử giải Cassavetes (tên một nhà làm phim độc lập danh tiếng từng ba lần được đề cử Oscar) cho những bộ phim độc lập xuất sắc có kinh phí dưới 500.000 USD. Anh cũng được tờ Filmmaker (Mỹ) bình chọn là một trong 25 gương mặt mới của những nhà làm phim độc lập triển vọng.

Những thành quả trên là cơ hội để Cú và chim se sẻ có thể ra rạp chiếu. Hiện tại, Công ty First Independent của Mỹ đã lên kế hoạch phát hành bộ phim ra năm thành phố vào tháng 4-2008 tại Mỹ. Ở VN, Hãng Chánh Phương dự định phát hành bộ phim tại một số rạp chiếu ở Hà Nội và TP.HCM ngay sau Tết Nguyên đán. 

LÂM LÊ

Ảnh: Poster phim Cú và Se Sẻ (Owl and the Sparrow) 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply