Tại sao điện ảnh Hong Kong tuột dốc?

TTCT – Trừ vài thành công hiếm hoi như Đại náo kungfu hoặc Vô gian đạo, điện ảnh Hong Kong (HK) vẫn ngoi ngóp mười năm qua.

Từng sản xuất hơn 300 phim/năm (chỉ sau Hollywood và Bollywood), điện ảnh HK chỉ khiêm tốn tung ra 64 phim trong năm 2004 và tiếp tục “rớt đài” còn 51 phim năm 2006.

Điều gì đã khiến công nghiệp điện ảnh HK từng một thời làm mưa làm gió làng điện ảnh giải trí khu vực nay lại lết bết tìm lối ra? Trong bài viết mổ xẻ sự tuột dốc của điện ảnh HK vào năm 1999, nhà nghiên cứu David Cook thuộc Đại học Emory (Mỹ) cho biết cuối thập niên 1990, chi phí sản xuất một bộ phim HK có ngôi sao tên tuổi đã tăng từ 1 triệu USD lên 4 triệu USD chỉ trong ba năm (phim với diễn viên ít nổi tiếng được thực hiện với chi phí 250.000-600.000 USD).

Trôi như con thuyền không bến

Vấn đề ở chỗ chi phí tăng và ngôi sao lớn đã không đồng thuận với chất lượng. Hầu hết phim sản xuất trong thời gian này đều có kịch bản hời hợt và được chỉ đạo diễn xuất một cách vô hồn. Như nhà bình luận Keith Richburg từng mô tả: “Đạo diễn chỉ cần cho diễn viên đứng trước ống kính, đếm lùi để diễn rồi bấm máy!”. Chẳng trách khán giả nội địa dần quay lưng với điện ảnh HK.

Từ 1996-2001, thị phần nội địa HK giảm từ 80% xuống còn 54% (AsiaWeek 20-7-2001). Năm 1992, phim HK đạt doanh thu 160 triệu USD tại thị trường địa phương; đến năm 1997, tiền vé chỉ còn gần bằng 1/2. Tổng quát, doanh thu điện ảnh HK giảm từ 200 triệu USD năm 1992 còn 115 triệu USD năm 1999, dù ngay từ thời gian này điện ảnh HK đã xoay xở tìm lối thoát (một trong những giải pháp là kết hợp Hollywood, chẳng hạn trong Big shot's funeral với diễn viên Donald Sutherland và Ge You hoặc Double vision với Tony Leung Kar-fai và David Morse).

Bất chấp nỗ lực gượng dậy, biểu đồ doanh số điện ảnh HK tiếp tục là mũi tên đi xuống. Năm 2002, doanh thu nội địa đạt vỏn vẹn 45 triệu USD, gần bằng 1/2 ngân sách bộ phim The touch (với thủ diễn Dương Tử Quỳnh và Ben Chaplin) tung ra trong cùng thời gian và được Peter Pau đạo diễn (Oscar hạng mục quay phim cho Ngọa hổ tàng long)! Tình hình đáng rầu rĩ đến mức Thành Long phải ngửa mặt lên trời mà thốt: “Nếu cứ thế này, điện ảnh HK xem như cáo chung. Chúng tôi chỉ có thể chờ điều kỳ diệu nào đó” (AP 9-5-2003).

Chẳng điều kỳ diệu nào xảy ra cả và công nghiệp điện ảnh HK còn đối mặt với sự đổ bộ của Hollywood. Năm 2006, phim Mỹ giữ vị trí đầu bảng trong 30 tuần (so với 28 tuần năm 2005) tại thị trường HK. Chưa hết, HK cũng nhan nhản phim Nhật và Hàn Quốc. Và rồi điện ảnh HK phải cầu cứu Trung Quốc. Ngày 1-1-2004, thỏa thuận hợp tác kinh tế chung với Trung Quốc (viết tắt CEPA) bắt đầu có hiệu lực.

Riêng trong lĩnh vực điện ảnh, tỉ lệ hợp tác (theo khuôn khổ CEPA) trong những dự án đồng sản xuất là từ 50-70% cho HK; điện ảnh HK được loại khỏi qui định hạn ngạch được nhập tối đa 20 phim nước ngoài vào thị trường Hoa lục (phim HK từng được xếp vào bảng “phim nước ngoài” theo luật kiểm duyệt điện ảnh Trung Quốc); cổ phần của nhà đầu tư HK tại các rạp chiếu bóng Hoa lục được tăng từ 50-90%… Kết quả, năm 2006, Trung Quốc tung ra 330 phim trong đó có nhiều dự án hợp tác HK. Bảy trong 10 phim đạt doanh thu cao nhất HK năm 2006 đều là sản phẩm hợp tác Trung Quốc. “Nếu không nhờ (thị trường) Trung Quốc, chúng tôi đã chết từ lâu” – phát biểu của John Chong, phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Media Asia (Reuters 8-2-2007).

Phần mình, xét về nội lực, giới chuyên môn điện ảnh HK vẫn không thể hài lòng với sự ráng gượng trong cơn nhức nhối và họ lại thảm thiết kêu gào cầu cứu. Tháng 4-2006, Peter Tsi, giám đốc điều hành LHP quốc tế HK, bức xúc: “Chúng tôi có ngân sách giới hạn nên không thể mời ngôi sao lớn cũng như giới bình luận tên tuổi. Trong khi đó, LHP quốc tế Busan mời 2.000 khách với 1.000 nhà báo điện ảnh nước ngoài. Chúng tôi chỉ có 700.000 USD để quảng cáo cho LHP và chỉ có thể mời khoảng 90 người”.

Tháng 3-2007, chính quyền HK đã phải quyết định đầu tư trực tiếp vào công nghiệp điện ảnh HK với nguồn quĩ hỗ trợ phát triển 300 triệu đôla HK, khoảng 38,3 triệu USD (lần gần đây nhất mà chính quyền HK tài trợ cho công nghiệp điện ảnh của họ là năm 2003 với 50 triệu đôla HK). Còn nữa, một trong những lý do khiến điện ảnh HK bi đát là tình trạng chảy máu chất xám. Nhiều tên tuổi huyền thoại của công nghiệp điện ảnh HK chẳng hạn Yuen Woo Ping, Corey Yuen và Yuen Cheung Yan đều sang Hollywood (họ chính là những người chỉ đạo võ thuật trong các phim Hollywood thành công như The matrix hoặc Charlie's angels).

Phong cách “võ tàu”

Tuy nhiên, cần nhớ rằng phong cách “võ Tàu” của điện ảnh HK lại được tái hiện ở Hollywood trong mười năm qua. Dù thế nào đi nữa, khó có thể phủ nhận rằng điện ảnh HK đã định nghĩa lại từ phim hành động cho làng điện ảnh hành động thế giới. Từ bộ ba tập The matrix (The matrix 1999; The matrix reloaded 2003; và The matrix revolutions 2003), Hollywood bắt đầu lên cơn sốt với thể loại mang phong cách “võ Tàu”, đặc biệt trong nhiều sản phẩm điện ảnh giải trí dành cho mùa phim hè.

Có thể thấy dấu ấn phim võ thuật HK trong nhiều phim hành động ăn khách Hollywood vài năm gần đây, từ Mission: Impossible 2, Lara Croft: Tomb Raider, Ocean's Eleven đến Casino Royale… Và nhất là bốn giải Oscar 2007 cho The departed – một bộ phim Hollywood được dựng lại từ bộ ba tập Vô gian đạo của HK.

Thật ra, phong cách HK từng thâm nhập Hollywood vào thập niên 1970. Đường sơn đại huynh với Lý Tiểu Long, ra đời năm 1971, đã gây tiếng vang khắp thế giới, đặt nền móng vững vàng cho thể loại phim kungfu và mở đường cho sự bùng nổ công nghiệp điện ảnh HK với hãng phim trẻ nhất nhưng mạnh nhất thời điểm đó: Golden Harvest – nơi phát hiện và lăngxê loạt ngôi sao phim võ thuật lừng danh khác trong thập niên 1970 như Địch Long, Khương Đại Vệ, Vương Vũ… Sự lớn mạnh của điện ảnh HK trong thập niên 1970 cũng từng hấp dẫn sự cộng tác của giới điện ảnh nước ngoài – về đạo diễn có Robert Clouse trong Mãnh long quá giang; quay phim với cameraman người Úc Christopher Doyle; diễn viên với Cynthia Rothrock từ Mỹ, Joyce Godenzi từ Úc hay Yukari Oshima từ Nhật…

Dù lao đao thế nào, điện ảnh HK vẫn là nền điện ảnh có bề dày không chỉ đối với khu vực mà với cả thế giới. Những người thuộc thế hệ “làn sóng thứ hai” (hình thành vào thập niên 1980) đến nay vẫn là những tên tuổi lẫy lừng có thể xếp ở “chiếu trên” của điện ảnh khu vực, từ đạo diễn Từ Khắc đến những diễn viên đẳng cấp như Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vĩ, Trương Quốc Vinh, Lý Liên Kiệt, Âu Dương Chấn Hoa, Lưu Đức Hoa, Cổ Cự Cơ, Châu Huệ Mẫn, Trương Mạn Ngọc…

Giá trị đẳng cấp của điện ảnh HK tiếp tục thể hiện ở các giải LHP quốc tế Cannes hoặc Venice; ở những thương vụ hợp tác quốc tế mà gần đây nhất là dự án giữa nhà sản xuất bộ phim truyền hình nhiều tập ăn khách 24 giờ Tony Krantz với Andrew Lau (đồng đạo diễn Vô gian đạo) cùng Hãng Weinstein (Mỹ), trong việc thực hiện ba bộ phim hành động được quay tại Anh (Variety 23-6-2007). Nếu tìm được cách thoát khỏi lối mòn (ở những kịch bản hài tầm thường hoặc thể loại xã hội đen rẻ tiền), điện ảnh HK hoàn toàn có khả năng “tái” khuynh đảo thế giới điện ảnh. 

MẠNH KIM

Hình: Đại náo kungfu (2004) của đạo diễn Châu Tinh Trì là một trong những bộ phim HK hiếm hoi gần đây thành công về mặt thương mại

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=208177&ChannelID=10


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply