Kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn (Nguyễn Thiên Phúc) – được chọn làm phim truyện nhựa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – sẽ là phim đầu tiên áp dụng Nghị định 31: đấu thầu kịch bản phân cảnh.
Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long họp thống nhất: tập trung nhân lực, vật lực, chiêu hiền đãi sĩ để làm Thái Tổ Lý Công Uẩn. Việc chọn đạo diễn- người tổng chỉ huy trên “công trường” áp dụng theo tinh thần Nghị định 31.
Cụ thể: mời khoảng 10 đạo diễn kể cả Việt kiều tham gia viết kịch bản phân cảnh. Các đạo diễn này phải hội đủ tiêu chuẩn: có sức khỏe, năng lực, có tác phẩm đoạt giải trong nước hoặc quốc tế.
Tuần tới danh sách mời sẽ được đưa ra có các tên tuổi như Đặng Nhật Minh, Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh, Vương Đức, Lê Đức Tiến, đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh…
Thực ra việc chiêu hiền đãi sĩ kể trên vừa mang tính “đấu thầu” (chọn đạo diễn thông qua kịch bản phân cảnh) vừa mang tính chỉ định: không mở rộng cho tất cả mà có tiêu chuẩn nhất định.
Dễ thấy: Một bộ phim mang tính kỷ niệm lớn, ngốn một khoản kinh phí chắc chắn lớn (so với mặt bằng sản xuất phim nội nói chung) của Nhà nước sẽ đặt áp lực lớn lên ê-kíp thực hiện.
Áp lực này là cần thiết để người sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm mình tạo ra. Ban chỉ đạo sẽ làm nhiều việc để tạo thuận lợi cho người thực hiện: Trước khi làm phim sẽ có một buổi tọa đàm, mời các nhà sử học, nhà văn hóa… đến cùng mổ xẻ kịch bản, kịch bản văn học còn khuyết phần nào thì bổ sung, kịch bản phân cảnh yếu phần nào thì trau chuốt để nâng tầm kịch bản, cũng là nâng tầm phim lên; người làm phim được gửi đi thực tập một thời gian ở các hãng phim lớn của Trung Quốc…
Những nỗ lực trên là nhằm đến đích có một bộ phim hay. Nhưng cứ nghĩ mà tiếc, thời gian chỉ còn 4 năm nữa để thực hiện trong khi trường quay quy mô chưa có, nhìn chung các đạo diễn của ta chưa có kinh nghiệm làm phim lịch sử, cụ thể là phim về thời phong kiến.
Trước đây đạo diễn Hải Ninh đã làm Đêm hội Long Trì, nhưng bây giờ độ tuổi không cho phép ông “chinh chiến” với một phim như Thái tổ Lý Công Uẩn nữa.
Các đạo diễn thế hệ sau, dù đang là lực lượng chủ lực nhưng cái sự dở của phim TH Hoàng Lê Nhất Thống Chí, rồi cả sự thiếu thốn hiện rõ trong một số phim chiến tranh với bối cảnh chiến trường bom rơi đạn nổ, khiến người ta phải e ngại về dòng phim lịch sử made in Vietnam.
Nếu Thái tổ Lý Công Uẩn bị rơi vào cảnh phải cố gắng hạn chế những cảnh hoành tráng quá, bối cảnh nhiều người, ngựa quá ( để tiết kiệm kinh phí) thì sẽ là bài toán không đơn giản cho đạo diễn khi viết kịch bản phân cảnh.
Cái khó bó cái hay, cứ nhìn vào mặt bằng diễn viên của ta hiện nay, nhắm một người vừa đảm bảo về mặt hình thể và diễn xuất, vừa biết cưỡi ngựa và giương đao múa kiếm đã “hiếm có khó tìm” rồi; hoặc như trang phục cổ sao cho chỉn chu đa dạng chứ không chắp vá đơn điệu; ngay đến bầy ngựa cho ra ngựa cưỡi được chứ không gày còm tội nghiệp… cũng đã đủ làm đạo diễn đau đầu huống gì những chuyện lớn hơn.
Việc cử đi thực tập ở các hãng lớn ở Trung Quốc phải trong bao lâu mới ngấm, trình độ ngoại ngữ của đạo diễn thế nào, khả năng hiểu và tận dụng các phương tiện kỹ thuật ra sao thì thời gian và tuổi tác cũng là một câu hỏi lớn.
Dẫu sao, lúc này, bằng những gì lạc quan nhất, cố gắng nhất, ta chỉ có thể trông chờ, hy vọng có một bộ phim được làm tốt nhất trong khả năng hiện có.
Phim là sáng tạo nghệ thuật, phải có dấu ấn cá nhân nhưng cũng không nên loại trừ khả năng đồng đạo diễn để có thể tiếp thu, tập hợp được nhiều kinh nghiệm, ý tưởng hay.
Nếu Thái tổ Lý Công Uẩn thành công, những bộ phim tiếp theo như Lý Thường Kiệt, Hội thề sẽ được đưa vào sản xuất để mở ra dòng phim lịch sử mà nhiều người cho rằng không thiếu kịch bản hay nhưng vì bài toán kinh phí mà lâu nay cứ gác để đấy, thậm chí không dám viết.
Ảnh: Cảnh trong phim Người học trò đất Gia Định xưa.
Theo Tiền Phong
Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=90117&ChannelID=57
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.