The Kingdom: Lại “nỗi đau Hoa Kỳ”

The Kingdom (Vương quốc) mở đầu bằng một chuỗi sự kiện về lịch sử và những quan hệ ân oán giữa Ả Rập Saudi với Hoa Kỳ trước ngày 11/9/2001.

Cùng với World Trade Center của đạo diễn Oliver Stone, United 93 của Paul Greengrass, Syriana của Stephen Gaghan và A mighty heart của Michael Winterbottom, The Kingdom của đạo diễn Peter Berg một lần nữa chạm vào chủ đề hậu 11/9.

Cũng như các phim ‘chạm vào nỗi đau nước Mỹ’ khác, The Kingdom không thành công về doanh thu tại thị trường Bắc Mỹ cho dù nhận được lời phê bình đánh giá cao của cả giới chuyên môn lẫn khán giả đã xem phim. Bộ phim thu về hơn 30 triệu đô-la (so với kinh phí 80 triệu đô-la) sau ba tuần công chiếu.

Chuyện phim được bắt đầu bằng một vụ khủng bố tấn công vào những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Riyadh, Ả Rập Saudi khi họ đang có một ngày nghỉ vui vẻ, hạnh phúc bên nhau, mà đỉnh điểm là vụ nổ bom tự sát, giết chết hàng trăm người, trong đó có chỉ huy của Phòng Điệp viên mật của FBI tại Ả Rập Saudi.

Dù cơ quan FBI tại Mỹ không dám cử người đi vì tình hình quá nhạy cảm, nhân viên đặc vụ Fleury (Jamie Foxx) quyết định tự mình hành động và dẫn nhóm của anh sang Ả Rập Saudi để điều tra xem ai là người chịu trách nhiệm trong vụ đánh bom này trong vòng một tuần. Đi cùng anh là chuyên gia phân tích bom Grant Sykes (Chris Cooper thủ vai), chuyên gia pháp y Janet Mayes (Jennifer Garner), và chuyên viên phân tích dữ liệu Adam Leavitt (Jason Bateman).

Thế nhưng, họ nhanh chóng nhận ra rằng họ không được chào đón tại Ả Rập: hiện trường bị phong toả, nhất cử nhất động của họ đều bị kiểm soát chặt chẽ dưới sự giám sát của cảnh sát trưởng Faris Al Ghazi và đều phải thông qua sự đồng ý của phía Ả Rập. Khi họ chiếm được niềm tin của Faris cũng là lúc thời gian điều tra đã hết. thế nhưng, bọn khủng bố vẫn tiếp tục ra tay và lần này, mục tiêu của chúng chính là tổ điều tra của FBI!

Nếu yêu thích phong cách quay phim cầm tay với những khung hình rung bần bật, di chuyển liên tục, cắt cảnh nhanh, gọn – khá thành công và tiêu biểu trong loạt phim về điệp viên Jason Bourne – khán giả có thể thích thú với The Kingdom.

Phong cách quay phim này đem đến cho bộ phim không chỉ cảm giác ‘thật’ như đang ở chính tại hiện trường mà còn tạo ra cảm giác căng thẳng tột độ đến chóng mặt. Với hai diễn viên từng đoạt Oscar (Jamie Foxx và Chris Cooper) cùng nữ diễn viên gắn liền với hình ảnh điệp viên hành động trong loạt phim truyền hình Bí danh Jennifer Garner, các nhân vật của The Kingdom có đời sống chân thật và rất con người.

Không chỉ vậy, những chi tiết nhỏ khi mô tả về cuộc sống gia đình đầm ấm của những viên cảnh sát sau một ngày làm việc căng thẳng trở nên khá đắt giá. Ngay cả đoạn kết, khi lọt vào ‘sào huyệt’ của bọn khủng bố, người xem cũng được nhìn thấy vợ, con, mẹ già của quân khủng bố với nét mặt chất chứa nhiều cảm xúc đan xen.

Không kém phần hấp dẫn là các cảnh chiến đấu, đánh bom và bắn nhau long trời lở đất. Cảnh nhóm đặc nhiệm Hoa Kỳ tấn công vào sào huyệt của bọn khủng bố để giải cứu đồng đội làm gợi nhớ đến bộ phim Hiểm họa hiện hữu của Harrison Ford – ‘phe ta’ bị lọt vào ổ phục kích ngay giữa khu dân cư, bọn khủng bố đứng từ trên các nóc nhà xả đạn xối xả xuống xe của ‘phe ta’. Căng thẳng hơn là đoạn giải cứu đồng đội, khi một trong số bốn nhân viên đặc vụ của FBI bị bọn khủng bố bắt cóc để quay phim cảnh cứa cổ con tin Mỹ!

Thế nhưng, phía sau vỏ bọc hành động hấp dẫn, ly kỳ lại là câu chuyện giản dị về con người với con người, dù xuất thân khác nhau nhưng vẫn có cùng chung cái nhìn về cuộc sống. Đó là cách mà đạo diễn Peter Berg tránh xa việc sa đà vào chủ đề chính trị, tránh biến bộ phim thành một phim tuyên truyền chống người Hồi giáo, tụng ca nước Mỹ.

Đó là câu chuyện của cái nhìn về cuộc chiến, về lòng hận thù chất chứa của con người, để rồi oán thù cứ chồng chất từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi nghe tin vụ khủng bố ở Ả Rập, Ronald nói thầm với Mayes ở văn phòng FBI tại Washington để an ủi cô “Chúng ta sẽ giết hết bọn chúng”. Đến cuối phim, tên khủng bố trong cơn hấp hối trước khi chết đã cố gắng dặn dò đứa cháu của mình “Đừng khóc, đừng lo, rồi chúng ta sẽ giết hết bọn chúng”… Ánh mắt đau buồn đứa bé ánh lên lòng căm thù.

Câu chuyện thật sự của bộ phim chính là về một viên cảnh sát Ả Rập Saudi và một đặc nhiệm FBI người Mỹ gốc Phi, xuất thân hoàn toàn đối lập, văn hoá hoàn toàn khác biệt, nhưng đều mong mỏi có thể ngăn chặn những điều tồi tệ xảy ra. Họ đụng độ, đối đầu nhau trong những lần đầu tiên, để rồi dần dần hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau những niềm hạnh phúc nhỏ trong cuộc sống.

http://www.zing.vn/zing/Index.aspx?ArticleID=7871&ChannelID=268


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply