The Proposal (2009) và những chuyện linh tinh khác

proposal_poster

The Proposal là một phim hài tình cảm công thức kinh điển: hai người bắt đầu là ghét nhau, cuối cùng là yêu nhau. Ai hay xem phim bộ TVB đều biết. Ai từng xem các kiểu phim tình cảm như Runaway Bride, Knocked up, What happen in Vegas…. cũng quá biết kết thúc phim sẽ ra sao. Dễ đoán, dễ cưòi, dễ xúc động, mọi thứ đều dễ dãi.
Trong Runaway bride, cô gái là một nàng dâu luôn… chạy trốn chú rể ngay ngày cưới và trở thành đề tài của chàng phóng viên, và họ ghét nhau, rồi yêu nhau. Trong Knocked up, nàng thành đạt trong sự nghiệp, chàng vô công rỗi nghề và làm nàng… có bầu ngoài ý muốn, nàng không thích chàng cho lắm cho tới ngày nàng sinh con. Trong What happened in Vegas, nàng trong lúc quá xỉn vì uống để quên đi sự thật là mình bị bồ đá, đã cưới chàng một chú ranh con ăn chơi ở Vegas sau khi bị chính cha ruột đuổi việc vì không làm nên trò trống gì, và họ vô tình trúng số độc đắc 3 triệu đôla. Để được hưởng số tiền đó, họ phải chung sống với nhau như vợ chồng. Họ ghét nhau, chơi xỏ nhau, và cuối cùng nhận ra họ yêu nhau.
Với The Proposal, chàng ghét nàng nhiều hơn nàng ghét chàng, vì nàng thật ra… chả để ý đến ai ngoài công việc của mình. Nàng là Margaret Tate (Sandra Bullock), trưởng phòng biên tập một nhà xuất bản ở New York, sống không tinh cảm, chỉ biết có công việc, là hiện thân của ‘quỷ dữ’. Thư ký của nàng – Andrew Baxton (Ryan Reynolds) – gọi nàng là ‘mụ phù thuỷ’ sau lưng nàng, dù anh cố gắng làm tốt cônng việc của mình với hy vọng được thăng chức lên làm biên tập và được in sách. Bi kịch? Nàng là dân Canada, và visa nàng hết hạn (giống mí bạn có hộ khẩu KT3 vậy đó), và nàng có nguy cơ mất việc. Giải pháp: cưới ngay chồng Mỹ. (Rất tiếc Margaret không giống nhiều bạn trai gái Việt Nam của mình, vừa sang Mỹ là cưới liền để khỏi lo mấy chuyện giấy tờ này). tầm ngắm: chàng Andrew. Bằng ‘quyền lực’ của mình, Margaret ép Andrew làm đám cưới với mình. Họ có 3 ngày cuối tuần để chứng minh cuộc hôn nhân này là thật với phòng di trú, và với gia đình của Andrew ở Alaska. Trong ba ngày ngắn ngủi đó, ở thị trấn nhỏ heo hút mà xinh đẹp tận trên Alaska, họ dần hiểu nhau hơn, và tình yêu bất ngờ bỗng đến. (Tui nói là bất ngờ vì thiệt tình xem hết phim tui vẫn thắc mắc không biết vì sao họ yêu nhau nữa…). Môtip cũ, nhưng quan trọng nhất của phim theo công thức này là làm sao hai con người ghét nhau này yêu nhau được sau bao nhiêu cãi vả? Với The Proposal, câu trả lời rất giản dị: tình yêu làm sao lý giải. Thì thích cho hai đứa yêu nhau thì cho tụi nó yêu nhau. Chỉ cần hai người hôn nhau, nàng kể cho chàng nghe một bí mật về cái hình xăm, và chàng cởi truồng chạy tông vào nàng, thế là yêu! (Nhân tiện, màn cởi truồng đè lên nhau này màn nàng lộ hàng đụng độ với chàng được chôm từ Something Gotta Give, nhưng được cái hai anh chị này da thịt còn căng, thân hình gọn ghẽ chứ không xệ và nhăn nheo như hai ông bà già Diane Keaton và Jack Nichosol trong phim kia).

proposal_couple

The Proposal có đầy đủ lý do để các chị em yêu thích. Nó giống như một fantasy dành cho phụ nữ: một gái già khó chịu tìm được tình yêu từ một chàng trai trẻ hấp dẫn con nhà giàu (hai em T. và D. ngồi xem với tui mà mà cứ xuýt xoa ‘anh Reynolds đẹp trai quá, trời ơi, con trai con nhà giàu quá). Điều đáng nói ở đây là Hollywood có đủ thứ cách để làm người ta tin vào tình yêu đó. Sau đủ thứ trò cười (tui đặc biệt khoái cái màn cứu chó từ chân diều hâu và sau đó dùng chó dụ diều hâu trả điện thoại di động) là màn sến xúc động cuối phim. Thiệt tình, cái bản chất sến cố chôn dấu của tui cứ hễ xem các phim thể loại này nó lại trỗi lên. (Thỉnh thoảng mở TV nó chiếu What Happens in Vegas, tới đoạn cuối tui vẫn xúc động đó các bạn, thật là đáng xấu hổ. Nhưng tui xin hứa mai mốt tui mà có làm phim tình cảm, tui sẽ cố gắng sến ngang ngửa các phim này). Cho nên khi em Margaret thay đổi (tất cả các phim công thức ở Hollywood, nhân vật đèu sẽ thay đổi ngay khi họ sắp đạt được điều họ muốn vì họ nhận ra cái họ muốn không phải là cái họ cần) thì tui nghĩ, trời, sao mà sến vậy, sao mà nhàm vậy, sao mà vô lý vậy, nhưng cuối cùng vẫn thấy bồi hồi xúc động khi nàng nói những điều rất sến kiểu ‘Hai bác thật may mắn khi có một đứa con trai tuyệt vời như Andrew”…
Một lý do khác mà The Proposal thú vị chính ở dàn diễn viên phụ – kể cả cái thị trấn Sitka nhỏ bé cũng có thể xem là một ‘nhân vật phụ’ trong phim này. Cái thị trấn gì mà nhỏ xíu tới nỗi thú vui của các chị em là đi xem vũ nam thoát y là một chú bụng phê lùn tẹt xấu trai, mà chú vũ nam này còn vừa hành nghề vũ nam thoát y còn kiêm luôn mục sư nữa chớ! Thoát khỏi những kiểu nhà sang trọng hay khuôn mẫu, bối cảnh của The Proposal là một ngôi nhà gỗ kiểu cổ mang phong cách Nga, với cửa sổ mở toang nhìn ra ngoài trời luôn đầy nắng. Bà nội của Andrew là một bà già hài hước và đầy tình cảm, có phần hơi tưng. Có lẽ bà là nhân vật tình cảm nhất trong phim này. (bà già này gân nha, 90 tuổi vẫn còn mê trai, mà 10 tuổi bả vú đã to đùng rồi đó). Nhưng hài nhất có lẽ là chú Ramone, người vừa làm bồi kiêm vũ nam thoát ý kiêm nhân viên bán hàng tạp hoá kiêm mục sư (!!?).

proposal_dog

2. Sandra Bullock có lẽ hợp với các thể loại phim tình cảm hài. Trừ Speed, phim của Sandra Bullock làm tui nhớ nhất là hoa hậu FBI (dĩ nhiên chỉ phần 1) và Pratical Magic. Ở tuổi 44, Sandra Bullock vẫn giữ phong độ. Vì lẽ đó, nàng vẫn thích đóng cặp với trai trẻ. Hồi chưa xem The Proposal, tui cứ tưởng phim này là All about Steve, một phim tình cảm hài khác của Sandra Bulllock đóng cặp với trai trẻ Brad Cooper, vì cái trailer khác giống: nàng tuyệt vọng tìm chồng, và gặp chàng trai trẻ con nhà giàu học giỏi không gay Steve và nàng đeo bám để cưới được chàng cho bằng được. Hình như tuần sau All about Steve ra rạp bên Mỹ. Mở đầu The Proposal, nhân vật của Sandra Bullock làm gợi nhớ đến bà tổng biên tập ‘quỷ cái’ trong Devil wears Prada. Hay đúng hơn, Margaret là hình ảnh thời còn trẻ của bà tổng biên tập trong Devil wears Prada – lạnh lùng và ‘vô nhân tính’. (Cảnh chú Andrew chạy đi mua cafe cũng làm nhớ tới màn em Anna Hathaway chạy đi làm những việc lặt vặt đời tư cho cho bà sếp của mình trong Devil wears Prada). Thế nhưng, Sandra Bullock, với nét duyên rất lạ, làm cho tui tin rằng nàng thay đổi, hay ít nhất, là làm tui xúc động khi nàng hiểu ra rằng cuộc đời này không chỉ có công việc, cuộc đời này còn có gia đình. Tui nghe tiếng bà con xì xào khi bà ngoại đeo lên cổ nàng sợi dây chuyền gia bảo, bởi ai cũng hiểu rằng, trò lừa dối của đôi tình nhân này đã đi quá xa. Và như tui nói ở trên, khi mà Margaret thay đổi và đọc bài diễn văn, tui xúc động, phần lớn có lẽ vì Sandra Bullock vẫn còn duyên dáng. (Trong khi các bạn diễn nữ đồng trang lứa của nàng nay đã mất duyên, dù đó là người đàn bà miệng rộng như cái lộng Julia Roberts hay cô gái tóc quăn như con trăn Meg Ryan).

3. Ryan Reynolds đóng phim thì cứ lình bình. Dạo này đô con chắc nhờ đi đóng Wolverine. Chú này có một cái làm tui ngưỡng mộ – đúng hơn là ghen tỵ – là không thấy có gì đặc sắc mà sao vớt được em Scarlett Johansson. Đúng là lù đù ôm lu mà chạy. Tui thấy chú này cũng không có hot nhưng nói chung tui nghĩ là tui cũng không nên oánh giá các trai đẹp vì tui không rành gu thẩm mỹ của các chị em. Hầu hết các chị em đều thích các trai mà tui thấy hông có gì là hot hay đẹp gì hết.
4. Đi xem phim này ở Megastar. Đang tới đoạn chú Ramone thoát y vô cùng gay cấn, bỗng nhiên phim tắt cái phụp. Sau đó nhạc muzak trỗi lên, đèn sáng trưng. Bà con hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tui bình luận đầy vẻ hiểu biết với hai em T và H “chắc khúc này nó bị kiểm duyệt mà chưa kịp cắt nên phải dừng lại để cắt hay tua qua gì đó’. Mọi người vô cùng hoang mang với sự cố. Em H bảo, hay mình ra trả vé đòi tiền lại đi. Chừng 5- 10 phút sau, đèn tắt, phim chiếu tiếp, anh Ramone vẫn cởi quần áo đầy đủ show lông lá đầy háng không cắt miếng nào! Thế nhưng, tuyệt nhiên không có một lời xin lỗi nào từ phía nhân viên hay quản lý của Megastar.
Sau khi phim xong, tui với em H. ra gặp quản lý rạp phàn nàn về chuyện này. Bạn quản lý bảo ‘Dạ tụi em đâu có biết gì đâu. Phim bị đứt là do phòng kỹ thuật nên không có ai thông báo gì cho tụi em hết đó”. Xong sau đó bạn ấy cảm ơn vì đã phản ánh nhưng cũng không xin lỗi dù em H. năm lần bảy lượt nói ‘làm đang xem mà bị cụt hứng’.

proposal_dancer

Bị cắt ngay chỗ này!

Giờ để tui kể chuyện bọn tư bản đế quốc Mỹ nó làm gì ở trong rạp của nó. Ở một số rạp chiếu, trước giờ chiếu có một chú chạy vô giới thiệu phim, giới thiệu dàn nhân viên sẽ sẵn sàng phục vụ và trả lời các vấn đề sự cố kỹ thuật nếu có xảy ra. Một lần tui xem ở AMC, rạp chiếu phim tự nhiên bị cúp điện chừng 5p. Nhân viên nó vô thông báo cho bà con biết lý do. Sau đó nó xin lỗi. Và dù sau đó mọi người phim vẫn được tiếp tục xem hết cái phim, nó vẫn phát cho mỗi người một vé xem phim miễn phí để xin lỗi.
Tui thì không đòi hỏi ở đất nước xã hội chủ nghĩa của mình một tấm vé miễn phí. Nhưng ít ra một lời xin lỗi, một lời giải thích cũng cần thiết để thể hiện tác phong chuyên nghiệp (hay thiệt ra cái rạp này không chuyên nghiệp mà tui cứ đòi hỏi). Bạn quản lý bảo rằng bạn không biết vì chuyện ngừng chiếu là trong phòng kỹ thuật, chứ bạn chỉ quản lý nhân viên soát vé và các kiểu nhân viên khác, thì thôi tui cũng chỉ biết cười trừ đi về thôi chứ biết nói gì. Lần trước tui xem Ice Age 3 ở đây thì màn hình bị out focus, tui đã ân hận vì không đi ra phản ánh. Có điều tui nghĩ chắc có phản ánh thì bạn quản lý cũng nói ‘đó là chuyện của phòng kỹ thuật’ chứ cũng không giải quyết được gì.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply