Tôn trọng tiếng Việt trên phim

TTCT – Gần đây, với sự xuất hiện ồ ạt của những phim như Dòng máu anh hùng, Hạt mưa rơi bao lâu, Sài Gòn love story, Sài Gòn nhật thực… và trước đó là Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng, Ba mùa…, có thể nói đã xuất hiện một dòng phim của người Việt ở nước ngoài về nước làm phim, với những câu chuyện lấy từ hiện tại và quá khứ của xã hội VN, được quay tại VN.

Chất lượng nghệ thuật của các phim trên cũng đa dạng, có cái tốt, có cái tầm tầm và có cái kém… Đó là chuyện thường tình, phim ảnh ở đâu mà chả vậy.

Duy có một điều khiến nhiều người xem cảm thấy băn khoăn: đối thoại trong hầu hết các phim trên được phát âm bằng một thứ tiếng Việt nghe thật lạ tai. Một thứ tiếng Việt lơ lớ, ngọng nghịu, không giống gì với ngôn ngữ chúng ta dùng hằng ngày. Có thể cắt nghĩa điều này là vì các diễn viên trên phim đều là những thanh niên nam nữ gốc Việt sống từ nhỏ ở nước ngoài, có người được sinh ra ở nước ngoài, tiếng Việt với họ chỉ là ngôn ngữ phụ, được sử dụng chủ yếu trong gia đình (những gia đình còn cố gắng giữ truyền thống VN). Có đạo diễn trong buổi chiếu ra mắt bộ phim của mình tại TP.HCM đã xổ một tràng tiếng Anh thao thao bất tuyệt sau câu chào khán giả duy nhất nói bằng tiếng Việt. Thôi thì trong sinh hoạt hằng ngày những điều trên ta có thể thông cảm. Nhưng một khi cái thứ tiếng Việt lơ lớ đó lại được đưa lên phim, phóng đại với âm thanh nổi cho thiên hạ cùng nghe thì lại là chuyện đáng phải bàn.

Đối với các diễn viên nước ngoài, đặc biệt là các diễn viên châu Á, khi đóng phim cho Hollywood, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ (cụ thể là phát âm tiếng Anh sao cho chuẩn). Nữ diễn viên Kiều Chinh có lần nói với tôi: “Mình là người VN duy nhất ở Mỹ còn sống được với cái nghề diễn viên. Nhưng mình không bao giờ nghĩ rằng có thể trở thành sao này sao nọ như họ được cũng chỉ bởi cái hàng rào ngôn ngữ. Người Mỹ không bao giờ chấp nhận một diễn viên nói thứ tiếng Anh không chuẩn với giọng Mỹ trên phim. Mình ở Mỹ đã trên nửa đời người, học tiếng Anh từ nhỏ ở trong nước, vậy mà phát âm cho đúng giọng Mỹ vẫn là chuyện xa vời”.

Tình cảnh đó cũng từng xảy ra đối với Củng Lợi và Chương Tử Di khi hai cô được Hollywood mời đóng phim. Nữ diễn viên Hải Yến khi đóng phim Người Mỹ trầm lặng phải có một gia sư người Mỹ đi kèm để ngày ngày tập phát âm từng lời thoại cho đúng giọng Mỹ. Xem ra người Mỹ đặt vấn đề ngôn  ngữ trên phim cùng cách phát âm của nó quan trọng như thế nào. Tôi chắc điện ảnh Pháp, Ý, Ấn Độ hay Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng vậy. Chẳng có nước nào lại chấp nhận có một thứ tiếng mẹ đẻ lơ lớ trong các phim của mình.

Trước tình hình sẽ ngày càng có nhiều đạo diễn, diễn viên người VN ở nước ngoài về làm phim trong nước, tình trạng trên nên khắc phục như thế nào? Theo tôi, trước hết các đạo diễn đó phải có ý thức nghiêm túc trong việc xử lý đối thoại tiếng Việt trong các phim của mình, phải thật sự tôn trọng khán giả VN. Cần loại bỏ hẳn ý nghĩ cho rằng các phim đó rồi sẽ được chiếu ở nước ngoài, tại các liên hoan phim với phụ đề tiếng Anh, tiếng Pháp…, khán giả nước ngoài cần gì biết họ phát âm bằng tiếng mẹ đẻ như thế nào.

Trước khi quay, đạo diễn phải yêu cầu diễn viên tập phát âm tiếng Việt thật chuẩn (nếu là thu thanh trực tiếp). Việc này quan trọng không kém tập diễn xuất (nếu cần mời chuyên gia để luyện phát âm cho họ). Một biện pháp nữa là lồng tiếng sau khi quay xong. Hầu hết các diễn viên VN trong nước diễn xuất trên phim từ trước đến nay đều do người khác lồng tiếng. Nhiều vai diễn thành công một phần cũng do lồng tiếng tốt.

Không có gì phải nghi ngờ rằng phim của các đạo diễn người Việt ở nước ngoài đã và sẽ góp phần làm cho bức tranh điện ảnh VN thêm phong phú, đa dạng. Nhưng làm gì thì làm, cần phải tôn trọng tiếng Việt.  

ĐẶNG NHẬT MINH

Hình: Yên Khê, Lê Khanh, Như Quỳnh trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng

 http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=202921&ChannelID=10


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply