Trái tim dũng cảm của Scotland

Tiếng nhạc của chiếc kèn túi mênh mang ngân nga đưa ta đến những đám mây mù bàng bạc, những ngọn núi bát ngát hùng vĩ, những thung lũng sâu thẳm của đất trời huyền thoại xứ Scot, với cỏ cây xanh ngát, với rừng già âm u, với con sông dòng suối hiền hòa, với những con người bần hàn quanh năm “chân lấm tay bùn” luôn thèm khát tự do.

Scotland, 1280 sau Công nguyên. Vua Scotland băng hà mà không có con trai để nối dõi.Và Vua nước Anh, Edward “The Long Shanks” – 1 kẻ bạo tàn, tà giáo – tuyên bố sẽ lên thay thế để nắm quyền xứ Scot. Quý tộc Scotland đã chống lại ông ta và tranh đấu nội bộ lẫn nhau để chiếm ngai vàng. Vì thế, Vua Anh đã mở 1 cuộc hội nghị bàn tròn với các vị quý tộc. Malcom Wallace, 1 trong số những người nông dân nổi dậy, có 2 người con là John và William, cũng đến đó với hy vọng tìm được tiếng nói cho giai cấp mình. Nhưng vụ thảm sát toàn bộ quý tộc năm đó là 1 hình ảnh man rợ nhất ám ảnh mãi tâm hồn non trẻ của cậu bé William. Malcom cùng John lên đường và vĩnh viễn không quay về. “Trái tim của con tự do, hãy can đảm lên mà đi theo nó.” William trưởng thành trong ký ức với những lời trăn trối của cha như thế, để sống và chiến đấu tận tụy cho 1 điều duy nhất: TỰ DO.

Tham vọng của Edward, những chính sách bạo tàn, vô nhân đạo, hết sức dã man của hắn cùng sự cậy quyền ỷ thế, hiếp đáp, bóc lột rốt ráo của bọn quan quân gây tang tóc, đau thương mất mát cho biết bao người dân vô tội. Họ có thể mất vợ của mình ngay ngày cưới vì tục lệ cũ của những nhà quý tộc Prima được khôi phục lại: đêm đầu tiên trong ngày cưới, các nhà quý tộc có thể được … tận hưởng tình dục với cô dâu. Những người nông dân không 1 tấc sắt vũ khí trong tay, cũng không có thao lược binh trường, chỉ với đôi bàn tay và 1 trái tim sôi sục hận thù quyết đứng lên phá ách gông cùm, đánh đổi cả sinh mệnh để tìm lấy TỰ DO.

Và William ở đó, bằng trái tim và khối óc tài ba, đã lãnh đạo mọi người đồng lòng nổi dậy 1 phen sống mái tiêu diệt bọn cường quyền nham hiểm. Có cái chết, có máu chảy đầu rơi, có ý chí bị nhụt nhuệ, có những người lính không đủ can đảm để tiến lên cùng, và cũng có sự phản bội phủ phàng. Nhưng trên tất cả là những “đôi mắt tóe lửa, lòng dũng cảm rực lên từ thanh gươm”, 1 “đội quân của dân tộc có mặt nơi chiến trường với tất cả quyết tâm, chiến đấu như những chiến sỹ tự do, những người tự do”, vì họ hiểu rằng họ chẳng là gì cả, chẳng có gì cả nếu không có TỰ DO. Họ hiểu rằng chiến đấu họ có thể hy sinh, nhưng họ sẵn lòng đánh đổi 1 cơ hội, chỉ 1 cơ hội duy nhất, để nói vào mặt kẻ thù rằng “chúng có thể lấy đi cuộc sống của chúng ta nhưng đừng hòng lấy đi TỰ DO.” Những tiếng hô to vang dội núi rừng, những tiếng reo hò chiến thắng như muốn làm vỡ tung mọi niềm hân hoan sâu thẳm tận từng vách đá, khe núi.Và chính William là nguồn sức mạnh to lớn phía sau hất tung những kìm nén ấy, để lòng tự hào dân tộc, để tinh thần chiến đấu của mọi người vỡ ào ra, chảy tràn khắp không gian ảm đạm ấy, vẽ nên 1 gam màu bi thưong mà oai hùng đến rực rỡ. Những chiến thắng mà mãi muôn đời sau là những điểm son hào hùng nhất, vỹ đại nhất của lịch sử người Scotland, chinh phục tất cả tự hào của mọi niềm tự hào khác.

“Có những cái chết hoá thành bất tử, có những con người làm nên lịch sử.” Đó chính là cái chết thần thánh của William Wallace. Chết trong đau đớn thể xác ư? Đó đâu là 1 cái chết. Chết trong vinh quang, chết trong kiêu hãnh là 1 cuộc sống bất diệt, rạng danh ngàn đời. “AI RỒI CŨNG CHẾT, NHƯNG KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT SỐNG.” William ra đi để tạo 1 cơn sóng hồng như vũ như bão đẩy tinh thần và nhuệ khí của những chiến binh Scotland lên đỉnh điểm. Không khuất phục, không cúi đầu, chịu trừng phạt … và sẽ có những lời ca tụng, những giọt nước mắt chân thành lặng lẽ để tiễn đưa. Có gì để đáng tiếc đâu! 1 cuộc sống tạm bợ khép lại, 1 cuộc sống vĩnh hằng bao la phía trước.

Năm 1314, những người ái quốc Scotland tập hợp lại vô số kể, tràn ngập những cánh đồng Bannockburn. Họ chiến đấu như những chiến sỹ của thi ca, họ chiến đấu như những người Scot. Và họ đã chiến thắng cho TỰ DO.

Braveheart là 1 bộ phim rất thành công của Mel Gibson. Từng thước phim là linh hồn của Scotland quyện vào với tiếng kèn túi truyền thống, cảnh trí mang hình ảnh của 1 quốc đảo xinh đẹp, nên thơ tự bao đời. Đẹp và lãng mạn ngay trong cả những cảnh chiến đấu đẫm máu khi tiếng nhạc vẫn vang lên nồng ấm như xoáy vào tâm thức 1 niềm tự hào về 1 trang lịch sử bi hùng đầy chất thơ. Khán giả như được “no nê” với những chiến lược “táo bạo, bất ngờ”, những chiến trường đen xác người trông thật thảm thiết, những tình yêu thổn thức mãnh liệt mà âm thầm, những tội ác được phơi bày tàn bạo, và những cái chết … muôn hình muôn vẻ, từ thanh cao đến ê chề nhục nhã.

Giải Oscar cao quý nhất dành cho phim hay nhất cùng 4 giải Oscar khác năm 1995 chính là tặng phẩm xứng đáng với tầm vóc vỹ đại mà nội dung tư tưởng của Braveheart muốn truyền tải đến nhân loại. Sẽ lâu lắm để Braveheart vẫn luôn được xem là 1 kiệt tác của mọi thời đại. Lòng dũng cảm cho 1 tình yêu thiêng liêng. Đó là SỰ TỰ DO.


Posted

in

by

Comments

2 responses to “Trái tim dũng cảm của Scotland”

  1. draculina Avatar
    draculina

    Mặc dù tôi không thích “Braveheart” một tẹo nào nhưng bài viết của zie thật sự rất hay.

    Everybody is a sinner

  2. mgz Avatar
    mgz

    đề nghị ăn nói đoàng hoàng nhá,trietue

    tiếc là mgz chưa xem,nhưng Mgz tđược mấy sư huynh ghiền phim recommend lau lắm rùi,chỉ tại kazaa chưa có mà thui =)

Leave a Reply