Trao giải rồi là xong?

Một vấn đề hay được đặt ra là: các phim đoạt giải Cánh diều, Bông sen được giới thiệu đến công chúng ra sao và những người đoạt giải liệu có được hỗ trợ để phát triển tài năng sau đó?

Từ Cánh diều cho phim ngắn…

Cuối tháng 12.2007, những người làm phim trẻ cả nước được một phen nhộn nhịp với giải Cánh diều dành cho phim ngắn. Giải đã được trao với sự đồng thuận của cả ban giám khảo lẫn báo giới. Nhưng, sau khi chấm và trao giải, phim ai làm lại trở về nhà người nấy. Công chúng chẳng có cơ hội tiếp cận với thành quả và tâm huyết của một lớp đạo diễn mới, còn những tài năng trẻ thì vẫn phần ai nấy lo…

Ở giải Cánh diều dành cho phim ngắn năm 2007, ngoài Phương Khùng được trao giải vàng, Hoa cải về trời, Bờ bên kia, Ảo ảnh được trao giải bạc, các bộ phim được giải khuyến khích cũng hé lộ phần nào tài năng của những đạo diễn trẻ. Đặc biệt, bộ phim Hộp quẹt bật lửa của đạo diễn Nguyễn Nhật Duy đã làm kinh ngạc cả ban giám khảo lẫn cánh nhà báo. Cách thức rất riêng trong chỉ đạo diễn xuất, sự sáng tạo trong cách sử dụng các cú máy tĩnh, cộng với lối kể chuyện độc đáo đã bộc lộ rõ tài năng của đạo diễn trẻ này.

Không chỉ có các phim đoạt giải, ngay những phim không lọt vào danh sách 12 phim hay nhất vẫn le lói tài năng của các nhà làm phim trẻ, và họ xứng đáng được chăm sóc, vun bồi. Tuy nhiên, sau giải thưởng này, các nhà làm phim trẻ vẫn chưa nhận được hỗ trợ nào về mặt chuyên môn từ Hội Điện ảnh Việt Nam cũng như các tổ chức, đoàn thể khác. Ai còn đi học thì cứ tiếp tục việc học, ai đã học xong thì tiếp tục làm việc của mình. Khi có điều kiện, Hội Điện ảnh Việt Nam lại tổ chức các khóa ngắn hạn cho những người có phim đoạt giải. Và tất cả chỉ có vậy.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức những khóa bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho các bạn trẻ đoạt giải. Hội cũng muốn có cơ hội giới thiệu phim ngắn đoạt giải đến công chúng, qua việc chiếu giới thiệu phim ngắn trước giờ chiếu phim dài tại các rạp, như các nước trên thế giới vẫn làm. Thế nhưng việc này không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi mà còn phụ thuộc lớn vào các chủ rạp".

 

… đến những phim "vàng" bị bỏ quên

Ba năm một lần nở rộ Bông sen vàng hay hằng năm tung bay một Cánh diều vàng thì cả phim đoạt "sen vàng" lẫn "diều vàng" đều chưa được đầu tư đúng mức để đến với công chúng. Chuyện của Pao oanh liệt với 5 giải Cánh diều vàng 2005, khi ra rạp lại quá âm thầm giống y người đi đêm, buổi chiếu cho báo giới thì được thông tin theo kiểu "du kích rỉ tai". Sống trong sợ hãi cũng chẳng thể sủi tăm hơn khi việc tiếp thị chỉ là vài cái băng-rôn treo ngoài đường với mấy tấm poster hết sức sơ sài. Chấm hết. Không hề có website hoặc bất cứ hình thức quảng bá nào khác cho công chúng.

Đến Cánh diều vàng kiêm Bông sen vàng 2006 – phim Hà Nội, Hà Nội cũng cùng chung số phận. Ngoài tấm poster chỉ bằng nửa tờ giấy A4 in hình chen chữ chi chít chẳng đọc nổi, thì chẳng còn gì khác để chú ý. Khởi chiếu trong im lặng và ngưng chiếu trong lặng im. Không một động tác tiếp thị nào của cả nơi sinh ra (Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam) lẫn nơi phát hành (Fafilm Việt Nam) với một lý do rất khó tin: bản thân giải thưởng đã đủ để tiếp thị. Liệu những người có trách nhiệm quá chủ quan hay thực sự quá chậm tiến trong cạnh tranh thị trường?

Cánh diều vàng hay Bông sen vàng dù chưa có những phim xứng với kỳ vọng của khán giả, nhưng sự quan tâm của toàn xã hội với hai giải này là có thật và những người tổ chức giải không có quyền xem nhẹ sự quan tâm đó. Làm phim để làm gì, nếu không phải để cho công chúng thưởng thức và đánh giá? Sao lại có thể phí phạm cả tiền làm phim, lao động nghệ thuật của các tác giả lẫn sự trông đợi của công chúng như thế? Sao lại làm phim chỉ để trao giải rồi sau đó đem cất vào kho một cách không thương tiếc? Sao những tài năng hé lộ đều bị lạnh nhạt sau khi được huy động chỉ để gây không khí cho thời gian dự giải?

Cứ tiếp tục tổ chức, trao giải và đối xử với tác phẩm được giải kiểu này thì đến bao giờ điện ảnh Việt Nam mới có được vụ bội thu?


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply