Triệu Vy và ước vọng trở thành nghệ sĩ thực thụ

Được tạp chí Forbes xếp vào hạng 3 trên danh sách các nhân vật (không chính trị) nổi tiếng nhất Trung Quốc (hạng nhất là cầu thủ bóng rổ Yao Ming, hạng nhì, nữ diễn viên Chương Tử Di) chưa làm cho Triệu Vy được thoả mãn. Vì cô muốn được công nhận là một nghệ sĩ thực thụ chứ không đơn giản chỉ là một “cục cưng” Trung Hoa.

Tài sắc vẹn toàn

Sau 6 năm nổi danh, Triệu Vy (Vicky Zhao) dường như vẫn chưa nhận biết hết được giá trị độc nhất của mình là cao đến cỡ nào theo nhãn quan của đám đông hâm mộ. Và dường như cô cũng chưa hề biết rõ mình là gì, muốn gì kể từ khi còn là cô gái bé nhỏ. “Tôi chẳng dám nghĩ đến việc trở thành diễn viên vì lúc ấy cứ cho rằng phải thật đẹp thì mới được làm diễn viên. Tôi cho rằng mình thật bình thường như mọi chúng bạn cùng tuổi”, Triệu Vy tâm sự. Cho nên dù có được Forbes liệt vào hạng trên Top các nhân vật nổi tiếng nhất ở Trung Quốc năm 2004 và được độc giả tạp chí FHM (bản phát hành tại Singapore) bình chọn là phụ nữ gợi cảm hạng nhì thế giới (sau Anna Kournikova) năm 2002, cô vẫn “cần có nhiều người làm gương soi cho mình vì đôi khi thật khó để nhận biết được chính mình”.

Phim châu Á tại LIÊN HOAN PHIM QUỐC TẾ Cannes 2004 (12-23.5)

Trong số 18 phim chính thức dự tranh giải Cành cọ vàng và các giải thưởng quan trọng khác của LHPQT Cannes 2004 có các phim châu Á sau:

Hongkong năm 2046 (đạo diễn Wong Kar-Wai, Hongkong)

Ngây thơ (đạo diễn Nhật Mamoru Oshii)

Trai già (đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook)

Đàn bà là tương lai của đàn ông (đạo diễn Hàn Quốc Hong Sang-soo)

Bệnh nhiệt đới (đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethani)

Chỉ chiếu giới thiệu, không dự thi:

Phim võ thuật lịch sử mới nhất của Trương Nghệ Mưu, Nhà phi kiếm (Lưu Đức Hoa và Chương Tử Di)

Phim Những nẻo đường của đạo diễn Trung Quốc Yang Chao

Phim Trường kiếm ở mặt trăng của đạo diễn Hàn Quốc Kim Eui-suk

Năm 2002, Triệu Vy đã xuất sắc trong vai một nữ hacker trong phim So close cạnh Thư Kỳ và Mạc Vân Uy. Cô đã diễn những cảnh nhào lộn nguy hiểm khi đấu với Yasuaki Kurata ở các thang máy không thua kém gì các đồng nghiệp nữ khác. Gần đây khi được Richard Corliss (một nhà phê bình phim ảnh người Mỹ có uy tín) hỏi cô đánh giá thế nào về vai diễn của mình nếu so với tài diễn xuất của Mạc Vân Uy thì cô trả lời: “Lúc thu hình So close tôi đã chẳng biết mình ở cấp độ nào. Còn bây giờ cũng không biết nữa. Ông hãy chỉ cho tôi biết những tính cách riêng của tôi ở vai trò một diễn viên?”.

Richard Corlisss đã nhận xét, trước nhất, Triệu Vy rất xinh đẹp, “ăn ảnh”. Thứ hai, cô có sẵn món quà tạo hoá ban cho là tài thu phục tình cảm của người đối diện một cách thật tế nhị, tự nhiên và rất nhanh. Thứ ba, khi diễn chung trường đoạn phim với những Khương Văn (một Robert de Niro người Trung Quốc); Ekin Cheng (siêu sao trẻ Hongkong) hoặc Tạ Đình Phong, cô vẫn toả sáng, thu hút sự chú ý. Giới trong nghề gọi đó là khí chất tự nhiên nơi một diễn viên thực thụ.

Nhờ các “tố chất” này mà Triệu Vy đã thu hút được sự mến mộ của khán giả khắp năm châu. Trong phim võ thuật hài Bóng đá Thiếu lâm, cô đã nhận vai cô gái bán bánh với cái đầu trọc để rồi được đưa lên bìa tuần báo Time (bản phát hành tại châu Á). Trong Cô gái lý tưởng trong mơ, Triệu Vy đã diễn vai thiếu nữ khù khờ rất đáng yêu. Năm qua, cô còn thành công hơn khi đóng cạnh Khương Văn trong Chiến binh Thiên địa và hai vai (sinh viên siêng học và nghệ sĩ dương cầm cực kỳ gợi cảm) trong Trà xanh.

Tiếng thơm bay xa

Năm nay Triệu Vy thủ vai nữ chính (An Xin, một cảnh sát bị giằng co giữa danh dự trách nhiệm và tình yêu do cô lỡ yêu và có thai với một tên buôn lậu ma túy mà cô được lệnh theo dõi và tìm cách bắt) cạnh Tạ Đình Phong trong phim hình sự bi Nữ thần từ bi của nữ đạo diễn Ann Hui.Đây chắc chắn sẽ là phim đưa tên tuổi của cô bay xa.

Thực tế là danh thơm của cô đã lan toả ra khỏi quê hương Wuhu, một thành phố có 2 triệu cư dân ở tỉnh An Huy, nơi cô đã chào đời cách nay 28 năm. Bố của Triệu Vy là kỹ sư thiết kế đồ gia dụng, mẹ là cô giáo. “Bố mẹ tôi là những người có học nên tôi được nuôi lớn lên trong tư tưởng nếu không có học hành thì sẽ chỉ là con số không trong xã hội”, Triệu Vy kể. “Việc tôi trở thành diễn viên là kết quả của định mệnh chứ tôi nghĩ mình sẽ theo nghề dạy học”.

Sau nhiều lần đơn xin dạy học bị từ chối, Triệu Vy vô tình đọc được trên báo tin có trường điện ảnh mới vừa được Tạ Hiến (bố của Tạ Đình Phong và là một nhà làm phim nổi tiếng với 40 năm trong nghề ở Trung Quốc) mở ra. Cô đã đến ghi danh. Nhưng trước nhất là phải thi diễn thử với một nữ ứng cử viên khác. “Cô ta diễn rất cứng, rất dữ khiến tôi bật khóc và cứ khóc mãi cho đến khi thầy Tạ Hiến bảo tôi vào trong nghỉ. Tôi nghĩ mình đã thất bại”, cô kể tiếp.

Nhưng không ngờ, chính bậc thầy Tạ Hiến đã bị chinh phục. Ông giao cho Triệu Vy vai quan trọng trong Thiên thần nhà tù. Sự nghiệp điện ảnh của Triệu Vy cất cánh từ đó và là cơ hội cho cô tham gia vai chính trong loạt phim truyền hình hợp tác Trung Quốc – Đài Loan, Princess Pearl để từ đó được đông đảo khán giả người Trung Quốc và người Hoa ở châu Âu và Bắc Mỹ biết đến. “Loạt phim ấy đã đòi hỏi rất nhiều sức lực của chúng tôi vì ngày nào cũng thu hình từ 18 đến 20 tiếng”, Triệu Vy kể. “May là lúc ấy tôi còn rất trẻ nên còn sức bền tốt hơn bây giờ”. Năm ấy Triệu Vy mới 22 tuổi

Sài Gòn Tiếp Thị Theo The Time


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply