Trò Chơi Đồng Đội

We’re part of game. No star but team…

Một sáng chủ nhật đẹp trời, khi ta đến sân bóng để ủng hộ cho đội tuyển mình yêu thích (nhưng đã liên tục thua bốn trận trong mùa giải này), trong lòng ta có háo hức cổ vũ, hay lo âu lại xem một buổi diễn buồn hay…? Với những con người trong cuộc kia, họ còn lo lắng hơn, họ còn đau khổ hơn. Ông huấn luyện viên già khó chịu, anh đội trưởng bị chấn thương mà lúc lúc nào cũng đòi vào đấu, cô nàng bỏ tiền nuôi đội bóng thì cứ ỏng a ỏng ẻo nghĩ đến hầu bao của mình…Tất cả đều mong đến một ngày chủ nhật đẹp trời, đội bóng của mình sẽ chiến thắng…
Đó là câu chuyện phim Any Given Sunday , một câu chuyện tưởng chừng như đơn giản mà lắm mối quan hệ phức tạp. Oliver Stone đã xây dựng quá thành công từng tính cách của mỗi nhân vật, mà lấy lời của ngài huấn luyện viên nói từ đầu đến cuối phim: chúng ta phải giành từng milimet một trên sân , thì Oliver Stone cũng giành từng milimet một cho mỗi nhân cách của những con người kia, chăm chút để họ thật hơn, người hơn chứ không chỉ là những nhân vật điện ảnh đầy sáo rỗng.

Tony D’amato là một huấn luyện viên không còn trẻ, vấn đề tài năng hay không thì nhìn vào kết cục 4 trận thua liên tiếp cũng không khỏi trách người khác chê ông là dở tệ. Tony từng là một cầu thủ bóng bầu dục xuất sắc, ông có kinh nghiệm, ông có tài ăn nói để khích lệ cầu thủ của mình. Nhưng cái đám trẻ thì ghét ông, nhất là những kẻ có chút tài năng vừa mới nổi lên. Cô nàng Christina Pagniacci, cứ xem là ông bầu của đội bóng Cá Mập này, thì ỏng a ỏng ẹo than phiền ông đang làm cho đội bóng ngày càng tệ hại. Cho đến khi mọi chuyện căng thẳng đến cực độ, cô ta gào vào mặt ông: ông có biết vì sao cha tôi lại để đội bóng cho tôi, một đứa chẳng biết gì về bóng bầu dục, thay vì giao cho người bạn thân nhất của ông ta, một cầu thủ tuyệt vời, một huấn luyện viên xuất sắc không? Vì ông dỏm ẹc, và cha tôi chẳng tin ông…Tony ngậm ngùi lắm, đau lòng lắm. Cuộc sống của ông chỉ có bóng bầu dục, và bóng bầu dục chính la cuộc đời của ông. Thế mà một đứa con gái ranh lại mắng vào mặt ông như thế…Đau lòng hơn, thằng cầu thủ lanh lẹ mà vô học Willie Beauman còn lên truyền hình đùa “Ông HLV đồ đá” này, ông HLV đồ đá nọ…đây là thời của những người trẻ, thời của các cụ đã qua…Nó không nhận ra chính ông là người đã đưa nó ra sân, đã động viên nó ngay lúc cả đội bóng gần như sụp đổ…”Quên hết đấu pháp đi, hãy cố chạy, hãy cố giành từng milimet một…” Ông dạy cho nó, thế mà nó đã vội quên ngay, quay ra phỉ báng ông.

Willie Beauman chỉ vài ngày trước bị gã trên truyền hình cười ré vào mặt khi quay cảnh anh chàng ói trên sân bóng, thế mà sau trận thắng của Cá Mập, mà công phần nhiều là từ cậu, khi mà Willie bỏ ngoài tai đấu pháp của HLV để chơi theo kiểu của mình, cậu chàng đã là ngôi sao. Ngôi sao một cách thật sự, từ truyền hình, đến báo chí, đến cả tham gia ca nhạc hát hò trên MTV đều có mặt cả. Willie hoá thành ngôi sao thì Christina mừng rơn, nhưng những người xung quanh cậu thì bỏ mặc. Cô bạn gái bấy lâu chung sống ra đi vì thói đàn điếm của một “ngôi sao bóng bầu dục” mới nổi, ông HLV nổi điên vì mọi đấu pháp đưa ra đều bị cậu ta bỏ đi để chơi theo cách mới. Xét về khiá cạnh nào đó, Willie có tài thật. Nhưng cậu ta không tồn tại được lâu, đúng y như Tony nói, vì câu ta đã chơi ngược với tinh thần của môn bóng. Willie tưởng Tony ganh ghét cậu, Willie tưởng mình là số một. Tony hiểu, Tony gọi cậu đến nhà để nói chuyện và Willie chửi vào mặt ông. “Tôi không thích là bóng ma trên tường như những ngôi sao bóng bầu dục trước đây. tôi muốn hơn như thế, tôi vào cuộc là để tìm chiến thắng…”

Tony lắc đầu cười” Bóng bầu dục không phải là thế. Cái đích cuối cùng không phải là chiến thắng, mà là cái đẹp. Chúng ta chiến đấu vì cái đẹp, vì đồng đội. Nếu cậu không lấy được niềm tin của đồng đội, cậu chẳng là cái gì cả. Hãy nên nhớ, chiến thắng thuộc về đồng đội chứ không phải của bất kỳ một cá nhân nào. Họ lăn xả hy sinh là vì cậu, và chiến thắng đó là của chung.”…Williw cười khếch” tôi đã hy sinh nhiều mà đéo nhận được cái gì. Các ông chỉ luôn mồm nói phải hy sinh, nhưng chính bọn HLV và bầu đã ôm hết tiền trên mồ hôi, công sức của chúng tôi. Tôi không hy sinh gì cả, mọi thứ đó là của tôi, và tôi đã bỏ sức để đạt được nó…”

Cũng như mọi môn thể thao tập thể khác, tinh thần đồng đội là quan trọng nhất. Tôi thích bộ phim này vì nó thật sự tô điểm rõ nét điều đó. Mà không chỉ trong môn bóng này mà cả trong cuộc sống này, thành công của mỗi cá nhân đều do một tập thể hỗ trợ. Nhưng có mấy ai biết điều đó. Mọi người tưởng họ là ngôi sao, là tài năng và chẳng cần phải cám ơn ai, chẳng cần phải nghĩ tới ai. Tôi từng là một trong số đó, tôi đã sai lầm mà chẳng biết đường về. Khi nhận ra điều ấy quá muộn, có thể chúng ta sẽ chẳng có lối quay về mà phải bắt đầu lại từ con số không. Willie đã sai lầm khi khinh thường đồng đội. Không ai thèm truy cản đối phương cho cậu thể hiện cái “sức mạnh tiềm ẩn” cả. Willie thua trong nhục nhã, thua cay đắng, không một cú ghi bàn vì chưa kịp chạm bóng đã bị đối phương quật ngã. Tony nổi điên “các anh đã hạ nhục HLV…” Ông không quan tâm đến chuyện thằng nhóc chơi ông bị trả giá, điều ông muốn là đội bóng chiến thắng. Nhưng Tony cũng muốn cho thằng nhóc bài học, ông loại nó ra khỏi đội bóng, cho vào ghế dự bị ngay khi đội trưởng Rocky bình phục. Rocky ngày nào oai vệ, sung sức thì sau cú chấn thương, anh ta trở nên e dè, lo sợ, nghĩ mình đã bị gãy cổ, vẹo cột sống v.v… Cho đến khi cô vợ tát vào mặt thì mới tỉnh ngộ ra một tí. Dĩ nhiên Christina cũng điên lên, Cô muốn Willie và chơi vì chỉ có Willie mới đem lại chiến thắng, đem lại tiền. Nhưng Tony biết rằng, thời của Willie chưa tới, cậu đang làm đồng đội chán ghét và cho vào thì chỉ có thua.

Anh chàng Cá Mập thì năn nỉ “cho tôi đấu một trận nữa thôi, tôi cần 1 triệu đô, tôi đã vì ông 17 năm, hãy vì tôi một lần”. Bác sĩ nói chỉ cần thêm một cú va chạm nữa, Cá Mập có thể bị bại liệt vĩnh viễn, có thể chết bất đác kỳ tử…Tony không biết phải làm sao. Tay bác sỹ đã làm giả hồ sơ, nhưng cũng chỉ vi bảo vệ tính mạng cho Cá mập…mọi chuyện rối bung. Mà cũng nhờ đó, Cá mập hiểu rằng chỉ nhanh thôi, thời của các ngôi sao bóng đá sẽ tan biến, hôm qua họ tung hô anh, hôm sau đã dèm pha dè bỉu. Anh thấy thương cho nhóc Willie, anh nói cho nó hiểu ý nghĩa của trò chơi bạo lực này. Xem ra Willie đã ngấm…

Trận đấu quyết định. Sự hy sinh của đồng đội đã thức tỉnh Willie. Rocky lăn xả để giành từng con điểm mà quên cả chấn thương của mình. Cá mập chặn một cú bóng cuối đời của mình để đem đến cho đội bóng bàn thắng quyết định, anh ra sân trên băng ca trong tiếng reo hò của bao khán giả…Willie hiểu anh là ai, anh là gì, anh đứng ở đâu. Tony đến và nói” còn nhớ những lời tôi dặn không?” Willie cười ” tôi gớm ghê cái món cơm Jambalaya của ông lắm…tôi ói suốt trên sân cũng là thế…” Ít ai nhận ra được cứ mỗi lần Willie ói, cậu lại làm một cú xuất thần. Tony biết. Rocky biết…Thế nên trong khi đối phương và khán giả cười rũ rượi khi thấy Willie ói mửa trên sân, Rocky cười to mà rằng” Rất mừng khi thấy anh…lại ói”. Trong khi đó thì Christina mắt thẫn thờ lo sợ đội bóng mình bị thua, cô ta lồng lên quát tháo với Tony…và biết mình đã hố. Dù sao, Chiristina cũng chỉ muốn đội bóng thắng. Dù sao, cô cũng hiểu giá trị của cuộc đời này, ý nghĩa của nó với mỗi con người dưới kia. Dù sao thì Christina cũng biết cô đã sai, cô nắm tay mẹ và khóc…”con xin lỗi…” Dù sao, sau đó cô cũng bị ngài Tony mà cô từng chửi vào mặt (nhưng thật tâm cô rất “yêu thương và kính trọng”) chơi một vố đau điếng cuối cùng. Willie vào sân, anh xin lỗi bạn bè và cùng họ chiến đấu. Anh không là ngôi sao, mà chỉ là môt phần của đội bóng. Anh nhận thức rõ anh cũng như mọi người, chỉ là một phần của trò chơi, không hề có ngôi sao mà tất cả đều là đồng đội. Anh hy sinh bóng cho bạn không chút ích kỷ, anh đấu tranh giành từng milimet một trên mặt sân. Chỉ với 4 giây, đội bóng Cá mập tìm lại chiến thắng…4 giây của tình bạn, tình anh em, tình đồng đội…

Phim quay những cảnh đấu bóng tuyệt đẹp, mà cả những cảnh trò chuyện cũng được cắt cảnh rất ý nghĩa. Những hình ảnh đan xen minh hoạ cho lời nói, nhạc phim hoà vào từng khung hình, từng khuôn mặt diễn xuất của diễn viên tạo nên một khối tổng thể đầy màu sắc hoà trộn khắng khít với nhau. Những câu nói đầy ý nghĩa không chỉ dành cho bóng đá mà cả cuộc sống, những khung hình đẹp và mô tả cái hiện hữu trong đầu óc mỗi con người chứ không phải cái thật chúng ta nhìn thấy ngoài đời. Oliver Stone là thế, luôn luôn sáng tạo, luôn luôn tư duy.

Al Pacino đóng tuyệt, bởi vai diễn này là vai diễn của ông, vai diễn thể hiện rõ con người của ông, một chút “cáo già” ranh mãnh, nhưng lại uy lực trong hành động, lại pha chút buồn buồn cuộc sống đối xử tệ bạc với mình, một ông già đầy kinh nghiệm nhưng lai sợ hết thời…

Cameron Diaz xinh đẹp, thật xinh đẹp. Trong vai một người bỏ tiền ra để giữ đội bóng cho người cha quá cố, Cameron Diaz tỏ ra rất xuất sắc trong vai diễn của mình.

Jamie Foxx thì qua mặt Dennis Quaid trong nhân vật lẫn trong diễn xuất. Vai diễn Willie Beauman của anh lột tả được cái bệnh ngôi sao của những ngôi sao mới nổi ngày nay: sốc láo và kênh kiệu nhưng rồi nhận ra mình là kẻ lạc loài. Dennis Quaid trầm tư, căng thẳng và đầy ưu phiền cho Rocky, anh đội trưởng bị chấn thương. James Wood vẫn thế, khuôn mặt không ác không tà mà cũng chẳng thiện trong vai ông bác sỹ. Ông ta sai hay đúng? Ông ta tốt hay xấu…cái ranh giới ấy quá mập mờ, mập mờ như chính thật cuộc đời này.

Nếu cho điểm, tôi cho bộ phim này 4/5, hình ảnh 5/5 và đạo diễn 5/5.

==========================================

Phim không có giải thưởng. Bạo lực. Không dành cho trẻ em dưới 18. (Rated R)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply