Tư nhân làm điện ảnh đâu chỉ để kiếm tiền!

Đêm ra mắt chính thức Áo lụa Hà Đông tại Hà Nội, phòng chiếu lớn nhất của Trung tâm chiếu phim quốc gia với gần 500 chỗ ngồi – vốn luôn mênh mông rộng với phim Việt Nam – chật kín, cộng thêm mấy chục người đứng đầy lối đi. Quang cảnh này 4 năm nay mới thấy lại đối với dòng phim nghệ thuật Việt Nam.

Áo lụa Hà Đông được dư luận quan tâm không chỉ vì số tiền làm phim lên đến 15 tỉ đồng, tiền PR cũng ngót nghét 1 tỉ, không chỉ vì phim đoạt giải khán giả bình chọn trong LHP quốc tế Pusan mà quan trọng hơn, dân tình đang háo hức theo dõi một "đại gia" mới nổi của điện ảnh tư nhân Việt Nam – Phước Sang (của Khi đàn ông có bầu, Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ) "húc đầu" vào dòng phim nghệ thuật, vốn được coi là "lãnh địa sang trọng" của điện ảnh nhà nước như thế nào.

Sau buổi trình chiếu tại Hà Nội, rất nhiều người ôm hôn Phước Sang chúc mừng. Đạo diễn Trần Văn Thủy thốt lên: "Phước Sang ơi, biết thế này thì giá như xã hội hóa điện ảnh từ năm mươi năm trước có phải là tốt không!". Phước Sang rất thích lời chúc mừng này. Còn một quan chức cao cấp của Bộ VH – TT thì mong muốn Phước Sang tham gia thực hiện phim 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tất nhiên, dù là lời mời chỉ để thể hiện sự tin tưởng thì cũng là một tín hiệu vui: ngay các quan chức nhà nước cũng đã buộc phải có cái nhìn khác về việc tư nhân làm điện ảnh.

Phước Sang lý giải về việc lý do làm Áo lụa Hà Đông, dòng phim chắc chắn thu hút ít khán giả hơn Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ…: "Tư nhân làm điện ảnh đâu chỉ để kiếm tiền, ai chẳng muốn có phim để đời, chất lượng nghệ thuật cao. Vấn đề tiên quyết là phải biết làm vào thời điểm nào, đối tượng khán giả là ai". Nếu chưa có Đẻ mướn, Khi đàn ông có bầu… với những thành công vang dội về doanh thu thì chắc chắn, Phước Sang không dại gì lao vào làm Áo lụa Hà Đông ngay. Một phim không thu hồi được vốn là phá sản luôn. Sau một thời gian ngắn công chiếu, theo Phước Sang, tổng doanh thu hai miền Nam Bắc khoảng 1,3 – 1,4 tỉ đồng. Anh nói: "Cầu mong tiền bán vé được khoảng 3 tỉ là mừng rồi". Vậy, 12 – 13 tỉ nữa thu hồi ra sao? "Tất nhiên là mang phim đi bán ở nước ngoài". Nói thế đủ hiểu rằng, con đường phát hành phim, thu hồi vốn, Phước Sang đã tính từ khi phim còn "trứng nước". Sau thành công tại LHP Pusan, một số công ty của Hàn Quốc, Singapore, Canada, các nước Tây Âu đã đặt mua Áo lụa Hà Đông. Phước Sang khẳng định chắc nịch: "Chắc chắn là thu hồi đủ vốn".

Chưa thể tặng cho Áo lụa Hà Đông một từ "xuất sắc" về nội dung và nghệ thuật của phim, giới làm phim và phê bình phim còn tranh cãi rất nhiều về nghệ thuật, học thuật của phim. "Bản thân sự tranh cãi cũng là thành công rồi" – Phước Sang khẳng định. Nhưng chắc chắn Áo lụa Hà Đông sẽ là bộ phim tiên phong làm thay đổi mạnh mẽ quan niệm của giới chức điện ảnh cũng như của khán giả: tư nhân hoàn toàn có thể thành công với dòng phim thể nghiệm nghệ thuật. Và chắc chắn, sau Áo lụa Hà Đông, khán giả hoàn toàn có lý do chính đáng để tiếp tục bức xúc nếu Nhà nước còn rót vốn vào những bộ phim ngốn hàng chục tỉ đồng mà hiệu quả, ảnh hưởng với xã hội thì chỉ là những thứ xa vời (các bộ phim Giải phóng Sài Gòn, Hà Nội 12 ngày đêm, Hoa ban đỏ… là những minh chứng sinh động nhất).

——

 Theo thông tin mới nhất, cùng với lời đề nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam, Công ty cổ phần giải trí Phước Sang đang có ý định "bắt tay" với Hãng phim Hội Điện ảnh để thực hiện phim Em muốn là người nổi tiếng. Hai bên đang trong quá trình thảo luận về các điều kiện góp vốn, thực hiện sản xuất và chia sẻ lợi nhuận. Nếu thành công, sản phẩm phối hợp đầu tiên giữa điện ảnh nhà nước và tư nhân này sẽ ra mắt khán giả cuối năm 2007.

——-

L.D

http://www2.thanhnien.com.vn/Vanhoa/Dienanh/2007/3/21/185807.tno 

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply