Vài điều sơ lược về ngành nghệ thuật thứ 7 – Phần 1

Tặng yang và bạn

(Lược dịch từ The cinema – John Escott)

1. Hãy cùng đến rạp xem phim!

Ngày nay việc mua hay thuê một cuốn băng để xem phim ở nhà là rất thông dụng, tuy nhiên hàng triệu người trên thế giới vẫn thích đi đến rạp để xem phim. Và trước khi tivi xuất hiện, việc đi xem phim là một điều gì đó rất đặc biệt.

Thời vàng son của nền nghệ thuật thứ bảy là những năm giữa 1930 và 1950. Những ngôi sao điện ảnh bấy giờ được xem như những ông hoàng, bà chúa. Và rạp chiếu phim là nơi mà chỉ cần bỏ ra một số tiền mua vé là bạn có thể xâm nhập vào thế giới kỳ diệu – thế giới mà mọi điều luôn có thể xảy ra.

Năm 1939 – năm đầu tiên công chiếu bộ phim Cuốn theo chiều gió – đã có 30.000 người làm việc trong những hãng phim lớn ở Hollywood. Trung bình họ sản xuất khoảng 400 phim mỗi năm. Năm 1946 đã có 1.650.000.000 vé xem phim được bán ra ở Anh. Người Mỹ gọi những hình ảnh chuyển động (moving pictures) là phim ảnh (the movies), và 55 triệu người trong số họ đi xem phim mỗi tuần.

Nhưng tất cả những việc này bắt đầu như thế nào…?

2. Thời gian đầu

Những hình ảnh chuyển động đầu tiên chỉ đơn giản là loại “rối bóng” (shadow shows, shadow plays). Sau đó đèn chiếu ma thuật (magic lantern) xuất hiện, dùng để chiếu những tấm kính màu lên màn. Loại này rất thông dụng ở Châu Âu vào thế kỷ 18, chu du khắp các làng quê đến thành phố.
Vào những năm 1820, Nicépjore Niépce khai sinh ra ngành nhiếp ảnh, những tấm ảnh chụp được thay thế dần cho những bản kính màu đắt tiền. Nhưng chúng không thể chuyển động được. Để làm phim người ta phải chụp 1 số lượng lớn ảnh với tốc độ nhanh, sau đó chúng được máy chiếu lên từng tấm một và hình ảnh chuyển động.

Năm 1878, nhiếp ảnh gia người Anh, Eadweard Muybridge, nhưng sống ở California, bố trí cùng lúc 12 máy chụp sau một đường đua và chụp được những bức ảnh của một tay đua ngựa rất nhanh, từng tấm một. Nhà phát minh người Mỹ – Thomas Edison – đã rất thích thú với công việc này của Muybridge. Vào khoảng 1890, William K. L. Dickson cùng với Edison thực hiện việc làm chuyển động hình ảnh với một thiết bị được gọi là Kinetograph.

Năm 1893 xưởng phim đầu tiên trên thế giới được xây dựng bởi Edison nằm ở West Orange, New Jersey. Những buổi biểu diễn như Bauffalo Bill’s Wild West Show, Barnum và Bailey’s Circus đã được thực hiện ở đây. Sau đó chúng được chiếu bằng máy Kinetoscope. Loại máy này không đưa hình ảnh lên màn mà có những khe hở nhỏ cho phép mỗi người có thể xem trong một khoảng thời gian nhất định.

Sau này anh em nhà Lumière, người Pháp, đã sáng chế ra máy Cinematographe kết hợp máy quay và máy chiếu với nhau, cho phép một số đông khán giả xem được phim chiếu trên màn. Và vì bộ phim được thực hiện dài hơn nên người ta càng vui vẻ bỏ nhiều tiền hơn để xem phim.

Anh em nhà Lumière thực hiện buổi biểu diễn đầu tiên về máy Cinematographe ở Paris vào 28/12/1895, trong một căn phòng dưới một quán cà phê tầng hầm – số 14 đại lộ Capucines. Có tổng cộng là 100 chiếc ghế ngồi, nhưng chỉ có 35 ghế được bán với giá 1 frace để xem phim. Ta có thể xem đây là buổi chiếu phim đầu tiên trên thế giới.

Khi Edison giới thiệu máy chiếu Vitascope ở New York vào 23/4/1896 thì cho đến cuối năm, phim ảnh đã xuất hiện ở hầu hết Châu Âu và Mỹ.

Ban đầu, người ta không để ý đến những gì họ được xem mà họ chỉ thích thú với việc xem được những hình ảnh thật về đời sống của mình. Nhưng khi các bộ phim có cốt truyện xuất hiện thì một người Pháp, Georges Meliès, bắt đầu sử dụng những tấm ảnh độc đáo để tạo nên những hình ảnh lạ mắt, và đó là những gì đầu tiên của cái chúng ta gọi là hiệu ứng đặc biệt.

3. Điện ảnh bước chân đến Hollywood

Mọi việc bắt đầu từ đôi vợ chồng người vùng Kansas, Harvey và Daidia Wilcox, đến Los Angeles vào năm 1883, khi đó họ chỉ là những người nông dân trồng cam và chanh. Ba năm sau, họ đã sở hữu một vùng đất rộng đến 50 hecta mà họ gọi là Hollywood.

Sau đó, nhà Wilcox dần dần bán từng mảnh đất một, và xưởng phim đầu tiên của Hollywood được xây vào 1911 bởi công ty Nestor. Những nhà làm phim người Mỹ kéo đến California vì khí hậu ở đây ôn hòa, và vì giá nhân công rất rẻ. Năm 1913 Cecil B. DeMille đến Hollywood và sau này dựng nên hãng phim Paramount. Hãng phim Universal cùng lúc đó cũng tiến hành xây dựng, còn hãng Fox thì xuất hiện hai năm sau đó (sau này sáp nhập vào hãng 20th Century Pictures năm 1935), hãng United Artists vào năm 1919 và Warner Brothers, MGM, Columbia thì có mặt đầu những năm 1920.

Những bộ phim ban đầu không có âm thanh. Những lời thoại của diễn viên xuất hiện trên các bảng nhỏ được chiếu khoảng 20 giây một lần. Âm nhạc cho bộ phim được chơi bởi một dàn nhạc hoặc một người chơi piano.

Edwin S. Porter là nhà làm phim đã giới thiệu cách biên tập phim bằng cách cắt các đoạn phim và ghép chúng lại theo một thứ tự khác trước. Cách làm này đã tạo ra thêm nhiều sự thú vị cho người xem. Bộ phim The great train robbery (1903) của ông cũng có sử dụng kỹ thuật này.

Mãi cho đến năm 1910, khán giả xem phim vẫn không biết được tên của các diễn viên mà họ yêu thích. Lúc bấy giờ, những diễn viên nữ thường được gọi là “Những cô gái màn ảnh” hoặc không được nêu tên. Carl Laemmle, chủ tịch của Independent Motion Pictures (sau này trở thành hãng phim Universal) là người đầu tiên đưa tên một diễn viên lên phim, khi ông nhận diễn viên Florence Lawrence vào hãng. Cho đến khoảng 1913 thì tất cả các hãng phim đều thực hiện việc này.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply