Vài điều sơ lược về ngành nghệ thuật thứ 7 – Phần 3

6. Hệ thống quản lý diễn viên

Vào 1932, một loại máy quay mới ra đời cùng với sự giới thiệu của hãng Technicolor là sẽ đem lại cho khán giả những thước phim có màu sắc trung thực nhất. Dĩ nhiên là việc quay phim màu rất đắt tiền, nhưng không bao lâu sau mọi bộ phim đều sử dụng máy quay này, tạo nên một thời kỳ điện ảnh sắc màu rực rỡ.

Thời vàng son của ngành điện ảnh thứ 7 vẫn tiếp tục kéo dài cho đến những năm 1940. Khán giả đổ xô, kéo nhau đến rạp và thưởng thức những bộ phim tuyệt vời như Citizen Kane, Casablanca, Double indemnity… và những bộ phim nhạc kịch như Meet me in St Louis, Eatser Parade…

Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ 2, vẫn có rất nhiều người đến rạp xem phim, vì họ có thể vừa xem phim, vừa xem được các bộ phim thời sự nóng bỏng, tổng hợp được các tin tức và hình ảnh về cuộc chiến tranh.

Thời gian này mỗi diễn viên làm việc cho một hãng phim. Điều này được xem như là một hệ thống quản lý các ngôi sao. Hãng MGM đã từng tuyên bố với mọi người rằng họ có rất nhiều ngôi sao thậm chí hơn cả sao trên trời, như Judy Garland, Mickey Rooney, Jean Harlow, Spencer Tracy, Clark Gable, Joan Crawford…

Mỗi hãng phim đều chọn hoặc viết riêng kịch bản cho những diễn viên “sao” của họ. Và thỉnh thoảng đạo diễn của hãng phim này được mời đến thực hiện phim cho hãng kia chỉ vì diễn viên của hãng đó thích làm việc với đạo diễn này. Hoặc một nhà quay phim nào đó cũng có thể được mời nếu anh ta biết cách làm cho diễn viên trông xinh đẹp nhất khi lên màn ảnh.

Ngoài ra mỗi năm còn có giải thưởng Hàn lâm về điện ảnh do Viện Hàn lâm về nghệ thuật điện ảnh và khoa học của Mỹ tổ chức. Giải này thường được biết đến với tên gọi “Oscar”, và tên gọi này được cho là xuất phát từ việc bức tượng trao giải rất giống với ông cậu Oscar của Margaret Herrick – một phụ nữ làm việc torng thư viện của Viện Hàn lâm. Giải thưởng này được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 5/1929, và dĩ nhiên là chỉ trao cho các phim câm. Vào năm 1930 lễ trao giải được phát trên radio, và ngày nay thì có đến hàng triệu người trên thế giới được xem chúng trên TV.

7. To hơn và tốt hơn!

Những năm 1950 mọi người bắt đầu giảm những số lần đi đến rạp chiếu phim bằng cách ở nhà xem TV. Những hàng người xếp hàng rồng rắn ở cửa rạp ngắn dần đi, điều này khiến các nhà làm phim quyết định phải “chống trả lại”. Họ tìm đủ cách để tạo nên những bộ dạng mới cho các bộ phim.
TV trong thời gian này chỉ là trắng đen và khung ảnh thì rất nhỏ. Vì vậy các nhà làm phim đã xây dựng nên Cinemascope (màn ảnh rộng) nhằm chiếu phim trên các màn ảnh rộng đến mức có thể, và dĩ nhiên, với hình ảnh màu. Và cụm từ “big screens” – “màn ảnh lớn” được xem như là “big films” – những bộ phim có thể xem tốt trên màn ảnh rộng, như The robe (1953), Ben Hur (1959)…

Sau này xuất hiện kỹ thuật 3D, khi xem phim khán giả sẽ có cảm giác rất thật với những tình tiết trong phim. Warner Brothers đã rất thành công với bộ phim House of wax (1953), và có tất cả khoảng 20 bộ phim làm theo kỹ thuật 3D này trong năm đó. Bộ phim Dial M for murder (1954) của Alfred Hitchcock cũng được khán giả yêu thích. Khi xem phim dạng này khán giả phải đeo một loại kính đặc biệt để có thể thấy được những hiệu ứng đặc biệt của 3D, và chính điều này đã làm cho khán giả cảm thấy dần chán nản. Vì thế các nhà làm phim đã ngưng sản xuất loại phim này.

Phim màn ảnh rộng rất phổ biến trong một thời gian, nhưng việc này đòi hỏi cần đến 3 máy chiếu và một màn chiếu thật lớn mới thực hiện được. Chiếu phim trên màn ảnh rộng rất đắt tiền và cũng rất khó khăn để lắp đặt màn chiếu lớn cho những rạp chiếu phim. Khán giả thì phải xoay đầu từ hướng này sang hướng kia mới xem được những gì diễn ra trên màn ảnh!

Các nhà làm phim vẫn tiếp tục cuộc chiến của họ với truyền hình, nhưng TV cứ ngày càng phổ biến hơn. Tiếp đó, vào 1955, hãng phim RKO đứng trên bờ vực phá sản, họ cần rất nhiều tiền để có thể tiếp tục tồn tại, vì thế họ đã bán những bộ phim của mình cho các hãng truyền hình. Những hãng phim khác cũng làm tương tự như vậy khiến cho phim ảnh càng xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình.

Mặc dù thời vàng son của điện ảnh đã qua đi nhưng những bộ phim vẫn tiếp tục đượx sản xuất và có những thành công khá rực rỡ như loạt phim James Bond From Russia with love (1963), Goldfinger (1964)… loạt phim gia đình với diễn viên chính là Julie Andrews như Mary Poppins (1965), The sound of music (1965)… một số phim những năm 1970 như The godfather (1972), Jaws (1975), Star wars (1977), Superman (1979)… và những năm 1980 thì rất nhiều khán giả trẻ lại đổ xô đi xem E.T. The extra – terrestrial (1982), Ghostbusters (1984), Back to the future (1985) và Batman (1989).

Đến những năm 1990 thì xuất hiện Jurassic Park (1993) của Stephen Spielberg với những hiệu ứng tuyệt vời và cốt truyện thật hấp dẫn. Bạn có thể xem Jurassic Park trên Tv, nhưng dĩ nhiên là những kỹ xảo sống động này sẽ gây cảm giác hơn nếu bạn xem chúng với màn ảnh rộng trong bóng tối của rạp chiếu phim.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply