Viết kịch bản – sân chơi mới của nhà văn

Giữa thời văn chương không tự nuôi nổi mình, nhà văn viết kịch bản được coi là một nghề phong lưu và là con đường để có thu nhập, phát triển thương hiệu cho ngòi bút. Đằng sau mỗi vở diễn, bộ phim, bóng dáng nhà văn vẫn thấp thoáng đâu đó, vừa phong lưu vừa như kẻ ngoại đạo khổ hạnh.

Thị trường kịch bản sân khấu, phim nhựa và nhất là phim truyện truyền hình ngày càng sôi động, xuất hiện thêm nhiều cây bút biên kịch mon men bước sang từ địa hạt văn học. Trong khi các đạo diễn kêu gào vì tình trạng thiếu kịch bản hay, thiếu người viết kịch bản chuyên nghiệp, thì đội ngũ nhà văn viết kịch bản cung ứng cho nhu cầu sản xuất chương trình phim truyền hình, sân khấu và phim nhựa cứ được bổ sung liên tục. Với sự hấp dẫn và phong lưu của nghề, không ít người đã trở thành dân viết chuyên nghiệp. Có thể đọc tên rất nhiều nhà văn tạo nên thương hiệu bởi nghề viết kịch bản. Ngoài Bắc, phải kể đến Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Khắc Phục, Hữu Ước, Triệu Huấn, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ. Trong Nam, khán giả biết đến Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồ, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Trọng Nghĩa.

Viết kịch bản được coi là một nghề để nhà văn nuôi sống mình giữa thời văn học trở thành một cuộc chơi vừa lãng mạn vừa liều lĩnh. Nhiều người bước chân đến địa hạt này với sự say mê, háo hức khám phá mình trong sân chơi lớn. Ở đó họ có thể thấy và chạm vào nhân vật, nghe những phản hồi từ công chúng một cách trực diện, và dĩ nhiên được đảm bảo hơn về chuyện cơm áo. Nhà văn Chu Lai trong vài năm gần đây viết kịch bản rất sung sức. Ông cho biết bí quyết thành công: “Tôi thường tự chuyển thể tác phẩm văn học của mình sang kịch bản sân khấu và phim truyện. Đó là một quá trình tiếp tục tận dụng và sáng tạo. Chỉ cần chuyển thể thành phim là cả nước được xem nó! Tất nhiên, viết được kịch bản để dựng phim, kịch thì cũng đòi hỏi anh nhà văn phải tinh nghề. Nhất là kịch bản sân khấu. Khó lắm. Đây là địa hạt nhiều người hăm hở dấn thân nhưng cũng lắm kẻ sứt đầu mẻ trán, trở về tay không”.

Với sức ngốn kịch bản theo mức chỉ tiêu sản xuất phim truyện của các hãng phim truyền hình, có thể nói, kịch bản hiện nay vừa thiếu lại vừa thừa. Thiếu kịch bản hay và thừa kịch bản tầm tầm. Với lợi thế viết và nhạy cảm trong thẩm định, việc chuyển thể một tác phẩm văn học sang kịch bản phim đối với nhà văn là một lợi thế mà nhiều người biên tập dù chuyên nghiệp cũng khó có được. Tìm tác phẩm văn học hay, có ngôn ngữ điện ảnh để chuyển thể, với cách làm này, Nguyễn Quang Lập đã thành công với Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Khuất Quang Thụy với Đất và người.

Từ năm 1995, Hãng phim TFS được thành lập và đã nhắm ngay đến nguồn kịch bản từ những nhà văn. Trong số đó, đến nay đã có nhiều người viết kịch bản chuyên nghiệp, với sức sản xuất số lượng kịch bản hàng trăm tập phim như Nguyễn Mạnh Tuấn. Cây bút trẻ Thu Phương, có nhiều kịch bản được dựng trên sân khấu và phim truyền hình, cho hay mỗi ngày chị phải viết kịch bản tới gần 12 tiếng. Hiện chị có thể yên tâm sống bằng ngòi bút nhờ cộng tác với các sân khấu, hãng phim.

Hằng năm, các hãng phim, hội sân khấu, điện ảnh thường tổ chức những đợt bồi dưỡng nghiệp vụ và đặt hàng sáng tác kịch bản. Đầu tư, đặt hàng cho nhà văn để khơi nguồn khuyến khích những kịch bản hay. Chế độ ưu đãi và sự sòng phẳng cùng những thu nhập ở môi trường này đã hấp dẫn các nhà văn hơn việc ngồi viết một cuốn sách văn học. Hiện nay, một kịch bản phim truyện được Cục Điện ảnh phê duyệt có thể lên đến 27 triệu đồng. Kịch bản sân khấu khoảng 5-7 triệu. Riêng phim truyền hình có thể lấy mức nhuận bút của TFS: loại A – 10 triệu, B – 8 triệu và C – 6 triệu. Phim truyền hình nhiều tập trung bình 4 triệu đồng/tập.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Nguồn từ Vnexpress


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply