Xu hướng phim 2008: Sự “xâm lăng” của phim thần thoại

Bảy năm về trước, khi đạo diễn Peter Jackson bắt tay vào thực hiện bộ ba phần The Lord of the Rings, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn J.R.R. Tolkien, ông không thể ngờ rằng sau này đứa con cưng của mình đã trở thành một trong những tác phẩm thành công nhất mọi thời đại.

Và ông càng không thể ngờ rằng từ đó, thể loại phim thần thoại chuyển thể từ các tiểu thuyết ăn khách, chuyện cổ tích hay truyền thuyết đã thực sự trỗi dậy, tạo nên một sự xâm lấn đặc biệt…

 

Phim thần thoại xưa nay không được quan tâm bằng các thể loại khác như hành động, giả tưởng, kinh dị. Tuy nhiên, chúng vẫn có chỗ đứng khá vững chắc trong lòng khán giả với những bộ phim xuất sắc như The Wizard of Oz (1939), The Princess Bride (1987), Willow (1988), Hook (1991), hay loạt phim về các nhân vật Barbarian được sản xuất hàng loạt trong thập niên 1980.

 

 

 

Một trong những lý do mà các nhà sản xuất và các hãng phim ít ngó ngàng tới các tác phẩm thần thoại là vì trước kia kỹ xảo vi tính chưa phát triển, rất khó xây dựng được những cảnh hoành tráng như đã được mô tả trong các cuốn tiểu thuyết văn học. Đến cuối thập niên 1990, công nghệ làm phim đã có những bước đại nhảy vọt. Với sự giúp đỡ đắc lực của các phần mềm đồ họa máy tính, ngày nay người ta có thể tạo ra được những kỹ xảo đặc biệt, làm hớp hồn khán giả. Những bùa phép ngợp trời của phù thủy, những hiệp sĩ cưỡi rồng bay lượn trên bầu trời, những chốn thần tiên huyền bí vốn là chất mê hoặc trong chuyện cổ tích giờ đây đều được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh rộng một cách dễ dàng.

 

Đã có nhiều bộ phim thần thoại được sản xuất, nhưng chưa có tác phẩm nào để lại dấu ấn sâu đậm như bộ ba phần The Lord of the Rings. Trong ba năm liên tiếp, hãng New Line Cinema đã thu về tới 17 giải Oscar, riêng phần ba The Return of the King đã thắng tới 13 giải, sánh ngang kỷ lục của Titanic (1997) và Ben Hur (1959), cùng hơn một tỉ USD tiền bán vé chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ. Chính thành công đó đã giúp thể loại phim thần thoại thực sự lên ngôi trong vài năm trở lại đây.

Đầu tiên phải kể đến The Cronicles of Narnia: the Lion, the Witch and the Wardrobe vào năm 2005. Dựa trên tiểu thuyết của nhà văn C.S. Lewis, bộ phim khi ra mắt vào dịp Giáng sinh đã đánh bại King Kong của đạo diễn Peter Jackson trên bảng xếp hạng các bộ phim ăn khách nhất.

Đối tượng mà tiểu thuyết của CS Lewis nhắm đến thuộc lứa tuổi trẻ em, nên khi đưa lên màn ảnh rộng, các nhà làm phim đã cố gắng giữ vững nét hồn nhiên để khán giả nhỏ tuổi cũng có thể thưởng thức. Nội dung hấp dẫn, hình ảnh trong phim đẹp, phần âm nhạc xuất sắc, đã thực sự mang lại cho khán giả một thế giới thần tiên tưởng chỉ có trong mơ. Với doanh thu hơn 290 triệu USD, sự thành công của The Cronicles of Narnia là một cú hích mạnh khiến cho làn sóng phim thần thoại tràn ngập các rạp chiếu phim.

Đa số phim thuộc thể loại này đều nhắm tới đối tượng khán giả là trẻ em và những người hâm mộ cuồng nhiệt các bộ tiểu thuyết văn học, mà Eragon (2006) là ví dụ điển hình. Christopher Paolini viết truyện Eragon khi mới chỉ 15 tuổi, nhưng với trí tưởng tượng phong phú của mình, cậu đã làm cả thế giới phải kinh ngạc. Không bỏ lỡ cơ hội hái ra tiền, Hãng Fox 2000 đã chi ra 100 triệu USD để đưa câu chuyện về cuộc phiêu lưu của cậu bé Eragon và những chú rồng lên màn ảnh rộng. Mặc dù không thành công lắm về mặt tài chính cũng như chất lượng nghệ thuật, nhưng Eragon vẫn đáp ứng được sự chờ đợi của đông đảo người hâm mộ nhờ những màn kỹ xảo lóa mắt cùng những chú rồng khổng lồ khạc ra lửa khủng khiếp.

Năm 2007 có tới bốn bộ phim thần thoại ra mắt công chúng. Mở hàng là Stardust (Ánh sao ma thuật) của đạo diễn Matthew Vaughn, được trình chiếu tại Mỹ vào dịp cuối hè nhằm tránh đụng độ với những “quả bom tấn” khác. Đây là tác phẩm có những nét đặc trưng của thể loại phim phiêu lưu thần thoại. Tuy doanh thu bán vé không như mong đợi nhưng Stardust lại được các nhà phê bình và người hâm mộ đánh giá rất cao. Hầu hết các tạp chí uy tín về điện ảnh trên thế giới đều cho phim này điểm đánh giá từ khá trở lên.

Tiếp theo, vào tháng 11, khán giả trên thế giới được thưởng thức Beowulf (Ác quỷ lộng hành) – một tác phẩm được hoàn toàn xây dựng trên máy vi tính bằng cách ghi chép lại tất cả cử động của diễn viên thật. Dựa trên trường ca cổ của Anh có cùng tên Beowulf, đạo diễn Robert Zemeckis (từng làm Forrest Gump, Back to the Future), đã tạo được một bước tiến dài trong việc làm phim 3D. Quy tụ một dàn sao nổi tiếng như Angelina Jolie, John Malkovich, Anthony Hopkins, Ray Winstone… bộ phim đã khiến hầu hết khán giả đến rạp phải ngạc nhiên vì công nghệ làm phim tuyệt vời. Ít tên tuổi hơn một chút là The Seeker: The Dark is Rising (Quyền lực bóng đêm) của Hãng 20th Century-Fox.

Điểm dễ nhận thấy, và được coi là nét đặc trưng nhất trong thể loại phim thần thoại là chúng đều đưa khán giả đến một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới của phù thủy, của rồng, của các chiến binh, của những vương quốc huyền bí xa xôi, của những cuộc phiêu lưu đầy thử thách, và tất nhiên là cuộc chiến dai dẳng giữa cái tốt và cái xấu. Nổi tiếng nhất trong số những bộ phim thần thoại ra mắt vào dịp cuối năm 2007 là The Golden Compass của Hãng New line Cinema. Với kinh phí làm phim gần gấp đôi so với tập Fellowship of the Ring (180 triệu USD so với 93 triệu USD), các nhà sản xuất phim ở New line Cinema đang hy vọng đây cũng sẽ là bộ ba phần (trilogy) ăn khách nữa. Dựa trên tiểu thuyết Northern Lights của nhà văn Philip Pullman, The Golden Compass mới chỉ là phần đầu tiên.

 

NHỮNG BỘ PHIM THẦN THOẠI SẼ RA MẮT:

1. Hobbit. Dựa theo tiểu thuyết của J.R.R. Tolkien, do Peter Jackson điều hành sản xuất, phim kể về cuộc phiêu lưu của Bilbo Baggins tới kho báu của người Dwarfs tại đỉnh núi Lonely, vốn được canh giữ bởi con rồng Smaug. Đây chính là phần trước của The Lord of the Rings. Dự kiến ra mắt vào năm 2010.

2. The Chronicle of narnia: Prince Caspian. Sau khi kết thúc cuộc hành trình trong phần 1, bốn anh em Peter, Susan, Edmund và Lucy đi qua chiếc rương để trở về nước Anh. Nhờ vào phép thuật của Lucy, một lần nữa họ quay trở lại vùng đất Narnia huyền bí và không ngờ rằng thời gian tại đây đã trôi qua hàng trăm năm. Naria đang bị cai trị bởi tên tướng khát máu Miraz, người chú của hoàng tử Caspian. Dự kiến ra mắt vào tháng 5/2008.

3. Inkheart. Mo Folchart (Brendan Fraiser) là người có khả năng mang những nhân vật từ trong tiểu thuyết ra cuộc sống thực. Một lần, ông đưa ba nhân vật Capricorn, Basta, và Dustfinger từ cuốn tiểu thuyết Inkheart ra ngoài mà không hề biết rằng đã gây ra một tai họa khủng khiếp. Nhiều năm sau, cô bé Meggie, con của Mo, phát hiện ra bí mật này và cô cũng dần biết được nguyên nhân tại sao mẹ cô lại biến mất một cách kỳ lạ. Meggie cùng với Dustfinger và cậu bé Farid lên đường tìm lại cha cô, chống lại thế lực quỷ dữ Capricorn. Inkheart dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Cornelia Funke. Phim sẽ ra mắt vào cuối tháng 3/2008.

4. The Spiderwick Chronicles. “Thế giới của chúng gần hơn bạn tưởng”, lời giới thiệu về bộ phim này đã gây cho khán giả sự rờn rợn và hiếu kỳ muốn ra rạp thưởng thức ngay. Với 500 cảnh quay sử dụng hiệu quả đặc biệt, các nhân vật quan trọng đều được dựng hoàn toàn trên máy tính. Cuộc phiêu lưu kỳ thú của ba anh em nhà Grace sẽ được ra mắt vào tháng 4/2008.

5. WarCraft. Dựa trên một game cực kỳ nổi tiếng trong suốt thập niên qua, WarCraft hứa hẹn sẽ là bộ phim đáp ứng được rất nhiều tầng lớp khán giả, từ những game thủ tầm cỡ cho đến những người chơi bình dân, từ người yêu điện ảnh cho đến những con mọt sách thần thoại. Theo thông tin ban đầu, bối cảnh của phim sẽ diễn ra trước một năm khi cuộc chiến của thế giới WarCraft nổ ra. Phim sẽ ra mắt vào năm 2009.

Theo THẾ PHƯƠNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Ảnh: Poster phim The Chronicle of Narnia: Prince Caspian


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply