Tên thật:
Đặng Nhật Minh
Ngày sinh: 1938-05-11 Nơi sinh: Huế (Việt Nam) Gia đình: Vợ và các con

Đặng Nhật Minh

1. Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh trưởng trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân phụ ông là giáo sư, thầy thuốc nổi tiếng Đặng Văn Ngữ, còn thân mẫu của ông là một phụ nữ xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc của cố đô Huế. Tuổi thơ của Đặng Nhật Minh là những ngày tháng theo cha mẹ trên con đường kháng chiến. Hòa bình lặp lại, ông được cử đi học tiếng Nga để thành phiên dịch, và tình cờ ông được phân công về công tác trong ngành điện ảnh, trở thành một nhà dịch thuật cho những bộ phim Liên Xô tại cty Fafilm VN và sau đó làm phiên dịch tại trường Điện Ảnh Việt Nam. Cũng từ công việc này đã giúp ông tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, cũng như về kiến thức điện ảnh.

2. Những bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh thường là những câu chuyện rất tình cảm, thể hiện cái nhìn đầy thông cảm trước những thân phận con người đầy nhỏ bé. Đặng Nhật Minh hay tìm đến những góc khuất trong tâm hồn, những vết lắng nội tâm, những dằn vặt, nỗi niềm khắc khoải, trắc ẩn của nhân vật với một đời sống tràn đầy. Mà như phản chiếu, mỗi người xem luôn tự nghiệm mình qua hình bóng của những nhân vật ấy. Duyên (Lê Vân đóng) trong Bao giờ cho đến tháng 10, cô giáo Liên (Thu Hiền) trong Trở về, Nhâm (Tạ Ngọc Bảo), chị Ngữ (Thuý Hường), Quyên (Lê Vân) trong Thương nhớ đồng quê hay ông Hoà (Bùi Bài Bình), cô giáo Thuỷ (Lan Hương) trong Mùa ổi là những nhân vật sẽ sống mãi trong ký ức của người yêu nghệ thuật thứ bảy nhờ những vẻ đẹp nội tâm đầy nhân bản và giàu sức sống như thế. Các nhân vật nữ của ông thường đẹp, một vẻ đẹp mặn mà đằm thắm và dung dị, các nhân vật nam thì thường hiền lành và ngơ ngác đến thiệt thòi. Họ đại diện cho một lớp người bình thường trong xã hội và dù xuất thân từ nông thôn hay thành thị vẫn luôn mang và gìn giữ trong mình những ký ức về nơi sinh ra nơi lớn lên, đến quê hương đất tổ. Và dường như, mỗi bộ phim của Đặng Nhật Minh là mỗi lần “trở về” của chính ông.

Những tác phẩm của ông thường do chính ông viết kịch bản, hoặc chuyển thể kịch bản. Có đọc “Thương nhớ đồng quê” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới thấy được phần nào tài năng của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bởi trong phim vẫn giữ được cái “thần” của truyện nguyên tác.

:image3:3. Bảy bộ phim nhựa – tính đến giờ phút này của đạo diễn Đặng Nhật Minh, không nhiều cũng không hẳn là ít, nhưng chúng xứng đáng được xếp vào dòng phim tác giả, vốn có thể đếm trên đầu ngón tay ở VN (như Hồng Sến, Hải Ninh và một vài tên tuổi khác). Thế nhưng, ít ai biết, Đặng Nhật Minh không hề có một bằng cấp chuyên môn nào về điện ảnh. Như một sự tình cờ ông đến với nghệ thuật thứ bảy và trở thành duyên nợ. Từ một người biên dịch những bộ phim Nga nổi tiếng thời đang còn là đỉnh cao, rồi sau đó là phiên dịch cho các lớp giảng dạy của những nghệ sĩ điện ảnh Nga cho các học viên VN, điện ảnh từ lúc nào đã tạo một ma lực cuốn hút Đặng Nhật Minh. Đấy có thể nói là một bước ngoặt lớn đầy bất ngờ trong đời ông. Vì trước đó, ông đã dự định nối nghiệp bố – GS, BS Đặng Văn Ngữ. Vị bác sĩ nổi tiếng này đã xem bộ phim tài liệu đầu tiên và duy nhất của đứa con trai ông và hoàn toàn ủng hộ con đường mà con ông đã chọn. Dù không theo nghiệp người cha, nhưng đạo diễn Đặng Nhật Minh đã không hổ thẹn với vong hồn của cha mình, như ông nói – “Dẫu sao giữa nghề bác sĩ và nghề đạo diễn có một đặc điểm chung: đó là mối quan tâm đến con người, lòng mong muốn làm giảm nổi đau của con người”.

Và ông làm được điều đó, với điện ảnh.

4. Là người không thích nói về mình và có một đời sống riêng tư khá kín tiếng, ông vừa là người quen – với công chúng qua những bộ phim, vừa lạ – với những ai muốn biết con người đời thường của ông. Chỉ còn cách hiểu ông qua người khác. Với những cộng sự của Đặng Nhật Minh, dù là diễn viên hay quay phim, họa sỹ, phó đạo diễn… khi nói về ông, đều bày tỏ một thái độ – sự kính phục một con người nghệ sĩ mẫu mực và tài hoa. Bùi Bài Bình, người hóa thân trọn vẹn nhân vật ông Hoà hâm trong Mùa ổi vốn hiền lành, giản dị cũng không thể không cảm thán: “Ông ấy kỹ tính khủng khiếp!”. Trong phim Mùa ổi, nhân vật ông Hoà vốn làm nghề người mẫu vẽ – một nguyên mẫu có thật ngoài đời mà ít ai biết chính là người anh rể của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Trước khi quay, đạo diễn yêu cầu Bùi Bài Bình phải đến trường Mỹ thuật ngồi làm mẫu cả tháng trời, chỉ để tập cho đúng dáng ngồi của nhân vật. Sau này Bình mới biết thêm và thầm cám ơn ông, công việc ấy đã giúp Bình thu thập thêm những câu chuyện đời thường rất thú vị xung quanh nhân vật nguyên mẫu. Khi lồng tiếng cho phim, có một câu chỉ có hai chữ do chính Bình thể hiện, anh phải đánh vật suốt 4, 5 giờ liền vì không đạt yêu cầu của đạo diễn. Một câu nói của ông Hoà khi ông đánh mất hoàn toàn trí nhớ, dù là ký ức trẻ thơ, theo yêu cầu của Đặng Nhật Minh là phải “nghe như thoát lên từ một nơi nào đó ở dưới đất”!!! Sự kỹ tính khủng khiếp đó của Đặng Nhật Minh giúp Bùi Bài Bình có được một vai diễn có thể mãn nguyện cả đời làm nghề, cũng như Minh Châu đã từng mãn nguyện với Nguyệt trong Cô gái trên sông, Lê Vân với Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười…

Quả thật Đặng Nhật Minh có một “biệt tài” trong việc phát hiện và tìm ra diễn viên cho nhân vật của mình. Nữ đạo diễn Nhuệ Giang, cũng là một người có “biệt tài” này có lẽ là nhờ cộng tác với ông trong 4 bộ phim liền. Giữa họ có một mối giao cảm lạ lùng cộng với sự mạo hiểm để đưa những gương mặt chưa một lần đứng trước ống kính như Tạ Ngọc Bảo, Thuý Hường vào những vai diễn đầy nội tâm trong.

Nữ diễn viên trẻ Phạm Thu Thuỷ cũng có một may mắn như thế với vai Loan trong Mùa ổi. Một vai diễn không nặng nhưng xuyên suốt phim và là một “điểm sáng” trên cái nền u tối và buồn bã của Mùa ổi. Cô gái này đã trốn cơ quan cả tháng trời để theo đoàn làm phim, thậm chí sẵn sàng bỏ việc trước cơ hội được làm việc với người đạo diễn mà cô đã ngưỡng mộ từ lâu.

Quay phim trẻ Vũ Đức Tùng, đoạt giải quay phim xuất sắc tại LHP VN lần thứ 13 với Mùa ổi thì bộc bạch “Dường như người nào có cơ hội cộng tác với Đặng Nhật Minh cũng đều… phát sáng. Không chỉ là diễn viên chuyên hay không chuyên, mà quay phim, họa sĩ, nhạc sĩ… cũng được thơm lây.” Trước Vũ Đức Tùng cũng đã có hai quay phim đã từng đăng quang là Nguyễn Hữu Tuấn (với Thương nhớ đồng quê) và Vũ Quốc Tuấn (với Hà Nội mùa đông 1946). Được mời quay Mùa ổi, cảm giác đầu tiên của Tùng là bất ngờ, sau đó mới… dám sung sướng và cuối cùng là lo lắng và hồi hộp. Nhưng khi được gặp và làm việc với ông đạo diễn khó tính này – như nhiều người nói ,thì anh thấy tự tin hẳn lên. Bởi ngoài sự kỹ tính, điều anh nhận thấy trong quá trình cộng tác là ông rất biết tôn trọng và lắng nghe người khác. Những ý kiến đóng góp của cộng sự, ông đều nghe chăm chú. Thậm chí, như Tùng kể, dù bất đồng ý kiến, ông không bác bỏ họ mà đáp ứng yêu cầu bằng cách cho quay 2 đúp. Một theo ý kiến của ông và một theo ý kiến của người đó. Sau đó trên bàn dựng monitor, cái nào thuyết phục ông sẽ chọn lựa. “Quả thực tôi đã lớn lên rất nhiều về nghề sau thời gian làm việc với ông!” – thêm một câu cảm thán của quay phim trẻ Vũ Đức Tùng về ông đạo diễn “khó tính khủng khiếp” này.

ANHTHUPV & CHUOTKHONGDUOI tổng hợp

Comments

Leave a Reply