Tên thật:
Phạm Thị Hồng Ánh
Ngày sinh: 1977-05-16 Nơi sinh: Trà Vinh Gia đình: Bố mẹ và em trai

Hồng Ánh

Từ múa sang điện ảnh

Hồng Ánh sinh năm 1977 tại Trà Vinh. Xuất thân là 1 diễn viên múa, chị học múa từ khi 14 tuổi. Khi ra trường chị tham gia nhiều chương trình ca múa trên sân khấu và truyền hình.

Năm 1995, Hồng Ánh tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của TPHCM và giành được giải Người đẹp duyên dáng nhất . Giải thưởng này đã tạo cho Hồng Ánh cơ may đến với vai diễn đầu tiên_ vai Bạch Vân trong bộ phim truyền hình nhiều tập Người đẹp Tây Đô của đạo diễn Lê Cung Bắc.

:image1:Tuy diễn cạnh nhiều diễn viên tên tuổi nhưng Hồng Ánh gây được ấn tượng khá tốt và chị được đánh giá là rất có triển vọng trong điện ảnh. Chính vì thế đạo diễn Mỹ Hà đã mời Hồng Ánh vào vai Hải Nguyệt trong bộ phim cùng tên của anh. Vai diễn này giúp Hồng Ánh nhận được giải A của Hội Điện Ảnh năm 1998. Sau đó, đạo diễn Đào Bá Sơn đã không ngần ngại khi giao cho Hồng Ánh vai chính trong phim Cầu thang tối và phim này cũng nhận được giải A của Hội Điện Ảnh.

Sự nghiệp của Hồng Ánh thật sự thăng hoa khi chị nhận được giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn trong phim Đời cát tại Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 45 tại Hà Nội khi Hồng Ánh chỉ mới 23 tuổi. Ngoài ra Hồng Ánh còn nhận được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho 2 vai trong phim Đời cátThung lũng hoang vắng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 tổ chức tại Vinh (Nghệ An).

Tuy thành công trên con đường nghệ thuật thứ 7 nhưng Hồng Ánh lúc nào cũng tâm niệm: Con đường nghệ thuật thăm thẳm dài, cứ tưởng mình chạm đến nhưng chưa đâu. Tất cả còn ở phía trước.

Cô gái đa năng

:image2:Từ sàn múa bước sang truyền hình và điện ảnh, dường như điều đó vẫn chưa đủ với Hồng Ánh. Cô gái có lúm đồng tiền thật duyên dáng này còn muốn thử sức mình trong nhiều lĩnh vực khác như thời trang, kịch nói, dẫn chương trình.

Trên sân khấu kịch, tuy chưa thật xuất sắc nhưng Hồng Ánh cũng đã có nhiều vai diễn đáng nhớ trong các vở Nhân danh công lý, Hãy yêu nhau đi….

Mỗi buổi sáng chủ nhật, khán giả truyền hình lại gặp được Hồng Ánh duyên dáng trong tà áo dài với câu chào quen thuộc: Xin chào quý vị khán giả truyền hình, chương trình Tạp chí Văn nghệ hôm nay gồm những tiết mục…. Cô còn là MC cho nhiều chương trình ca nhạc lớn của TP.HCM. Với Hồng Ánh, đây là một công việc đầy thú vị mà cô vẫn muốn được tiếp tục thử sức.

Hiện nay, đan xen với thời gian có mặt tại phim trường, Hồng Ánh còn cặm cụi cắp sách theo học khoa Biên kịch của ĐH Sân khấu điện ảnh để tiếp tục nâng cao trình độ. Cô cũng từng thử qua vai trò một Thư ký trường quay bên cạnh đạo diễn Song Chi trong phim truyền hình 2 tập Phố Hoài. Với cô, niềm hạnh phúc lớn nhất là được gắn bó với điện ảnh-sân khấu, dù ở bất cứ vai trò gì.

Hồng Ánh và vai diễn mới

Hai vai diễn mới nhất của Hồng Ánh là Kiều Nguyệt Nga trong phim truyền hình Lục Vân Tiên và cô ý tá Quỳ trong phim điện ảnh Người đàn bà mộng du. Sau đây là tâm sự của Hồng Ánh về 2 vai diễn này.

Kiều Nguyệt Nga

:image3:@ Được biết Hồng Ánh vừa nhận lời mời vào vai Kiều Nguyệt Nga thay cho diễn viên trước. Về mặt tình cảm của người diễn viên phải thế vai, chị thấy thế nào?

– Những trục trặc của bộ phim là sự cố ngoài ý muốn, nhưng mặc dù Hà Kiều Anh, Hồng Ánh, hay bất cứ diễn viên nào khác đóng vai Kiều Nguyệt Nga thì khi phim trình chiếu, sự đánh giá thành công của diễn viên vẫn là ở phía khán giả. Theo Hồng Ánh, khi Ánh hay Hà Kiều Anh nhận vai này ai cũng dành cho nhân vật một tình cảm hết sức đặc biệt, bởi câu chuyện cùng với hình ảnh Kiều Nguyệt Nga đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam, nhất là người dân Nam bộ. Vì thế mà Ánh rất tự tin và không bị bất kỳ một áp lực nào về mặt tình cảm, nếu mà mình đặt nặng: đây chỉ là một vai diễn thế thì mình sẽ khó lột tả được hết thần thái của nhân vật.

@ Nhận vai Kiều Nguyệt Nga hơi “gấp rút”, vậy Hồng Ánh tiếp nhận nội dung kịch bản đến đâu rồi, đặc biệt là tình cảm cũng như đời sống của nhận vật?

– Từ khi bắt đầu có lời ngỏ ý, anh Đỗ Phú Hải đã đưa kịch bản cho Hồng Ánh. Tuy hơi nhanh, nhưng Ánh đọc liền và trao đổi với anh Hải những điều chưa cảm nhận rõ. Bên cạnh đó, Ánh cũng tìm đọc lại tác phẩm “Lục Vân Tiên” để hiểu rõ thêm kịch bản và nhân vật mà mình đảm nhận. Còn để lột tả được tình cảm và đời sống của nhân vật, thì theo Ánh, đối với bất kỳ một vai diễn nào, mình phải biết hóa thân vào nhân vật từ dáng vẻ bề ngoài cho tới tâm thức, phải biết sống với nhân vật ấy thì mới có thể hoàn thành tốt được. Ánh không mơ rằng mình sẽ làm tốt hơn mà cố gắng làm sao giữ được tinh thần nhân vật mà cụ Đồ Chiểu muốn gửi gắm, và nhất là nuôi nấng những tình cảm, suy nghĩ của người xưa về nhân vật Kiều Nguyệt Nga.

@ Từ sự tiếp nhận tác phẩm bình thường như mọi người, đến đảm nhận một vai chính của tác phẩm, sự thay đổi nhận thức trong chị như thế nào?

– Từ khi còn nhỏ, qua câu chuyện kể, những khúc ngâm của bà ngoại, Hồng Ánh đã rất mê truyện “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu. Sau này được học ở trường phổ thông, câu chuyện này càng làm Ánh say mê. Hình ảnh Kiều Nguyệt Nga để lại rất nhiều ấn tượng, trong suy nghĩ của Ánh, đó là một cô tiên hiền dịu, đoan trang, tiết hạnh và yếu đuối, nhưng nhìn chung đó là một phụ nữ sống đẹp và có tình nghĩa. Đây là nhân vật được nhiều người thương, nhất là mấy bà, mấy cô dưới quê, bởi đó là mẫu mực của thiếu nữ ngày xưa với đầy đủ “công, dung, ngôn, hạnh”. Mê nhân vật là vậy, nhưng Ánh không hề nghĩ rằng có ngày nào đó mình sẽ được vào vai này nên hơi bất ngờ khi nhận được lời mời. Lúc này, mình không còn là người đứng ngoài để cảm nhân vật nữa mà, phải bước vào câu chuyện và là người trong cuộc, cùng vui, cùng buồn với nhân vật. Có một điều may mắn: Ánh vừa là một khán giả mến mộ Kiều Nguyệt Nga, lại vừa là một khán giả thể hiện chính nhân vật ấy, nên Ánh nghĩ mình sẽ nâng nhân vật lên ở một tầm cao hơn. Có trách nhiệm thể hiện được những điều mà mình ngưỡng mộ nhân vật.

Ngày trước, xem xong tác phẩm thì mình nhận xét “Kiều Nguyệt Nga được mặt này và còn phải khắc phục ở mặt kia”, nhưng bây giờ đã vào vai thì sẽ phải làm sao cho chính nhân vật mình đóng sẽ thuyết phục mình, để mình thêm hiểu, thêm yêu Kiều Nguyệt Nga. Trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” cũng như những tuồng cải lương, hình ảnh Kiều Nguyệt Nga đầy bất hạnh, dường như trên khuôn mặt xinh đẹp ấy luôn phảng phất nỗi buồn, luôn chực chờ những giọt nước mắt. Nhưng theo Ánh, nếu đã đảm nhận vai này, Ánh sẽ không để cho nhân vật của mình quá bi, phải rơi nhiều lệ đến như vậy khiến cho khán giả thấy quá nặng nề. Cái khó ở chỗ là làm sao để cho khán giả chấp nhận bởi hình ảnh Kiều Nguyệt Nga đã đi vào tâm thức của rất nhiều khán giả.

@ Kiều Nguyệt Nga là một thiếu nữ thời xưa, còn Hồng Ánh là một người phụ nữ hiện đại, cách nhau rất nhiều thế kỷ, vậy có khó khăn gì khi chị nhập vai?

– Trước đây, Hồng Ánh đã từng vào vai một thiếu nữ xưa, đó là vai Bạch Vân trong “Người đẹp Tây Đô”. Tuy là vai xưa, nhưng so với bây giờ thì thời gian có gần hơn với thời của Kiều Nguyệt Nga nên cũng dễ dàng hơn. Có một điều mà Hồng Ánh thấy ngại là không biết ngoại hình của mình có phù hợp lắm hay không. Theo Ánh hình dung thì thiếu nữ ngày xưa là người mảnh mai, yếu đuối, thanh thoát, ăn nói chậm rãi, không được vừa nói vừa cười, đi đứng nhẹ nhàng, mắt không liếc ngang, liếc dọc mà phải cúi mắt e lệ… Còn Ánh ngoài đời thì có vẻ… hơi hiện đại, năng động: đi nhanh, nói nhanh. Vì thế, ngoài việc “nhịn ăn”, cố gắng làm sao cho gầy đi một chút, mình phải học lại tất cả: từ cách ăn nói, đi đứng, cách chào hỏi, nói năng. Những chi tiết này, Ánh rất chú ý học hỏi, và được anh Phú Hải cho biết sẽ có người chỉ thêm cho Ánh khi ra phim trường. Rồi đến cách cảm nhận của người xưa trong những tình huống xảy ra, ví dụ như nếu đặt mình vào một trường hợp cụ thể thì mình có xử lý như nhân vật ấy không. Vì sống ở hai thời kỳ khác nhau nên chắc chắn những suy nghĩ và hành động cũng khác nhau, nên ánh phải “dẹp hết” con người của Hồng Ánh hiện tại để vào vai, vì lúc này mình là Kiều Nguyệt Nga mà! Không chỉ từ lời nói, động tác phải học lại mà Ánh còn phải học đánh đàn tranh, vì Kiều Nguyệt Nga là một người đàn rất giỏi.

Quỳ trong Người đàn bà mộng du

@ Nhận vai Quỳ, Hồng Ánh có thấy trước mặt mình là một độ dốc? Sức mạnh và lòng tin nào để Hồng Ánh dấn thân vào cuộc chơi?

:image4:- Quả thật khi đọc kịch bản Hồng Ánh cũng rất hoang mang. Cả 4 cuộc tình trong cuộc đời của nhân vật Quỳ đều rất phức tạp, có lẽ gần gũi với Hồng Ánh hơn cả là mối tình đầu với Hòa. Còn tình yêu đơn phương của Hậu, người chiến sĩ cùng một mặt trận với Quỳ, thì mãi sau khi Hậu chết, Quỳ mới biết. Trong khi đó vẫn có một tình yêu âm thầm, lặng lẽ của người bác sĩ quân y. Cuối cùng là Phiên, bạn của Hòa – một tù nhân. Đọc kịch bản, trao đổi với đạo diễn, nhưng vẫn cứ thấy mình như đang mộng du trong một đường ống đen ngòm, bước thật chậm rãi, đi trong ảo giác, hai mắt đăm đăm cố tìm nơi xa xăm nào đó một tia sáng. Đã có những giây phút sống trong thân phận của Quỳ, xót xa với những nỗi đau của Quỳ, Hồng Ánh đã ứa nước mắt. Hồng Ánh tìm đến cô Trà Giang và được tiếp thêm sức mạnh, coi đó là một vai thực sự thử thách tài năng của người diễn viên.

@ Người diễn viên khi thiếu vốn sống thường bù đắp bằng cách thâm nhập, thử thách trong cuộc sống thực tế, nhưng có những cái không thử được, ví dụ như tình yêu chẳng hạn. Hồng Ánh phải làm thế nào?

– Đấy là nỗi sợ hãi của người diễn viên trước những bí ẩn của cuộc đời. Hồng Ánh thấy lúng túng thực sự. Để vượt lên sự sợ hãi ấy chỉ còn lòng tin, sự đam mê và quan sát cuộc sống hàng ngày thật kỹ. Những điều mình chưa trải nghiệm thì cũng có thể tìm thấy trong văn học, trên phim, và một mặt nào đó cả chính cuộc đời mình. Những điều không thể biết về chiến tranh Hồng Ánh phải tìm đến ba, má. Tìm hiểu về trạng thái mộng du của con người, Ánh phải hỏi các bác sĩ…

:image5:@ Còn những cảnh yêu đương cháy bỏng với Hoà, trước cái chết của một tình yêu đơn phương của Hậu; lời cầu xin của bác sĩ Thương trước giờ ra trận và lời ”di chúc tình yêu” của Hoà đối với Phiên – người bạn tù của mình?

– 3 cuộc tình sau thì hãy đợi trên màn ảnh, nói hết sợ không ai đi xem nữa. Hồng Ánh chỉ xin nói một chút cảm nghĩ của mình về mối tình với Hòa. Đó là mối tình đầu của người người. Trên mảnh đất bom đạn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, cái sống, cái chết có thể đến lúc nào không biết, sự khát khao tình yêu, cuộc sống như được nhân lên nhiều lần. Trong lần gặp cuối cùng trước khi Hòa vào một trận đánh ác liệt, hai người đã đi đến tận cùng của tình yêu. Trong khoảng khắc thiêng liêng ấy họ không nỡ từ chối nhau một điều gì, vì tình yêu của họ quá thanh khiết và cao cả. Lâu nay cũng có người nghĩ rằng, những cảnh âu yếm trai gái trên phim có thật cần thiết không? Hồng Ánh cũng đã từng đặt câu hỏi ấy cho mình trước khi đóng những cảnh yêu đương trong Thung lũng hoang vắng, nhưng đã bị ”đánh gục” trước tính cách mạnh mẽ của nữ đạo diễn Nhuệ Giang. Chị nói: ”Người con gái trước một tình yêu chân thật có thể dâng hiến tất cả cho người mình yêu. Tình yêu nghệ thuật đối với người diễn viên cũng vậy thôi. Nhưng phải là tình yêu đích thực và trong sáng…’

@ Có sự khác nhau giữa các cuộc tình trên màn ảnh và trong đời thường của Hồng Ánh hay không?

– Tình yêu ngoài đời và trong nghệ thuật đều là những ngọn lửa, khác nhau ở chỗ tình yêu trong cuộc đời là tình yêu của mình, gắn bó hạnh phúc với mình suốt đời; còn tình yêu trong nghệ thuật là tình yêu của nhân vật, và chỉ diễn ra trong tác phẩm mà thôi. Tuy thế cũng không ít trường hợp người diễn viên phải trả giá cho tình yêu nghệ thuật của mình, nếu không muốn nói là tan vỡ. Không có gì buồn hơn, trong khi khán giả tin yêu mình, thì người yêu lại không tin mình. Đấy là những nỗi buồn sau màn ảnh không thể bù đắp.

Tổng hợp bởi BEBI & CHUOTKHONGDUOI

Comments

Leave a Reply