Tên thật:
Im Kwon Taek
Ngày sinh: 1936-05-02 Nơi sinh: Changsong, Cheollanam Gia đình: ko rõ

Im Kwon Taek

Sinh ở Changsong, Cheollanam-do ngày 2/5/1936, Im Kwon Taek lớn lên tại thành phố Kwangju phía nam, nơi ông hoàn tất bậc trung học. Gia đình ông cũng trải qua nhiều gian khổ và mất mát trong cuộc chiến Triều Tiên. Đến Pusan tìm việc, Im làm công nhân trước khi mở doanh nghiệp tái chế giày “bốt” của lính Mỹ thành giày thông dụng bán ngoài thị trường. Năm 1956 ông đến Seoul và được đạo diễn Chung Chang Hwa giao cho công việc trợ lý sản xuất. 5 năm sau đó, Chung tiến cử Im làm đạo diễn. Do xuất thân từ một gia đình cánh tả, không dễ kiếm việc làm ở Hàn Quốc nên những ngày làm việc với Chung được xem như cơ hội để tồn tại, để có cái ăn, chứ ông không hề mơ sẽ có ngày trở thành đạo diễn tên tuổi. Tuy nhiên Im vẫn thu thập được nhiều kiến thức điện ảnh từ các bộ phim hành động của Chung và sử dụng chúng cho bộ phim đầu tay Farewell to the Duman River (1962). Từ đó Im cho ra đời hơn 100 bộ phim trong đó có không ít phim được xếp hạng cao trong lịch sử điện ảnh HQ. Ông phát triển một quan điểm nhân đạo sâu sắc trong những phim mình làm. Phim của Im cũng nổi tiếng về miêu tả tâm lý, các nghi lễ, niềm tin và phong cảnh đậm chất Triều Tiên. Nhiều phim qua ở tỉnh Cholla quê hương, một trong những tình vẫn còn được xem làn “tỉnh lẻ” nhất HQ, nơi các truyền thống vẫn còn nguyên vẹn.

Hai đạo diễn phim được chú ý ở HQ là Im Kwon Taek và Lee Tu Yong. Lost Face Veil, phim đầu tay của Lee xuất xưởng năm 1970. Hai người đi chung lộ trình: chỉ quay sang các đề tài nghiêm túc khi đã hơi có khách. Còn trước đó Im làm phim để kiếm sống, chủ yếu là phim hành động và tình cảm xã hội. Đến năm 1973, Im mới chứng minh được với khán giả là mình cũng có thể làm phim nghiêm túc bằng bộ phim The Deserted Widow. Phim đầu tay có chất nghệ thuật cao của Lee là Crass Tombs (1977). Năm 1991, trong cuộc phỏng vấn dành cho nhà phê bình phim Nhật Tadao Sato, Im giải thích lý do việc chuyển đổi từ cách làm phim thương mại sang phim nghệ thuật của ông như sau: “Gia đình tôi kiếm sống khó khăn nên tôi không có giấc mơ hay tham vọng gì. Tôi làm việc như con ong chăm chỉ để kiếm bánh mì với hơn 50 phim loại mì ăn liền cho đến cuối những năm 1960. Cha tôi là đảng viên cộng sản. Gia đình tôi rất nghèo và thuở nhỏ tôi sống thiếu tình thương của cha. Nhưng càng trưởng thành, tôi càng cảm thấy là nên ra khỏi cái bóng của ông và tự hỏi tại sao tôi lại làm các bộ phim rác rưởi này. Lúc đó trong tôi bắt đầu một tư duy mới”

Sau The Deserted Widow khởi đầu lộ trình mới, đạo diễn Im hơn 40 phim trong đó có các bộ phim được xếp vào danh sách các thành tựu lớn của điện ảnh HQ như The Daughter of the Flames (1983), Gilsottum (1985), Ticket (1986), Diary of King Yonsan (1987), Adada (1988), Aje Aje Bara Aje (1989), The General’s Son II (1991) và Fly High, Run Far : Kay Byol (1991).

Mỗi bộ phim do Im đạo diễn, đến năm 1983 đều thể hiện kỹ năng thay đổi cảnh thuộc loại bậc thầy không có đối thủ của ông. Người ta thường xem Im là nhà nhân bản vĩ đại. Ông luôn tìm cách cứu rỗi con người. “Tất cả các phim tôi làm từ 1962-1973, thời kỳ “mì ăn liền” đều có kết thúc hạnh phúc. Bất kể vai chính chết hay sống họ đều được cứu rỗi về mặt tinh thần, về phần hồn. Phim của tôi không bao giờ để cho các nhân vật sống trong tình trạng bi kịch lúc kết thúc” – Im nói.

Im làm phim dựa vào nhiều chủ đề. Nào là nạn nhân của các cuộc tranh chấp ý thức hệ trong bộ phim Hidden Hero, nào là tham vọng và sự tuyệt vọng của tuổi trẻ hôm nay trong Again Tomorrow. Rồi đến niềm vui và nỗi thống khổ của con người trong Mandala, các quan hệ tình dục và thân xác trong Misty Village, tình yêu và thực tế trong tầng lớp hạ lưu trong Ticket. Sự ham thích con trai và sự chống đối lại truyền thống này của một phụ nữ trong Surrogate Mother, sự ly tán gia đình và “chủ nghĩa cái tôi” trong Gilsottum, nỗi khát khao làm mẹ và bi kịch con người trong Diary of King Yonsan, sự cứu rỗi nhân loại trong Aje Aje Bara Aje, câu chuyện thành công của một người bị cha mình (một lãnh tụ phong trào giành độc lập) bỏ rơi trong The General’s Son.

Mỗi phim của Im đều có một nhân vật đóng vai kẻ quan sát. Ví dụ một quan chức Nhật trong The Genealogy, một phóng viên trong Hidden Hero, một nhà sư phật giáo tên Pop Woon trong Mandala, một nữ giáo viên trong The Misty Village, mẹ của “nữ anh hùng” trong Surrogate Mother…..Nhưng trong phim của Im, những người quan sát chỉ là kẻ đứng bên lề dù đôi khi họ có vai trò quan trọng trong diễn tiến câu chuyện và có tính nhân bản hơn cả nhân vật chính.

Đa số phim của Im không khó hiểu nhưng các chủ đề có lúc khá mơ hồ, thiếu cái tình tiết của một câu chuyện kể và nối kết các chuỗi sự kiện, nhất là trong các bộ phim đầu tiên. Dần dần Im đã chiến thắng chính mình và khẳng định được cương vị đạo diễn hàng đầu của HQ. Ông cũng chú trọng đến các vấn đề phụ nữ hơn và phụ nữ đã có chỗ đứng (vai chính) trong một số phim của ông. Im từng nói với Sato: “Một số phim của tôi thể hiện nỗi căm phẫn của tôi trước tệ phân biệt và trấn áp phụ nữ trong lịch sử HQ. Tôi muốn dùng phim ảnh để chuyển tải cách đối xử nhân bản với phụ nữ.” Quan điểm của Im về các vấn đề phụ nữ được nhấn mạnh trong ba bộ phim Surrogate Mother, Adada và Aje Aje Bara Aje. Phim của ông nhắc lại nỗi thống khổ của phụ nữ Triều Tiên trong chiều đại Choson và cả trong xã hội đương đại.

Im không chỉ phát triển cách đạo diễn mới qua các bộ phim như Surrogate Mother và Diary of King Yonsan mà ông còn giới thiệu phương cách độc đáo về sử dụng thời gian và không gian trong điện ảnh. Kết hợp với kỹ thuật quay phim ông tạo ra những cảnh quay rất ấn tượng.

Im có ba bộ phim tiểu sử: Diary of King Yosan, The Son of the General và Kae Byok. Mỗi nhà làm phim có cách giải thích riêng một câu chuyện thật tiểu sử nhân vật vì vậy cho dù cũng nói về một con người hay một biến cố lịch sử, mỗi đạo diễn lại làm mỗi khác. Nói rõ hơn là đạo diễn phát hoạ lịch sử theo quan điểm của riêng mình. Trong Diary of King Yosan, Im nhấn mạnh đến sự thay đổi tâm lý của nhà vua thay vì mô tả kỹ những biến cố lịch sử của triều đại Choson.

Ngoài việc biết cách chuyển từ một đạo diễn phim giải trí sang đạo diễn phim nghệ thuật, Im còn có khả năng biến các diễn viên của mình thành ngôi sao. Phim Adada đã giúp Shin Hye Soo đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại festival phim Montreal 1988. Còn Kang Soo Yeon đoạt giải tại festival phim Venice và Matxcova là nhờ hai phim Surrogate Mother và Aje Aje Bara Aje của Im. Bộ phim trước được nước ngoài khen ngợi nhưng không được các nhà phê bình và khán giả trong nước ưa thích. Một số người còn xem sự thành công của Surrogate Mother ở Mỹ là do vào thời điểm chiếu phim có xảy ra scandal về mang thai hộ ở đây. The Eternol Flow cũng bị khán giả HQ lờ đi dù nó được xem là bộ phim lớn ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành Aje Aje Bara Aje, Im trải qua một thời gian đắn đo. Ông muốn thoát ra ngoài khuôn khổ kịch bản của Song Kil Han (viết kịch bản các phim Mandala, Ticket, The Genealogy và Gilsottum) nhưng không thành công vì nhà biên kịch Kim Yong Ok chỉ làm cho vấn đề tệ hơn (dù ông này có đưa thêm chất trí tuệ vào phim). Sự hợp tác giữa Im và hai nhà quay phim Jun Il Song (phim Mandala, Kae Byok) và Ku Chung Mo (phim Surrogate Mother và Diary of King Yosan) tốt đẹp hơn nhiều. Họ không chỉ giúp Im phát triển phong cách đạo diễn riêng mà còn tạo được phong cách quay phim mới của họ.

Im chưa từng viết kịch bản phim cho mình dù ông có đóng góp vào nội dung bộ phim Gilsottum. Ticket là bộ phim ông dùng để “câu khách” vào thời điểm tiền tài trợ làm phim đã hết nhưng may mắn là thành công của Surrogate Mother trên thị trường quốc tế đã giúp kéo khán giả HQ đến với các bộ phim nghệ thuật của Im. Ông không còn phải lo lắng có ngày sẽ phải quay trở về với loại phim thương mại. Trong thập niên 1990, Im chỉ cho ra đời một phim mỗi năm. Hợp tác với Lee Tae Won , nhà sản xuất phim hàng đầu HQ, ông cho ra đời 8 phim vào thời điểm này, kể cả The General’s Son III, sản phẩm đầu tiên Im và Lee đồng sản xuất. Đổ tiền bạc và công sức vào việc sản xuất các bộ phim HQ, Lee tiếp tục hỗ trợ Im. Năm 1993, bộ phim Sopyonje của Im dựa theo cuốn truyện của Lee Chong Jun đã thu hút 1,16 triệu người đến các rạp hát, biến bộ phim này thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh HQ. Nhưng bộ phim The Taeback Mountains công chiếu năm 1994 bị xem là thất bại. Năm 1995, Im lại cho ra đời một bộ phim khác dựa theo tiểu thuyết của Lee Chong Jun và phim cũng thành công (The Festival nói về một nhà văn tổ chức tang lễ như ngày hội trước sự chứng kiến của một phóng viên nữ. Sau đó là Bownfall nói về một nhà thổ và thân phận một gái điếm, bộ phim bị chê nhiều hơn khen.

Hơn 60 tuổi, Im vẫn là một trong những đạo diễn lớn của HQ. Trong cuộc thăm dò của tờ Chosun Daily, báo ngày lớn nhất và lâu đời nhất tại HQ, ông được xem là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong kỹ nghệ điện ảnh HQ. Có 3 bộ phim của ông – Mandala, Sopyonje và Gilsottum được chọn vào danh sách top 10 các phim hay nhất HQ của mọi thời đại. Năm 1987, một cuốn sách viết về ông có tên : “A Study on Korean Cinema : Im Kwon Taek” do Jung Song Il biên soạn được xuất bản. Sách có một bài phỏng vấn ông và các bài viết của các nhà phê bình và học giả trẻ. Bài viết có tựa đề Im Kwon Teak : nhà làm phim và nhà nhân bản do Yu Jin Na viết được dịch sang tiếng Anh và in trong cuốn sách mỏng giới thiệu festival phim Munich 6/1990.

(tổng hợp từ nhiều nguồn).

Comments

Leave a Reply